Thắng lợi của đảng Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ (NLD) của bà Aung San Suu Kyi trong cuộc bầu cử lịch sử tại Myanmar ngày 8/11/2015 vừa qua, đến giờ phút này dù chưa chính thức, song cũng là điều gần như đã chắc chắn. Bất chấp quy định của Hiến pháp Myanmar năm 2008, thì 1/4 của 664 ghế quốc hội đã mặc nhiên được dành cho phe quân đội và một số nhân vật không cần tranh cử và số ghế dành cho tranh cử chỉ còn 491 ghế. Tuy vậy đảng NLD đã giành thắng lợi một cách ngoạn mục.
Việc kiểm phiếu kết quả bầu cử ở Myanmar dự kiến sẽ kéo dài trong hai tuần, song kết quả kiểm 47% tổng số phiếu bầu với sự tham dự của 80% trong số 30 triệu cử tri, do Ủy ban bầu cử Quốc gia Myanmar công bố sáng thứ 5 ngày 12/11/2015 cho biết, Đảng NLD có nhiều khả năng giành được hơn 250 ghế trong tổng số 440 ghế Hạ viện, đủ để giành quyền lựa chọn tổng thống mới cho Myanmar. Và cho đến buổi trưa cùng ngày, theo hãng tin AFP thì đảng NLD chỉ còn thiếu 38 ghế, để đạt được mức 329 ghế - số lượng ghế tối thiểu phải có để giành đa số trong cả 2 viện (Thượngviện và Hạ viện) của Myanmar. Trong lúc đảng cầm quyền - Đảng Liên minh Đoàn kết Phát triển (USDP) chỉ chiếm được 5% số ghế trong cuộc chạy đua lần này. Điều đó đã cho thấy chính trị Myanmar sẽ bước sang một trang mới, chấm dứt sự nắm quyền của giới quân nhân trong nhiều thập niên qua và đảng NLD của bà Suu Kyi, một đảng từng bị đưa ra ngoài vòng pháp luật sẽ trở lại và nắm đa số trong Quốc hội của Myanmar.
Tuy vậy, đây mới chỉ là bước khởi đầu cho những thách thức đang chờ đợi đối với bà Aung San Suu Kyi, khi bà chuyển vai trò từ lãnh tụ phe đối lập, đã từng đấu tranh không mệt mỏi để đòi tái lập nền chính trị Dân chủ cho đất nước Myanmar trong suốt 30 năm qua. Thì đến nay bà Aung San Suu Kyi sẽ chuyển sang nắm vai trò lãnh đạo đảng cầm quyền duy nhất để lãnh đạo đất nước Myanmar. Trong lúc còn có biết bao nhiêu trở ngại và thách thức mà bà Aung San Suu Kyi phải đối mặt. Kể cả trong việc nắm quyền lực nhà nước để giải quyết các mối bất đồng và tạo nên sự thay đổi cho đất nước Myanmar.
Những khó khăn
Trước hết, cho dù đảng Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ (NLD) của bà Aung San Suu Kyi giành thắng lợi trong cuộc bầu cử lần này thì bản thân bà Suu Kyi không thể nắm chức vụ Tổng thống Myanmar, vì theo Hiến pháp Myanmar do giới quân nhân soạn thảo năm 2008 có quy định rõ, không cho phép người nào kết hôn với người nước ngoài nắm giữ chức vụ đứng đầu nhà nước. Trong lúc người chồng (đã qua đời) của bà Aung San Suu Kyi là một công dân người Anh, đồng thời 2 người con trai của bà Aung San Suu Kyi hiện vẫn là công dân Anh quốc.
Trong khi đó, khả năng sửa đổi Hiến pháp để bà Aung San Suu Kyi có thể nắm giữ chức vụ Tổng thống là một điều hết sức khó khăn, trong lúc theo quy định của Hiến pháp Myanmar thì 1/4 trong tổng số 664 ghế Quốc hội đã được dành cho phe quân đội. Đồng thời Hiến pháp còn quy định, muốn sửa đổi Hiến pháp thì phải được sự đồng thuận tối thiểu của 75% thành viên cơ quan lập pháp.
