You are here

Mưa rơi trên Woodstock

TẢN MẠN BÊN TÁCH CÀ PHÊ

Nguyễn Xuân Thiệp

ngồi ở quán cà phê
phố cảng
tưởng tượng. mưa cuối tuần. rơi. trên woodstock
ôi. jimi hendrix
joan baez
the byrds. melanie safka
những ngọn nến trong mưa
và janis joplin
những nhạc sĩ ôm đàn. như thuyền. đi trên biển
người. mưa. và tiếng hát
bùn lầy. hippie
ma túy. và tự do
chiều. hửng nắng. bay. từng đàn bướm dại
Người nghệ sĩ ngồi trong quán cà phê tưởng tượng mưa rơi ở Woodstock. Đã hơn bốn mươi năm qua kể từ ngày ấy. Vậy mà bao người vẫn chưa quên được sự kiện âm nhạc vĩ đại diễn ra trên một cánh đồng nông trại rộng 600 mẫu nằm dưới chân dãy núi Catskill Mountains ở tiểu bang New York. Nhiều người, và lịch sử sau này, gọi tên sự kiện là Woodstock Music & Art Fair, nhưng thật sự nó diễn ra ở Bethel, còn Woodstock thì cách đó tới 43 miles về phía Tây Nam.

Poster Festival

Chiều nay, bạn hiền thơ ấu gọi điện gởi cho một ít mưa gió từ xa nên Nguyễn tôi có thêm hứng khởi để viết về những cơn mưa ngày ấy trên Woodstock. Khởi sự từ thứ sáu 15 tháng 8 kéo dài qua tới thứ hai 18 tháng 8. 1969, cuộc trình diễn vinh danh hòa bình và âm nhạc, đã thu hút người từ khắp nơi trên nước Mỹ đổ về. Gía vé của toàn bộ festival là 18 đô la, một số tiền khá lớn lúc bấy giờ, và festival gồm tới 32 chương trình, quy tụ những nghệ sĩ lớn của thời đại, từ Janis Joplin đến ban nhạc The Who và cuối cùng Jimi Hendrix kết thúc festival. Có Joan Baez tham dự, nhưng không có Bob Dylan vì con bị bệnh.
Đây quả thật là điều xảy ra ngoài sức tưởng tượng. Thành phố không ngờ phải đốn nhận tới cả nửa triệu người đến tham dự. Giao thông bị tắc nghẽn và nhiều người phải bỏ xe lại ngoài xa để đi bộ tới địa điểm trình diễn. Nhưng dòng người vẫn nối đuôi nhau không dứt. Và mưa rơi, mưa rơi trên cánh rừng người suốt cuối tuần đó, biến toàn khu ruộng đồng nông trại ở Bethel thành một biển bùn. Nhưng người người vẫn say mê nghe nhạc và chia sẻ những tình cảm thân ái tràn trề.
Một fan ngày ấy, ký tên GW, đã ghi lại như sau: Những chiếc áo vải thô và huy hiệu hòa bình xuất hiện khắp nơi ở Bethel Woods Center… Nhiều đổi thay đã diễn ra trên nước Mỹ ở thập niên 1960 hơn bất cứ thời gian nào. Và trong tất cả những biến cố đó, không có biến cố nào biểu tượng cho trào lưu văn hóa Hippie bằng Festival âm nhạc và hòa bình Woodstock, được tổ chức tại Bethel, NY, vào giữa tháng 8. Tôi đã có mặt ở đó và tôi viết hồi ký về những gì tôi đã thấy của cuộc thịnh hội chưa từng có trên hành tinh trái đất này.

Quang cảnh ngày hội Woodstock

Xin kể lại như sau: Vào hôm thứ năm 14 tháng 8 năm 1969, cô bạn gái người Argentina của tôi tên là Patty và hai người anh của cô ta là Claudio và Sergio lái chiếc Chevy cổ lỗ sĩ đến đón tôi tại nhà ở thị trấn Glen Rock, New Jersy. Mang theo thức ăn, dụng cụ cắm trại và những chất kích thích tâm thần, xe trực chỉ hướng Bắc qua Bergen County chạy trên Quốc lộ 17. Chúng tôi đang đến với Festival Woodstock, nơi hứa hẹn những cuộc trình diễn sôi nổi.
Năm ấy, tôi là một học sinh trung học mới 17 tuổi, đang học guitar cổ điển nhưng đồng thời cũng là một fan nhạc rock. Trong hai năm trước đó, tôi đã gia nhập phong trào hippie bằng cách để tóc dài và dùng ngôn ngữ của dân mê nhạc rock, tham dự các cuộc biểu tình phản chiến và đọc văn học phản kháng. Và cũng giống như bất cứ ai trong cuộc “cách mạng” mới, tôi cũng chơi ma túy.

Quang cảnh ngày hội

Khi đến gần Bethel, chúng tôi lâm vào một vụ kẹt xe trên quốc lộ 17B. Rõ ràng số người đổ về Woodstock nhiều hơn dự liệu. Dòng xe vẫn di chuyển nhưng chậm chạp, và không khí hội hè đã thật sự bắt đầu. Người ta leo lên mui xe và lắc lư thân hình trong tiếng hát.
Chúng tôi rẽ vào con đường đất và tới được nông trại nuôi bò sữa Max Yasgur. Một cánh đồng thoai thoải tạo thành khán trường tự nhiên tuyệt vời, và một sân khấu được dựng lên dưới chân đồi.
Khi chúng tôi đến gần địa điểm cuộc hội thì được biết đám đông tràn ngập đã đạp đổ các hàng rào vây quanh nơi trình diễn. Thế là mọi người tràn vào tự do. Chúng tôi may mắn tìm được một địa điểm tốt trên đỉnh đồi và cắm lều nơi đó. Nhiều bạn của tôi ở thành phố quê nhà Bergen County cũng có mặt, và sau khi dựng lều, chúng tôi đi lang thang suốt chiều và tối, hẹn sẽ gặp nhau ngày mai cùng xem hội diễn. Một trong những bạn ấy là thành viên của nhóm hippie Hog Farm ở New Mexico. Tôi gặp anh ta trong trang phục áo choàng thầy tu, thắt lưng quấn dây thừng và đầy đủ lệ bộ.

