You are here

Về bài viết "Ai giết Người Cao Tuổi"

Vừa qua, tôi có được đọc bài viết "Ai giết Người Cao Tuổi" của tác giả Trần Hồng Tâm, theo đó tác giả đã khẳng định rằng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và ông Đinh Thế Huynh là thủ phạm giết chết báo Người Cao tuổi và Tổng BT - Nhà báo Kim Quốc Hoa và phủ định ý kiến cho rằng Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng là thủ phạm. Do trong bài viết, tác giả Trần Hồng Tâm có nhắc đến nội dung trong bài viết "Vì sao Thủ tướng xử lý TBT Báo Người Cao Tuổi vào lúc này?", nên thấy rằng cũng cần có đôi lời.

Khi đọc hết bài viết nói trên, tôi mới biết tác giả là ông Trần Hồng Tâm, người gần đây được dư luận chú ý sau khi bài viết "Mũi thuyền xé sóng – mũi Cà Mau" của ông được trang Chân dung Quyền lực chọn đăng lại, vì đã hết lời ca ngợi Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng. Điều đó, cũng khiến tôi dễ thông cảm với những nhận định không mấy khách quan của tác giả Trần Hồng Tâm trong bài viết. Theo tác giả Trần Hồng Tâm thì "Người ta cáo buộc Nguyễn Tấn Dũng là thủ phạm của Người Cao Tuổi, nhưng không đưa ra bằng chứng thuyết phục, và cách suy diễn có tính gán ghép.". Do vậy, để làm sáng tỏ vấn đề, xin đi vào những cụ thể như sau:

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nổi bật hay mờ nhạt?

Từ năm 1986 trở lại đây, sau Tổng Bí thư Lê Duẩn thì Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã trở thành một hiện tượng và trở thành một ngôi sao sáng trong chính trường Việt nam. Với vai trò năng động của người đứng đầu cơ quan Hành pháp, Thủ tường Nguyễn Tấn Dũng đã thực sự làm lu mờ vai trò của các lãnh đạo chủ chốt khác, kể cả Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Trong bài viết "Mũi thuyền xé sóng – mũi Cà Mau", chính tác giả Trần Hồng Tâm đã từng đánh giá về ông Thủ tướng Dũng rằng: "Ông Dũng vượt lên như một người thuyền trưởng. Liệu ông có thể đưa con thuyền vượt qua sóng gió. Liệu ông có thể trở thành mũi thuyền rẽ sóng ra khơi như một câu thơ mà tôi thuộc từ hồi còn bé, hình như của Xuân Diệu, viết về Việt Nam, về đất mũi Cà Mau quê hương ông: Tổ quốc tôi như một con thuyền/ Mũi thuyền xé sóng – mũi Cà Mau."

Nếu Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng có vai trò nổi bật như thế, thì tại sao trong bài viết "Ai giết Người Cao Tuổi" làn này thì tác giả Trần Hồng Tâm lại nhận định ngược lại, khi cho rằng: "Ở Việt Nam không có ranh giới giữa hành pháp, tư pháp và lập pháp. Đảng lãnh đạo trực tiếp và toàn diện cả ba lĩnh vực. Ba trong một, và một bằng ba, vai trò của Thủ tướng (hay hành pháp) vô cùng mờ nhạt trong lĩnh vữc này.".  "Ông Dũng không thể một mình vượt qua nổi hệ thống: Ban Tư tưởng, Ban Văn hóa, Ban Tuyên huấn, Ban Khoa giáo, Ban Bí thư cùng các bộ, hội, chằng chịt, chồng chéo, ngành dọc, ngành ngang ràng buộc lẫn nhau giữa những bờ quyền lực. Hơn nữa, đây là thời gian nhậy cảm, chẳng dại gì mà ông đi gây thù chuốc oán...
...Tấn công vào Người Cao Tuổi bằng một cuộc hợp đồng binh chủng lớn gồm gồm nhiều bộ, nhiều ngành, nhiều người, nhiều hội, tiến hành bài bản, thanh tra, kết luận, chính trị hóa, hình sự hóa, chuyển cho cơ quan điều tra, truy tố, truyền thông không được đưa tin nhiều chiều, thẻ nhà báo bị tịch thu. Phải là một tập thể, một Nguyễn Tấn Dũng không kham nổi, không dám, xung quanh ông còn nhiều rủi ro rình rập."