Cho dù mới đây, bà Aung San Suu Kyi đã từng tuyên bố rõ ràng rằng, nếu Đảng Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ (NLD) giành thắng lợi và nắm quyền lãnh đạo nhà nước thì bà sẽ nắm vai trò người đứng lãnh đạo và sẽ chỉ định Tổng thống mới của Myanmar. Đồng thời bà cũng sẽ là người quyết định mọi vấn đề với tư cách lãnh tụ đảng cầm quyền, nghĩa là người nắm chức vụ Tổng thống Myanmar sắp tới đây sẽ không phải người có quyền lực cao nhất, mà đó chỉ là nhân vật có nghĩa vụ phải thực hiện đầy đủ các nghị quyết của đảng cầm quyền. Tuy vậy người ta cho rằng, tuyên bố này của bà Aung San Suu Kyi đã trái với Hiến pháp Myanmar và có lẽ nó sẽ tạo ra sự giận dữ đối với giới tướng lĩnh trong Đảng Liên minh Đoàn kết Phát triển (USDP) của quân nhân.
Quyền lực của Quân đội
Kết quả đa số cử tri Myanmar lựa chọn Đảng Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ (NLD) của bà Aung San Suu Kyi cho thấy, người dân Myanmar không muốn để giới quân sự tiếp tục nắm quyền ở Myanmar. Tuy vậy, theo quy định của Hiến pháp Myanmar năm 2008 đã quy định bắt buộc các vị trị Bộ trưởng các bộ quan trọng như Bộ Quốc phòng, Bộ Nội vụ và Bộ An ninh Biên giới phải do các tướng lĩnh Quân đội nắm giữ.
Trong lúc đó, việc sửa đổi các văn bản pháp luật cũng không hề dễ dàng, như việc sửa các luật về quyền tự do của người dân cũng không thể sửa đổi trong một sớm một chiều. Vì Hiến pháp Myanmar năm 2008 đã quy định muốn làm được điều đó thì phải có sự hiệp thương giữa nhà nước với phe quân đội và được sự ủng hộ của đa số người dân, nhằm đảm bảo sự đoàn kết trong ổn định của Myanmar.
Kể cả việc tướng Min Aung Hlaing lãnh đạo tối cao quân đội Myanamar đã tuyên bố rằng sẽ sẵn sàng hợp tác với chính quyền mới của đảng Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ (NLD) của bà Aung San Suu Kyi và ngay sau đó đích thân Tổng thống Thein Sein cũng cam kết rằng chính phủ của ông sẽ tôn trọng quyết định và lựa chọn của người dân và sẽ trao quyền như dự kiến. Tuy vậy vai trò và ảnh hưởng của quân đội sẽ có những tác động không nhỏ đối với đảng Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ (NLD) cũng như bà Aung San Suu Kyi trong việc lãnh đạo đất nước trong thời gian sắp tới
Những vấn đề trước mắt
Do đặc thù của quốc gia Myanmar là một trong những quốc gia nghèo đói nhất ở Á Châu, trong lúc mâu thuẫn giữa các sắc tộc thiểu số cũng như sự xung đột giữa các tôn giáo đang tiềm ẩn và sẵn sàng bùng phát bất cứ lúc nào. Trong khi đó, vấn đề bình đẳng, quyền con người và chống tham nhũng cũng là những vấn đề lớn mà chính quyền mới của bà Aung San Suu Kyi cần phải giải quyết. Theo đó là:
- Vấn đề người không có quốc tịch của hơn một triệu người Hồi giáo Rohingya ở Myanmar, vốn là nơi đa số dân chúng đã rất nhiều đời theo đạo Phật là một vấn đề hết sức khó khăn, khi mà cộng đồng những người Hồi giáo Rohingya bị coi là dân tỵ nạn đến từ Bangladet, chứ không phải là những công dân Myanmar chính thức. Những người này hoàn toàn không được hưởng những quyền tối thiểu của một công dân Myanmar trong các lĩnh vực y tế, giáo dục và trong cuộc bầu cử vừa qua, những người Hồi giáo Rohingya không được quyền bầu cử. Trong khi cuộc bầu cử lần trước (năm 2010) họ vẫn có quyền bầu cử.
