S.T.T.D Tưởng Năng Tiến
Tao vui vì luôn nhìn thấy Đảng loạng choạng lùi, trước thằng ... Thời Đại.
Đảng đang “loạng choạng” ra sao, hay “loạng choạng” cỡ nào – nói thiệt – tôi không rõ lắm, và cũng không mấy quan tâm. Thân tôi lo chưa xong. (Ngó bộ mình cũng hơi loạng choạng tới nơi rồi). Sức đâu mà vui/buồn, theo kiểu bao đồng, như tác giả Đèn Cù.
Chỉ riêng cái “thằng thời đại thông tin” không (thôi) cũng đủ khiến tôi mệt muốn ứ hơi. Tin tức rồn rập, tràn ngập, và cấp kỳ tràn lan trên mạng khiến tôi phát ngộp nên (thỉnh thoảng) vẫn bỏ sót nhiều chuyện quan trọng, hay thú vị.
Mãi tới chiều qua, tôi mới biết là trên nhật báo Người Việt – phát hành từ California, số ra ngày 13 tháng 2 năm 2014 – có mẩu tin ngăn ngắn sau:
SÀI GÒN (NV) - Giáo xứ Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp và cũng là tu viện của Dòng Chúa Cứu Thế tại Sài Gòn sẽ tổ chức cầu nguyện cho ông Lê Quốc Quân vào chiều chủ nhật 18 tháng 3-2014.
Theo dự kiến, buổi cầu nguyện cho ông Quân tại Giáo xứ Đức Mẹ Hằng cứu giúp và cũng là tu viện của Dòng Chúa Cứu thế tại Sài Gòn sẽ bao gồm một thánh lễ đồng tế, có thắp nến cầu nguyện cho ông Quân và công lý, hòa bình sớm đến trên quê hương. Trước đó, Giáo xừ Thái Hà và cũng là một tu viện khác của Dòng Chúa cứu thế ở Hà Nội cũng loan báo sẽ tổ chức cầu nguyện cho ông Lê Quốc Quân vào ngày chủ nhật 16 tháng 2...
Sau thông báo vừa kể, Công an Hà Nội tăng cường giám sát khu vực nhà thờ Thái Hà. Tối 11 tháng 2, hai sĩ quan và dân phòng của Công an phường Quang Trung, quận Đống Đa, Hà Nội đã luồn vào tu viện của Dòng Chúa Cứu thế ở Thái Hà bằng cửa sau.
Một số giáo dân lập tức đánh trống, gióng chuông báo động. Hàng trăm giáo dân từ khắp nơi đã đổ về nhà thờ Thái Hà vây chặt hai sĩ quan và dân phòng này. Tới lúc đó, một viên thiếu tá là trưởng nhóm mới loan báo cả nhóm vào Tu viện Thái Hà để kiểm tra tạm trú. Giáo dân phản đối cả cách làm lẫn lối giải thích đó. Theo họ, nếu muốn kiểm tra tạm trú, công an và dân phòng phải dùng cửa trước, phải xin phép tu viện, chứ không thể hành xử tùy tiện như thế...
Giờ chót, hai sĩ quan công an và năm đội viên dân phòng của phường Quang Trung, quận Đống Đa, Hà Nội đã phải xin lỗi các linh mục, tu sĩ và giáo dân Giáo xứ Thái Hà vì xâm nhập tu viện trái phép. Để có thể ra về, viên thiếu tá tên Nguyễn Duy Hưng là Phó Công an phường Quang Trung, thay mặt cả nhóm, nói: “Thưa linh mục và thưa bà con giáo dân, những gì chúng tôi làm không đúng hôm nay chúng tôi sẽ rút kinh nghiệm”.
