You are here

Khi kinh tế tư nhân là động lực, CN Marx-Lenine sẽ ra sao?

Sau gần 30 năm cải cách kinh tế, do sự sai lầm trong đường lối và các chính sách phát triển kinh tế của Đảng CSVN khi coi kinh tế quốc doanh là chủ đạo của nền kinh tế. Đồng thời vai trò của kinh tế tư nhân không được coi trọng đúng mức và đó là nguyên nhân cơ bản nhất khiến cho kinh tế không phát triển được mạnh mẽ như khả năng có thể của nó.

Trong các văn kiện cũng như chính sách của Đảng, khi đề cập về chính sách kinh tế thì Đảng CSVN khẳng định rõ kinh tế Việt nam là một nền Kinh tế thị trường định hướng XHCN với kinh tế nhà nước nắm vai trò chủ đạo. Tuy vậy, người ta cho rằng, cái đuôi định hướng XHCN, khi đó hoàn toàn chỉ nhằm mục đích biện minh và nhằm để chứng tỏ rằng việc đổi mới kinh tế của Đảng CSVN hoàn toàn không bị chệch hướng hay xa rời lý tưởng cộng sản, mà vẫn kiên định với Chủ nghĩa Marx -Lenin. Điều đó đã làm cho nền kinh tế Việt nam đã trở nên không phải là một nền kinh tế thị trường hoàn chỉnh như các quốc gia khác, là điều gây rất nhiều hạn chế trong việc hội nhập của Việt nam vào nền kinh tế thế giới. Đó là lý do rõ nhất vì sao Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng luôn đề nghị các nước phát triển Âu-Mỹ công nhận kinh tế Việt nam là một nền kinh tế thị trường hoàn chỉnh với đặc trưng cơ bản nhất của nó là kinh tế tư nhân sẽ nắm vai trò chủ đạo.

Chính vì thế, trái lại với quan điểm của Đảng về vấn đề kinh tế, người đứng đầu chính phủ là Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã luôn chủ trương cần phải xây dựng một nền kinh tế thị trường đúng nghĩa. Mới đây nhất, ngày 26/3/2015 vừa qua, phát biểu tại buổi chủ trì hội nghị giao ban về tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã nhấn mạnh vai trò của khu vực tư nhân trong nền kinh tế, đồng thời yêu cầu đẩy mạnh quá trình tái cơ cấu khối doanh nghiệp nhà nước. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định mục tiêu trong năm 2015 dứt khoát phải hoàn thành kế hoạch cổ phần hóa đề ra cho hai năm 2014-2015, với 432 doanh nghiệp nhà nước. Theo Thủ tướng, doanh nghiệp tư nhân là một động lực hết sức quan trọng, cần phải cổ phần hóa nhanh để "toàn dân làm kinh tế", đáng chú ý, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã khẳng định và cho rằng: "Không có toàn dân làm kinh tế thì không có thắng lợi được đâu. Phải coi doanh nghiệp tư nhân là một động lực. Đây là của nhân dân chúng ta, không ai thay nhân dân được hết. Về phần Nhà nước là tạo điều kiện, hạ tầng, ban hành luật lệ". Đây là một nhận định hết sức quan trọng, sẽ báo hiệu một bước chuyển biến mạnh mẽ và tích cực của nền kinh tế Việt nam trong thời gian tới.

Một nền kinh tế thị trường hoàn chỉnh với kinh tế tư nhân đóng vai trò trung tâm, để dẫn dắt và nắm vai trò chủ đạo trong nền kinh tế là chính sách hoàn toàn đúng đắn và phù hợp nhất đối với kinh tế Việt nam hiện nay. Trong một nền kinh tế thị trường hoàn chỉnh thì kinh tế nhà nước không thể giữ vai trò chủ đạo trong một nền kinh tế được, mà nó chỉ giữ một vai trò có tính chất phù trợ nào đấy cho nền kinh tế. Chỉ có nền kinh tế tư nhân mới có đầy đủ những động lực để thúc đẩy nền kinh tế chung phát triển. Bởi vì một khi khu vực doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp nhỏ và vừa của Việt Nam được hỗ trợ bởi các chính sách đúng đắn của nhà nước, với một cơ sở hạ tầng hiện đại nó sẽ lớn mạnh cả về số lượng và chất lượng thì khi đó sẽ tạo ra nhiều triệu công ăn việc làm. Vấn đề quan trọng nhất là doanh nghiệp tư nhân có thể phát triển ở mọi nơi, mọi chỗ và sẽ tạo ra nhiều sản phẩm cho xã hội, điều đó sẽ bớt lệ thuộc hơn vào các nền kinh tế khác.

Nhà nước khi đó, chỉ đóng vai trò hoạch định các chính sách, ban hành luật lệ và thông qua giám sát để điều tiết nền kinh tế. Và nhà nước cần phải hạn chế tối đa hoặc không kinh doanh, để tránh tình trạng vừa đá bóng vừa thổi còi và ngược lại. Thực tế trên thế giới cho thấy, ở bất kỳ đâu nhà nước làm kinh doanh thì đạt hiệu quả luôn kém, chính vì thế ở các nước kinh tế phát triển, vai trò kinh doanh luôn được chuyển hẳn cho khu vực tư nhân đảm trách. Một trong những bí quyết thành công được đánh giá là quan trọng nhất của các nước công nghiệp mới (NICs). Đó là tăng cường vai trò cao nhất của kinh tế tư nhân, với phương châm cái gì tư nhân là được thì nhà nước không làm, đồng thời giảm thiểu sự can thiệp của nhà nước vào nền kinh tế.

