TẢN MẠN BÊN TÁCH CÀ PHÊ
Nguyễn Xuân Thiệp
Sáng nay, trời Garland âm u, có tiếng sấm dội ì ì, và mưa thưa đây đó. Chợt nhớ câu thơ ngày nào đã viết: mưa ở đây. mưa từ rất xa. rất xa…
Nhưng rất xa là từ đâu vậy cà? Từ Sài Gòn hay New Orleans hay Kennesaw? Và rồi lòng tự hỏi lòng: Chớm thu rồi đấy ư? Nghe nói bão thổi vào miền Trung và Sài Gòn mùa này có những trận mưa tầm tã. Mưa suốt một buổi chiều. Mưa tới khuya. Mưa kéo dài đến sáng hôm sau. Chợt hình dung thấy những ngõ hẻm bay bay ánh đèn và những bóng người trong mưa. Như trong phim L'Amant (Người Tình) xem từ hồi trong nước. Bạn gần đây viết trong email: Đêm qua trời mưa lớn. Mưa đêm, buồn và nhớ những hồn xa.
Vâng, Đúng như thế. Mưa đêm gợi nhớ… Đâu đó, về trong “Xóm Đêm” của Phạm Đình Chương. Đường về canh thâu / Đêm khuya ngõ sâu như không mầu / qua phên vênh có bao mái đầu / hắt hiu vàng ánh điện câu... Vâng, những hồn xa trở về tìm hơi lửa ấm. Tháng Bảy, Vu Lan, mình đi mua một lồng chim mở cửa thả chúng bay lên trời, rồi đi chùa Già Lam thăm cha mẹ, rót rượu lên cỏ cho những bạn bè anh em đã nằm xuống...
Chuyện như trong mơ. Cứ cho là thế. Và em, đêm nay trời sẽ mưa, hứng giùm anh đôi giọt nước từ trời. Để anh mường tượng lại Tháng Bảy ở quê nhà. Tháng bảy nước nhảy lên bờ... Tháng bảy mưa sa mù mịt những cánh đồng... Đó là thời tiết ở quê xưa vào khoảng thời gian này. Nó làm cho bầu không khí trở nên u trầm, buồn bã, khiến ta nghĩ đến những giọt nước mắt của vợ chồng Ngâu. Truyền thuyết Trung Hoa về tình yêu trắc trở của tiên cô dệt vải (Chức Nữ) và gã chăn trâu (Ngưu Lang) không ai là không biết. Do lỗi của hai người mải yêu nhau mà biếng nhác công việc, mỗi năm chỉ vào ngày 7 tháng 7 Ngọc Hoàng mới cho họ gặp nhau một lần. Bước trên chiếc cầu, gọi là cầu Ô Thước - do đàn quạ đen nối nhau mà thành- hai vợ chồng không nói nên lời, nước mắt rơi xuống sông Ngân… Do đó, tháng Bảy được gọi là tháng Ngâu (Ngưu) vầy.
Ờ, phải rồi. Tháng Bảy ngâu vầy, do trời làm cho đôi lứa phải cách xa ngàn dặm, làm cho những người yêu nhau không thấy mặt nhau. Chuyện trong thần thoại mà cũng là chuyện trong cuộc đời. Tuy nhiên, nói như vậy, dường như còn quên một điều: trong cõi đời này, đôi khi chính người đã làm cho người xa nhau.
Như sau 1975…
Ở trên, Nguyễn không chủ ý nói về Sài Gòn, thế nhưng Sài Gòn đã có cả hình và tiếng trong từng đoạn từng câu. Vậy, tới luôn đi bác tài, nói về Sài Gòn ngày xưa.
Sài Gòn ngày xưa -bây giờ đã đổi thay nhiều, tất nhiên- có những cà phê vỉa hè vừa bình dị vừa nên thơ. Này nhé, ở một góc phố nào đó, phố Tàu thì hợp hơn, dưới những tàn me rụng lá, đôi khi có thêm những giọt mưa của cơn mưa đêm qua còn sót lại, mấy người đàn ông lặng lẽ uống cà phê, vừa uống vừa đọc báo (hồi đó gọi là nhật trình). Chung quanh, tiếng đời rộn rã. Tiếng xích lô máy, tiếng rao hàng, con nít cười reo, mấy mụ đàn bà chửi lộn, lại thêm tiếng gà vịt từ bên kia đường.
