Sự kiện Burma (Myanmar hay Miến Điện) vừa tiến hành một cuộc bầu cử tự do, dân chủ với chiến thắng gần như sẽ thuộc về NLD (Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ - National League for Democracy của bà Aung San Suu Kyi) bỗng trở thành đề tài bàn tán sôi nổi ở Việt Nam. Đã có nhiều nhận định được đưa ra, trong đó phổ biến là những nhận định so sánh thực trạng và triển vọng dân chủ hóa giữa Burma và Việt Nam. Xin được điểm qua một số nhận định mà người viết tin là cần được đánh giá lại dựa trên những trải nghiệm với giới hoạt động của Burma.
1, “Dù sao thì Burma là một xứ độc tài quân sự, không phải là cộng sản, do đó còn có cơ hội thay đổi. Không như Việt Nam…”
Khin Ohmar – một trong những gương mặt nổi bật nhất của giới hoạt động Burma trên trường quốc tế hiện nay, là lãnh đạo sinh viên Đại học Yangon tổ chức biểu tình năm 1988, may mắn sống sót và trốn thoát sang Thái Lan trước khi nhận học bổng ở Mỹ, từng chia sẻ với tôi là cô có bằng chứng xác thực rằng hàng năm chính quyền độc tài quân sự nước cô có những chương trình trao đổi, học hỏi từ các nước độc tài khác như Trung Quốc, Việt Nam…
Một trong những kết quả từ sinh hoạt trao đổi kinh nghiệm đó là các nước này đều duy trì hệ thống GONGO (government-organized/oriented non-governmental organization hay tổ chức phi chính phủ được tổ chức/định hướng bởi chính phủ) đứng đầu bởi các cán bộ nhà nước về hưu hoặc những người thân chính quyền, được ưu ái nhận các khoản hỗ trợ của chính phủ và được khuyến khích cộng tác với quốc tế để thu hút sự ủng hộ và tạo dựng một khuôn mặt giả tạo cho xã hội dân sự trong nước.
Bên cạnh đó, thiết lập bộ máy công an trị, duy trì hệ thống chỉ điểm trong dân chúng để gieo rắc nghi kị, cô lập hóa từng cá nhân, ban hành một hệ thống pháp luật mơ hồ về câu chữ (vaguely-worded laws), kiểm duyệt truyền thông, cấm đoán báo chí tư nhân, đàn áp chia rẽ tôn giáo, bỏ tù dài hạn bất đồng chính kiến – những phương cách cai trị căn bản đã và đang được áp dụng tại Việt Nam đều có thể tìm thấy ở Burma, nơi mà, trong nhiều trường hợp, chúng còn được thực thi ở một mức độ gay go và khốc liệt hơn bởi tình trạng đóng cửa biệt lập của quốc gia này.
2, “Người dân Burma rất anh hùng, không biết sợ là gì. Đâu như cái giống dân Việt…”
Bo Bo, thủ lĩnh trẻ tuổi của Generation Wave – một nhóm tranh đấu bằng phương pháp phi bao lực (nonviolent resistance) theo đường lối Gene Sharp, học trò của Otpor, hẳn sẽ đỏ mặt thay cho dân tộc của anh khi nghe nhận xét này.
“Cách đây mới chừng năm năm thôi, mỗi khi muốn nói chuyện gì đó liên quan đến chính quyền, chúng tôi phải đến những quán như đằng kia”, vừa nói Bo Bo vừa chỉ tay đến một quán trà (teahouse) lấp ló sau làn khói xe của Yangon. “Tiếng ồn ở đó khiến không ai biết chúng tôi nói gì; chứ ở nơi khác, người dân hoặc sẽ rất sợ hãi hoặc sẽ chỉ điểm cho công an”. “Đa phần dân chúng rất sợ hãi khi bàn những chuyện liên quan đến chính trị, vì vậy chúng tôi phải chọn hình thức khác để tiếp cận họ: thông qua nghệ thuật, đặc biệt là các bài hát sôi động, hip hop chẳng hạn.”
Có thể nói dân chúng sống trong bất kì xã hội độc đoán nào cũng có nỗi sợ bạo quyền tương tự nhau. Do đó, câu hỏi đặt ra cho những người tranh đấu như Bo Bo không phải là dân chúng có sợ hãi không, mà là làm sao để giảm bớt nỗi sợ hãi đó, tiếp cận và lôi cuốn họ tham gia vào các tiến trình chính trị - xã hội.
3, “Giới hoạt động của Burma trên dưới một lòng, đoàn kết thống nhất. Người Việt thì cứ dìm nhau…”
“Bạn có nhớ hình con công trên lá cờ của NLD không? Tôi không dám nói họ lấy của chúng tôi nhưng tôi xin khẳng định chúng tôi là người đầu tiên đã chọn nó làm biểu tượng cho phong trào dân chủ hóa Burma”, một người bạn từ 88 Generation – một nhóm hình thành ngay sau vụ thảm sát 1988 và hoạt động tới tận ngày nay trong tư cách một tổ chức chính trị - chia sẻ với tôi khi được hỏi về NLD.