- Vấn nạn buôn người cũng là một vấn đề hét sức lớn đối với chính quyền mới ở Myanmar, đây là vấn đề mà quốc tế hết sức quan tâm. Trong lúc những người Hồi giáo Rohingya luôn bị kỳ thị và xua đuổi ở Myanmar, nên đa số trong số họ tìm mọi cách để tìm cách rời bỏ Myanmar để tìm đường tỵ nạn ở nước thứ ba. Do vậy những người Hồi giáo Rohingya trở thành nạn nhân của các nhóm buôn người, họ trở thành thứ hàng hóa và bị bán như những nô lệ làm việc trên các tàu đánh cá, hay các trang trại ở các nước trong khu vực cũng như ở châu Á.
- Vấn đề người tỵ nạn cũng là một vấn đề không nhỏ, khi mà hHện tại ở Myanmar có khoảng 140.000 người Hồi giáo Rohingya, đang sống trong các trại tỵ nan ở bang Yakhay phía tây Myanmar, sau khi nhà cửa của họ bị đốt phá trong các vụ xung đột giữa người theo dạo Hồi với các Phật tử năm 2012. Điều đó đã khiến cho rất nhiều người Hồi giáo Rohingya bị bỏ mạng. Đó là chưa kể tới việc xung đột giữa quân đội Myanmar với các tổ chức phiến quân của các sắc tộc ít người trong những năm qua đã làm cho hơn 10.000 người phải ở trong các trại tỵ nạn ở các bang Karchin và Shan. Ngoài ra còn phải kể đến một số không nhỏ, khoảng 120.000 người tỵ nạn Myanmar chạy trốn các cuộc xung đột giữa quân đội chính phủ và các tổ chức phiến quân sang trú ngụ trong các trại tỵ nạn ở dọc biên giới Thái lan.
- Vấn đề 4 trong 12 tổ chức phiến quân chưa chịu ký thỏa thuận ngừng bắn với chính quyền Myanmar ngày 15/10/2015 vừa qua, do phía chính quyền Myanmar không chấp nhận các đại diện của 4 tổ chức này cũng là một vấn đề cần được quan tâm. Cho dù người ta hy vọng rằng chính quyền của Đảng Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ (NLD) của bà Aung San Suu Kyi sẽ giải quyết ổn thỏa vấn đề này.
- Vấn nạn tham nhũng ở Myanmar là một vấn đề đáng kể, khi mà việc tham nhũng đã ăn sâu trong ý thức của các quan chức trong một thời gian dài nhiều thập kỷ của chế độ độc tài quân sự. Đặc biệt là việc trục lợi trong việc khai thác các tài nguyên, khoáng sản của Myanmar và đây cũng là lý do dẫn đến sự xung đột giữa các nhóm phiến quân và quân đội chính phủ.
Kết:
Thông tin mới nhất mà chúng tôi vừa nhận được thì cho đến lúc này, đảng Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ (NLD) cũng như bà Aung San Suu Kyi đã giành được 348 ghế, vượt qua mức cần phải có là 329 ghế để thành lập chính phủ cầm quyền với một đảng duy nhất. Trong lúc Đảng Liên minh Đoàn kết Phát triển (USDP) của giới quân nhân dưới sự lãnh đạo của Tổng thống Thein Sein gần như đã bị dân chúng Myanmar lãng quên. Từ những phân tích nêu trên đã cho thấy, đảng Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ (NLD) cũng như bà Aung San Suu Kyi đã và đang phải đối mặt với nhiều trở ngại đáng kể. Không chỉ có thế, mà họ còn chịu sức ép trước những mong mỏi và kỳ vọng của đông đảo dân chúng khi đã lựa chọn và đã bỏ phiếu cho đảng Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ (NLD) cũng như bà Aung San Suu Kyi , khi họ mong muốn một sự thay đổi sâu rộng, toàn diện và bền vững trên đất nước Myanmar.
Ngày 13/11/2015
© Kami
* Đây là trang Blog cá nhân của Kami. Bài viết không thể hiện quan điểm của Đài Á châu Tự do RFA.
Bài bình luận gần đây