Trong hơn một tuần qua, ở Việt Nam đã rộ lên một số tin đồn rất đáng chú ý. Đầu tiên là tin về một vị bộ trưởng Quốc phòng đi công tác và bị ám sát, sau đó là tin đồn về việc phe thân Mỹ đã khống chế được cục diện ở Việt nam, và đang hướng tới Mỹ như một đối tác chiến lược toàn diện và duy nhất.
Chúng ta cần phải hiểu, tin đồn là những thông tin được nhiều người nói tới, nhưng chưa được kiểm chứng. Đối với các xã hội cộng sản, độc tài toàn trị, đây là môi trường tuyệt vời cho vô số tin đồn bởi vì bản chất của chế độ cộng sản là dối trá, bịp bợm. Đi sâu vào phân tích những tin đồn đã nêu ở trên, chúng ta có thể hiểu thêm về môi trường xã hội Việt Nam cũng như xu hướng chính trị đất nước khi thời điểm đại hội XII đảng cộng sản cận kề.
Trước hết, tin đồn xuất hiện bởi vì người ta không có (thông tin) và không tin vào những thông tin chính thống và chính thức. Việc người dân không có thông tin xuất phát từ sự chủ động im lặng và giữ bí mật của nhà cầm quyền Việt Nam. Những màn đấu đá nội bộ, tranh giành quyền lực, những âm mưu triệt hạ lẫn nhau, những tiêu cực ảnh hưởng tới hình ảnh chế độ…đều là những bí mật và cần được bưng bít. Chính trong môi trường bưng bít thông tin và bối cảnh đấu đá quyết liệt trước mỗi kỳ đại hội, tin đồn ông Phùng Quang Thanh bị ám sát khi đi công tác ở Pháp đã xuất hiện. Đi xa hơn nữa, còn có những tin đồn về việc Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã không chế được cục diện ở Việt Nam, tức là đã vô hiệu hóa được phe thân Trung Quốc, mà nhiều người cho rằng, tổng bí thư và bộ trưởng quốc phòng là những người đại diện. Nếu trong môi trường thông tin tự do, có tự do ngôn luận và tự do báo chí, thì những tin đồn như thế này chỉ tồn tại được một thời gian cực ngắn, trước khi bị những thông tin chính xác cập nhật trên mặt báo. Hoặc, nếu như tin đồn này là bịa đặt, thì với ảnh hưởng to lớn của nó, nhà cầm quyền Việt Nam có thể giải tỏa nhanh chóng và đáp trả tức thời những thông tin bịa đặt một cách vô cùng đơn giản. Đó là cho phép báo chí gặp gỡ và đưa tin sống động về bộ trưởng quốc phòng. Như vậy, vừa có thể khẳng định tin đồn đó là bịa đặt, vừa khiến cho nhân dân “nhận rõ” bộ mặt thế lực thù địch, bịa đặt thông tin. Tuy nhiên, phản ứng của nhà cầm quyền Việt nam lại như giúp cho sự khẳng định của tin đồn, hoặc chí ít là kéo dài sự nghi ngờ của tin đồn.
Một khía cạnh của tin đồn, đó là tính lo-gic của tin đồn. Nếu như những tin đồn không hề có tính lo-gic (ví dụ nói ông Phùng Quang Thanh biết bay) thì nó không thể tồn tại. Tính lo-gic càng cao, khả năng xác thực của tin đồn càng lớn. Sự kiện ông Phùng Quang Thanh không có mặt trong Đại hội thi đua toàn quân, rất quan trọng năm năm tổ chức một lần, và những thông tin hết sức mơ hồ và mâu thuẫn của báo chí chính thống đưa ra càng củng cố thêm khả năng tin đồn là sự thật. Xu hướng thân Mỹ trong điều kiện Trung Quốc ngày càng ngang ngược và o ép cùng lúc với sự cạn kiệt nguồn lực của chế độ không phải là điều quá phi thực tế. Thậm chí, đó là lối thoát duy nhất nếu những người lãnh đạo cộng sản Việt nam còn tỉnh táo.
Tin đồn còn phản ánh một phần mong muốn của người dân. Thật khắc nghiệt khi chứng kiến sự hả hê của người dân khi nghe tin đồn về vụ ám sát ảnh hưởng tới tính mạng của ông bộ trưởng quốc phòng. Sự thể hiện quan điểm của bộ trưởng quốc phòng về thái độ đối với Trung quốc chính là nguyên nhân quan trọng dẫn tới phản ứng của người dân. Xu hướng thân Mỹ cũng là mong muốn của người dân cùng với hy vọng về một sự chuyển đổi thể chế chính trị một cách ôn hòa và êm đẹp. Chính những mong muốn này, và việc im lặng hoặc cố tình làm nhiễu thông tin từ phía nhà cầm quyền Việt nam đã nuôi dưỡng và tạo ra sức sống dai dẳng của tin đồn.
Tuy nhiên, tin đồn phần lớn được xác thực là đúng hoặc bịa đặt chỉ sau một khoảng thời gian nhất định. Tính kết cục, hay ngã ngũ của tin đồn trong môi trường ở Việt nam không hoàn toàn được rõ ràng, minh bạch. Ví dụ, vụ ông Nguyễn Bá Thanh, có kết cục hoàn toàn đúng như tin đồn là cái chết của ông ta, nhưng kết luận về sự ám sát bằng phóng xạ vẫn còn bỏ ngỏ. Chính vì vậy, khả năng về một cái chết của ông bộ trưởng quốc phòng trong thời gian tới có thể xảy ra, nhưng kết luận về vụ ám sát có thể là không có. Tuy vậy, cứ nhìn ông Nguyễn Bá Thanh chỉ trước khi chết một thời gian ngắn (về sức khỏe, phong độ) là nhiều người đã tự có kết luận cho tính xác thực của tin đồn.
Xu hướng thân Mỹ và sự khống chế cục diện của người đứng đầu chính phủ Việt nam phức tạp hơn tin đồn về vụ ám sát. Nhưng chuyến công du của ông Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng sẽ có các văn bản được ký kết và các cam kết với chính phủ Mỹ, và những thông tin này sẽ hé lộ phần nào tính xác thực của tin đồn này. Tình thế hiện nay của đảng cộng sản Việt Nam và chế độ rất khó để nhà cầm quyền thể hiện sự nửa vời, đu dây và ỡm ờ như những lần trước đây được nữa./.
Hà Nội, ngày 07/7/2015
N.V.B
Bài bình luận gần đây