Không chỉ dừng lại ở những tranh chấp bản quyền logo như trên, việc các tổ chức chính trị và xã hội dân sự của quốc gia này phê phán, chỉ trích lẫn nhau về đường lối hoạt động hoặc đôi khi là những vấn đề cá nhân là hiện tượng hết sức bình thường. Ngoài ra, hiện nay các tổ chức có và không đăng kí của Burma cũng rất khó làm việc chung và thiếu tin tưởng lẫn nhau.
4, “Việt Nam lấy đâu ra một người tài đức vẹn toàn, vừa có tầm nhìn xa vừa gần dân để tập hợp quần chúng như bà Aung San Suu Kyi, thế thì sao mà cách mạng thành công được?”
Trí tuệ tinh anh, nghị lực phi thường của Aung San Suu Kyi là điều không thể bàn cãi. Nhưng không tính tới vai trò của lý lịch gia đình trong khả năng quy tụ quần chúng của bà cũng là một thiếu sót lớn.
Chế độ quân phiệt Burma ngay cả trên đỉnh cao quyền lực vẫn không dám quét sạch tên tuổi của cha bà, vị tướng lập quốc Aung San. Tên của cha bà, qua nhiều thập kỉ quân quản vẫn được đặt cho một trong những trục đường chính ở Yangon và có một chỗ đứng đặc biệt trong lòng dân chúng Burma.
Ở một xứ chưa quen với văn hóa chính trị hiện đại như Burma, tính chính danh dựa trên truyền thống (khái niệm của Max Weber) vẫn đóng một vai trò hết sức to lớn. Do đó, không quá ngạc nhiên nếu Aung San Suu Kyi, hậu duệ của nhà khai quốc, thu hút được sự ủng hộ từ bộ phận lớn dân chúng vốn còn đang thương tiếc vị tướng tài ba quả cảm của dân tộc.
5, “Giới hoạt động dân chủ, nhân quyền và xã hội dân sự của Việt Nam kém cỏi về mọi mặt so với Burma”
Trong lần viếng thăm AAPP (Hội Hỗ trợ Tù nhân Chính trị - Assistance Association for Political Prisoners) – tổ chức năng nổ nhất trong lĩnh vực tù nhân lương tâm của Burma, người viết chứng kiến các tình nguyện viên từ châu Âu hướng dẫn các thành viên của tổ chức này cách thức sử dụng máy tính ở mức rất cơ bản. Rất nhiều hồ sơ giấy tờ của tổ chức này vẫn còn phải ghi chép bằng tay vì công nghệ thông tin vẫn còn khá mới mẻ với nhiều thành viên. Ở điểm này có thể nói giới hoạt động Việt Nam có phần trội hơn.
Khi được hỏi đâu là thách thức mà xã hội dân sự và phong trào tranh đấu dân chủ của Burma đang gặp phải sau chuyển tiếp dân chủ, Zaw Moe, đại diện AAPP bày tỏ lo ngại đối với hai hiện tượng (1) nhiều nhà hoạt động có kĩ năng làm việc đang dần chuyển sang khu vực doanh nghiệp khi nền kinh tế Burma bắt đầu mở cửa và (2) trong khi các công ty tư nhân ngoại quốc (gồm cả 1 công ty rất có tiếng từ Việt Nam) đang tàn phá môi trường trong quá trình đầu tư thì giới hoạt động nước này lại rất thiếu kinh nghiệm trong lĩnh vực này.
Khó có thể nói xã hội dân sự ở Việt Nam đã đạt nhiều thành tựu trong lĩnh vực môi trường nhưng qua nhiều phong trào, chiến dịch…khu vực này cũng đã có ít nhiều kinh nghiệm từ vận động chính sách công đến đối đầu với các công ty – điều mà các đồng nghiệp phía Burma vẫn chưa có nhiều cơ hội trải nghiệm. Tương tự vậy, phong trào xã hội dân sự Việt Nam ra đời sau khi đất nước đã mở cửa nền kinh tế được một khoảng thời gian; nhiều người đã lựa chọn xã hội dân sự như một nghề nghiệp nên phần nào đó sẽ tránh được xu hướng từ bỏ phong trào chuyển sang khu vực kinh tế tư nhân như các nhà hoạt động Burma hiện nay.
Tóm lại, vui cho những nhà tranh đấu và người dân Burma nhưng cũng đừng vì thế mà buồn cho tiến trình dân chủ hóa ở Việt Nam, để rồi than thân trách phận.
Dân chủ là xu thế thời đại và chúng ta đang đi đúng hướng. Quan trọng là cần đi nhanh hơn.
Bằng cách nào?
Bằng lời của cụ Phan Châu Trinh: “Chi bằng học”.
Tôi mơ về những chàng trai cô gái Việt Nam tuổi đôi mươi lang bang trên đường phố Yangon, và cả Jakarta, Manila, Hongkong, Ai Cập, Tunisia, Serbia…để học về đấu tranh dân chủ và xây dựng xã hội dân sự. Học từ cả thành công và thất bại của mỗi nước.
Hơn là quẩn quanh trong hai chữ “vận nước” để lý giải bi kịch dân tộc. Bởi lẽ, một lần nữa, dân chủ là lựa chọn, chứ không bao giờ là số phận.
Nguyễn Anh Tuấn
10/11/2015
Bài bình luận gần đây