You are here

Tản mạn bên tách cà phê

Trong quán cà phê,
với Dương Nghiễm Mậu

Sáng nay (22 tháng 5. 2010), trời nhiều mây và nắng yếu, lòng bâng khuâng tưởng nhớ xa xôi. Không phải nhớ người bên cầu Lục Du đâu mà nhớ bạn. Bèn ra cà phê Starbucks ngồi, rồi gọi điện cho Nguyễn Xuân Hoàng nói chuyện chơi.

Thế nhưng bạn đã không có ở đầu dây. Ngồi buồn, uống hết ly cappuccino, bèn đứng dậy ra xe về nhà. Ngừng xe, xuống mở thùng thư check mail thì gặp một phong bì lớn, do Đinh Cường gởi đến. Mở ra xem, thấy một tài liệu Dương Nghiễm Mậu viết về các bạn văn -như Thanh Tâm Tuyền và…- trước khi có tờ Sáng Tạo. Kèm theo là cuốn sách cũng của Dương Nghiệm Mậu do Văn Mới xuất bản 2009. -Lênh Đênh Qua Cửa Thần Phù.
Ngoài ra còn có mấy tấm ảnh. Một tấm chụp thầy Tuệ Sỹ đang đàn dương cầm, bên cạnh là DNM và Đinh Cường. Hai tấm nữa chụp DNM ở Đà Lạt năm 2008. Nghĩa là hình ảnh DNM tràn ngập.

Chân dung Dương Nghiễm Mậu do họa sĩ Đinh Cường vẽ

Trông Nghiễm vẫn chưa già cho dù đã vào hàng “xưa nay hiếm”. Lật xem qua cuốn sách và những tấm hình, Nguyễn nghĩ về bạn dưới trời xưa, và rồi những hồi ức chợt hiện về.

Cũng chưa lâu lắm, ấy là vào dạo Tháng Tư 2007. Qua tin báo, Nguyễn được biết Dương Nghiễm Mậu vừa cho in lại 4 cuốn sách (trong đó có Nhan Sắc) bán rất chạy, đồng thời gây xôn xao dư luận. Hỏi cô em ở Sài Gòn về chuyện này được cô kể lại như sau: Em có gọi điện báo tin cho tác giả là trên báo Văn Nghệ TP Hồ Chí Minh, số ra ngày 5-4 có đăng bài phê phán nặng nề của cô Lê Anh Đào (dạy ở trường Trần Văn Ơn, Quận I) nhân đọc truyện Từ Hải Và Cuộc Phiêu Lưu Của Đời Chàng trong tập Nhan Sắc. Cô Đào cho rằng ông Dương đã thú vật hóa con người và lưu manh hóa hình tượng văn học cổ điển của dân tộc".

Cô viết: "Tôi thực sự bị sốc. Sao tác giả lại độc đến thế. Không biết những bạn đọc từng yêu mến Truyện Kiều có cảm thấy bị xúc phạm như tôi không. Tôi sẽ dạy các em cấp hai của tôi về Truyện Kiều thế nào đây nếu các em đọc Dương Nghiễm Mậu? Thú vật hóa, lưu manh hóa... vậy tác giả là người gì? Văn học Sài Gòn trước 75 là thế này đây sao?”

Đọc những lời viết của cô Lê Anh Đào, Nguyễn có mấy ý nghĩ sau đây: Một, cô Đào thiếu hiểu biết và đọc quá ít (hình như cô chưa đọc Nguyễn Huy Thiệp, Lê Minh Hà, Phạm Thị Hải Anh -Hải Anh cũng viết về Nguyễn Du, Kim Trọng, Thúy Vân, Thúy Kiều đấy, mà viết khá ly kỳ, cô Đào đọc đi rồi phê phán.

Hai, cô dùng từ quá nặng nề thô lỗ để nói với nhà văn, và hình như cô có ác cảm đối với nền văn nghệ trước 1975 nói chung, nên mới hậm hực chửi rủa, phỉ báng. Là cô giáo mà cô ăn nói như thế sao, cô Đào? Hay cô nhận lệnh của một tên cán bộ văn hóa ác ôn nào đó để viết?

Thật ra, giọng điệu của cô Lê Anh Đào hoàn toàn trái ngược với những lời giới thiệu của Chi Mai trên E-văn. Con người ta khi cầm bút ít ra cũng phải tỏ là mình có học chứ. Chi Mai viết với sự hiểu biết nghiêm chỉnh:

“Là một nhà văn nổi tiếng ở miền Nam trước 1975, Dương Nghiễm Mậu sáng tác nhiều và gây được ấn tượng sâu đậm trong lòng độc giả. Công ty văn hóa Phương Nam vừa tái phát hành 4 tập truyện ngắn hay của ông: 'Đôi mắt trên trời', 'Cũng đành', 'Tiếng sáo người em út' và 'Nhan sắc'.

Dương Nghiễm Mậu sinh ngày 19/11/1936. Tên thật là Phí Ích Nghiễm, sinh tại làng Mậu Hòa, tỉnh Hà Đông (nay là Hà Tây). Ban đầu, ông viết đoản văn, tùy bút cho phụ trương văn nghệ học sinh của các báo chuyên nghiệp.

