You are here

Bầu cử ở Myanmar và những bài học cho Việt nam

Trước nhiều chỉ dấu cho thấy, chính quyền Hà nội đang có một số động thái sẽ nới rộng và đưa nền chính trị Việt nam xích gần lại các giá trị tiến bộ của thế giới hơn. Điều đó cho thấy, việc cải cách chính trị ở Myanmar, đưa đất nước này thoát ra khỏi chế độ độc tài quân sự để bước sang một nền chính trị đa nguyên, theo những tiêu chí của văn minh nhân loại là một bài học có giá trị rất lớn cho sự thay đổi tất yếu tại Việt nam trong thời gian tới.

Cụ thể, theo RFA cho biết, Luật sư Vũ Đức Khanh, hiện sống và làm việc ở Canada nói rằng ông nhận được điện thoại từ một lãnh đạo rất cao cấp của Đảng CSVN, đề nghị cho biết ý kiến về tiến trình dân chủ tại Miến Điện sau khi đảng đối lập thắng lớn. Không chỉ thế Luật sư Vũ Đức Khanh còn cho biết thêm là cuối buổi nói chuyện, vị lãnh đạo Việt Nam nói với ông rằng, ông hy vọng một ngày không xa luật sư Vũ Đức Khanh có thể ra tranh cử tại Việt Nam.

Ủy ban Bầu cử quốc gia của Myanmar đã chính thức công bố kết quả cuộc bầu cử mang tính lịch sử ngày 8/11/2015, đây là một cuộc bầu cử Quốc hội được đánh giá rằng tự do, dân chủ nhất trong lịch sử chính trị của Myanmar. Theo đó, đảng Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ (NLD) của bà Aung San Suu Kyi đã giành thắng lợi với 393 ghế trên tổng số 491 ghế, trong lúc đảng cầm quyền Liên minh Đoàn kết Phát triển (USDP) chỉ chiếm được 40 ghế. Theo dự kiến, việc chuyển giao quyền lực ở Myanmar sẽ hoàn tất vào tháng 4/2016, kể từ đó chính phủ mới của bà Aung San Suu Kyi sẽ chính thức nắm quyền lãnh đạo đất nước. Và người ta hy vọng lịch sử Myanmar sẽ bước sang một chương mới, kỷ nguyên của tự do, dan chủ và phát triển. Tuy nhiên trước mắt đảng Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ (NLD) của bà Aung San Suu Kyi còn những thách thức không nhỏ.

Sửa đổi Hiến pháp 2008 không dễ

Mục tiêu của NLD cũng như các đảng phái khác, cũng như của các nhóm sắc tộc tuyên bố trong thời gian vận động bầu cử là, họ sẽ tiến hành sửa đổi Hiến pháp Myanmar năm 2008, mà họ cho rằng chưa thực sự mang tính chất dân chủ. Như việc quy định để không cho phép bà Aung San Suu Kyi giữ chức vụ Tổng thống, hay quy định về quyền của các nhóm sắc tộc ở các vùng hiện đang thuộc quyền kiểm soát của họ v.v... là những nội dung cần được sửa đổi. Nếu căn cứ vào nội dung thỏa thuận ngưng bắn giữa chính quyền Myanmar và các các nhóm sắc tộc, có ghi rõ việc ngừng bắn dựa trên nền tảng một Hiến pháp Myanmar trong đó có các cam kết tôn trọng quyền tự trị (ban hành một số luật trong vùng của mình) ở một mức độ nhất định của các nhóm sắc tộc. Thì đây cũng là một lối thoát, có thể buộc phe quân đội ủng hộ cho việc sửa đổi Hiến pháp Myanmar năm 2008.

Theo các nhà phân tích chính trị Myanmar đều thấy rằng, việc sửa đổi Hiến pháp Myanmar năm 2008 là một việc hết sức khó khăn. Vì theo quy định, Hiến pháp Myanmar chỉ được sửa đổi khi có sự đồng thuận của trên 75% tổng số dân biểu, trong lúc theo quy định số ghế của quân đội trong cơ quan lập pháp đã là 25% . Trong lúc số ghế trong Quốc hội của đảng Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ (NLD) của bà Aung San Suu Kyi cũng chưa đạt đến mức 75%.