Ban nhạc The Who

Trưa thứ sáu khoảng một chục người chúng tôi tụ lại và trải chăn trên cỏ ở lưng chừng ngọn đồi nhìn xuống sân khấu. Cùng nhau, chúng tôi hít chất kích thích. Liên tiếp hai tiếng đồng hồ, chúng tôi bốc lên khỏi mặt đất này. Mọi sự đều tốt đẹp. Cùng với người yêu xinh đẹp của mình và đám bạn quê nhà, ngồi trên cao hơn đỉnh tháp nhà thờ, chúng tôi thưởng thức âm nhạc tuyệt vời trong không khí mùa hè mát mẻ. Trong khi chúng tôi ngồi thưởng thức âm nhạc và uống rượu vang thì đám đông tiếp tục lớn dậy. Ngày càng có đông những người tóc dài kéo đến, tôi không thể tin được rằng văn hóa hippie lan truyền nhanh và rộng đến thế. Có những gã mặc áo vải thô và quần ống loe, những cô nàng mặc áo đầm thùng thình, tóc để dài rẽ giữa, Tất cả đều dưới ba mươi.
Buổi chiều trôi qua, đêm xuống và mưa bắt đâu rơi. Một điều bất ngờ xảy tới. Con số người kéo đến đã lên tới nửa triệu. Như cả một rừng nấm mọc lên. Điều chúng tôi không ngờ tới là chỉ có 12 cảnh sát viên cho toàn bộ khu vực. Tình hình khiến nhà chức trách địa phương đâm lo. Quốc lộ 17 đã đóng cửa và cả con đường xuyên tiểu bang New York cũng vậy. Việc ra vào Bethel bằng xe hơi là không thể. Tuy nhiên, đã không có cuộc bạo loạn nào. Chỉ có hai người chết: một vì uống thuốc quá liều lượng, còn một bị xe tải vô ý cán phải.
Điều không ngờ là trào lưu văn hóa hippie, như đã được nhìn thấy ở Woodstock, lớn mạnh đến thế. Tất nhiên, mỗi thành phố đều có sinh hoạt hippie, nhưng nay tập trung lại một nơi thì quả thật là vĩ đại. Điều khám phá thứ hai là mọi người đã được thưởng thức một cuộc trình diễn âm nhạc tuyệt vời và tình bạn tình anh em cũng thật là tuyệt vời. Những người trẻ tuổi dễ dàng kết bạn với nhau. Và trạng thái lâng lâng vì ma túy đã làm cho những người hippie nhớ mãi bầu không khí ở Woodstock
Cuộc trình diễn âm nhạc kéo dài tới sáng chủ nhật khi Grace Slick gào lên “Good morning, people” và rừng người dậy lên đáp lại. Buổi chiều, những cơn mưa lại đổ ập xuống. Tôi trú dưới những chiếc ponchos và ban nhạc tiếp tục chơi, trong mưa. Giờ đây, bùn đã ngập khắp nơi.

Joan Baez hát ở Woodstock

Mưa vẫn rơi… Có một câu chuyện được kể lại: Melanie Safka lúc ấy đang trú dưới một mái lều chờ tới lượt lên trình diễn. Trong đêm mưa lạnh, Joan Baez đem đến cho cô một ly trà nóng khiến cô rất cảm động và nhớ mãi. Trước khi cô hát, một người nào đó trong đám đông hét lớn “Hãy thắp lên những ngọn nến để mưa ngừng rơi”. Trong nguồn cảm xúc ấy, Melanie sáng tác tại chỗ ca khúc “The Candles in the Rain” (Những ngọn nến trong mưa) và cô trình diễn bài hát trên sân khấu trước biển người reo hò điệp khúc phụ họa.
Chúng tôi quá gần nhau, không còn khoảng cách / Máu chúng tôi cùng hòa chung trong một vết thương / Chúng tôi cùng đau chung một nỗi đau / Và chúng tôi cất tiếng hát hòa bình thân ái
Điệp khúc: Vậy xin người hãy cùng nhau đưa cao ngọn nến.trong mưa / Bởi vì nếu không. bóng tối sẽ dâng đầy lòng đêm. Ôi, xin hãy đưa cao những ngọn nến sáng / cho mưa ngừng rơi trên vai áo chúng ta dần khô…
Chúng ta quá gần nhau. không còn khoảng cách / Người thì đến đây ca hát. người đến để nguyện cầu xua tan bóng đêm.

Melanie hát Những Ngọn Nến Trong Mưa

Và những ca khúc, tiếng đàn đã nối liền mọi người với nhau trong hòa bình và tình anh em. Vâng, đã không có điều gì nghiêm trong xảy ra. Chỉ có tóc dài, những bông hoa hippie và cơn say. Cuộc thịnh diễn kéo dài tới thứ hai 18 tháng 8. 1969 với Jimi Hendrix trình diễn Star Spangled Banner trên cây guitar tuyệt diệu của anh.
Và bạn hiền ơi, mưa ở Woodstock ngày nào còn rơi trên trí nhớ người.

NXT