You are here

Một buổi chiều… nhìn mây trôi

TẢN MẠN BÊN TÁCH CÀ PHÊ

Nguyễn Xuân Thiệp

Một buổi chiều, nhìn mây trôi. Bây giờ, chiều nào mà không nhìn mây trôi. Để thấy mây trên trời khi thì như hình con chó rơm (xô cẩu), khi thì trắng như áo văn nhân (thiên thượng phù vân như bạch y...) Vậy thì... Một buổi chiều nhìn mây trôi, Nguyễn tôi nghĩ đến nhà văn Thảo Trường. Anh bây giờ, nhìn qua ảnh, tóc cũng đã trắng như mây.
Và anh bây giờ, than ôi, anh đã đi vào vùng mây trắng. Tin từ blog Nguyễn Xuân Hoàng ghi: Tác giả Thử Lửa, nhà văn Thảo Trường vừa qua đời tại tư gia ở Huntington Beach, California vào lúc 3 giờ chiều thứ Năm 26 tháng 8, 2010, hưởng thọ 74 tuổi. Theo môt nguồn tin từ gia đình, từ nhiều tháng qua, ông bị bệnh ung thư gan ở giai đoạn cuối, các bác sĩ cho biết không còn hy vọng chạy chữa.
Như thế đó, Thảo Trường đã ra đi vào vùng mây trắng. Tưởng nhớ tới anh, Nguyễn xin đăng lại bài viết về Thảo Trường cách đây hai năm đã đăng trên báo Trẻ ở Dallas.

Trước hết, xin ghi lại nơi đây: Chiều chủ nhật 31 tháng 8. 2008, tại hội trường báo Nguời Việt ở Cali đã tổ chức buổi giới thiệu sách của Thảo Trường. Quyển sách có tựa đề "Những Miếng Vụn Của Tiểu Thuyết", được nhà thơ Trần Dạ Từ và nhà văn Huy Phương nhận định là một tác phẩm cực hay.

Nhà văn Thảo Trường (từ blog NXH)

