Lê Diễn Đức
Tác hại do thiên gây ra thì con người thường khó chống đỡ. Trên thế giới khắp nơi đều có những trận cuồng phong, lụt lội, sóng thần, động đất... và gây tổn thất nặng nề về người và vật chất.
Trận động đất năm 2011 tại Nhật Bản là một ví dụ về sự bất lực của con người trước thiên nhiên.
Tuy nhiên trong thảm cảnh ấy, cần phải rút ra bài học, cái gì có thể ngăn ngừa được sức tàn phá của thiên nhiên.
Sau cơn gió lốc tràn qua càn quét khoảng 20 phút trong tối ngày 12 tháng 6, Hà Nội tan hoang, ngơ ngác vì bất ngờ. Khoảng 1400 cây bị bật gốc, cột điện gãy, mái nhà bị tốc, hai người chết, một số bị thương, nhiều xe ô tô và xe máy bị đè bẹp, hư hỏng nặng.
Cơn gió lốc ào đến đúng vào lúc mà người Hà Nội vừa trải qua nhiều ngày nóng nực cao độ, cảm thấy cây xanh như người bạn không thể thiếu, ngay sau cuộc thảm sát cây xanh được Uỷ Ban Nhân Dân Hà Nội thực hiện.
Trong những ngày sống trong chảo lửa, họ oán trách chính quyền sao có thể vô tâm như thế. Trước đó dân chúng đã phẫn nộ xuống đường tuần hành đòi bảo vệ cây xanh, giữ lấy lá phổi của thành phố. Báo chí trong nước cũng không ngừng phân tích, mổ xẻ việc làm tắc trách này. Thành phố kiểm tra, họp kiểm điểm, nhìn nhận sai trái trong thực hiện, nhưng vẫn cho rằng chủ trương chặt cây xanh là đúng đắn.
Đúng như thế, từ xưa đến nay người ta vẫn trung thành với câu nói "chủ trương đúng, thực hiện sai" và trách nhiệm đổ hết cho cấp dưới.
Chủ trương Cải cách Ruộng đất đúng hay sai mà hàng trăm ngàn người bị đấu tố, giết chết oan uổng? Và rốt cuộc sau mấy chục năm đất đai thuộc sỡ hữu của một thiểu số cầm quyền và người nông dân trắng tay, cố nông, bần nông, trung nông không có ruộng cày mà chỉ được quyền thuê lại có thời hạn và có thể bị tước đoạt, thu hồi bất cứ lúc nào, thậm chí để giao cho doanh nghiệp tư nhân như ở Văn Giang, Hưng Yên.
Nếu không có chủ trương ấn định trước tỷ lệ địa chủ là 5,68% dân số nông thôn, từ đó các đoàn và đội cải cách đều cố truy bức để đôn tỷ lệ địa chủ lên 5% theo quy định bắt buộc, gọi là "kích thành phần", thì làm sao có thực hiện sai?
Rõ ràng, chủ trương là một quyết định cẩu thả, dáng xuống một cách vội vã, quan liêu! Trách nhiệm cuối cùng không phải chỉ là của cấp dưới thừa hành mà của những người đưa ra chủ trương đó.
Ở quốc gia nào mỗi thành phố cũng có công ty chịu trách nhiệm chăm sóc và bảo vệ cây xanh. Tỉa cành, cắt tán, thay thế những cây bị sâu, mục là công việc thường ngày, thường niên của họ, chằng cần đến chủ trương nào, trừ trường hợp đặc biệt phải phá cây xanh đi để thực hiện dự án xây dựng. Không ai bất bình, phản đối nếu như thành phố Hà Nội đốn chặt một số cây không bảo đảm an toàn và trồng cây mới thay thế.
Đàng này là cuộc thảm sát màu xanh đã xảy ra. Cùng một lúc, với tốc độ nhanh khó tin, hàng loạt cây cổ thụ còn rất tốt, chẳng hề bị sâu mọt, đã bị chặt phá dã man.
Chưa nói có lợi ích phe nhóm nào đứng sau việc làm này hay không, nhưng rõ ràng, chủ trương đốn cây xanh đưa ra là hết sức sai trái. Sở xây dựng Hà Nội sẽ không thực hiện nhanh chóng như thế nếu như cái chủ trương đáng ngờ kia không "rộng cửa" cho phép.
Trong trận gió lốc tối 13/6, cây bị đổ là chuyện bình thường, giống như mọi nơi trên thế giới. Tuy nhiên, quan sát thì thấy, trong số lượng cây bị đổ tỷ lệ cây xà cừ chiếm ít hơn và là đa phần những cây bị sâu mọt, nhưng rất nhiều cây mới trồng bị bật gốc lộ ra nguyên vỏ bọc gốc bằng nilon.
Tốc độ tàn sát cây, trồng cây mỡ nói dối là vàng tâm và trồng để nguyên bọc nilon, một thứ không thể tự huỷ trong lòng đất, nói lên điều gì, nếu như không phải đâu đó có mùi hắc ám của đồng tiền?
Sở Xây dựng Hà Nội trong phiên họp ngày 17 tháng 6 nói rằng sẽ kiểm tra và sẽ xử lý nghiêm? Sở Xây dựng giao cho công ty nào đảm nhiệm việc trồng cây thì biết quá rõ, như một cộng một bằng hai, cần gì phải mất thời gian và "sẽ quyết tìm ra người trồng cây để nguyên bọc bầu"?
Người ta nói "cháy nhà lòi ra mặt chuột", nhưng giông tố cũng làm lộ mặt chuột. Những kẻ dính đến lợi ích này trở thành bị lộ diện và phát ngôn những câu vô cùng ngớ ngẩn!
© Lê Diễn Đức
Bài bình luận gần đây