Tư nhân hóa là một quá trình chuyển đổi về hình thức sở hữu của một doanh nghiệp, từ nhà nước chuyển sang tay tư nhân. còn gọi là quá trình tư nhân hóa. Ở các nước theo nền kinh tế thị trường, một khi các tổ chức kinh tế của nhà nước hoạt động không có hiệu quả, hoặc các doanh nghiệp nhà nước đó chưa tương xứng với tiềm năng và tổng tài sản của nó thì người ta sẽ xúc tiến quá trình chuyển đổi sở hữu để giảm sự lỗ lã không cần thiết. Ở Việt nam hiện nay quá trình này đang được Chính phủ xúc tiến mạnh mẽ, việc để cho tư nhân thay thế vai trò của nhà nước trong một số ngành nghề hoặc các lĩnh vực kinh doanh mà Nhà nước không cần nắm giữ bất cứ cổ phần nào, với mục đích nhằm thu hồi vốn nhà nước, để đầu tư vào lĩnh vực khác cần thiết hơn. Việc này được gọi dưới các cái tên như là “cổ phần hóa” hay “xã hội hóa” vốn nhà nước.

Mục tiêu hàng đầu của việc tư nhân hóa là để các cơ sở sau khi được tư nhân hóa có thể hoạt động hiệu quả, khai thác được tối đa khả năng của mình trên cơ sở một cơ chế với các chính sách lành mạnh, phù hợp với thông lệ quốc tế . Kinh nghiệm quá trình cổ phần hóa ở các quốc gia từ trước đến nay đều cho thấy, hầu hết các cơ sở kinh tế quốc doanh, trước khi chuyển đổi luôn ở trong tình trạng kinh doanh thua lỗ triền miên, sự tồn tại hoàn toàn dựa vào sự tài trợ của nhà nước. Nhưng khi được cổ phần hóa chuyển sang sở hữu tư nhân, thì các doanh nghiệp đó đã trở nên hoạt động có hiệu quả và có lãi.

Một trong những nguyên tắc cơ bản nhất trong kinh tế học của Chủ nghĩa Marx - Lenine và cũng là mục tiêu cuối cùng của các cuộc cách mạng do các đảng Cộng sản lãnh đạo, là tiến tới công hữu hóa toàn bộ tư liệu sản xuất của quốc gia, trở thành thuộc sở hữu toàn dân. Và đặc trưng thứ ba của Chủ nghĩa Xã hội mà Việt Nam đang xây dựng được ghi rõ trong Cương lĩnh Đại Hội Đảng CSVN lần thứ XI, đã khẳng định: "có nền kinh tế phát triển cao dựa trên lực lượng sản xuất hiện đại là chế độ công hữu về các tư liệu sản xuất chủ yếu". Điều đó cũng hoàn toàn phù hợp với Hiến pháp Việt nam Sửa đổi năm 2013, quy địng về chế độ kinh tế đó là "Nền kinh tế Việt Nam là nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa với nhiều hình thức sở hữu, nhiều thành phần kinh tế; kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo.". Đến nay quá trình cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước và coi kinh tế tư nhân chiếm vai trò chủ đạo thực chất là việc làm theo quá trình ngược lại, nghĩa là mang toàn bộ sở hữu nhà nước chuyển giao ngược lại cho tư nhân. Đó có thể coi là sự phản bội ghê gớm đối với học thuyết kinh tế của Chủ nghĩa Marx - Lenine, vi phạm đường lối của Đảng và đồng thời là chủ trương vi phạm Hiến pháp của Chính phủ.

Điều đáng bàn ở đây là, chủ trương cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước là một chủ trương hoàn toàn đúng đắn và phù hợp với trào lưu phát triển của thế giới văn minh cần phải được ủng hộ. Tuy vậy, điều đó cho thấy rõ sự sai lầm của học thuyết Marx - Lenine mà Đảng CSVN đã theo đuổi, cũng như các chính sách kinh tế của Đảng CSVN là hoàn toàn sai lầm. Điều đó cho thấy Đảng CSVN cần phải nhìn nhận một cách nghiêm túc và sửa đổi một cách mạnh mẽ, triệt để. Do vậy. đã đến lúc Đảng CSVN phải mạnh dạn, hãy nói không với Chủ nghĩa Marx - Lenine, để hướng tới các giá trị văn minh của nhân loại như hầu hết các quốc gia khác trên thế giới họ vẫn đang làm. Với mục tiêu cao nhất là làm cho dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh là đủ.

Không biết rằng, trong Dự thảo Báo cáo Chính trị trình Đại hội Đảng lần thứ 12 vấn đề kinh tế Việt nam trong thời sắp tới, sẽ được các nhà lý luận của Đảng CSVN viết như thế nào và khi đó Chủ nghĩa Marx- Lenine sẽ được họ xử lý ra sao? Hay là họ vẫn dùng cái chiêu nói một đường, nhưng làm một nẻo như từ trước đến nay thì mất điểm lắm.

Ngày 28 tháng 03 năm 2015

© Kami
 

* Đây là trang Blog cá nhân của Kami. Bài viết không thể hiện quan điểm của Đài Á châu Tự do RFA