Năm 1954 vào Nam.

Từ năm 1957 viết nhiều: tạp văn, tùy bút, truyện ngắn, truyện dài... Năm 1962, ông chủ trương tạp chí Văn Nghệ với Lý Hoàng Phong, đồng thời viết cho Sáng Tạo, Tia Sáng, Văn Học... Sau đó, ông chuyển sang ngành vẽ tranh sơn mài từ năm 1977 đến nay.

“Từ điển văn học của NXB Thế Giới nhận xét: "... (Dương Nghiễm Mậu) là một trong những nhà văn Việt Nam thế hệ 60-70 đã đào rất sâu vào bản chất của cuộc hiện sinh con người... Ông đứng riêng một cõi, dường như không có bạn đồng hành, và đã tạo được một lối cấu trúc về truyện ngắn, truyện dài nằm trong nhân sinh quan bao quát của triết học hiện sinh và vô thần..."

Ông Nghiễm ơi, Nguyễn thương ông và quý ông. Nhớ khi Nguyễn rời Việt Nam đi có gửi lại ông một tập thơ mỏng Như Một Lời Chia Tay. Mấy năm sau, ông gửi một cái thư cho Nguyễn Trung Dũng mà cẩn thận gửi vòng qua Úc châu, trong đó có nhắc tới tập thơ của Nguyễn với một câu than ngậm ngùi: Thơ thì còn đây mà người biết bao giờ mới gặp, hay chẳng bao giờ nữa...

Ông Nghiễm à, nghe những tin tức về các cuốn sách của ông, lại được nhìn ảnh chụp bìa sách, Nguyễn rất muốn được cùng ông tới một quán cà phê nào đó, Vô Thường chẳng hạn.

Ở đó, ta vừa uống cà phê "cái nồi ngồi trên cái cốc", vừa chuyện trò nắng mưa trên trời dưới đất, thỉnh thoảng lật sách ra xem, đọc vài câu vài đoạn.

Thú lắm, phải không ông Nghiễm. Nhưng Nguyễn ở xa như thế này, lại ngại sấm sét cuồng phong ở bên kia biển, thì làm sao mà bảo là về để uống cà phê với nhau. Ôi, thèm chết đi được. Thôi đành tưởng tượng Nguyễn là cô Như Thị để được ngồi cùng nhau trong một quán đắng vầy cuộc văn chương. Đây, lời kể của nàng Như Thị:

"Nghe và đọc hết một lượt các bài góp ý, phê bình hiện tượng tái bản sách của các nhà văn trước 75, mà cụ thể của Dương Nghiễm Mậu, tôi nhấc điện thoại “Bố ơi, người ta mắng bố ghê quá. Con sợ…”Bên kia đầu dây, giọng đàn ông trẻ trung, đầm ấm Không sao, toàn bàn cái bên lề, có gì mà sợ. “Giọng điệu vậy mà bảo không sao. Con lên chở bố đi cà phê, thấy thực sự bố "không sao" mới tin.” Ừ thì lên! Chỗ cũ ấy, nhớ không?