Do vậy, việc bà Aung San Suu Kyi sẽ nắm chức vụ Tổng thống Myanmar là một điều hầu như không thể và cũng hết sức khó khăn nếu như chính phủ mới không tiến hành được việc sửa đổi Hiến pháp Myanmar năm 2008. Tuy nhiên, việc sửa đổi Hiến pháp Myanmar năm 2008 còn là mong muốn của các nhóm sắc tộc ở Myanmar hiện nay, do đó nếu đảng NLD của bà Aung San Suu Kyi biết liên kết với các nhóm sắc tộc và giành được sự đồng thuận của quân đội, thì việc này vẫn có thể xảy ra.

NLD phải làm gì để tồn tại?

Đến nay, việc xác định ai sẽ là Tổng thống mới của Myanmar vẫn chưa có câu trả lời. Chỉ biết rằng gần đây, bà Aung San Suu Kyi đã tuyên bố rõ ràng rằng, nếu Đảng Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ giành thắng lợi và nắm quyền lãnh đạo nhà nước thì bà sẽ nắm vai trò người lãnh đạo tối cao, trên cả Tổng thống Myanmar. Nhiều nguồn tin cho rằng, bà Aung San Suu Kyi sẽ nắm giữ chức Chủ tịch Quốc hội Myanmar theo thỏa thuận với các lãnh đạo Hội đồng An ninh Quốc gia.

Việc sửa đổi Hiến pháp Myanmar năm 2008 chắc chắn phải nhận được sự đồng tình của phe quân đội thì mới có thể tiến hành được. Do vậy, một gánh nặng được đặt lên vai của bà Aung San Suu Kyi là phải xử sự thế nào để giành được sự đồng thuận từ phe quân đội.

Tuy nhiên, việc thành lập chính phủ của đảng NLD sẽ không dễ dàng và thuận buồm xuôi gió, khi mà phe quân đội Myanmar vẫn nắm vai trò chủ đạo theo quy định của Hiến pháp Myanmar năm 2008. Theo đó, số ghế của quân đội trong cơ quan lập pháp là 25% theo quy định; cũng như các vị trị Bộ trưởng các bộ quan trọng như Bộ Quốc phòng, Bộ Nội vụ và Bộ An ninh Biên giới phải do các tướng lĩnh Quân đội nắm giữ; hay cơ quan tối cao là Hội đồng An ninh Quốc gia Myanmar sẽ có 11 thành viên, trong đó 6 nhân vật là tướng lĩnh quân đội được chỉ định và 5 vị trí còn là do dân cử. Điều đó cho thấy quân đội Myanmar vẫn giữ một vai trò quan trọng trong chính trường của Myanmar. Nghĩa là con tàu Myanmar do đảng NLD của bà Aung San Suu Kyi lãnh đạo là người cầm lái sẽ gặp không ít sóng gió từ phe quân đội, một khi chính sách của NLD tỏ ra trái ý và có nguy cơ mang lại những bất lợi cho họ. Kể cả đánh đắm "con thuyền" này.

Tiến trình dân chủ hóa ở Myanmar hiện nay khó có thể đảo ngược, vì kết quả bầu cử vừa qua ở Myanmar đã cho thấy đã số cử tri Myanmar đã nói không với sự nắm quyền của quân đội và họ đã dồn toàn bộ sự ủng hộ cho đảng Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ (NLD) của bà Aung San Suu Kyi. Tuy vậy, việc cử tri Myanmar dồn toàn bộ sự ủng hộ cho đảng NLD, hoàn toàn không phải vì tất cả đều ủng hộ đảng của bà Aung San Suu Kyi, mà vì họ đã chán ghét chính quyền độc tài quân nhân Myanmar đã cai trị trong hơn 50 năm qua ở đất nước này nhưng không còn lựa chọn nào tốt hơn.

