Song Chi
Uploaded with ImageShack.us
Mưu sinh. Nguồn:zing forum
MƯU SINH TRÊN LỀ ĐƯỜNG
Lúc còn ở Việt Nam, nhiều lần tôi được nghe nhiều người nước ngoài nhận xét về những ấn tượng mạnh mẽ nhất đối với họ khi lần đầu tiên đặt chân đến những thành phố lớn của Việt Nam. Hầu hết đều nói về giao thông-ai cũng kinh ngạc vì vì số lượng xe gắn máy tràn ngập trên đường phố và mức độ giao thông hỗn loạn của Sài Gòn, Hà Nội. Nhưng có người nói thêm, họ rất ngạc nhiên và thú vị với mật độ buôn bán dày đặc trên các lề đường của Sài Gòn, Hà Nội và một số thành phố khác.
Từ khi nhà nước mở cửa về kinh tế, người dân bắt đầu lao vào con đường kiếm tiền. Ở Sài Gòn, Hà Nội và một số thành phố khác bây giờ hầu hết mọi con đường đều trở thành khu phố buôn bán và dịch vụ. Có những con đường mà mỗi mét vuông từ nhà cho đến lề đường đều san sát hàng quán, chen chân không lọt! Ai may mắn có nhà mặt tiền thì trổ cửa, cơi nới, sửa sang thành những cửa hàng, văn phòng, quán ăn, café bar…, ai không có nhà thì ra lề đường bán hàng rong, làm dịch vụ các loại. Ở đây tôi không định nói đến những ngôi nhà mặt tiền trở thành những cửa hàng, tôi muốn nói đến cái lề đường trong đời sống kinh tế của người dân đô thị ở Việt Nam dưới thời “kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa”.
Uploaded with ImageShack.us
Hàng rong ở Sài Gòn vào mùa mưa. Nguồn: tinmoi.vn
Phải nói rằng cái lề đường đó đã cứu đói cho hàng triệu người dân Việt Nam trong những hoàn cảnh khác nhau nhưng đều giống nhau ở một điểm là không thể chen vào hoặc không thể sống được trong hệ thống kinh tế quốc doanh của nhà nước và cũng không thể trông đợi gì ở sự hỗ trợ của nhà nước: đó là những người dân đô thị nghèo không có nghề nghiệp, sinh viên học sinh đi bán hàng rong kiếm tiền thêm, người già về hưu, kể cả người còn đang làm cho công ty nhà nước nhưng đồng lương chết đói phải “chân trong chân ngoài” cho đến người nông dân ở miền Tây, miền Trung, vùng sâu vùng xa… không sống nổi, dạt lên thành phố và ra lề đường bán buôn…Một gánh xôi nhỏ bé hay một xe bánh mì với lưng vốn không bao nhiêu, nhiều khi là sự sống của cả một gia đình năm, bảy, chục miệng ăn. Đã có những câu chuyện cổ tích thời nay về người mẹ bán xôi nuôi cả đàn con vào đại học. Đã có những vùng quê mà cả làng kéo nhau vào Sài Gòn rồi cùng ra đường bán một thứ hàng rong giống nhau như mì gõ, chè đậu hũ nước dừa, bắp xào…
Uploaded with ImageShack.us
Café bệt ở Sài Gòn. Nguồn: sinhvienvanlang.com
Có những dạo nhà nước ra chiến dịch làm sạch lề đường, truy quét không cho ai buôn bán gì, thậm chí có hẳn Nghị định 36 về vụ trật tự lề đường này, nhưng dẹp đầu này người ta chạy sang đầu kia, hoặc đang bán thấy xe công an đến thì gom mọi thứ chạy, công an đi qua thì lại bày ra…cứ như cóc bỏ đĩa, nhiều lần như vậy cuối cùng nhà nước đành chịu. Mà chịu không giải quyết nổi là chuyện hiển nhiên, khi đất nước còn nghèo, nền kinh tế chưa đủ mạnh mà hệ thống cơ quan nhà nước, công xưởng… lại chưa có đủ công việc cho mọi người và cũng không đủ sống, thì người dân phải ra đường tự nuôi mình thôi. Gần đây nhất, năm 2008 Hà Nội ra Quyết định 02 về quản lý hoạt động bán hàng rong trên địa bàn Hà Nội, có hiệu lực từ 19/1/2008 , cấm bán hàng rong, chợ rong…cho sạch phố phường-đó là suy nghĩ theo kiểu duy ý chí và bất cập về nhân văn trong chính sách. Bởi, nhà nước không cho dân nghèo buôn bán thì liệu có kiếm được hàng trăm ngàn, hàng triệu việc làm khác cho họ sống không, hoặc có sự hỗ trợ nào cho họ trong thời gian tìm công ăn việc làm khác không? Thực tế cho thấy Hà Nội đã không làm được. Tình trạng vi phạm ở nhiều tuyến phố lại tiếp diễn cho đến nay, cứ mỗi lần nhân dịp gì đó ví dụ như dịp đại lễ Thăng Long 1000 năm sắp đến, Hà Nội lại tung quân ra dọn dẹp, tái khởi động chiến dịch lập lại tuyến phố "văn minh đô thị". Chỉ là những cách làm hình thức, phong trào, mà gốc rễ của vấn đề thì không giải quyết được.