Sau khi viên sĩ quan trưởng nhóm xin lỗi vì xâm nhập trái phép, giáo dân Thái Hà đã mở đường cho nhóm này ra về bằng… cổng sau. ”
Hai sĩ quan công an CSVN giắt theo đám “dân phòng” xâm nhập bất hợp pháp vào Nhà thờ Thái Hà bị buộc phải xin lỗi. Ảnh và chú thích: VRNs
Những dòng chữ thượng dẫn khiến tôi chợt nhớ đến lời tường thuật của Mặc Lâm, về một hồi chuông báo động (khác) cách đây gần sáu mươi năm:
Tiếng chuông Nhà Thờ Lớn Hà Nội giục giã vang lên chỉ một ngày trước lễ Giáng Sinh năm 1959. Không phải báo hiệu sự ra đời của Chúa Giê Su, mà tiếng chuông kêu cứu với giáo dân vì Nhà Thờ Lớn đang bị một nhóm người đến phá rối...
Câu chuyện vỡ lở ra sau đó cho thấy nhóm người đến phá nhà thờ do chủ trương quá khích của một nhóm người và kết quả là linh mục Trịnh Văn Căn, linh mục Nguyễn Văn Vinh cùng một số giáo dân bị quy tội phá rối trị an. Linh mục Căn chịu 12 tháng tù treo, linh mục Nguyễn Văn Vinh chịu 18 tháng tù giam vì tội “Vô cớ tập hợp quần chúng trái phép, phá rối trị an, cố tình vu khống, xuyên tạc chế độ, gây chia rẽ trong nhân dân”
Có thể nói cha chính Vinh là nạn nhân đầu tiên trong chính sách xóa sổ thầm lặng đạo Công giáo mà chính quyền Hà Nội hướng tới. LM Nguyễn Văn Vinh do quá cương quyết và không chịu khuất phục đã âm thầm chịu chết sau đó, trong trại giam Cổng Trời.
Ngài sống, và chết, ra sao, sau mười hai năm (chứ không phải 18 tháng) bị giam ở trại Cổng Trời?
Tuân Nguyễn, một người bạn đồng tù với linh mục Nguyễn Văn Vinh, đã kể lại như sau:
"Anh ta vào trại trước mình khá lâu, bị trừng phạt vì tội gì, mình không rõ. Người thì bảo anh ta phạm tội hình sự, người lại bảo mắc tội chính trị. Nhưng cả hai tội mình đều thấy khó tin. Anh ta không có dáng dấp của kẻ cướp bóc, sát nhân, và cũng không có phong độ của người làm chính trị.
Bộ dạng anh ta ngu ngơ, dở dại dở khùng. Mình có cảm giác anh ta là một khúc củi rều, do một trận lũ cuốn từ một xó rừng nào về, trôi ngang qua trại, bị vướng vào hàng rào của trại rồi mắc kẹt luôn ở đó. Nhìn anh ta, rất khó đoán tuổi, có thể ba mươi, mà cũng có thể năm mươi.
Gương mặt anh ta gầy choắt, rúm ró, tàn tạ, như một cái bị cói rách, lăn lóc ở các đống rác. Người anh ta cao lòng khòng, tay chân thẳng đuồn đuỗn, đen cháy, chỉ toàn da, gân với xương. Trên người, tứ thời một mớ giẻ rách thay cho quần áo. Lúc đầu mình cứ tưởng anh ta bị câm vì suốt ngày ít khi thấy anh ta mở miệng dù là chỉ để nhếch mép cười.
Thật ra anh ta chỉ là người quá ít lời. Gặp ai trong trại, cả cán bộ quản giáo lẫn phạm nhân, anh ta đều cúi chào cung kính, nhưng không chuyện trò với bất cứ ai. Nhưng không hiểu sao, ở con người anh ta có một cái gì đó làm mình đặc biệt chú ý, cứ muốn làm quen...
Nhiều lần mình định bắt chuyện, nhưng anh ta nhìn mình với ánh mắt rất lạ, rồi lảng tránh sau khi đã cúi chào cung kính. Hầu như tất cả các trại viên, kể cả những tay hung dữ nhất, cũng đều thương anh ta. Những trại viên được gia đình tiếp tế, người để dành cho anh ta viên kẹo, miếng bánh, người cho điếu thuốc.
Ở trại, anh ta có một đặc quyền không ai tranh được, và cũng không ai muốn tranh. Ðó là khâm liệm tù chết. Mỗi lần có tù chết, giám thị trại đều cho gọi " thằng khùng " (tên họ đặt cho anh ta) và giao cho việc khâm liệm.