"Chỗ cũ ấy" là một quán cà phê khá thanh nhã, thoáng mát và rộng rãi- nơi tôi gặp nhà văn Dương Nghiễm Mậu lần đầu, gần một năm trước, nhờ một duyên khởi từ nửa vòng trái đất bên kia. Tôi gọi ông là "Bố” tự nhiên, căn cứ vào chênh lệch tuổi tác và cả quê chung Hoài Đức- Hà Đông của "hai bố con". Đôi khi tôi gọi ông là thầy, căn cứ vào tư cách và tri thức, tài hoa nghề nghiệp. Ngoài ra, đôi khi cũng gọi anh, vì vẻ mặt trẻ trung, phong thái duyên dáng khi nâng tách cà phê, châm điếu thuốc Con Mèo nhả khói, nhẹ nhàng chia sẻ với người đối thoại những hồi ức viết lách một thời...
"Tôi gọi Bố, Thầy, Anh và xưng Con xưng Em thoải mái. Nhà văn như cái rây, lọc tất cả ngôn từ của tôi, dễ dàng chấp nhận, không ngạc nhiên, xúc động. Chưa bao giờ hỏi tôi là ai, ở đâu, tại sao, làm gì mà lại… Trong câu chuyện hào hứng, bố rõ ràng đang đi lại con đường thời trẻ, thăm những ga xép đìu hiu từ lâu vắng bóng con tàu, những dãy phố ọp ẹp, những căn nhà trọ tạm bợ, gặp những chị phụ nữ gầy ốm bế đứa con khóc ngằn ngặt, những anh giáo dạy tư sắp mất việc, những đứa trẻ con nhà vợ lẽ, lớn lên như lau trắng xác xơ…Con đường bố đi có tiếng bom đạn vô hình, có cái chết và sự buồn rầu lặng ngắt. Mỗi cột cây số trên đường là một tập truyện ngắn, truyện dài. Bố nhớ kỹ từng câu thoại, từng đoạn kết truyện. Nhớ nhưng mắt không buồn. Chân bước đều, vừa dắt tôi vừa chỉ trỏ, cắt nghĩa. Tôi đi bên bố, trở lại là đứa nhỏ mười mấy tuổi, trước tết Mậu Thân hai năm. Mắt tôi thấy lại xa lộ Biên Hòa, đoạn khỏi ngã ba Vũng Tàu. Bên kia xa lộ là căn cứ Long Bình của Mỹ với hàng hàng lớp lớp dây kẽm gai, bốt gác cao ngất, hầm hố, súng đạn, bãi trực thăng, xe jeep và những chú G.I da đỏ như gà chọi, mặc áo trận bốn túi, nhai chewing gum. Bên này xa lộ là thị trấn Tam Hiệp, khu Gia Viên, Chợ Sặt- Hố Nai. Bao nhiêu bãi rác Mỹ, chợ trời, bar rượu và những túp lều ghẻ lở đứng liêu xiêu. Bao nhiêu người nghèo sống chung với rác và đàn chuột, chó hoang, mèo hoang... Hệt như truyện của bố. Tôi buột câu hỏi “Bố này”Cái gì cơ? “Bố làm thế nào để viết có air riêng thế.” Thì đọc nhiều. Trước tiên là thế đã. Rồi mạnh dạn viết như mình nghĩ. Không sợ bị ngộ nhận, bị chê cười. Tôi đã phải đọc lắm thứ. Cả những thứ bị coi là paraliterature (cận văn học, á văn học). Đôi khi viết tạp bút, tiểu luận, như cách bắt mình học thêm. Viết về Hồ Biểu Chánh chả hạn. Cô đọc "Ngọn cỏ gió đùa" đi, cái đoạn tả anh chàng ăn cắp cám heo, ông Hồ Biểu Chánh viết không chê được. Hồi đầu thế kỷ XX, miền Nam có ngòi bút như thế rất quý. “Vâng, bố nhớ ông Phan Văn Hùm không?” Ừ! Ông này nữa….
Trong quán, nhạc thoảng bay nhẹ nhàng. Vài dây vạn niên thanh ẻo lả trườn dọc bờ tường loang nắng. Sáng thứ bảy, quán nhiều khách đôi. Nhưng không thấy ai như tôi và bố- ngồi riêng hai đầu bàn, khoảng giữa chất ngổn ngang sách báo, thuốc lá, hoa, cà phê… như khoảng cách thời gian không gian bất khả thắng vượt.
Bố rít thuốc. Đốm thuốc lập loè đỏ. Tôi xin một điếu. Hai bố con chẳng nhìn vào đâu, vào ai. Thoải mái một cõi.Và tôi, hơn năm mươi năm làm người, lần đầu tiên ngồi với văn nghệ sĩ mà không thấy tiếc thì giờ, tiếc lời, tiếc phận.
Tôi hỏi thời này người đọc, người viết trẻ thiếu cái gì so với thời cũ. Không suy nghĩ, bố đáp ngay Thiếu sự kiên tín! “Con thấy, đã vậy còn hay ngụy tín…”Cô nói đúng! Có lẽ chỗ này khiến mấy mươi năm nay, văn học không khơi dòng được, không có cái mới. Tôi đọc những bài công kích tôi trên báo. Chưa thấy ai đụng chạm những điều thuộc về cốt lõi. Chỉ nói những chuyện thuộc thẩm quyền của nhà xuất bản và người cấp phép. Mới đây có bài của Phạm Xuân Nguyên trên Văn hóa- Thể thao. Ông này cô biết không? “Con không quen nhưng có đọc lai rai vài bài Hội chứng Babylon, Văn học Việt Nam- Nỗi buồn tiểu thuyết, và năm ngoái, đầu tháng 10, bài Vì một nền văn học sạch, trên trang web vannghesongcuulong.org. Trong bài này, khi trả lời người phỏng vấn Lê Anh Hoài, ông Phạm Xuân Nguyên có nhận xét: "Văn học ta không thể nào lớn được.vì không được sống trong môi trường văn học đúng nghĩa của nó”. Ông Phạm Xuân Nguyên, khi viết về tôi, với tư cách bạn đọc- nhà phê bình, cũng viết nghiêm túc. Cô nên tìm mà đọc. Còn bạn đọc bình thường lâu nay quen với văn học minh họa, văn học mô tả A là A, B là B. Những truyện nhiều tầng nghĩa, có symbol hơi lạ là không chia sẻ được với tác giả, thậm chí ngộ nhận. Thí dụ trường hợp nhân vật Từ Hải. Từ Hải thì Dư Hoài viết, Thanh Tâm Tài Nhân cũng viết, chứ đâu chỉ Dương Nghiễm Mậu trong tập truyện ngắn Nhan sắc. Tương tự, Phạm Thái, Kinh Kha nữa. Bảo tôi bóp méo nhân vật, tả sai bét so với "chính sử" thì… Bố ngưng nói, không hề cau có. Tôi biết bố chừng mực, ít bị lôi cuốn vào chuyện thị phi.”