Cà phê ở đây cố nhiên không sang trọng như ở Givral hay La Pagode. Hay cà phê phin Gió Bắc -chỗ ngồi của Đinh Hùng, Phạm Đình Chương, Trần Dạ Từ, Nguyễn Thụy Long (vừa mới ra đi)? Nó là cà phê bít tất, uống bằng ly chứ không phải bằng tách. Bạn uống cà phê sữa hay đen đường, tùy ý. Cà phê nóng, có người không đủ kiên nhẫn chờ nên đổ ra dĩa uống. Trước mặt có dĩa bánh bía để khách dùng thêm. Bên ngoài, chung quanh, đầy âm thanh của đời sống, Bên trong quán, tiếng người phổ ky thỉnh thoảng vang lên như hát: "Vách bên trái cà phê không đậm, nhớ lượt bằng vợt mới nghe không... Người này ba muỗng đường, người kia một muỗng rưỡi thôi."
Câu văn vừa trích dẫn trên là của Bình Nguyên Lộc. Sài Gòn, ở một quán cà phê bình dân, là Sài Gòn ngày xưa. Sài Gòn Chợ Lớn rong chơi / Đi lên đi xuống đã đời du côn (Bùi Giáng). Sài Gòn, thời thập niên 60, đi sâu vào ngõ xóm, ta còn bắt gặp những ngôi mộ đá ong nằm cạnh những căn nhà ọp ẹp của dân nghèo. Tại đây, rõ ràng người sống ở lẫn cùng người chết. Như trong truyện “Ba Con Cáo”.
Hãy nghe tác giả Bình Nguyên Lộc nói về Sài Gòn: "Thủ đô miền Nam là một thành phố mới. Cây, đá, nhà, phố, phong tục đều chưa mang được cái vẻ cổ kính, chưa biết kể lể những kỷ niệm cảm động để quyến luyến con người." Đó là Sài Gòn trong "Những Bước Lang Thang" của Bình Nguyên Lộc, Sài Gòn của những năm 50, 60 thế kỷ trước. Gần nửa thế kỷ rồi. Sài Gòn trải qua nhiều biến cố tang thương, cho đến ngày hôm nay hẳn là có vô số chuyện để kể. Cười vui. Bi thương. Thống hận... Đủ mọi mùi vị, sắc thái của cuộc đời và lịch sử.
Ngược thời gian về với Sài Gòn xưa, ta hãy uống thêm ngụm cà phê sáng, nghe Bình Nguyên Lộc nói về con sông chảy qua thành phố: "Con sông làm vận thừa cho một giang cảng sầm uất (cái bụng của Sài Gòn), tập trung tất cả ghe thương hồ của một hậu phương trù phú... Một người bạn nào đó, không tiền để đi hưởng các cuộc vui của thành phố tưng bừng, ngồi trong khoang thuyền, gảy nhẹ chiếc độc huyền, và cất giọng nói thơ. Với tiếng nhạc quê mùa, hương gió của Đồng Nai, mùi bùn của Ba Thắc, tất cả linh hồn của đất nước như đã theo thuyền buôn mà về đây. Con sông đặc biệt Á đông với những chiếc ghe dùng làm nhà, trên mui chưng vài ba cây cảnh, trước mui một con heo đứng ngơ ngác nhìn bờ, một con gà muốn cất cánh bay mà ngại chết đuối". Đó là Sông Ông Lãnh hay Kinh Tàu Hủ ôm lấy vòng eo của Sài Gòn, và hệ thống thương hồ trên dòng kinh chở đầy nhóc hàng hóa, thực phẩm về nuôi thành phố. Và đây, ta cùng tác giả nghe những âm thanh của ban đêm trên dòng sông. "Ở đây không có xe hơi, không có radio, không có trẻ nô đùa, nên những tiếng bí mật của đêm trường mang rõ linh hồn của nó, âm thanh có sự sống đã đành mà cho đến tiếng động, lắm khi cũng thành nhạc. Một chiếc xuồng tam bản, chuồi êm rơ trên mặt nước, một mái chèo khua nhẹ trên dòng kinh, một đèn dầu leo lét soi mờ bống một cô chèo xuồng, rồi từ tất cả các thứ ấy, vẳng lên: "Ai... chè đậu... cháo cá... hông?"