NHÀ NHÀ KIẾM THÊM, NGÀNH NGÀNH PHÁT TRIỀN NGOÀI LUỒNG
Ngay từ thời bao cấp người dân Việt Nam cũng đã phải “chân trong chân ngoài”, vừa đi làm cho nhà nước vừa “chạy chợ”, nuôi heo, may gia công…kiếm thêm hoặc trong nhà có hai lao động chính thì phân công nhau, chồng/vợ bám nhà nước để lấy tiêu chuẩn công nhân viên, có tem phiếu, con cái dễ đi học khi lý lịch có ba hoặc mẹ là công nhân viên (thời đó tâm lý phải có công ăn việc làm trong hệ thống nhà nước còn rất nặng nề), còn người còn lại “hy sinh” bỏ ra ngoài mưu sinh. Đến giai đoạn chuyển sang nền kinh tế thị trường, tình trạng người dân bỏ nhà nước đi làm cho tư nhân hoặc làm nghề tự do ngày càng trở nên bình thường. Còn các ngành nghề thì đua nhau phát triển kinh tế phụ, tìm cách tăng thêm thu nhập cho nhân viên và tăng nguồn thu cho cơ quan, công ty. Sẵn mặt bằng cơ quan rộng rãi, tha hồ cắt xén cho thuê hoặc làm chuyện khác, từ mặt tiền cho đến khuôn viên cơ quan bị che chắn, sửa chữa thành ra lôm côm, chật hẹp, trông không ra làm sao. Chưa kể có những cơ quan, công ty cho thuê làm những dịch vụ rất trái với ngành nghề của mình, tạo ra những hình ảnh trái ngược, tréo ngoe, phản cảm, và ảnh hưởng đến không gian yên tĩnh cần thiết để làm việc.
Cuối cùng, đối với người dân, cái chân ngoài lại dài hơn chân trong, nghề tay trái lại nuôi nghề tay phải, người đi làm chỉ dành một phần thời gian, tâm huyết cho cái công việc đang ăn lương còn lại dành cho cái công việc bên ngoài kia. Thầy giáo chỉ mong hết giờ để về nhà dạy thêm, bác sĩ mong hết giờ để còn về cái phòng mạch tư ở nhà, dân văn phòng nhất là các loại văn phòng nhà nước của Bộ này Cục kia Viện nọ thì lại càng nhàn rỗi, việc ít, 8 giờ đi làm mỗi ngày trong đó nào uống trà, tán gẫu, đọc báo, “nấu cháo” điện thoại…mà vẫn thừa giờ, việc ít thì lương ít, không làm thêm làm sao sống. Từ đó tạo ra tâm lý “ngoài luồng”, không hết lòng gắn bó với công việc chính cơ quan chính, mà đã không hết lòng thì chỉ làm cho qua, đâu có bận tâm tìm cách cải thiện, thay đổi, phát triển cho nó tốt hơn? Thêm vào đó, người dân phải mất quá nhiều thì giờ cho việc mưu sinh thêm thì không còn sức lực, đầu óc đâu để tập trung vào chuyên môn nữa.
Đối với các cơ quan, công ty, cho đến bệnh viện, trường học…nhà nước, vì chạy theo lợi nhuận, nguồn thu nhập phụ trở nên quan trọng hơn nên nhiều khi cũng cùng một cơ quan, một bệnh viện đó mà khách hàng hoặc bệnh nhân đến làm việc ngoài giờ thì được đối xử khác hẳn, điều kiện vật chất, cách chăm sóc, giải quyết vấn đề…mau mắn, tốt hơn hẳn. Các cơ quan, công ty, bệnh viện vì thế mà bên trọng bên khinh trong cách làm việc, phục vụ…nhân dân giữa người có tiền đến với các dịch vụ tư và người không có tiền. Ngược lại, người dân thì sẽ có tâm lý chỉ cần có tiền là mọi thứ sẽ khác, có tiền là có tất cả.