Ừ thì tan cuộc cà phê. Có phải đây là Sài Gòn và mình là Như Thị, vừa nói chuyện với ông Nghiễm xong? Thôi thì thôi để mặc mây trôi (thơ PTT), phải không hở bạn bên trời? Giờ đây, Nguyễn đã có cuốn sách của ông trong tay –có sách như có người vậy. Và Nguyễn sẽ đọc Gọi Hồn, Về Nhà (Nhà đâu chỉ có đường xa mịt mùng) và Kẻ Khắc Mặt Quỷ… Rồi Nguyễn sẽ có bài riêng, nhờ làn sóng của không gian ảo gởi về ông.

NXT

Bài bình luận

nguyễn thị thảo an Đêm cuối cùng của tháng Mười là ngày Saving Light*. Đúng nửa khuya, đồng hồ cả nước đồng loạt lui xuống một giờ. Qua hôm sau, mặt trời lặn sớm, bắt đầu mùa lạnh đêm dài ngày ngắn. Mỗi tuần hai ngày, năm giờ chiều, tôi rước con bé út từ lớp nhạc về. Xa lộ 75 là con đường xuyên suốt Bắc Nam của tiểu bang, bên trái là phía Tây, ráng chiều ửng hồng bên đó. Trước năm giờ mặt trời còn chói lọi, thế mà chỉ trong vòng mười lăm phút trời lặn rất nhanh. Trước khi lặn, trời tắt nắng, vầng thái dương to và đỏ như màu than cháy, từ từ chìm vào lòng đất. Những lúc đó, con bé dí sát mặt vào cửa kính gấp rút kêu, "Mẹ, xem kìa. Kìa." Tôi hấp tấp kiếm chỗ tấp vào lề. Hai mẹ con kéo cửa kính và dõi mắt ngắm mặt trời lặn. Không hiểu sao tôi có cảm giác mặt trời Mỹ có cái gì khang khác. Nó vô tình và nhạt nhẽo, lạ lẫm và xa xôi. Cái mặt trời này nó làm tôi nhớ cái mặt trời hồi xưa của tôi quá đỗi. Sau lần cháy nhà ở Khánh Hội vào đầu thập niên 60, gia đình tôi dọn về khu Phú Thọ Hòa II. Khu Phú Thọ Hòa I nằm gần khu vực Bà Quẹo. Hai khu này tuy là vùng ngoại ô cận thành Sài gòn nhưng đồng hoang cỏ cháy, bao quanh là những vườn lài, vườn ngâu bạt ngàn, phe Cộng thường ém quân vào đấy trước khi mở cuộc tấn công vào Sài Gòn. Nghe đồn chính quyền miền Nam muốn dời dân ra đó, họ muốn biến khu vực này thành vùng trái độn để bảo vệ thủ đô. Mẹ tôi nói, "Ở đây chính là ở giữa hai lằn đạn, chết lúc nào cũng không biết." Nhưng đám dân nhà cháy không có sự lựa chọn nào khác. Người lớn thở dài đứng trước tương lai mù mịt. Nhưng đám con nít trong xóm vui lắm. Giữa hai lằn đạn ư? Hai lằn đạn giống như hai đường thẳng, sợ gì chứ? Sau giờ học, đám con nít mười mấy đứa ào ào như một đám giặc, bắn bi, tạt lon, thả diều, chia phe bên ta bên địch "bắn giết" nhau tơi bời. Thắng bại xảy ra chớp nhoáng trước khi mặt trời lặn. Khi bóng tối tràn ngập, kẻ "sống", người "chết" kéo nhau về quây quần bên ánh đèn, ê a học. Xóm nhà mới chưa có điện. Ánh đèn dầu leo lét không đủ để soi đường. Đợi anh chị học bài xong, chúng tôi thường ra cổng ngồi ngắm sao trời, và nhẩm đếm những vì tinh tú. Mẹ tôi nói, mỗi con người sống trên đời đều có một số mạng tương ứng với một vì sao, hễ sao tắt thì mệnh hết. Tất cả truyện Tàu đều viết thế nên mẹ tin thế. Tôi tin mẹ nên suy ra tôi cũng tin truyện Tàu. Nhưng trời xanh thăm thẳm, những ngôi sao còn nhỏ hơn những dấu chấm, làm sao tôi tìm được ngôi sao của mình. Đếm sao trời mau mỏi cổ, tôi quay ra ngắm xóm nhà mình. Buổi tối, dưới ánh đèn thấp thoáng, trông nó như những mái tranh đơn sơ trong câu truyện cổ. Nó là điểm sống, là nguồn hy vọng của những kẻ lạc bước trong rừng. Nhưng lũ trẻ con trong xóm không nghĩ như vậy, trong bóng đêm chúng thường ngó về phương Đông, một khoảnh trời rựng hồng sau cánh đồng tăm tối. Ở phía đó là thành phố, Sài Gòn đã lên đèn. Ánh điện đủ màu hắt lên trời tạo thành một hào quang rực rỡ. Chúng tôi ngồi chùm nhum trong bóng tối, giơ bàn tay không thấy