You are here

Hương vị anh đào

Tản mạn
bên tách cà phê

Nguyễn Xuân Thiệp

Tháng 5. Nắng rực rỡ trên miền đồng cỏ Texas. Cùng với ánh nắng chảy tràn, trái cherry đỏ (red cherry) thấy bán đầy trong các chợ. Sáng nay, Nguyễn mua một hộp về cho vợ, và lúc rửa dưới vòi nước, tiện tay Nguyễn bốc vài quả cắn tan trong miệng. Đây có thể là lằn đầu tiên Nguyễn nếm quả cherry. Ồ, ngọt thanh, thoảng chút vị chua và mùi hương ngát. Đúng là hương vị anh đào như ai đó từng miêu tả. Và rồi chợt nhớ tới cuốn phim có tựa đề A Taste Of Cherry của một đạo diễn người Iran. Vậy nên có bài viết này. Âu cũng là một dịp được tâm tình với độc giả về ý nghĩa của sự sống và cái chết trong đời con người ta.

Fotolia.com

Cuộc sống có ý nghĩa gì không? Trần Tử Ngang (niệm thiên địa chi du du…), Lý Bạch (Quân bất kiến Hoàng Hà chi thủy thiên thượng lai, bôn lưu đáo hải bất phục hồi…), Cao Bá Quát (Ba vạn sáu ngàn ngày là mấy / Cảnh phù du trông thấy cũng nực cười…), và các triết gia của chủ nghĩa hoài nghi và hiện sinh… đã trả lời, rằng cuộc nhân sinh này là phù du, mộng ảo và phi lý. Câu hỏi này cũng đã từng lởn vởn trong trí óc tôi, trí óc bạn vào những thời khắc đặc biệt nào đó trong đời. Như lúc chán nản, thất vọng vì đổ vỡ, thấy nhân sinh là chiếc “thuyền bào ảnh lô nhô giữa dòng”. Hoặc khi chứng kiến những cảnh khổ của kiếp người như ở Haiti gần đây.
Vâng. Một lần nữa, xin được nhắc lại câu hỏi: Cuộc sống có ý nghĩa gì không?
Với Baddi, nhân vật của cuốn phim A Taste of Cherry (Hương vị anh đào) thì cuộc sống này chẳng có ý nghĩa gì cả. Người đàn ông trạc tuổi năm mươi này đang tìm cách để chết . Đây là một bộ phim mang lời dụï ngôn về ý nghĩa của đời sống của đạo diễn người Iran Abbas Kiarostami, một câu chuyện kỳ lạ và được thể hiện cực kỳ đơn giản. Bối cảnh phim chỉ là những con đường đất quanh co lên xuống các ngọn đồi ở bên ngoài thủ đô Terehan. Ngọn gió khô, nóng, đầy bụi bám vào mặt mũi, ánh nắng mặt trời gay gắt chảy tràn trên thân thể những công nhân đang đào bới, di chuyển đất đá trong tiếng động cơ của xe cộ và máy móc vang dội chát chúa chung quanh. Giữa khung cảnh ấy, Baddi lái một chiếc xe Range Rover cũ, gương mặt hầu như vô cảm, ngồi trong xe nhìn mọi sự lướt qua. Người ta không biết gì về thân thế, sự nghiệp, gia đình, quá khứ hay lý do khiến người đàn ông này chọn cái chết. Ông ta chạy xe lên xuống các con dốc, bụi bay mù mịt với mục đích duy nhất là tìm một người nhận đứng ra chôn mình khi ông ta chết (ông ta đã chuẩn bị sẵn sàng tiền bạc và những viên thuốc ngủ dùng cho cái chết của mình). Một công việc thật đơn giản, đúng 6:00 giờ sáng, người được thuê chỉ cần đến miệng huyệt ở dưới một gốc cây, gọi hai tiếng "Baddi, Baddi", nếu không có tiếng trả lời thì lấp đất chôn. Chỉ cần 20 xẻng đất. Nếu gọi mà có tiếng trả lời thì xin đưa tay giúp kéo ông lên khỏi mộ huyệt. Người giúp ông sẽ được hậu thưởng.

