You are here

Dân chủ là gì?

Ảnh của nguyenvubinh

     Xin thú thực với bạn đọc, bản thân tôi cũng phát ốm lên khi nhìn thấy bài viết hoặc tài liệu có tiêu đề dân chủ là gì? hoặc thế nào là dân chủ? Số lượng lớn các bài viết, tài liệu về vấn đề này, cùng với sự mơ hồ, dàn trải của các định nghĩa, khái niệm về dân chủ là những lý do quan trọng dẫn tới cảm giác bội thực của người đọc. Tuy nhiên, vì vấn đề quá quan trọng, trong bối cảnh Việt Nam sắp có những chuyển biến lớn về thể chế, nên chúng ta không thể không tìm hiểu rốt ráo về khái niệm nói riêng và nội dung của dân chủ nói chung.

     Khi tôi đi vào tìm hiểu, nghiên cứu lý thuyết, nguyên lý về tự do, về dân chủ, về việc xây dựng thể chế dân chủ, tôi đã vô cùng sửng sốt khi phát hiện ra rằng, không có một định nghĩa chung về dân chủ. Thật kỳ lạ! các sách báo còn chỉ ra rằng, tính đến những năm 60 của thế kỷ XX, có trên 500 định nghĩa, khái niệm về dân chủ!!! Chúng ta biết rằng, định nghĩa, khái niệm của một thuật ngữ chính là để chỉ ra yếu tố cốt lõi nhất của nội hàm khái niệm đó. Vậy mà chúng ta có, tính đến những năm 60 thế kỷ trước, trên 500 định nghĩa, có nghĩa là chưa chỉ ra được yếu tố cốt lõi, của khái niệm, của nền dân chủ. Như vậy, việc chưa tìm ra các yếu tố, nguyên lý cốt lõi và cách thức xây dựng, thực hiện và thực thi các yếu tố đó trong các thể chế dân chủ sau này chính là nguyên nhân dẫn tới các nền dân chủ chỉ dừng lại ở mức dân chủ tuyển cử, không có được nền dân chủ tự do mà người dân hằng mong đợi.

     Việc xây dựng các thể chế dân chủ hiện nay trên thế giới còn rất nhiều khiếm khuyết. Đặc trưng của các thể chế dân chủ, của việc xây dựng thể chế dân chủ là sự dàn trải, liệt kê. Chúng ta biết, thể chế dân chủ hiện nay bao gồm rất nhiều định chế như hiến pháp dân chủ, tam quyền phân lập, tản quyền hay cơ chế liên bang... như vậy, bất kỳ nền dân chủ nào cũng bao hàm đầy đủ các định chế đó. Tuy nhiên, vì không xác định được định chế cốt lõi, chi phối tất cả các định chế khác mà phần lớn các nền dân chủ đều dừng lại ở ngưỡng cửa của dân chủ tuyển cử.

     Quá trình nghiên cứu và tìm hiểu về khái niệm dân chủ, cá nhân tôi nhận thấy, hầu như các tác giả đều đồng ý với nhau định nghĩa đúng một cách chung nhất: Dân chủ là phương thức tổ chức xã hội bảo đảm cao nhất tự do của con người. Tuy nhiên, tất cả đều dừng lại ở khái niệm tự do, không xác định được rõ ràng khái niệm này. Chính vì bế tắc ở khái niệm tự do mà nhiều người đã không đi tới cùng định nghĩa chung, đúng đắn và được nhiều người công nhận ở trên. Tự do là thuật ngữ phổ biến nhất, quan trọng nhất nhưng hóa ra lại khó định nghĩa nhất theo hướng xây dựng thể chế dân chủ bảo đảm tự do của con người.

     Tự do, theo tác giả bài viết này, là một ý niệm. Ý niệm tự do bao hàm các quyền con người và khả năng tự bảo vệ các quyền con người của mỗi một cá nhân. Khi nói rằng, tự do của con người là các quyền con người thì nhiều người hiểu được và đồng ý ngay, nhưng thiếu mất một vế quan trọng, đó là khả năng tự bảo vệ các quyền con người của mỗi một cá nhân. Đây là mấu chốt chính của thuật ngữ, khái niệm về tự do. Như vậy, có thể đi tới khái niệm về dân chủ hàm chứa tự do của con người như sau:

     Dân chủ là phương thức tổ chức xã hội bảo đảm cao nhất các quyền con người và khả năng tự bảo vệ các quyền con người của mỗi một cá nhân

     Với khái niệm này, chúng ta đã xác định được cốt lõi của dân chủ, nội hàm quan trọng nhất của thể chế dân chủ. Chỉ có từ nội hàm cốt lõi này, mới xác định được đường hướng xây dựng thể chế dân chủ. Đó là việc xây dựng cơ chế nào để bảo đảm khả năng tự bảo vệ các quyền con người của mỗi cá nhân, và ai là chủ thể, là người bảo vệ các quyền con người đó hiệu quả nhất.

     Cơ chế để bảo đảm khả năng tự bảo vệ các quyền con người của mỗi một cá nhân chính là tòa án nhân quyền. Đây là một cơ chế hoàn toàn mới được xây dựng để thỏa mãn yêu cầu cho các cá nhân tự bảo vệ các quyền con người của mình. Chủ thể bảo vệ các quyền con người chính là những người bị vi phạm nhân quyền, quyền con người. Chỉ có bản thân các cá nhân mới là người bảo vệ các quyền con người của mình một cách hữu hiệu nhất.

     Nhưng để người dân tự bảo vệ các quyền con người của mình, ngoài cơ chế (tòa án nhân quyền) thì nhận thức của người dân về tự do, dân chủ là yếu tố vô cùng quan trọng. Chính vì vậy, việc phổ biến các kiến thức về quyền con người, về tự do, về dân chủ và việc cập nhật các luật lệ liên quan tới quyền con người là yêu cầu bắt buộc đối với mỗi một nền dân chủ./.

Hà Nội, ngày 18/7/2015

N.V.B