Lê Diễn Đức
Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam sẽ có chuyến thăm Mỹ chính thức trong năm 2015. Lời mời được Ngoại trưởng John Kerry chuyển cho Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh và đã được Đại sứ quán Mỹ tại Việt Nam xác nhận.
Xem ra chuyến công du này có vẻ không bình thường, bởi lẽ đây là tiền lệ hiếm hoi trong thủ tục lễ tân đối ngoại.
Chính phủ Mỹ mời thăm Mỹ một người đứng đầu đảng cầm quyền, nhưng không phải là nguyên thủ quốc gia, cũng không kiêm nhiệm một chức vụ nào trong bộ máy nhà nước.
Nhưng thực chất thì ở Việt Nam, Đảng Cộng Sản lãnh đạo nhà nước và xã hội, nên lời mời có thể hiểu được, trong bối cảnh quan hệ Việt- Mỹ hiện nay.
Như báo chí tin đã, chính phủ Mỹ là bên mời nhưng người đứng đầu Chính phủ, Tổng thống Barack Obama, lại từ chối tiếp trong Phòng Bầu Dục tại Nhà Trắng, thì rõ ràng Mỹ đã hạ tầm quan trọng của vị khách.
Từ đấy suy ra chương trình viếng thăm của ông Nguyễn Phú Trọng sẽ nghèo nàn và mang nặng về hình thức hơn là chương trình làm việc. Ít có khả năng cho một cuộc gặp gỡ các doanh nghiệp Mỹ như người Mỹ từng tổ chúc cho Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng. Nếu có thì cũng chắc chỉ một cuộc nói chuyện ở quy mô nhỏ với các doanh nghiệp người Mỹ gốc Việt. Chuyện ghé thăm Quốc hội Mỹ cũng khó có thể xảy ra. Vấn đề xúc tiến nhanh để Việt Nam gia nhập Hiệp ước Thương mại Xuyên Thái Bình Dương, nếu có được đề cập đến, cũng sẽ chỉ tiện thể nhắc nhẹ nhàng, cho có.
Mỹ xoay trục an ninh qua châu Á-Thái Binh Dương vào lúc Trung Quốc ngày một hung hăng thực hiện tham vọng xem Biển Đông là ao nhà. Sự trỗi dậy của Trung Quốc về kinh tế và chính trị cùng với nguy cơ tự do lưu thông hàng hải bị đe doạ là mối lo ngại của Mỹ. Chiến lược này gắn liên với lợi ích thiết thực của Mỹ trên vùng biển Thái Bình Dương rộng lớn, bao gồm từ biển Nhật Bản, Nam Hàn, Đài Loan, Việt nam, Thái Lan, Phillipines, Indonesia, Singapore, xuyên qua Ấn Độ Dương.
Bình thường hoá quan hệ với Việt Nam từ năm 1995, ký hiệp uớc Thương mại Việt Mỹ, hỗ trợ Việt Nam vào Tổ chức Mậu dịch Quốc tế WTO, nước Mỹ trở thành thị trường xuất khẩu hàng đầu của Việt Nam sau 20 năm. Theo số liệu thống kê của Việt Nam và Mỹ, năm 2014 kim ngạch thương mại hai chiều Việt – Mỹ đạt 36,3 tỉ đô la, trong đó kim ngạch xuất khẩu đạt 30,6 tỉ đô la, tăng 25%, nhập khẩu đạt 5,7 tỉ đô la, tăng 13,6%.
Như vậy năm 2014 Việt Nam xuất siêu qua thị trường Mỹ 24,9 tỉ đô la, mức xuất siêu cao nhất từ trước đến nay. Vượt qua nhiều đối thủ trong ASEAN, năm 2014 Việt Nam trở thành nước xuất khẩu số 1 vào thị trường Mỹ.
Với một thị trường tiềm năng như thế, Đảng Cộng sản Việt Nam (ĐCSVN) đủ khôn ngoan hiểu rằng nước Mỹ có tầm vóc quan trọng không quốc gia nào thay thế được trong sự phát triển kinh tế.
Mặc dầu vậy, quan hệ sâu rộng với Mỹ, nhưng bộ máy tuyên truyền nhà cầm quyền Cộng sản Việt Nam không ngừng nhắc lại một cuộc chiến tranh đã kết thúc 40 năm và gieo vào đầu dân chúng rằng, các thế lực thù địch xuất phát từ nước Mỹ. Người ta vẫn kỷ niệm ồn ào ngày 30 tháng Tư. Sách giáo khoa của trẻ em vẫn có những bài toán bộ đội giết chết bao nhiêu lính Mỹ. Nước Mỹ tư bản và dân chủ vẫn bị xem là nguy cơ tiềm tàng đối với chế độ cộng sản.