Có thể suy ngẫm rất nhiều điều từ một xã hội với đường hướng phát triển như vậy. Một mặt, nó cho thấy hệ thống “dòng chính” chưa phát triển đạt yêu cầu của xã hội. Ví dụ như trong giáo dục: tình trạng dạy thêm học thêm tràn lan ngoài lý do “tăng thu nhập” cho thầy cô và nhà trường như đã nói ở trên, còn chứng tỏ nền giáo dục chính thống ở trường chưa thật tốt bởi vì nếu một nền giáo dục đạt chất lượng, đủ làm cho các bậc phụ huynh an tâm thì họ đâu có phải tốn tiền chạy vạy ngược xuôi cho con em đi học thêm và trẻ em Việt Nam đâu có phải đi học lu bù mệt phờ từ sáng đến tối như vậy?
Một quốc gia mà còn nhiều người dân không chen được vào hoặc không sống nổi trong hệ thống công ty, cơ quan, nhà máy…và phải ra đường, bám lấy cái lề đường mà sống chứng tỏ nền kinh tế của quốc gia đó còn nhiều yếu kém, chưa ổn định, nền công nghiệp và dịch vụ cao chưa phát triển. Còn trong hệ thống công ty, cơ quan, nhà máy…khi đồng lương không đủ sống thì hàng ngàn sự tiêu cực sẽ phát sinh như tệ quan liêu, thói hành dân cho…bõ ghét, nạn hối lộ, tham nhũng…Thực tế ở Việt Nam trong suốt bao nhiêu năm qua đã cho thấy điều này.
ĐỜI SỐNG TINH THẦN VÀ TÂM LÝ “NGOÀI LỀ, NGOÀI LUỒNG”
Không chỉ kiếm sống ngoài lề, trong đời sống tinh thần và nhiều khía cạnh khác của xã hội Việt Nam hôm nay cái tình trạng ngoài luồng, ngoài lề đang tồn tại khắp mọi lĩnh vực. Có những cái ngoài luồng, ngoài lề là dấu hiệu tiêu cực của xã hội nhưng ngược lại, là sự tích cực, là hy vọng le lói cho một xã hội còn bị kiểm soát bởi một thể chế độc tài. Ví dụ như tình trạng văn học nghệ thuật ngoài luồng (đặc biệt ở Sài Gòn, một nền văn học ngoài lề, ngoài luồng đang âm thầm mãnh liệt tồn tại nhờ vào internet và những “nhà xuất bản” photocopy) và báo chi ngoài luồng, mà nhiều người quen gọi là báo chí “lề trái”, đặc biệt là sự phát triển của các trang web độc lập, các blog cá nhân…là những điều tích cực.
Văn học nghệ thuật ngoài luồng đã giúp cho những tiếng nói đa dạng, cách tân, trái chiều…với văn học nghệ thuật quốc doanh chịu sự định hướng, kiểm soát, kiểm duyệt của Đảng và nhà nước, được cất lên. Báo chí “lề trái” cung cấp luồng thông tin độc lập, tự do đến với người dân, giúp họ nhận ra những sự thật đã bị bóp méo, bưng bít, che dấu suốt bao nhiêu năm qua và vẫn đang bị bóp méo, bưng bít, che dấu…trong hiện tại -lợi ích và sức mạnh to lớn này đã quá rõ ràng.
Uploaded with ImageShack.us
Uploaded with ImageShack.us
Uploaded with ImageShack.us
Một số tác phẩm văn, thơ "ngoài luồng". Nguồn:tienve.org và bbc.co.uk
Nhưng dù sao đi nữa, sự thật là trong một xã hội với một thể chế chính trị tự do, dân chủ, cho phép mọi sự tồn tại đa dạng, đa diện, trái chiều, với một hệ thống luật pháp rõ ràng minh bạch và một hệ thống kinh tế phát triển lành mạnh, chặt chẽ thì về kinh tế, sẽ không còn nữa tình trạng người dân phải tự cứu mình hoặc “chân trong chân ngoài”, về đời sống tinh thần, báo chí truyền thông cho đến văn hóa nghệ thuật sẽ không có sự phân biệt ngoài luồng, lề trái hay lề phải như hiện nay. Và đó mới là điều mà người dân Việt Nam đang hướng đến cũng như đáng được hưởng trong một thế giới mà hầu hết các quốc gia khác đều như vậy.
Bài bình luận
Ve Vietnam
Bả cụ giả khom khem ngủ gục