Với bất cứ trại viên chết nào, kể cả những trại viên đã từng đánh đập anh ta, anh ta đều khâm liệm chu đáo giống nhau. Anh ta nấu nước lá rừng, tắm rửa cho người chết, kỳ cọ ghét trên cái cơ thể lạnh ngắt cứng queo, với hai bàn tay của người mẹ tắm rửa cho đứa con nhỏ.
…
Anh ta nằm cách ly trong gian lán dành cho người ốm nặng. Anh ta nằm như dán người xuống sạp nằm, hai hốc mắt sâu trũng, nhắm nghiền, chốc chốc lại lên cơn co giật…Mình cúi xuống sát người anh ta, gọi hai ba lần, anh ta mới mở mắt, chăm chăm nhìn mình. Trên khoé môi rúm ró như thoáng một nét cười. Nước mắt mình tự nhiên trào ra rơi lã chã xuống mặt anh ta. Anh ta thè luỡi liếm mấy giọt nước mắt rớt trúng vành môi. Anh ta thều thào nói:
- Tuân ở lại, mình đi đây… Đưa bàn tay đây cho mình…
Anh ta nắm chặt bàn tay mình hồi lâu. Một tay anh ta rờ rầm mớ giẻ rách khoác trên người, lấy ra một viên than củi, được mài tròn nhẵn như viên phấn viết. Với một sức cố gắng phi thường, anh ta dùng viên than viết vào lòng bàn tay mình một chữ nho. Chữ NHẪN. Viết xong, anh ta hoàn toàn kiệt sức, đánh rớt viên than, và lên cơn co giật...
Cha Lasan Nguyễn Văn Vinh (1912-1971). Ảnh: RFA
Chữ NHẪN viết bằng than có lẽ chỉ in đậm trên lòng bàn tay của Tuân Nguyễn khoảng vài tiếng đồng hồ nhưng nó sẽ lưu mãi với thời gian. Và thời gian thì luôn chậm rãi, từ tốn hoàn thiện công việc của nó – với tất cả sự “nhẫn nhục” cần thiết– như đã ghi trên:
Giờ chót, hai sĩ quan công an và năm đội viên dân phòng của phường Quang Trung, quận Đống Đa, Hà Nội đã phải xin lỗi các linh mục, tu sĩ và giáo dân Giáo xứ Thái Hà vì xâm nhập tu viện trái phép. Để có thể ra về, viên thiếu tá tên Nguyễn Duy Hưng là Phó Công an phường Quang Trung, thay mặt cả nhóm, nói: “Thưa linh mục và thưa bà con giáo dân, những gì chúng tôi làm không đúng hôm nay chúng tôi sẽ rút kinh nghiệm”.
Sau khi viên sĩ quan trưởng nhóm xin lỗi vì xâm nhập trái phép, giáo dân Thái Hà đã mở đường cho nhóm này ra về bằng… cổng sau. (G.Đ)”
Tôi thực qúi mến thái độ phục thiện của viên sĩ quan công an trưởng nhóm, và cách ứng xử đúng đắn của những giáo dân ở Thái Hà, vào đêm 11 tháng 2 năm 2014. Tôi cũng thành thực tin rằng không riêng gì nhóm giáo dân nhỏ bé này mà nhiều người Việt cũng sẽ rộng lượng để chấp nhận lời xin lỗi của những người cộng sản Việt Nam, nếu họ chân thành. Tôi còn hy vọng rằng dân tộc chúng ta đủ bao dung để (có thể) cho phép họ rút lui bằng “cổng trước,” qua một cuộc trưng câu dân ý đàng hoàng.
Đã bị thời thế đẩy lùi, đến độ phải “chập choạng lùi mà vẫn còn có đường để lùi là một trường hợp may mắn hiếm hoi. Lịch sử nhân loại đã để lại vô số những tấm gương (thê thảm) của những kẻ không biết, hay không kịp, lùi đúng lúc.
Bài bình luận gần đây