Nguyễn có hân hạnh được biết nhà văn Thảo Trường. Biết chứ không quen thân, mặc dù có gặp nhau một lần. Hồi đó, cách đây dễ cũng đã 15 năm, Nguyễn vừa mới qua Mỹ, nhân đi rong chơi ta bà tám hướng ghé Westminster Cali, được bạn bè dẫn đến dự buổi ra mắt sách của Phan Ni Tấn và Nguyễn Nam An. Hôm ấy có nhiều người nổi tiếng: Mai Thảo, Thái Thanh, Phạm Duy, Lê Uyên Phương, Khánh Trường, Nghiêu Đề và Giang... Trong buổi sinh hoạt, Hoàng Khởi Phong có dẫn Nguyễn đến giới thiệu với Thảo Trường. Được biết tiếng anh từ lâu, ngày xưa có đọc Bà Phi của anh đăng trên nhật báo Tiền Tuyến, mãi đến bây giờ mới gặp người, Nguyễn cảm thấy rất vui. Về sau, khi làm báo Phố Văn, Nguyễn có mời Thảo Trường viết. Anh vui vẻ nhận lời và gửi đăng mấy truyện, trong đó có Hộ Khẩu Ở Ngoại Thành và Chương Bốn Mây Trôi. Phải nói cả hai truyện đều mạnh mẽ, táo bạo, đầy sức sống. Rồi anh gởi tặng Nguyễn cuốn sách của anh -Đá Mục. Đá mà cũng mục, huống chi người, phải không anh Thảo Trường? Bẵng đi nhiều năm không gặp lại anh. Một hôm. Hoàng Mai Đạt -lúc đó còn làm ở Người Việt- có email cho Nguyễn, yêu cầu viết vài đoạn ghi lại các cảm nghĩ về Thảo Trường. Thật sự thì Nguyễn chỉ gặp Thảo Trường trong mấy phút và cũng chưa đọc kỹ đọc hết tác phẩm của anh nên ngần ngại không dám viết. Tháng 8. 2008 nghe tin anh in sách và được bạn bè nồng nhiệt giới thiệu và khen ngợi, Nguyễn cảm thấy rất mừng. Mừng, vì anh xứng đáng được như vậy: Anh đã từng phục vụ trong quân đội tới 17 năm và ở tù Cộng Sản đâu cũng bằng quãng thời gian đó, lại là nhà văn có bút pháp trung thực, mạnh mẽ (đôi khi thơ mộng) và tấm lòng thủy chung, nhân hậu. Vậy cho nên hôm nay nhân cuốn Những Miểng Vụn Của Tiểu Thuyết được giới thiệu tới quần chúng, Nguyễn xin có bài viết tản mạn này.
Viết về Thảo Trường, nhà thơ Đỗ Quý Toàn đưa ra nhận định: "Ông sống trong thời chiến tranh, 17 năm phục vụ trong quân đội, nhưng khi viết văn ông là một con người tự do. Nhà văn nhìn cuộc chiến diễn ra trước mắt bằng con mắt của một con người. Đối diện với sự sống và cái chết, nhà văn diễn tả những quan sát trung thực, những cảm nghĩ chân thành. Nhà văn giữ được chất nhân bản, yêu sự sống, thương con người, thương loài người, một tình thương không để hoen ố vì chính trị phe đảng bè phái, mà còn vượt lên trên những tranh chấp tư tưởng, ý thức hệ nhất thời."
Đó là Thảo Trường. Trong truyện "Viên Đạn Bắn Vào Nhà Thục" chẳng hạn, ông chỉ diễn tả thực trạng chiến tranh mà không lên án ai, phán xét ai, không nói xấu bên nào, không bênh bên nào. Nói như thế không có nghĩa là Thảo Trường không có cái nhìn phân biệt đúng sai. Thật ra, ông chỉ muốn làm người nghệ sĩ cảm nhận mọi sắc thái của cuộc đời, diễn tả cuộc đời như nó là thế. Người đọc có thể nhìn ra cái ý của ông sau hàng chữ. Thế thôi. Cũng vẫn theo nhà thơ Đỗ Quý Toàn, Thảo Trường kể chuyện người cựu tù binh đạp xe đi mót ve chai ven xa lộ PCH ở California mà lâu lâu lại vấn vương nhớ những hình ảnh cũ. "Hồn bay lên khỏi những ngọn cây tràm rậm rì... qua những cây tràm khác trong trại giam ra khỏi hàng rào tre, bay qua Suối Lạnh, qua Suối Cạn, lướt trên ngọn cây, bay vù lên ngọn núi Mây Tào..." Ông nhớ lại những ông chánh án tòa thượng thẩm bị biệt giam, nhớ cậu bé con, nhớ người sĩ quan trẻ bị tâm thần được trả tự do nhưng nhất định không rời trại nếu không có xe quân cảnh Mỹ đến đón! Sau khi vất vả mới đánh lừa để đuổi được cậu tù trẻ này ra khỏi trại rồi, người trực trại than: "Tù cũng khổ! Cai tù cũng khổ! Ở tù cũng khổ! Ra tù cũng khổ!" Buổi tối, khi đàn bò xổng chuồng cả trại phải đi "thu quân" về rồi mới được ngủ bù, có bác cằn nhằn: "Bò cũng khổ! Người cũng khổ!"
Đoạn văn trên hay quá, phải không bạn. Không oán thù, chỉ nhẹ nhàng diễn tả những cảm xúc nhân hậu. Nguyễn xin trích dẫn thêm đoạn văn sau đây để mời bạn đọc thưởng thức văn chương của Thảo Trường:
"Hòn đá to bằng nắm tay. Mầu mận chín. Nhìn kỹ nó có vóc dáng hình nhân, có khi lại thấy hao hao một loài thú. Cũng có lúc thấy nó giống thiên thần rồi lại chợt tưởng là quỷ sứ. Có lúc thấy nó hiền lành nhưng cũng có lúc thấy nó toát ra vẻ hung dữ. Lúc thấy đẹp, lúc thấy xấu. Lúc thấy dễ thương, lúc thấy đáng ghét. Lúc thấy có hồn, lúc thấy vô tri. Lúc thấy nó sống động, nhưng có lúc thấy nó là tĩnh vật.. Có lúc thấy nó hiện hữu, lại có khi chẳng nhìn thấy đâu. Theo người tìm ra thì mảnh vỡ có thể là từ cung trăng hay một hành tinh nào đó trên vũ trụ xẹt xuống. Sao băng nằm ở đáy hồ." Thảo Trường cho biết hòn đá này có lý lịch từ thời anh đóng quân ở cao nguyên. Nó do một người lính nhặt được đâu dưới lòng suối đem tặng. "Ông sĩ quan giữ viên đá anh lính cho mãi đến ngày tàn cuộc chiến. Đổi đi đơn vị nào ông cũng mang theo, tuy không lên tướng nhưng sau này về làm tham mưu, có văn phòng, ông cũng luôn luôn trưng cục đá màu mận chín đó trên bàn giấy."
Các bạn thấy không, tả một cục đá như vậy có thể nói là tuyệt bút. Nó là nghệ thuật, với muôn màu muôn vẻ, vô cùng kỳ ảo. Nhưng ngoài những cảm xúc thuần túy nghệ thuật như trên, ở Thảo Trường ta còn tìm thấy những thực tế sần sùi (Những Đứa Trẻ Thụ Thai Giữa Hàng Rào), những ý nghĩ cay đắng, những lời đầy uắt hận. Có lúc anh đã lớn tiếng chửi: "Bố tiên sư nhà nó... Đéo mẹ nó... Cha tiên sư nhà nó cách mạng... Bố tiên sư nhà nó Đồng Minh", nghĩa là chửi cả Việt Cộng, chửi cả Mỹ. Hay như trong câu chuyện sau đây ở truyện "Đá Mục" được nhà văn Huy Phương trích dẫn, một câu chuyện thật, một chuyện cười ra nước mắt: Một bác tù già có nhiệm vụ giữ chuồng heo, trong đó có một con heo giống tức là heo nọc. Sau một lần gieo giống vất vả, cô phó tiến sĩ nuôi heo mới giao cho bác tù già hai quả trứng gà nói là "để bồi dưỡng". Bác tù già này rất cảm động, có lẽ trong lòng bác đã nghĩ đến hai chữ tình người, bác đun nước và thưởng thức rất tận tình hai quả trứng. Khi cô phó tiến sĩä trở lại, hỏi đã đập hai quả trứng vào máng để bồi dưỡng cho con heo nọc chưa, thì bác mới thú nhận là đã xơi hai quả trứng vì cứ nghĩ là bà cán bộ muốn bồi dưỡng bác. Kết quả là cô cán bộ nổi trận lôi đình và mắng nhiếc bác tù già: "Nó nhảy, chứ anh có làm gì đâu... mà bồi dưỡng? Anh tranh ăn của nó là anh bốc lột nó. Các anh bốc lột của nhân dân quen rồi, bây giờ lại bốc lột của lợn nữa!" Cũng vì nhận lầm hai quả trứng gà "bồi dưỡng" mà bác tù già phải trở về đội nông nghiệp, để lại tìm "chỗ dựa vững chắc" là cây cuốc.