hết năm ngón, nhưng trong tâm trí vẻ ra cảnh thành phố rõ mồn một. Tiếng hát Chế Linh trong chiếc radio vang ra từ cái xóm nhỏ, văng vẳng "Khi vũ trụ lên đèn thành phố ngả nghiêng, men rượu say mềm, Tuổi thơ đi hoang, nghìn đêm trốn ngủ Phần ba tuổi đời, hoang phế sau lưng, ... Từng đêm quê hương đạn bay súng nổ hỏa châu sáng tỏ, những gương mặt người yêu phố thị Ngày nào đó tôi còn thèm ánh sáng kinh đô thèm ly bia qua tiếng nhạc mơ hồ, thèm ngàn nụ cười, ánh mắt giai nhân... Nay trả lại cho người thành phố sau lưng, môi ngọt, rượu nồng Giày sault tôi đi hằn trên lá cỏ... "** Trời đã quá khuya, tiếng muỗi vo ve đầy đồng, chúng tôi trở về. Những gót chân non cũng dẫm nát một vùng cỏ dại. Vào những đêm đó, mỗi giấc mơ đều thấp thoáng ánh đèn màu, những tà áo xanh áo đỏ, lẫn trong điệu nhạc mơ hồ, tiếng ly tách vỡ. Ước mơ được đi Sài Gòn, được tắm mình trong cái ánh sáng huyền hoặc, mê ảo, đầy ma lực ấy, lúc đó là một mơ ước lớn. Mãi về sau tôi mới biết khu Phú Thọ Hòa cách Sài Gòn chỉ vài cây số. Ôi! Tuổi thơ. Và những giấc mơ vạn dặm. Đối với xóm nhà lá, bất kể mùa mưa hay nắng, đêm ở đây dài và ngày ngắn. Tất cả sinh hoạt sống động đều diễn ra vào ban ngày. Sáu giờ chiều, mặt trời lặn. Những ngọn đèn dầu được thắp lên. Người lớn đọc báo, nghe radio, con nít học bài, rồi đi ngủ. Đó là thời gian nghỉ ngơi. Ngày nào cũng như ngày nấy, sinh hoạt đơn điệu, nghèo nàn. Cuộc sống thật sự chỉ bắt đầu vào lúc mặt trời mọc. Bình minh dậy từ cánh đồng cỏ sau nhà. Mặt trời từ từ đi lên và nhuốm hồng những bông cỏ may màu tim tím. Những giọt sương đọng trên thềm cũng tan ra rồi ráo hoảnh. Buổi trưa mặt trời leo qua mái nhà rồi ngả về Tây. Chiều nào cũng vậy, khi mặt trời treo trên nóc nhà thờ, tôi bắt đầu thơ thẩn dạo chơi trên vệ cỏ bên kia đường. Con đường đá đỏ nối từ khu giáo xứ với ngôi thánh đường khang trang dẫn đến trường tiểu học Phú Lộc, đó là ngôi trường duy nhất của xã. Lúc đó tôi còn bé lắm, chưa được đi học, nhưng rất thèm được cắp sách đến trường. Trong lúc chờ học trò tan trường túa ra, tôi bứt những cọng cỏ gà, cứ năm cọng cột thành một, thắt gút ở cuống để thành một đầu gà tưởng tượng. Khi thấy bóng anh thấp thoáng đàng xa là tôi chạy u về phía ấy. Tặng anh mấy bó cỏ gà để được cắp sách thay rồi đi về như đứa học trò thật sự. Cất cặp sách xong, tôi trở ra. Ngày nào cũng như ngày ấy, tôi ngồi bệt trong đám cỏ dại cao ngang đầu mình, mắt đăm đăm nhìn về phía Tây. Năm giờ chiều. Đây là khoảnh khắc sống còn của một ngày, và của trời đất. Nắng đã tắt. Một vạt mây hồng tím loang thắm một mảng trời. Vầng thái dương lừng lững, cháy đỏ như than đang từ từ rơi xuống. Đúng lúc đó, tiếng chuông nhà thờ gióng giã đổ. Thời khắc đột nhiên chậm lại. Tôi bàng hoàng, cảm giác như đây là hồi chuông tiễn biệt mặt trời. Để rồi ngày mai mặt trời sẽ thức dậy. Tôi tin như thế. Mỗi ngày rồi mỗi ngày. Nhưng, nếu có một ngày, mặt trời không thức dậy thì sao. Không có cái gì bảo đảm như thế cả. Như mấy ông bà già trong xóm, ngủ mà không thức được. Mặt trời sẽ già, và một ngày nào đó nó sẽ không thức nữa. Trái đất tối om. Thế giới không có ánh sáng. Rồi tất cả sẽ lụi tàn. Loài người trở về thời hồng hoang. Đó là lúc những câu truyện cổ tích khởi đầu từ trang thứ nhất. Dằn vặt với nỗi lo, tôi nghĩ, sẽ có một ngày tôi đi cứu mặt trời. Tôi sẽ đi, đi mãi, trực chỉ hướng Tây, tới sát đường chân trời. Tôi hình dung giống như tới