Hình bìa sách "Taste of Cherry"

Và cứ như thế, ông Baddi lái xe lang thang qua những ngọn đồi vàng cháy. Người đầu tiên Baddi gặp là một người lính Kurd đang trên đường trở về doanh trại. Ông cho anh ta quá giang xe và bắt đầu trình bày kế hoạch của mình. Người lính nghe Baddi diễn giải và thuyết phục một hồi thì hoảng kinh hồn vía, đòi xuống xe và chạy như ma đuổi qua các ngọn đồi. Tiếp tục lên đường tìm người “hợp tác”, Baddi gặp một người lính gác, anh ta hiện đang có một người bạn là sinh viên tới thăm. Baddi rủ anh lên xe đi chơi, nhưng anh ta từ chối vì không muốn rời nhiệm sở. Rời anh lính gác, Baddi đến gặp người sinh viên trường đạo, bạn của anh lính gác, đến từ Afghanistan để dự một seminar (hội thảo chuyên đề). Baddi mời anh ta lên xe và diễn giải, thuyết phục, nhưng anh sinh viên từ chối vì việc giúp người tự tử là trái với tín ?i?u tôn giáo của anh. Vốn giàu lòng thân ái, anh ta rủ Baddi đến dùng món trứng chiên (omelet) với bạn anh ta là anh lính gác Baddi vừa gặp. Baddi từ chối và lại tiếp tục lái xe đi, ø cuối cùng tìm được ông Bagheri, một ông già người Thổ. Bagheri nghe một hồi, có vẻ hiểu mọi chuyện và ông kể cho Baddi nghemột câu chuyện của chính ông. Nhiều năm trước, ông cũng lâm cơn khủng hoảng và có ý định kết liễu cuộc sống. Bagheri kiếm một sợi dây thòng lọng đem treo lên một cây anh đào, nhưng ông ta không đủ cao để cho cổ vào thòng lòng. Bagheri bèn trèo lên cây, tiến về phía sợi dây để hạ thấp xuống, nhưng vô tình bàn tay ông cảm nhận một vật mềm. Đó là quả anh đào. Ông ta đưa lên miệng cắn, vị ngọt, mọng nước và thơm tan trong miệng. Ông ta ăn thêm quả nữa, quả nữa. Một vài quả anh đào rụng xuống đất, bọn trẻ con đi ngang qua nhặt lấy và tranh nhau ăn. Bagheri từ bỏ việc tự vẫn, ông hái thêm vài quả cho vào túi để mang về cho vợ. Kể từ lúc ấy, Bagheri thay đổi cái nhìn về cuộc sống và muốn Baddi cũng cảm nhận màu sắc và hương vị của trái đời như ông vậy. Vì mỗi mùa đều có hoa quả riêng và mỗi đêm mỗi ngày đều đem cho ta vẻ đẹp. Baddi lắng nghe câu chuyện nhưng vẫn không từ bỏ ý định. Ông ta tiếp tục nhắc lại yêu cầu nhờ Bagheri sáng mai hãy giúp ông ta làm nốt công việc hậu sự. Đêm hôm đó, Baddi lái xe đến miệng hố, nằm sẵn bên dưới. Mặt trăng tròn đầy từ từ hiện ra trong mây, trôi lơ lửng trên bầu trời. Baddi ta cứ nằm thế, chờ đợi, ánh sáng bình minh bắt đầu ló dạng. Không ai biết ông Bagheri có đến hay không...
Bộ phim ngụ ngôn đầy tinh thần triết học về "hương vị cuộc sống" nhưng được thể hiện giản dị và tài tình này đã đem về cho đạo diễn Abbas Kiarostami giải cao nhất -Cành cọ vàng tại ĐHĐA Cannes năm 1997. Đây là lần đầu tiên, Iran đoạt giải thưởng cao quý nhất của điện ảnh trong cộng đồng thế giới. Cuốn phim được nhiều nhà phê bình trên thế giới ca ngợi. Trang mạng Rotten Tomatoes ghi nhận là nó đạt được lượng 80% độc giả ưa thích. Một độc giả tên Chrisyu, gốc Trung Hoa nhận định: “Tôi đã xem nhiều phim có đề tài về “ sự sống và sự chết”, nhưng đây là phim tuyệt vời nhất. Câu chuyện thì đơn giản thôi nhưng đạo diễn đã nói lên nhiều điều. Qua những cuộc đối thoại giữa những người thuộc giai cấp khác nhau, ta thấy mội người có một thái độ khác nhau giữa cái sống và cái chết. Abbas không nói ai đúng ai sai. Mà dành cho chúng ta quyền tự mình suy nghĩ. Cuốn phim dựng lên những cảnh trí đơn giản và tầm thường, nhưng chứa đựng một vẻ gì đó quyến rũ. Một cuốn phim nên xem.”
Đọc chuyện phim trên các trang web của Google, Nguyễn tôi rất lấy làm thú vị về mùi hương của những trái anh đào chin đỏ, mà chiều nay vừa mới biết tới. Và cũng muốn mua gởi tới bạn hiền ở vùng Tara nhưng lại sợ đường xa, lâu ngày cherry sẽ chin nẩu bốc mùi rượu. Mặt khác, Nguyễn thấy mê những cảnh sắc xuất hiện trong đêm cuối cùng Baddi nằm dưới hố khi cơn giông kéo qua trời rồi vầng trăng lồng lộng hiện ra rồi bình minh ửng hồng ở chân mây. Tuyệt diệu. Và Nguyễn tôi nghĩ rằng những cảnh sắc đó chính là hương vị cuộc sống mà tự mình Baddi đã tìm thấy được, cũng như Bagheri đã tìm thấy trong hương vị những trái anh đào. Người bạn văn thân thiết của Nguyễn cũng đồng ý là cuối cùng Baddi sẽ không chết, nhưng lại không bằng lòng với cái kết cuộc vì cho nó quá mơ hồ, không đủ làm nổi bật ý nghĩa cốt truyện. Vâng, cũng có thể là như thế, vì chuyện phim có nhiều tầng lớp, mội người nhìn thấy và cảm nhận một phần.

Cũng vậy, nhà điểm phim Paul Brenner cũng ghi nhận rằng khi được công chiếu ở Hoa Kỳ, cái giọng đầy chất thơ của Abbas Kiarostam về tự tử trong “Taste of Cherry” được nhiều nhà phê bình phim tán thưởng, cho rằng “Taste of Cherry” mang một hơi thở mát mẻ trong lành đến với những người yêu phim xứ này. Tuy nhiên, mặc dù đoạt Cành Cọ Vàng của ĐHĐA Cannes, cuốn phim bị một số nhà chê là buồn chán. Dẫu sao, phải nhận rằng đạo diễn đã xuất sắc dựng lên một cuốn phim lạ lùng mang ý nghĩa nhân sinh sâu sắc, ngợi ca sự sống qua việc đi tìm cái chết của một con người. Nghĩ ra được một chuyện phim như “Taste of Cherry” rồi dựng thành phim, quả là một sáng tạo thần kỳ của đạo diễn Abbas Kiarostami. Riêng với Nguyễn, “Taste of Cherry” là một bài thơ tự do tuyệt tác.

Ôi, hương vị anh đào. Nguyễn đang thưởng thức nó đây. Và thấy cuộc đời này còn nhiều vẻ đẹp. như nắng chiều nay. Chiều nay trên đường về nhà, em vui lắm. Tự nhiên mình cảm thấy hạnh phúc khi hiện diện ở giữa trần gian. Cảm thấy tâm hồn như có cánh chấp chới bay lượn giữa nắng hanh. Ôi chao, em muốn đưa tay ra và chụp một ít nắng đem cất. Giá như mà mình có thể.... Ôi, cuộc đời còn đẹp thế. Sao nỡ đành…