NGUYỄN TƯỜNG THỤY
Tình hình dân phản đối lấy đất trường học làm dự án ở Ninh Hiệp (Gia Lâm Hà Nội) đang diễn ra căng thẳng. Xin xem lại bài Học sinh Ninh Hiệp (Gia Lâm, Hà Nội) phản đối lấy đất trường học xây chợ và nhiều bài viết khác xung quanh dự án này, được đăng ở các trang mạng và báo chí của nhà nước. Nhiều bài báo đã đưa tin rất sớm về vụ việc này ngay từ đầu năm 2014.
Ngày 23/12/2015, các cháu học sinh tràn vào làm chủ ủy ban xã Ninh Hiệp. Hiện nay, các trường ở Ninh Hiệp chỉ có từ vài phần trăm đến dưới 50% các em đến lớp.
Đa phần, thông tin về vụ việc này ở Ninh Hiệp, một số tờ báo nếu không phản đối dự án, nghiêng về phía tiểu thương thì cũng phản ánh khách quan như Dân trí, Lao động, vnexpress, phunutoday, Tin tức....
Tuy nhiên, sau sự việc học sinh tràn vào chiếm trụ sở ủy ban ngày 22/12/2015, báo Thanh niên đã cho đăng bài “Dùng tiền dụ học sinh nghỉ học phản đối xây trung tâm thương mại” ký tên “cụm tác giả" Tuệ Nguyễn - Anh Đan - Hải Long.
Bài báo đưa tin: Ông Hoàng Anh Tú, Chánh văn phòng UBND H.Gia Lâm cho biết: “Có nhận được thông tin mỗi học sinh tham gia tập trung phản đối xây trung tâm thương mại được các đối tượng lôi kéo xúi giục cho 50.000 đồng/buổi, 100.000 đồng/ngày, cá biệt có khi là 200.000 - 300.000 đồng/ngày”.
Bài viết đã gây bức xúc trong dư luận.
Nguyễn Thiện Nhân, Hội Nhà báo độc lập Việt nam bức xúc viết trên trang facebook của anh rằng:
“Sự đốn mạt của báo chí độc quyền nhà nước
Tờ Báo thanh niên đăng bài "Dùng tiền dụ học sinh nghỉ học phản đối xây trung tâm thương mại"
Tờ báo này căn cứ vào lời của một quan chức huyện Gia Lâm, viết trong nội dung bài: "Đại diện huyện Gia Lâm, Hà Nội cho biết, mỗi học sinh tham gia phản đối xây trung tâm thương mại ở xã Ninh Hiệp được cho tiền từ 50.000 đồng/buổi, 100.000 đồng/ngày, thậm chí cả vài ba trăm nghìn đồng mỗi ngày."
Miệng quan trôn trẻ. Các tờ báo do nhà nước độc quyền truyền thông lại căn cứ vào lời quan chức mà không đến nơi tìm hiểu, xác minh sự việc.
Những bài báo kiểu như thế này đang làm "nhiệm vụ chính trị" để bảo vệ chế độ vốn đã thối nát, bất chấp đạo đức nghề nghiệp.
Hiện nay toàn bộ báo đài đều là của nhà nước, chịu sự kiểm duyệt của chính quyền, có một "bàn tay thối" nào đó khống chế và chỉ đạo những tờ báo, rất có thể là "Ban tuyên giáo".
Chúng ta cần đấu tranh cho tự do báo chí, phải có báo tư nhân thì xã hội mới phát triển được”.
Trên trang youtube Hoang An, có một clip chất vấn tác giả Tuệ Nguyễn, trong đó có đoạn đối thoại như sau:
- A lô, chị Tuệ Nguyễn phải không ạ?
- Vâng ạ
- Mình ở Ninh Hiệp, mình gọi cho chị. Con mình đi biểu tình nó không được tiền, bây giờ gặp chị hay gặp ai để lấy tiền hở chị?
- Lấy tiền gì ạ?
- Tiền biểu tình ấy.
- Lấy tiền gì hở anh?
- Chị đăng bài "Dùng tiền dụ học sinh nghỉ học phản đối xây trung tâm thương mại" phải không ạ?
- À, có một nhóm tác giả có cái cậu ở đấy cậu phản ánh cái thông tin ấy chứ tôi thì tôi không biết cái thông tin ấy.