sát mé biển, mặt trời đang bị chìm ở đó, tôi sẽ vớt mặt trời, rồi tìm cách gắn hay treo nó lên vị trí sắp lặn mãi mãi. Thế gian sẽ đẹp biết bao. Không biết phải chờ bao nhiêu lâu để thời gian nung chín một ý nghĩ biến thành hành động. Đó là do quyết tâm. Tôi đã dự định và dò hỏi, dĩ nhiên là không cho ai biết, phải hết sức bí mật. Không phải sợ bị ngăn cản, mà sợ bị người ta cười. Tôi mơ hồ biết, ai nấy sẽ mắng tôi điên. "Đường đến chân trời à? Tao không biết, nhưng chắc là xa lắm" Chị tôi nói và che mắt nhìn về phía Tây. "Xa kinh khủng." "Xa kinh khủng là xa bao nhiêu?" Tôi thắc mắc, "Nếu đi, thế nào cũng tới chứ." "Ừ, ví dụ bây giờ mày đi, chừng già mới tới." Chị tôi cười phá lên. "Thiệt hả?" Trong lòng tôi le lói một chút hy vọng. "Con đường này sẽ dẫn đi đâu?" Tôi hỏi, mắt ngó về ngôi nhà thờ ở phía Tây. "Qua nhà thờ, tới chợ, qua chợ, tới ruộng bắp." Chị tôi nói. "Qua ruộng bắp rồi tới đâu?" "Qua ruộng bắp tới vườn lài." "Qua vườn lài thì tới đâu?" "Qua vườn lài chắc là tới... vườn ngâu." Chị trả lời đại. "Qua vườn ngâu rồi tới đâu?" "Qua vườn ngâu tới ơ... mày hỏi nữa, tao đập mày chết bây giờ." Chị nổi cáu, giơ tay lên dứ vào đầu tôi, dọa. Tôi nghĩ, điều may mắn là bấy giờ tôi còn bé. Nếu bây giờ lên đường, có thể năm ba mươi, hay tệ nhất là sáu mươi tuổi tôi sẽ tới. Ôi, sáu mươi tuổi, da nhăn nheo và tóc bạc trắng, nhưng mà tôi tới đích. Đó là niềm vui lớn nhất trong đời. Phải đi ngay, may ra còn kịp. Trưa hôm sau, bắt đầu cho một chuyến viễn hành, tôi hăm hở chuẩn bị mọi thứ. Cần nhất là túi hành trang, tôi ngó quanh quất và ăn cắp cái túi đệm của mẹ. Cái túi này của ngoại cho và mẹ quý lắm chưa dùng đựng thứ gì. Tôi hốt hết mớ quần áo trong tủ chỉ chừa bộ đồ đang phơi trên dây kẽm, sau nhà. Chuyến này đi tới mấy mươi năm, tôi nghĩ, phải đem hết mọi thứ, may ra mới đủ dùng. Tôi bê cái thang lên mái bếp, gỡ những nắm cơm nguội vo tròn mà mẹ đang phơi. Những nắm cơm tròn, khô khốc không biết làm sao nuốt cho trôi, nhưng đây đúng là loại lương khô mà những sĩ tử, đạo nhân, như Tế Điên hòa thượng hay những tay kiếm khách trong khi phiêu bạt giang hồ vẫn thường đem theo. Vấn đề làm sao ăn được, sẽ tính sau. Tôi dồn lương khô vào bị. Hình như không còn nhiều thời giờ nữa. Bắt chước những chàng hiệp sĩ trong những cuốn truyện bằng tranh, tôi kiếm một cành tre, xỏ chiếc túi đệm của mẹ, thử quảy gánh. Ồ, tôi quên, một điều quan trọng nữa. Một cái vợt. Phải có một chiếc vợt để vớt mặt trời chứ. Tôi cuỗm ngay chiếc vợt hớt lăng quăng của anh lớn (Xin lỗi anh, xin lỗi một ngàn lần). Tôi nghĩ, mặt trời chỉ lớn hơn quả bóng một tí, cái vợt này vừa đây, tôi cột chặt vào cành tre. Thế là đủ. Tôi ngó quanh quất một lần cuối để kiểm soát. Hết rồi, không quên một thứ gì. Đi thôi. A! nhưng còn mẹ. Ai lại quên mất mẹ. Cuộc hành trình dài mấy mươi năm, có thể tôi không có dịp trở về. Bây giờ tôi phải gặp mẹ ngay. Xúc động quá, tôi giấu "hành trang" ngoài hè, chạy ào vô nhà và sa ngay vào lòng. Mẹ tôi đang may vá, dừng lại, ngạc nhiên hỏi, có chuyện gì. Tôi không trả lời, chỉ ôm và siết chặt mẹ một cái, rồi cắn nhẹ vào vai. Tôi muốn sau này khi mẹ nhớ tôi ắt phải nhớ "miếng cắn" này. Mẹ đẩy nhẹ tôi ra, mắng, "Ôi cha, đau. Cái con này,... " Tôi bỏ nhà đi vào lúc ba giờ chiều, trước giờ tan trường để tránh gặp anh chị và mấy đứa nhỏ cùng xóm. Tình cảm nhỏ sẽ làm hư "việc lớn". Theo hướng Tây, con đường nhỏ trải đá đỏ sâu hun hút. Hai bên đường là cỏ dại, nhà cửa, dân cư. Đi ngang qua nhà anh Giỏi, anh này vẫn thường qua nhà tôi chơi, anh kêu, "An ơi, đi đâu vậy cưng?" Đột nhiên, tôi sợ bị bắt lại, tôi nói láo một cách trơn tru, "Dạ, em đi chợ." Nhìn anh Giỏi, tôi thấy buồn, lòng nhủ thầm "Vĩnh biệt nha, anh Giỏi. Anh sẽ mãi mãi không nhìn thấy em nữa." Tôi đi qua khỏi chợ, tới ruộng bắp. Những cây bắp vượt khỏi đầu nhưng không có lấy một trái. Gió mùa phơn phớt thổi, hai thằng bù nhìn đứng giữa ruộng bị lật nón, đưa bộ mặt tròn quay và nụ cười toe toét. Tôi đứng lại ngắm thằng bù nhìn, cười như vầy thì chim cũng chả sợ, đừng nói chi ai. Qua khỏi ruộng bắp là một cánh đồng khô, kế bên có cái giếng nhỏ. Tôi tới bên giếng, soi mặt mình. Trời đất ơi, cái giếng khô, cạn xìu, không có lấy một giọt nước. Môi miệng bắt đầu khô, tôi chợt nhớ, quên đem nước. Khi khát, mặt trời lấp lóa trước mặt, tôi cảm thấy sức nóng của buổi chiều hôm đó bức lắm. Vai quảy cành tre nhỏ xíu nhưng đã bắt đầu thấy đau. Tôi chuyền qua bên nầy rồi đến bên kia. Khi đến vườn lài, bóng mặt trời đã nhạt và chìm sau dải rừng cây. Trời nhá nhem tối. Khu vườn lài âm u. Hai bên đường không một bóng nhà. Bỗng nhiên, tôi đâm sợ, chân tay bắt đầu run. Mẹ vẫn nói, Cộng Sản vẫn thường về núp trong vườn lài này, thoắt ẩn thoắt hiện, lính hành quân nhiều lần mà vẫn không bắt được. Hồi đó, tôi sợ họ như sợ ma, tôi cần qua khỏi khu vực này càng nhanh càng tốt. Tôi đi, đi nhanh như chạy, cũng chưa hết khu vực vườn lài. Dải rừng đen cứ chạy dài trước mặt. Đúng ra, nó là rừng lài. Mấy chị lớn trong xóm thường vào đây hái thuê. Những búp lài trắng muốt kết lại, tôi vẫn được mấy chị đem về cho cất vào trong túi. Hương lài thoang thoảng, ngát trong gió Hè. Tôi chợt nhớ những chén trà buổi sớm, mẹ tôi pha trà lài, rồi rót "thí" cho một chén, mắng yêu, "Con nít mà bày đặt uống trà." Tôi không chỉ thích uống trà mà còn thích vo vo cái chén trong tay, hơi ấm từ trà lan qua chén và truyền qua đôi bàn tay nhỏ xíu. Tôi thích nhìn vào chén lúc mẹ vừa rót, nước xoay như cơn xoáy, những búp lài khô quay vòng vòng như cuộn mình trong cơn lốc. Mẹ tôi hay đùa, "cơn bão trong tách trà". Khi "bão" tạnh, tôi chăm chú nhìn những búp lài khô từ từ bung cánh. Những cánh hoa trắng muốt vừa nở đã chìm dưới đáy nước vàng trong. Bây giờ tôi đi mãi, đi mãi. Vừa đi, đầu óc tôi gộp nhiều thứ hình ảnh lộn xộn chung lại với nhau. Một lúc sau tôi phát hiện, trời đất ơi, bóng tôi đâu? Hồi nãy lúc bắt đầu đi tới vườn lài, tôi còn thấy một cái bóng ốm nhom đổ dài trước mặt. Vậy mà bây giờ bóng không còn. Tôi dừng lại, xoay trước xoay sau và nhảy lò cò. Thì ra tôi đang đạp trên chiếc bóng của mình. Chiếc bóng đổ ngược sau lưng, hèn chi. Tôi ngước nhìn trời. Bấy giờ, trăng đã lên tới đỉnh đầu. Đã nửa khuya rồi sao? Đêm đó trời trong xanh, không một vẩn mây. Một vài ngôi sao mù xa nhấp nháy. Vằng vặc giữa trời một vầng trăng sáng tỏ. Ánh trăng vàng tỏa xuống chiếu khắp mọi nơi. Một thứ ánh sáng huyền diệu sáng như một dòng sữa miên man tưới tràn vạn vật. Trăng chảy trên cành lá, nhỏ từng giọt sáng xuống đầu cành. Trăng tưới sáng con lộ, tưới trên tôi. Thân thể tôi ngập tràn màu trăng. Tôi đưa tay lên, lật bàn tay qua lại, và ngạc nhiên quá đỗi. Trăng tưới trên tay chân làm da thịt bỗng nõn nà. Một màu da mềm mại và sáng như sữa mẹ. Tôi đặt túi đồ xuống đất, rồi vén quần lên, hai ống chân cũng trắng muốt, những