Đó là Sài Gòn thời Bình Nguyên Lộc. Ta đã nghe âm thanh của sự sống vang lên trong lòng thành phố và cả giữa đêm khuya. Tất cả tạo thành linh hồn của Sài Gòn thời hiện tại. Muốn đi tìm lịch sử của Sài Gòn, thời đó Sài Gòn hầu như chưa có lịch sử, cho nên Bình Nguyên Lộc đi tìm âm bản của thiên sử liệu ấy trong bóng ảnh của những hồn ma cũ. Ông ghi lại như sau: "Đi trên vỉa hè phố Bùi Chu đến góc Bùi Chu-Bùi Thị Xuân bạn bỗng nghe một cảm giác là lạ dưới chơn. Vỉa hè đất thịt bằng phẳng bỗng gập ghềnh và làm cho tiếng giày của bạn vang lên. Nhìn xuống, bạn mới nhận ra dấu vết của một mả vôi trám cả bề rộng khá lớn của vỉa hè”. Tác giả viết tiếp: "Ở đâu cũng mả hết, nhứt là Ô Ma. Người ta nói Ô Ma tức là "Phía vũng lầy" (Aux mares) của tiếng Pháp. Sao ta chôn xác người ở xóm vũng lầy?.. Mồ mả ở Sài Gòn thân mật quá chừng. Người ta sinh hoạt giữa mồ mả như quen biết với ma dữ lắm." Chúng ta đã cùng Bình Nguyên Lộc vào sâu trong những ngõ xóm. Và đây, xin nghe tiếp: "Những đêm mưa dầm, ma ở đây chắc không lạnh bao nhiêu, vì quanh họ đông đúc những khuôn mặt thân yêu, tha hồ mà trò chuyện cho ấm lòng". Nối tiếp những bước lang thang. "Hui nhị tỳ”, Bình Nguyên Lộc đưa ta vào sâu vùng thổ ngơi của người sống và người chết: "Chưa hết, ở nghĩa địa đất thánh nhà thờ Cầu Kho, bạn còn gập một cảnh chung sống âm dương kỳ lạ: Những ngôi mộ bia bị giấu mất dưới những nếp nhà lá nhỏ như chiếc khăn mu xoa, rồi trong đó, đám người kẻ dương gian người âm cảnh, ngủ chung với nhau."
(Những trích dẫn trên đều từ bài viết của Thụy Khuê về Bình Nguyên Lộc trong Hợp Lưu số 88)
Sài Gòn và những hồn ma cũ là chốn để dừng chân giây lát. Ra khỏi thế giới đó, ta sẽ thấy Sài Gòn xanh mướt lá me bay, những cây dầu reo trong gió và phố xá rực rỡ, nhộn nhịp. Vẫn là chuyện ngày trước. Những năm 60, thi sĩ Bùi Giáng của chúng ta, một người nhập tịch và sống điên dại với Sài Gòn, từng chân đất đi về trên những nẻo phố nơi đây. Và làm thơ:
Chạy đi em, qua vườn thắm theo ngày
Cùng với phút giây này phơi mở lá
Em ngó nhé cành xanh cây giục giã
Hoa nghiêng đầu ríu rít cạnh chim kêu
Cầm tay em, ta nắm lại một ngày
Màu và sắc hương mờ phai một thuở
Còn đọng giữa một tấm lòng thương nhớ
Kỷ niệm ngần giá cúc với nồng sen
Chạy đi em, lên tiếng gấp gọi rằng
Và vói bắt khi tầm tay vừa tới
Và giam giữ giữa hồn em xanh với
Mộng xanh đời, xanh lá, với xanh cây
(Nguồn: béo Trẻ Dallas)
NXT
Bài bình luận gần đây