Đi về vùng mây trắng

Thật sự, bút pháp của Thảo Trường linh động, nhiều sắc thái, nhưng bao giờ cũng mạnh mẽ. Tất nhiên, tinh thần nhân bản, nhân hậu trong truyện của anh vẫn là nét dễ thấy. Những chuyện Thảo Trường viết là những chuyện có thật. Anh nói: "Những câu chuyện có thật vì được lấy chất liệu từ chính cuộc sống của tôi, tôi đã gặp những nhân vật như thế và tôi đem vào truyện của mình. Thí dụ như bà Nữ Hoàng Trầm Hương trong "Mây trôi" là một nhân vật tôi đã gặp hồi còn trong tù, hay người thương binh cộng sản, người vợ góa của người lính cộng sản. Vì thế tôi có nói với ông Nguyễn Mạnh Trinh là trong truyện của tôi sự thật chiếm 99%, và hư cấu cũng chiếm 99% là như thế. Đó chỉ là một cách trả lời thôi, vì sự thật là hư cấu qua cái nhào nặn của nhà văn. Mình không đưa ra sự thật như một tấm ảnh mà muốn diễn tả bằng văn chương, thành ra là hư cấu."
Như vậy, Thảo Trường không bịa chuyện, nhất là bịa chuyện với dụng tâm nói xấu, bôi bẩn đối phương -như Bảo Ninh và Hồ Anh Thái đã có lúc làm như vậy (xin độc giả đọc Trần Doãn Nho phỏng vấn Trần Hoài Thư trên Da Màu). Đây là điểm khác biệt giữa nhà văn miền Nam và nhà văn Cộng Sản miền Bắc. Chính vì điều này mà Đỗ Quý Toàn nói Thảo Trường là nhà văn tự do. Nhà văn nhà thơ miền Nam đều là những ngòi bút tự do, nghĩa là không sáng tác dưới áp lực chính trị hay ý thức hệ nào cả. Nguyễn Bắc Sơn chẳng hạn đi vào chiến tranh với phong thái nghệ sĩ: Mai ta đụng trận... Linh hồn ta sẽ thành mây bay. Thanh Tâm Tuyền ở trong tù mà "gánh cỏ trên vai, thơ trong đầu".Tô Thùy Yên bị đày đọa đến cả chục năm trong các lán trại từ Bắc chí Nam cũng nghĩ tới cái chung cục "Quen lạ, bạn thù chung giấc ngủ / Chung lời thương tiếc khắc trên bia". Và còn nhiều, còn nhiều nữa. Chắc chắn những nhà văn nhà thơ Cộng Sản không bao giờ có được cái nhìn và những ý nghĩ nhân bản như vậy.

Viết thêm sau khi xem lại: Bây giờ Thảo Trường đã đi vào vùng mây trắng. Còn nhớ cách đây mấy năm, đọc bài ai điếu trước di ảnh của Thanh Tâm Tuyền, Thảo Trường đã xưng tụng người vừa ra đi là “nhà thơ của chúng ta”. Hôm nay, trong ngấn lệ còn đọng lại, chúng ta cũng xin gọi Thảo Trường là “nhà văn của chúng ta”. Cầu xin nhà văn yên nghỉ trên vùng mây trắng.

Khởi viết: tháng 9. 2008
Nhuận sắc: tháng 8. 2010
NXT

Bài bình luận

Vĩnh biệt nhà văn Thảo Trường- chứng nhân lịch sử- một ngòi bút lớn của Việt Nam tự do. Nguyễn Minh Hoàng