Gác lại quá khứ, nhìn về tương lai là nhiệm vụ của đảng Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ (NLD) của bà Aung San Suu Kyi sau khi nhận chuyển giao quyền lực. Điều đó cho thấy, chính phủ mới của bà Aung San Suu Kyi sẽ không thể có các chính sách nhằm "trả thù" chính quyền quân sự về những việc làm trong quá khứ. Mà quan trọng nhất là đảng NLD phải khôn khéo, biết dựa vào ảnh hưởng của phe quân đội để tiến hành các cải cách và quan trọng nhất là phải kéo dài thời gian cầm quyền của mình.

Bài học cho Việt nam

Kết quả bầu cử vừa qua ở Myanmar là kết quả mà phe quân sự không thể ngờ tới, vì trước ngày bầu cử họ vẫn công bố các kết quả điều tra xã hội học, mà theo đó cho thấy họ (đảng USDP) đã nhận được sự ủng hộ của dân chúng tới 60%, thậm chí có nơi là 80%. Lúc ấy, dư luận cho rằng vài tháng trước bầu cử đảng đảng cầm quyền Liên minh Đoàn kết Phát triển (USDP) đã lợi dụng danh nghĩa của chính quyền, để tiến hành các chính sách an sinh xã hội như: cho dân chúng vay một khoản tín dụng, thậm chi là chia tiền. Tuy vậy kết quả cuối cùng thì họ vẫn thất bại.

Kết quả này càng làm cho người ta hy vọng rằng, tiến trình dân chủ hóa ở Myanmar sẽ thu được những kết quả đáng khích lệ, tạo cơ sở cho sự chuyển mình của đất nước Myanmar sau hơn 50 năm được cai trị bởi tập đoàn quân sự. Dù rằng, sự so sánh giữa phong trào đấu tranh dân chủ ở Việt nam với Myanmar còn quá khập khiễng, vì sự khác nhau cơ bản về đẳng cấp và bài bản. Trong bài viết này, xin sẽ bỏ qua việc phân tích các nhược điểm cũng như sự tồn tại của lực lượng đấu tranh cho dân chủ ở VN, để đưa ra 03 bài học sau:

1. Sự thay đổi nhận thức của lãnh đạo

Đây là vấn đề quan trọng và mang ý nghĩa quyết định nhất, nếu không có sự thay đổi về nhận thức của ban lãnh đạo đương quyền thì tiến trình dân chủ hóa sẽ khó có thể xảy ra vì nó sẽ gặp phải muôn vàn các trở ngại từ phía chính quyền. Tuy vậy, sự thay đổi nhận thức của lãnh đạo cũng phải xuất phát trên nền tảng đòi hỏi cải cách chính trị của người dân. Như lời của ông Thein Sein, Thủ tướng Manmar nói với báo giới rằng “Đơn giản là chúng tôi chỉ đáp ứng mong muốn cải cách của người dân. Do vậy tương lai của (đất nước) chúng tôi phụ thuộc vào người dân và nguyện ước của họ”

Bài học các cuộc biểu tình phản đối sự quản lý kinh tế yếu kém và sự áp bức chính trị xảy ra vào năm 1988, mà đỉnh cao là việc quân đội Myanmar đã nổ súng vào những người biểu tình ngày 8 tháng 8 năm 1988. Máu đã đổ và biết bao nhiêu người đã ngã xuống, song cuộc biểu tình năm 1988 đã đẩy đất nước Myanmar tới bờ vực của một cuộc cách mạng. Để đối phó, các tướng lĩnh Manmar đã tiến hành một cuộc đảo chính nhằm để xoa dịu dân chúng. Và sau đó Myanmar quay trở lại quốc hiệu Liên bang Myanmar -  Union of Myanmar. Tuy vậy, cuộc cách mạng 2008 cũng đã dọn đường cho cuộc bầu cử Quốc hội Nhân dân năm 1990 với kết quả Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ - NLD của bà Aung San Suu Kyi lãnh đạo, thắng hơn 60% số phiếu và 80% ghế trong quốc hội trong cuộc bầu cử 1990. Đây là một cuộc bầu cử đầu tiên được tổ chức trong 30 năm dưới sự cầm quyền của chính phủ quân sự. Và tuy rằng kết quả của cuộc bẩu cử này sau đó đã bị chính quyền bác bỏ. Nhưng đã cho thấy rằng đòi hỏi cải cách chính trị của đông đảo người dân là yếu tố hết sức quan trọng. Điều này ở Việt nam mới ở mức nhen nhóm.