- Ồ, Chị đứng tên bài viết mà chị lại không biết là thế nào?
- Ba người đứng tên cơ mà anh.
- Thế bây giờ ai là người đưa cái thông tin ấy?
- Sao anh lại chất vấn như thế?
- Bởi vì con tôi nó đi biểu tình về nó không có tiền.
- Tôi không biết cái việc ấy.
- Chị là báo Thanh niên, chị viết bài này mà chị nói được như vậy à?
- Tôi không biết cái thông tin ấy anh nhá
- Thế ai là người có thông tin, cung cấp thông tin bài viết ấy?
- Ai cho anh cái số của tôi mà anh chất vấn tôi?
- Tôi đang hỏi chị là người có trách nhiệm về bài viết ấy mà chị có trách nhiệm với thông tin ấy.
- Tôi bảo là bài này có 3 người đứng tên mà tôi không biết cái thông tin ấy.
- Chị có thể bị kiện bởi bài viết này chị Tuệ Nguyễn ạ
- Anh kiện đi.
- Ai là người cung cấp thông tin ấy cho chị?
- Tôi không biết thông tin ấy Tôi chỉ hỏi phòng giáo dục về cái chuyện là học sinh có đi học hay không thôi còn cái chuyện bao nhiêu tiền thế nào thì tôi không biết.
- Thế tức là chị đứng tên thôi còn chị không biết nội dung viết của chị là cái gì?
- Bây giờ anh cứ goi cho lãnh đạo báo anh hỏi…
Đoạn rã băng trên có thể sai một vài chữ vì có tiếng không rõ. Xin mời xem clip ở đây:
Sau đó, thấy bài viết trên báo Thanh Niên rút tên Tuệ Nguyễn ra khỏi cụm 3 tác giả, chỉ còn Anh Đan - Hải Long. Cái tít Dùng tiền dụ học sinh nghỉ học phản đối xây trung tâm thương mại cũng được thêm dấu hỏi thành Dùng tiền dụ học sinh nghỉ học phản đối xây trung tâm thương mại?
Đoạn clip trên cho thấy lối làm việc "cưỡi ngựa xem hoa" của báo chí lâu nay, nghe ngóng một chiều rồi "dán ngay lên cột" (chữ của Tú Xương), coi thường độc giả và kiểu "chịu trách nhiệm tập thể" bằng cách ký tên cả cụm nhiều tác giả hoặc ghi chung là "nhóm phóng viên" như thường thấy. Việc này vẫn còn chưa tệ hại bằng tiếp tay cho những người có chức quyền, tức là kẻ mạnh mà không hề nghĩ đến số phận của những người dân thấp cổ bé họng.
Tôi không dám chắc nhóm 3 tác giả trên về Ninh Hiệp (có khi chỉ về đến cơ quan huyện Gia Lâm) có nhận được gì không nhưng cái kiểu làm báo về cơ sở, địa phương cầm tài liệu, nghe ngóng qua loa, nhận phong bì rồi viết theo ý những người có chức có quyền của báo chí xưa nay không có gì lạ.
Chuyện vu cáo cho người biểu tình nhận tiền đã có bài học. Đài phát thanh truyền hình Hà Nội (HTV) trong bản tin buổi trưa vào lúc 11h ngày 5/8/2012 cho biết là ‘quần chúng nhân dân và lực lượng an ninh đã phát hiện và bắt quả tang một số đối tượng đang phát trả tiền công cho những người tham gia biểu tình’.
'Bộ mặt thật cái gọi là biểu tình yêu nước đã bị lộ tẩy', phát thanh viên HTV đọc trên màn hình và hứa hẹn ‘sẽ phản ánh rõ nét’ chi tiết việc ‘biểu tình ăn tiền này’ trong bản tin thời sự buổi chiều cùng ngày vào lúc 18h30'.
Tuy nhiên bản tin sau đó Đài phát thanh truyền hình Hà Nội đã không đưa ra bất kỳ bằng chứng nào về chuyện ‘biểu tình ăn tiền’ như đã hứa hẹn trong bản tin chiều cùng ngày.
Đấy là vết nhơ của HTV, thiết nghĩ báo Thanh niên cần lấy đó làm bài học.
23/12/2015
NTT
Bài bình luận gần đây