Hiệp định Đối tác Kinh tế Chiến lược xuyên Thái Bình Dương (tiếng Anh: Trans-Pacific Strategic Economic Partnership Agreement - viết tắt TPP) là một hiệp định thỏa thuận thương mại tự do với mục đích hội nhập các nền kinh tế thuộc khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Thỏa thuận ban đầu được các nước Brunei, Chile, New Zealandvà Singapo ký vào ngày 03/6/2005 và có hiệu lực ngày 28/5/2006. Tháng 9/2008, Mỹ tuyên bố tham gia TPP, nhưng không phải “gia nhập” vào TPP cũ mà sẽ cùng các bên đàm phán một hiệp định tự do thương mại (FTA) hoàn toàn mới, tuy nhiên, vẫn lấy tên gọi là Hiệp định TPP. Sau đó, Australia, Peru, Việt Nam, Malaysia, Canada, Mexico và Nhật Bản lần lượt tham gia vào TPP, đưa tổng số thành viên TPP hiện nay lên thành 12.
Khởi động từ tháng 3/2010, đàm phán TPP đến nay đã trải qua hơn 20 phiên chính thức và nhiều phiên giữa kỳ. TPP được kỳ vọng là mô hình mới về hợp tác kinh tế khu vực, tạo thuận lợi tối đa cho thương mại, đầu tư và nếu có thể sẽ trở thành hạt nhân để hình thành FTA chung cho toàn khu vực châu Á – Thái Bình Dương.
TPP không đơn thuần là vấn đề thương mại, bằng chứng là trong 29 điều khoản của TPP chỉ có 5 điều là liên quan tới thương mại, còn lại liên quan đến những vấn đề phi thương mại như giới hạn sự riêng tư trên Internet, tăng cường bảo vệ sở hữu trí tuệ, quyền kiện tụng đòi bồi thường, tự do hóa tài chính…Như vậy, ngoài việc thúc đẩy thương mại, TPP còn xây dựng môi trường chính sách, các tiêu chuẩn chung của các nền kinh tế để hàng hóa và các nguồn lực luân chuyển tự do, thuận lợi giữa các nước trong toàn khối.
Ngoài những mục tiêu được công khai về thương mại và các tiêu chuẩn chung cho sự hội nhập các nền kinh tế, TPP còn là trụ cột trong chính sách xoay trục của Mỹ sang châu Á. Chính sách xoay trục về châu Á của Mỹ thành hình khi Trung quốc, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, nhưng lại là một chế độ cộng sản, với các mưu đồ và tham vọng bất minh, đã có những bước đi đe dọa ổn định và hòa bình khu vực biển Đông, gián tiếp thách thức vai trò lãnh đạo toàn cầu của Mỹ. Chính trong bối cảnh này, mối quan hệ Việt Nam, Mỹ và TPP rất tế nhị. Mỹ muốn lôi kéo Việt Nam là đồng minh trong việc ngăn chặn Trung quốc, nhưng lại phải bảo đảm các yêu cầu của TPP và thỏa mãn nguyện vọng của người Mỹ gốc Việt về vấn đề nhân quyền, dân chủ. Việt Nam muốn vào TPP, để giải quyết các khó khăn về kinh tế, đồng thời sử dụng Mỹ như một đối trọng với Trung quốc với hy vọng Trung quốc giảm bớt uy hiếp và bắt nạt. Nhưng Việt Nam lại không muốn ngả hẳn sang phía Mỹ bằng cách thay đổi thể chế chính trị của mình.
Về quyết tâm chính trị, Tổng thống Obama đã phát biểu tại công ty Nike ở tiểu bang Oregon hôm 8/5 vừa qua, ông Obama nói rằng theo thỏa thuận đang được bàn thảo, Việt Nam sẽ “lần đầu tiên phải nâng các tiêu chuẩn về lao động”.
“Nước này cũng phải đặt ra mức lương tối thiểu, phải thông qua các luật liên quan tới nơi làm việc an toàn để bảo vệ công nhân, cũng như thậm chí sẽ lần đầu tiên phải bảo vệ quyền được tự do lập nghiệp đoàn của công nhân. Đó là một sự khác biệt lớn.”
Tuy nhiên, khi đi vào thực tế đàm phán với Việt nam, vấn đề không đơn giản như các tuyên bố của người đứng đầu chính phủ Hoa Kỳ. Về phía Việt nam, với bản chất lươn lẹo và bịp bợm, nhưng đã bị phanh phui và vạch mặt rất nhiều sự việc, cũng không thể hứa suông và tiếp tục lật lọng như trước đây được nữa, cũng đã bắt buộc phải đáp ứng phần nào các điều kiện cốt yếu, để được tham gia vào TPP.