Như vây cho thấy, sự thay đổi nhận thức của lãnh đạo các chính quyền độc tài chỉ xuất hiện khi họ phải đối mặt với sức ép, cũng như sự thách thức của dư luận xã hội và sức ép của các tổ chức chính trị đối lập ở một mức độ cao, buộc họ phải chấp nhận sự thay đổi các chính sách về hệ thống chính trị. Đây là điều hiện còn thiếu ở Việt nam.

2. Chuyển đổi trong trật tự trên tinh thần xây dựng

Lịch sử chính trị thế giới trong những năm gần đây cho thấy, đa số các cuộc cách mạng nhằm chuyển đổi thể chế chính trị từ độc tài sang dân chủ luôn bị ảnh hưởng của bạo lực và xung đột vũ trang, không chỉ từ phía nhà cầm quyền mà còn xảy ra giữa các lực lượng làm cách mạng với nhau. Từ đó diễn ra tình trạng nội chiến và xung đột kéo dài không có hồi kết. Đây là nguy cơ trầm trọng và là sự thất bại, khi người ta đánh đổi sự độc tài bằng một cuộc nội chiến.

Ở Myanmar đã tiến hành chuyển đổi thành công trong trật tự và hòa bình, cho dù hiện nay ở Myanmar vẫn tồn tại tới 23 nhóm vũ trang của các sắc tộc ít người, đang hoạt động ở vùng rừng núi, cũng như việc Myanmar đã chịu sự nắm quyền của tập đoàn độc tài quân sự trong thời gian hơn 50 năm. Song các giá trị về dân chủ và khát vọng của người dân về một nền chính trị tiến bộ vẫn không hề bị dập tắt, bất chấp sự đàn áp không thương tiếc của nhà cầm quyền quân sự.

Bên cạnh cuộc đấu tranh vũ trang của các lực lượng phiến quân thì cuộc đấu tranh bất bạo động vẫn tồn tại, phát triển và giành được các kết quả ngoạn mục. Đó là cuộc đấu tranh không khoan nhượng, dựa trên nền tảng hòa hợp để xây dựng và phát triển của phong trào đấu tranh dân chủ ở Myanmar. Có những lúc một số đông sinh viên Myanmar, bị đàn áp đã không lựa chọn con đường định cư ở quốc gia thứ 3, mà họ lựa chọn tỵ nan tại Thái lan để tiếp tục tranh đấu với hy vọng cho sự chuyển biến chính trị cho Myanmar.

Đây có lẽ là điều khác hoàn toàn với phong trào tranh đấu cho dân chủ ở Việt nam, khi mà đến lúc này nhiều người chưa thấy ở họ một chủ trương cụ thể: đấu tranh để buộc nhà cầm quyền chuyển đổi hay đấu tranh để lật đổ chế độ hiện tại?

3. Hóa giải mối quan hệ với Trung quốc

Các nhà phân tích chính trị quốc tế đề có một nhận xét chung rằng, sự thay đổi chính trị ở Myanmar sẽ khó xảy ra, nếu ảnh hưởng và sự ủng hộ từ Trung Quốc vẫn tồn tại. Tuy vậy ban lãnh đạo của chính quyền quân sự Myanmar đã chuyển đổi chính sách đối ngoại, từ chính sách đóng cửa và dựa hẳn vào Trung quốc sang chính sách quan hệ hữu nghị với tất cả các nước trên thế giới đặc biệt với các nước láng giềng, khu vực trên nguyên tắc tôn trọng độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của nhau, không xâm lược nhau, không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau, bình đẳng cùng có lợi. Đặc biệt là cở mở hơn với phương Tây, tuy nhiên mối quan hệ với Trung quốc vẫn được họ xử lý một cách khéo léo và hài hòa.

