You are here

Chỉ thị Lý Luận Phê Bình Văn Học: Cứ như Rứa…như Rứa!

Ảnh của songchi

Trần Đào Đức

Uploaded with ImageShack.us
Nguồn: laodong.com.vn

Người quan sát những sinh hoạt văn học trong nước đứng trên “lề trái” hoặc đứng bên ngoài các lề vạch sẵn, khi theo dõi những thông tin về cuộc hội thảo ‘Văn học, nghệ thuật phản ánh hiện thực đất nước hôm nay’ do Hội đồng LLPBVHNTTU tổ chức từ ngày 12-13/7/2010 tại thành phố Đà Lạt, Lâm Đồng dưới sự chỉ đạo của ông Tô Huy Rứa, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, không khỏi ngậm ngùi cho tình cảnh sinh hoạt văn học nước nhà. Đây là cuộc hội thảo hàng năm về văn học nghệ thuật được chính quyền tổ chức kể từ năm 2008 với chủ đề ‘Văn học, nghệ thuật trong cơ chế thị trường và hội nhập,’ và năm 2009 với chủ đề ‘Tính dân tộc và tính hiện đại trong văn học, nghệ thuật.’
Người ta không khỏi thắc mắt đặt câu hỏi là tại sao mấy năm gần đây Đảng CS lại ‘bị trăn trở’ nhiều về mặt lý thuyết văn học như vậy? Vì từ năm 1955 ở Miền Bắc và từ sau tháng Tư 1975 trên cả nước, về lý thuyết văn học vẫn ‘hồng và chuyên’ hiện thực xã hội chủ nghĩa, nay tại sao lại phải ‘đặt vấn đề’ rồi ‘ra chỉ thị’ một cách khẩn thiết như vậy? Nói ‘đặt vấn đề’ thì quả thực đã quá lương thiện, và ngây ngô, vì với giới cầm quyền hiện nay không làm gì có việc ‘đặt vấn đề’ về mặt quan điểm của Đảng, trò rao hàng khuyến khích ‘phản biện’chỉ là một thủ thuật đánh tráo khái niệm và giăng bẫy. Nhưng nhìn vào những gì đang diễn ra trong sinh họat văn học nghệ thuật, ít ra từ trên mười năm trở lại đây, thì không khó nhận ra lý thuyết phê bình văn học ‘hiện thực xã hội’ hầu như đã bị đông đảo giới trí thức, nhà văn, và nghệ sĩ – nhất là giới trẻ - đã ‘lẳng lặng’ bỏ vào thùng rác. Cho nên trước ‘hiện thực’ này Đảng CS phải thay đổi chiến lược, dùng những mánh khóe ‘ma bùn ma tịt’ khác để cứu vãn tình hình. Một trong những mánh khóe đó là: dùng tiền bạc, quyền lợi làm mồi nhử. Chẳng là vì nay Đảng trong tay đã có chút tiền (tiền đó là của dân chúng do Đảng độc quyền quản lý) thì tại sao lại không dủng hạ sách ‘mua nhân tâm’ bằng tiền bạc, quyền lợi, đãi ngộ? Nói một cách ‘bình dân giáo dục’ thì: thằng/con nào theo tao thì tao bố thí cho chút cháo, thằng/con nào không theo thì chỉ có nước đứng ngoài rìa mà ‘nhìn mồm’ những đứa ăn tiền. Nếu phản ứng quá đáng thì sẽ có công an xử. Chúng tôi đưa ra nhận xét về ‘điểm’ như vậy chắc hẳn không là quá đáng vì đã căn cứ trên những ‘hiện tượng’ sau đây: Thứ nhất, cuộc hội thảo được tổ chức rất ‘hoành tráng’ (tất nhiên tốn nhiều tiền) và lại được tổ chức ở thành phố Đà Lạt vốn là một nơi nghỉ mát nhiều người ưa thích. Tính chất ‘đãi ngộ’ từ đó lộ ra. Nhìn vào con số những người tham dự ta thấy ngay các thành phần như: lãnh đạo Trung ương, trí thức trung thành với đảng với những chức danh như Giáo sư/Phó giáo sư Tiến sĩ (bệnh truyền nhiễm sính bằng cấp), những nhà văn nhà báo, những cây viết phê bình có chút danh (nhưng chịu làm cò mồi) là những người có tham luận được đọc. Vì theo lời quảng bá đây là những người ‘thực sự quan tâm đến vấn đề ‘hiện thực đất nuớc’ hôm nay. Ngoài ra còn có sự có mặt của những ‘tên tuổi’ – một đôi vị được đám học trò, đệ tử coi như những ‘đại thụ’ hiếm hoi còn sót lại - nhưng đôi vị trước đây có thành tích phản biện nay muốn tiếp tục chơi trò lăng ba vi bộ giữa hai lề ‘phải trái’để kiếm chác – nhất là những vị đã cao tuổi – cũng được mời dự, tuy không có tham luận được chọn đọc, như một chứng cớ Đảng bày tỏ sự đãi ngộ, nên nhận tham dự để có dịp du hí. Cái chặc lưỡi tự an ủi ‘tội gì’ không dự của các vị này đã cho thấy bản lãnh của các vị đó đang dần dần hạ xuống tầm mặt đất. Thương thay! Nhìn chung, tự bản chất, đây là một cuộc trình diễn có bài bản. Nhưng khốn thay cuộc trình diễn này đối với người hiểu chuyện chỉ là một trò hề. Vì chứng nói bằng được, nói dai, nói dở cứ tiếp diễn mà không biết xấu hổ. Nếu trò ‘dziễu dzở’ này được đem đi ‘hội nhập’ với thế giới thì thế giới sẽ được một trận cười nghiêng ngả.
Về những bài tham luận do báo chí dòng chính lề phải tường thuật, dân chúng bỏ tiền mua báo hàng ngày, và ngay cả những người trong giới sinh hoạt văn học nghệ thuật – ngoài những kẻ thời cơ – thiết tưởng chẳng mấy ai thèm bỏ thì giờ đọc. Và nếu có ai hỏi họ về nội dung hội thảo lý luận phê bình văn học nghệ thuật’ năm nay ra sao, thì câu trả lời xác thực nhất phải là ‘cứ như Rứa…như Rứa’! Đối với những người lương thiện trong và ngoài nước, còn có sự trong sạch trí thức (probité intellectuelle) ở trong hay ngoài giới sinh hoạt lý luận phê bình hay sáng tác, thì câu kết luận phải là: chỉ khi nào Ban Tuyên giáo Trung ương được dẹp bỏ thì khi đó hãy nói đến lý thuyết văn học. Vì bản chất của lý thuyết văn học là luôn luôn đứng ở vị thế đối lập, nói như Antoine Compagnon. (Lưu ý: hiện quyển Le démon de la théorie/Ác quỉ lý thuyết của Antoine Compagnon đã được dịch ra tiếng Việt và bày bản ở các tiệm sách trong nước. Đây cũng là một điều khôi hài lớn vì trong khi bên trong phòng hội thảo LLPB hoành tráng người ta đang phùng mang trợn mắt rao giảng lý luận hiện thực xã hội thì ngoài xã hội cuốn sách ‘phản động’ này ngang nhiên được phát tán.) Bằng không thì mãi mãi thì LLPB vẫn là ‘cứ như Rứa…như Rứa’!