Vậy điều cốt yếu để Việt Nam vào TPP là gì? Việt nam và Mỹ đã thương lượng và nhượng bộ nhau như thế nào?
Có hai điều quan trọng liên quan tới chính trị, cụ thể là các chính sách ứng xử của nhà nước Việt nam với giới bất đồng chính kiến và quy định về quyền của người lao động, trong đó quan trọng nhất là quyền tự do thành lập công đoàn độc lập của công nhân. Đó là việc Việt nam phải xóa bỏ các điều luật bỏ tù giới bất đồng chính kiến khi họ bày tỏ quan điểm về các vấn đề của đất nước, xã hội như các điều 88, 258 của bộ luật hình sự. Đối với việc xóa bỏ các điều luật này, Việt Nam có thể đáp ứng được, vì không khó để dùng các điều luật khác vẫn có thể tống giam, cầm tù được giới bất đồng chính kiến. Vấn đề thành lập công đoàn độc lập của người công nhân là vấn đề phức tạp và nhạy cảm hơn rất nhiều. Đây chính là cốt lõi trong thương lượng về TPP giữa Mỹ và Việt Nam.
Những thông tin đàm phán về TPP theo quy định là được bảo mật. Nhưng may mắn là thế giới có wikileak để có thể biết được những thông tin mà một số người và tổ chức muốn giữ kín. Theo những thông tin không chính thức thì vấn đề cốt lõi, công đoàn độc lập trong đàm phán giữa Mỹ và Việt Nam là Việt nam đề nghị thời gian 5 năm để thực hiện đúng các yêu cầu về công đoàn độc lập. Còn trước mắt, Việt Nam chỉ đáp ứng yêu cầu cho phép công nhân tự do thành lập công đoàn độc lập ở cơ sở, tức là ở nhà máy, xí nghiệp và công ty. Không có công đoàn ngành nghề, và cũng không được liên kết thành lập công đoàn địa phương, vùng miền hay toàn quốc. Tức là Việt nam chưa cho phép công nhân tự do thành lập công đoàn ngành nghề, công đoàn cấp huyện, tỉnh, trung ương (toàn quốc).
Tại sao phát biểu của tổng thống Obama hùng hồn như vậy, mà rút cuộc Việt nam chỉ thực hiện công đoàn ở cấp cơ sở? Có thể có ba nguyên nhân khiến cho người lao động Việt Nam chỉ được tự tổ chức công đoàn của mình trong phạm vi nhà máy, xí nghiệp và công ty. Thứ nhất, như đã nói ở trên, vấn đề xoay trục sang châu Á của Mỹ quá quan trọng và không thể thiếu được vai trò của Việt nam trong chiến lược này. Thứ hai, công đoàn độc lập, nếu thực hiện đầy đủ, là vấn đề quá nhạy cảm đối với Việt nam hiện nay. Nếu thực hiện ngay các yêu cầu đầy đủ của công đoàn độc lập, Việt Nam gần như chấp nhận một lực lượng đối lập ngay lập tức trên quy mô cả nước, và đó là điều Việt nam không bao giờ chấp nhận. Tuy nhiên, để chỉ tồn tại công đoàn độc lập cấp cơ sở, là điều chưa thành công đối với quan điểm của Tổng thống Obama đã truyền đạt. Sẽ là hợp lý nếu như công đoàn độc lập được tổ chức ở cấp ngành nghề. Thứ ba, sự vận động hành lang của nhà cầm quyền Việt nam. Đây là vấn đề rất quan trọng. Theo những thông tin mới nhận được, Việt Nam đã chi rất nhiều tiền cho hai (hoặc hơn) tổ hợp vận động hành lang là CSIS (Center for Strategic and International Studies) là cơ quan nghiên cứu chiến lược tư nhân của Mỹ và tổ chức Podesta Group, một nhóm vận động hành lang chính trị nổi tiếng tại Washington DC. Hai tổ hợp này đã có những báo cáo có lợi cho nhà cầm quyền Việt nam, bỏ qua các vi phạm về nhân quyền và nhấn mạnh tới những mối lo về sự bành trướng của Trung quốc…đây là lý do trực tiếp và quan trọng dẫn tới những thỏa thuận rất có lợi cho nhà cầm quyền Việt nam.
TPP, xét cho cùng, cũng giống như WTO, đó chỉ là những ưu đãi trong một khối nước về thuế quan và mậu dịch. Nó chỉ có thể thành công với một nền kinh tế thị trường lành mạnh, hiệu quả. Còn nếu Việt Nam không có những thay đổi ngay lập tức về nguyên lý, cơ chế và cấu trúc của nền kinh tế thì tham gia vào TPP cũng không thể nào cứu vãn nổi nền kinh tế đã suy kiệt và tan hoang hiện nay./.
Hà nội, ngày 15/8/2015
N.V.B
Bài bình luận gần đây