Chủ trương của chính quyền Hà nội đến nay đối với Trung quốc hiện nay cũng đã rõ ràng hơn, cho dù chỉ là ở mức khiêm tốn, song cũng cho thấy sự thao túng của Trung quốc vào nền chính trị Việt nam cũng chỉ ở mức độ, mà không có tình trạng làm mưa làm gió như trước đây. Đặc biệt là thái độ cứng rắn và cương quyết hơn của ông Nguyễn Tấn Dũng, người được đồn đoán rằng sẽ nắm chức vụ cao nhất của Đảng CSVN trong năm 2016. Đây cũng là một tiền đề cần thiết cho sự chuyển đổi chính trị ở Việt nam nếu có trong tương lai.

Kết

Hiện nay ở Việt nam cho dù chưa có một khảo sát xã hội học nào khẳng định tỷ lệ % người dân ủng hộ Đảng CSVN là bao nhiêu? Song có ý kiến  cho rằng sự ủng hộ đó ít nhất sẽ trên 50 %. Tuy vậy, sự chần chừ trong việc cải cách chính trị của ban lãnh đạo Việt nam cho thấy, nhận xét đó ít có khả năng thuyết phục. Vì nếu như sự ủng hộ của dân chúng cho Đrng CSVN ở mức như vậy thì lý do nào khiến họ không dám cải cách chính trị? Hay là họ biết rằng sự ủng hộ của dân chúng ở Việt nam cũng sẽ theo như kết quả bầu cử ở Myanmar vừa qua?

Dù sao đi chăng nữa, tiến trình dân chủ hóa ở Việt nam là con đường tất yếu và đúng đắn. Nhất là trong lúc nền kinh tế Việt nam đang chao đảo bởi nợ nần, do sự hoạt động kém hiệu quả của các doang nghiệp nhà nước và sự quản lý yếu kém. Trong lúc xã hội bát nháo, các quan chức nhà nước ngày một lộng hành trong việc bắt nạt dân, cũng do hậu quả của một hệ thống luật pháp không nghiêm minh, công lý không được tôn trọng thì việc cải cách chính trị để chuyển đổi từ nền chính trị độc tài một đảng sang đa nguyên dân chủ là việc làm hết sức cần thiết. Nó cũng là giải pháp nhằm tháo ngòi nổ cho quả "bom", khi mà mọi áp lực xã hội và sự bất mãn của dân chúng ngày càng tăng cao.

Đổi mới thể chế chính trị, xóa bỏ độc tài chuyên chế theo mô hình nhà nước XHCN của chủ nghĩa Marx - Lenin để tiến tới một nền chính trị dân chủ, tự do như hầu hết các quốc gia trên thế giới đã theo đuổi và đạt được những thành tựu to lớn. Nền chính trị dân chủ thực chất là sự tôn trọng và coi quyền lực nhà nước phải thuộc về nhân dân, và phải do nhân dân quyết định và lựa chọn. Trong nhiều chục năm trở lại đây, Đảng CSVN đã đưa đất nước đi từ hết sai lầm này đến sai lầm khác. Và đến nay Việt nam đã chính thức tụt hâu với thế giới và khu vực, kể cả Lào, Campuchia... cũng đã vượt chúng ta. Do vậy, Đảng CSVN không còn bất kể lý do gì để bám chặt vào quyền lực một cách độc tôn như hiện nay.

Ngày 28/11/2015

© Kami

* Đây là trang Blog cá nhân của Kami. Bài viết không thể hiện quan điểm của Đài Á châu Tự do RFA.

Bài bình luận

"Song có ý kiến cho rằng sự ủng hộ đó ít nhất sẽ trên 50 %". Dựa theo tài liệu ở đâu mà bác Kami nói là 50% ủng hộ đảng cộng sản, ý bác muốn nói 50% là đảng viện cộng sản ? Từ một chị bán hàng rong đến sinh viên công nhân hay trí thức..có ai nói tốt về chế độ cộng sản đâu. Thử cho bầu cử tự do là biết ngay là bao nhiêu phần trăm ủng hộ ngay. Mà phải có sự giám sát của quốc tế chứ còn để cho đảng cộng sản đứng ra tổ chức thì chắc chắn là 100% nhân dân ủng hộ đảng. Vì mấy anh bất đồng chính kiến thì chúng cho vào tù hoặc thủ tiêu hết rồi còn ai mà chống đối. Trần Dân