dấu xướt khi chạy trên đồng cỏ đã không còn. Tôi ngước đầu lên, và bỗng bàng hoàng. Giữa đêm hoang vu, vạn vật đã ngủ say, trời đất bao la chỉ còn tôi và trăng. Tôi nhỏ xíu và trăng cao vút. Thế mà, khi tôi ngước đầu nhìn trăng thì trăng cũng nhìn tôi. "Chúng tôi cùng thức", tôi mơ hồ cảm thấy thấy trăng cũng nghiêng đầu ngắm nghía tôi rồi cười. Trăng cười với tôi? Cái cảm giác đêm đó rõ ràng như thật. Một sự rung động kỳ diệu bất chợt chen lẫn với nhịp tim càng lúc càng rối. Trăng trong ngần. Ánh vàng miên man như một dòng sữa liên tục tưới tràn vạn vật. Tôi giơ tay lên, một giòng trăng lọt qua kẽ tay rớt xuống tan ngay dưới đất. Mặt đất cũng sáng ngời. Đây không phải là lần đầu tiên tôi ngắm trăng, nhưng quả thật chưa có lần nào tôi thấy trăng đẹp và gần gũi như đêm nay. Vũ trụ dầy đặc những vì sao, mà từ nơi xa tít trên kia trăng đã nhận ra tôi. Mắt tôi ươn ướt và tay chân run rẫy.Thôi, tôi biết rồi, mặt trời lặn là để trăng lên. Đêm cần có trăng như ban ngày cần có mặt trời. Bỗng chốc, tôi quên mất tiêu mục đích của mình.Tôi mừng rỡ vì phát hiện lớn này. Tôi phải la lên cho mọi người biết. Trước hết phải nói với chị cái đã. Tôi chưa kịp nhón chân quay về thì nghe có tiếng la. "Ê, em bé,... " Hai người lính cầm súng, nhô đầu ra khỏi vườn lài, chạy tới. Người tôi điếng ngắt. Lưỡi líu lại, chân tay lóng cóng. "Em bé, em đi đâu vậy?" Một người lính lom khom hỏi. "Em,.. dạ, em... " Giọng tôi lấp bấp, nói không ra lời. "Em muốn... về nhà." Giọng tôi lạc hẳn. Tim đập thình thịch. Nước mắt ứ đầy trong khóe chỉ chực trào ra. "Em đi lạc rồi." Anh lính chỉ trỏ, "Sau vườn ngâu không có nhà ai hết." Đã tới vườn ngâu rồi ư? Vậy mà tôi tưởng mình còn ở khu vườn lài. Hai anh lính, qua ánh trăng tôi thấy chỉ cỡ bằng anh Giỏi. "Để tụi anh đưa em về." Họ dắt tôi đi ngược lại. Mới đi khoảng hơn trăm thước, có ánh đèn pin chập choạng. Chị tôi chạy xe đạp hớt hãi kêu lớn. "Mày đi đâu vậy? Con quỷ... " Hai người lính giao tôi rồi đi ngược trở về. Tôi ngồi sau xe chị và ngó về phía họ. Lòng tôi bỗng dưng chùng xuống. Nước mắt tuôn ra, nhạt nhòe trên má. Khi tôi về tới nhà, mọi người còn lao xao ngoài cổng. Hết cả nhà tôi, anh Giỏi và những người hàng xóm đang túa ra tìm tôi vẫn chưa về. Mẹ tôi nói, "Mau rửa mặt, rồi còn ăn cơm." Phần cơm dành cho tôi vẫn để trên bàn. Chị tôi lục tung chiếc giỏ và khám phá chuyện bỏ nhà ra đi. Mẹ nói, "Thôi tối rồi, mai sẽ trị tội." Ngày mai, một ngày mới lại bắt đầu. Khi tôi dậy, mặt trời đã lên cao, ánh nắng tràn qua khung cửa sổ. May quá, mẹ tôi bận bịu với cơm gạo áo tiền và những lo toan ngập cổ nên quên phứt. Và tôi, bắt đầu từ chiều hôm đó, lóng ngóng chờ những buổi trăng lên. Đêm đó tôi trở về nhà, nhưng cuộc hành trình đi tìm mặt trời vẫn không dừng lại. Ba muơi năm sau, tôi đứng đây, trong một buổi chiều tím như buổi chiều xưa, mắt vẫn hướng về mặt trời ngày cũ. Điểm tôi đứng cách vườn lài nửa vòng trái đất. Cứ tưởng tượng, nếu ngày xưa cô bé tôi không trở về thì bây giờ mình sẽ đứng đâu trên trái đất này? cô bé"tôi" ơi rồi một ngày tôi đứng giữa rừng hoa quỳ đỏ tôi tưởng niệm tôi xin đừng ai khóc ngày đã tàn. ngày sắp rơi cô bé đi vớt mặt trời không về nữa... *** Nov. 22/2008 __________________ * Saving Light: ngày toàn quốc đổi giờ. Tháng 4 lên một giờ. Tháng 10 lui một giờ. (Mỹ) ** Bản nhạc Thành Phố Sau Lưng của Hàn Châu, sáng tác trước 1975. *** Bài thơ Dã Quỳ Đỏ (T.A.)