Ngược lại, để bảo vệ ý thức hệ xã hội chủ nghĩa, nhà cầm quyền CSVN có mối quan hệ hữu nghị đặc biệi với Trung Quốc. Vì dựa vào Trung Quốc Cộng sản để duy trì sự cai trị nên họ sẵn sàng quên đi cuộc chiến tranh biên giới năm 1979 mà Trung Quốc đã tàn phá 6 tỉnh biên giới phía Bắc và giết hại hàng vạn người Việt. Biểu tình chống Trung Quốc trở thành tội phạm. Họ cũng sẵn sàng quên đi âm mưu thôn tính Việt Nam của các triều đại Trung Quốc từ hàng ngàn năm nay. Họ mở cửa tạo điều kiện cho Trung Quốc tiến hành cuộc xâm thực mềm toàn diện trên đất liền và dẫn nền kinh tế Việt Nam vào vòng lệ thuộc Trung Quốc...
Xuất siêu được sang Mỹ bao nhiêu thì bù hết sạch vào nhập siêu từ Trung Quốc (gần 29 tỷ đô la năm 2014).
Chọn Việt Nam làm đối trọng để kìm hãm sự bành trướng của Trung Quốc là sự lựa chọn đúng của phía Mỹ, bởi vì người Việt có truyền thống chống xâm lược phương Bắc. Ở khu vực Đông Nam Á, xét về mặt địa chính trị, chỉ Việt Nam là dân tộc có khả năng làm điều đó.
Nhưng chọn lựa Việt Nam khi mà ĐCSVN đang thống trị và quyết giữ ý thức hệ cộng sản, giữ một hệ thống chính trị độc tài toàn trị, tôi e rằng, chính quyền Barack Obama sẽ không đạt được kết quả mong muốn. Nhiều người Mỹ đã bị Cộng sản Việt Nam lừa gạt trong cuộc chiến tranh mà nay có vẻ như vẫn tiếp tục bị lừa gạt.
ĐCSVN sẽ chỉ lợi dụng sự ve vuốt thân thiện của Mỹ nhưng không một ai trong lãnh đạo thực lòng theo Mỹ, xa Trung Quốc. Sự tồn tại và độc quyền cai trị của ĐCSVN là cơ bản nhất và quan trọng nhất, trên cả vấn đề chủ quyền.
Biết rằng, vì lợi ích của nước Mỹ, Mỹ không có kẻ thù truyền kiếp, nếu cần chính phủ Mỹ vẫn bắt tay và thậm chí hỗ trợ một số chế độ độc tài. Khi đã như thế thì vấn đề dân chủ và nhân quyền của người dân nước đó chỉ chiếm phần thứ yếu. Quan hệ để ảnh hưởng là chủ trương không thích ứng đã được chứng minh tại nhiều quốc gia trên toàn cầu.
Chuyến đi của Nguyễn Phú Trọng dương như chỉ là một cách xã giao chuẩn bị cho chuyến thăm Việt Nam cũng có thể vào năm 2015 của Barack Obama, nhằm để được Việt Nam đón tiếp trọng thể hơn, vừa đảng vừa nhà nước, mà thôi.
Chuyến thăm Mỹ Nguyễn Phú Trọng sẽ là một cuộc đi chơi cưỡi ngựa xe hoa để biết nước Mỹ. Nó không mang lại ý nghĩa nào trước quan hệ hữu hảo với Trung Quốc vốn đã ăn sâu vào cấu trúc tổ chức quyền lực.
Về mặt nội bộ, theo tôi, chuyến đi sẽ củng cố thêm cho ông Nguyễn Phú Trọng tiếng nói trước thềm Đại hội ĐCSVN lần thứ XII. Với một người được cho là thân Trung Quốc, chuyến đi, về hình thức, có thể nói là giúp cho ông Trọng trong suy nghĩ của người khác rằng, ông muốn làm cân bằng quan hệ với hai nước lớn.
Không thể kỳ vọng bất kỳ một sự biến chuyển tiến bộ nào về dân chủ hay nhân quyền từ chuyến đi này, nếu không nói là tình trạng của nó còn u ám hơn.
© Lê Diễn Đức
Bài bình luận
góp ý
Nếu ai tin cuối cùng vẫn là sức mạnh nhân dân quyết định