You are here

Cách thức, trình tự xây dựng thể chế dân chủ hiện nay: những câu hỏi nhức nhối

Ảnh của nguyenvubinh

     Nếu nền kinh tế Việt Nam sụp đổ ngay lúc này, dẫn tới việc chế độ sụp đổ, và chúng ta bắt tay vào xây dựng thể chế dân chủ, các bạn có biết trình tự và cách thức xây dựng thể chế dân chủ sẽ diễn ra như thế nào không?

     Các quốc gia thường bắt đầu tiến trình xây dựng thể chế dân chủ, sau một cuộc cách mạng ôn hòa hoặc bạo lực, và cả trường hợp chế độ tự sụp đổ bằng việc soạn thảo một hiến pháp dân chủ (thuê các nhà hiến pháp nổi tiếng trên thế giới); định hình các đảng phái chính trị quốc gia; xây dựng lộ trình bầu cử quốc hội, chính quyền (chế độ tổng thống hoặc bán tổng thống); tiến hành vận động tranh cử và thực hiện tổng tuyển cử. Có cảm giác, các quốc gia thay đổi chế độ trong thời gian vừa qua trên thế giới đã quá vội vàng trong việc thiết lập các định chế dân chủ. Chúng ta thường nghe nói, các nước có thời gian xây dựng hiến pháp, chuẩn bị cho tổng tuyển cử từ 6 tháng đến một năm. Đây là thời gian không tưởng, hầu như chẳng ai làm được gì ngoài việc copy các hiến pháp và phương thức tổ chức sẵn có ở đâu đó. Người ta cho rằng, thành công trong xây dựng thể chế dân chủ chính là việc giữ cho các tiến trình trên diễn ra trôi chảy, không có biến động làm thay đổi hoặc phá vỡ tiến trình đó. Điều nguy hiểm hơn, là sự mặc định các thể chế vừa xây dựng cho toàn bộ tiến trình dân chủ. Ví dụ, có lập luận cho rằng, hiến pháp phản ánh tương quan lực lượng giữa các đảng phái vào thời điểm xây dựng hiến pháp?!? Nhận xét toàn bộ quá trình này, chúng ta nhận thấy hoạt động xây dựng thể chế dân chủ chỉ diễn ra trên bình diện quốc gia, với một số ít người tham gia. Còn người dân, có lẽ chỉ có một việc duy nhất là đi bỏ phiếu, trong tình trạng nhận thức một điều duy nhất là hình như đất nước vừa thay đổi chế độ!

     Đó là một tiến trình đảo ngược, hay như người Việt Nam thường nói “xây nhà từ nóc”. Điều quan trọng nhất trong cách thức tiến hành xây dựng thể chế dân chủ là, nó phải được diễn ra từ/ở đơn vị dân chủ cơ sở - là đơn vị địa lý, hành chính nhỏ nhất có thể xây dựng thể chế dân chủ - đồng thời được toàn thể người dân tham gia. Toàn bộ nội dung của dân chủ phải được thực hiện trên bình diện dân chủ cơ sở, và gắn chặt với cuộc sống của người dân. Chỉ có ở đây, người dân mới thực sự tham gia vào xây dựng hệ thống chính quyền, hệ thống luật cũng như cơ chế về tòa án nhân quyền để họ tự bảo vệ quyền con người của mình. Tất cả các hoạt động xây dựng thể chế dân chủ ở cấp cao hơn cấp cơ sở chỉ có mục đích mở đường, hỗ trợ và tạo điều kiện để bảo đảm yêu cầu cho việc xây dựng và hoạt động của thể chế dân chủ ở cơ sở. Thước đo quyền con người, mức độ dân chủ của quốc gia không phải bằng sinh hoạt chính trị dân chủ trên bình diện quốc gia mà bằng quyền con người, mức độ tham gia của người dân, khả năng tự bảo vệ quyền con người của người dân trong không gian sinh hoạt dân chủ cơ sở.    

     Mặt khác, vẫn trong giả thiết trên, nếu có một cuộc khảo sát đối với người dân Việt Nam hiện nay, theo các bạn, có bao nhiêu người dân biết và hiểu được: thế nào là tự do? thế nào là dân chủ? quyền con người của người dân là những quyền nào? quyền dân sự của người dân là gì? Người dân tham gia xây dựng thể chế dân chủ như thế nào? Ai và cơ quan nào bảo vệ các quyền con người và quyền công dân? Làm cách nào để bảo vệ quyền công dân của mình?...vv..

      Một câu hỏi tiếp theo, các bạn có cho rằng, người dân (dân thường) là chủ thể xây dựng, thực thi, bảo vệ và được hưởng lợi ích của thể chế dân chủ hay không? (và thật kỳ lạ là tất cả các lý thuyết về dân chủ thường đồng ý với kết luận này).

     Tổng hợp hai câu hỏi trên (có bao nhiêu người dân biết và hiểu tự do là gì?…người dân là chủ thể xây dựng thể chế dân chủ quốc gia), các bạn có đồng ý rằng, có một lỗ hổng khổng lồ, một khiếm khuyết cốt tử trong việc xây dựng thể chế dân chủ ở các nước đã và đang thay đổi chế độ xã hội hay không?

     Thật ra, các bước và trình tự tiến hành xây dựng thể chế dân chủ ở các quốc gia như đã nêu ở trên chỉ là xây dựng cái “xác” của thể chế dân chủ. Đó là điều bắt buộc phải có, nhưng nó hoàn toàn không có giá trị (hoặc không có giá trị nhiều) nếu như thiếu đi phần “hồn” của chính nó.

     Vậy phần “hồn” của thể chế dân chủ là gì? Đó chính là sự tham gia xây dựng, thực thi và bảo vệ thể chế dân chủ của người dân, với hiểu biết đầy đủ về các vấn đề tự do, dân chủ.

     Như vậy, chúng ta cần có cách tiếp cận khác, một hệ thống nhận thức và phương pháp khác so với cách thức xây dựng thể chế dân chủ đang diễn ra hiện nay trên thế giới.

     Điều quan trọng nhất cho thành công của một thể chế dân chủ chính là nhận thức và sự tham gia của người dân vào việc xây dựng, thực thi và bảo vệ thể chế dân chủ./.

Hà nội, ngày 29/5/2015

N.V.B