Nếu như nhìn lại kết quả lấy phiếu tín nhiệm 20 lãnh đạo chủ chốt của Đảng là Bộ Chính trị và Ban Bí thư trong GHội nghị TW10 vừa qua thì thấy, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã chiếm vị trí đầu bảng, bỏ xa Tổng BT Nguyễn Phú Trọng ở vị trí thứ 8. Điều đó chứng tỏ, ông Dũng đã nhận được sự ủng hộ đa số gấn như tuyệt đối của Ban Chấp hành TW Đảng. Cần phải hiểu, sự lãnh đạo tuyệt đối của Đảng bây giờ đã khác với trước kia, toàn bộ mọi vấn đề bây giờ đều phải do Ban Chấp hành TW quyết định, cái thời Bộ Chính trị làm mưa làm gió đã qua rồi. Ví dụ như bài học ở Hội nghị TW6, khi đa số thành viên Bộ Chính trị đã thống nhất kỷ luật đồng chí X nhưng cuối cùng khi đưa ra Hội nghị Ban Chấp hành TW thì tình thế đã đảo ngược 180 độ vì Ban Chấp hành TW đã bác bỏ đề nghị này. Hay việc Tổng BT Nguyễn Phú Trọng đề xuất hai ông Vương Đình Huệ - Trưởng Ban Kinh tế TW, ông Nguyễn Bá Thanh - Trưởng Ban Nội Chính TW vào Bộ Chính trị song Ban Chấp hành TW không lựa chọn mà chọn lựa người khác là những ví dụ điển hình.

Việc một người có thể làm những điều phi thường như thế, cái mà nhiều người không thể tin nổi những việc Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã làm được, có như thế thì người đó mới có thể đủ tầm để người ta tin tưởng và coi ông như một thuyền trưởng. Hẳn việc này tác giả Trần Hồng Tâm không thể không biết.

Có phải chống tham nhũng là chuyện vặt?

Tham nhũng là vấn nạn hàng đầu đe dọa tới sự tồn vong của Đảng CSVN là điều chắc chắn không thể phủ nhận được, không phải ngầu nhiên mà lãnh đạo Đảng CSVN đã ví tham nhũng như giặc nội xâm. Nghị quyết Hội nghị TW4 Đảng CSVN đã khẳng định: Suy thoái, biến chất, tham nhũng là thực trạng cấp bách, đã và đang ảnh hưởng lớn đến uy tín, sự tồn vong của đảng. Vậy mà theo tác giả Trần Hồng Tâm thì: "Mục tiêu sống còn của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là giữ vững Chủ nghĩa Xã hội. Chống tham nhũng chỉ là chuyện vặt. Bởi, tham nhũng không thể và không bao giờ đánh sập CNXH. Ngược lại, tham nhũng là thuốc thánh giúp CNXH cải tử hoàn đồng. Tất cả những ai đụng đến CNXH mới là kẻ thù mà ông Trọng nhằm tới, và ông quyết đánh đến cùng. Không phải ngẫu nhiên Người Cao Tuổi bị truy tố theo điều 258, bóng dáng của những bản án giành cho những người đòi xét lại CNXH."  

Xin hỏi giữ vững Chủ nghĩa Xã hội và giữ vững sự ổn định của chế độ thì cái nào quan trọng hơn? Khi Đảng mất và chế độ không còn thì liệu Chủ nghĩa Xã hội có còn hay không? Song quan trọng hơn cần phải hiểu, Chủ nghĩa Xã hội bây giờ chỉ là tấm bình phong hòng để chứng tỏ rằng Đảng CSVN bây giờ là một chính đảng cách mạng vẫn kiên định đường lối và lập trường của họ. Còn trên thực tế thì làm gì còn CNXH, kể từ năm 1986 khi chuyển đổi từ nền Kinh tế Kế hoạch sang nền Kinh tế Thị trường Định hướng XHCN thì vấn đề công hữu về tư liệu sản xuất hầu như đã bị triệt tiêu. Vậy thì còn gì là Chủ nghĩa Xã hội theo CN Marx - Lenin?

Báo Người Cao tuổi của Tổng BT - Nhà báo Kim Quốc Hoa đã dũng cảm tố cáo các vụ việc tham nhũng được dư luận đồng tình và ủng hộ là điều có thật. Tuy vậy, việc Báo Người Cao tuổi của Tổng BT - Nhà báo Kim Quốc Hoa không biết do vô tình hay hữu ý, đã quá tập trung vào các vụ việc tham nhũng của các quan chức thuộc cơ quan hành pháp là điều có thật và không thể chối bỏ. Cụ thể như các bài viết: "Chống tham nhũng khi trao "vũ khí" cho bọn biến chất " đăng ngày 03/5/2013; "Bàn về "Thị trường sao và vạch" đăng ngày 01/4/2013; "Sự thật về "Công tử" Hà Thành ra Trường Sa" đăng ngày 09/7/2014; "Huyện Văn Giang quyết định thực hiện cưỡng chế trái luật' nói về vụ cưỡng chế theo lệnh của quan chức huyện hôm 23/4 năm đó liên quan đến công trình Ecopark, đăng ngày 25/04/2012. Và gần đây nhất là bài "Lại chuyện lạ Lâm Đồng - Khi con quan là con nghiện" v.v... Điều đáng nói là bên cạnh đấy thì người ta thấy không có các bài viết về các vụ việc tham nhũng thuộc cơ quan Đảng và Hà nội, đó là điểm khiến người ta không thể không nghi ngờ động cơ của họ?

Thử hỏi Báo Người Cao tuổi của Tổng BT - Nhà báo Kim Quốc Hoa không được ai đấy chống lưng để đánh các quan chức thuộc cơ quan hành pháp (Chính phủ), thì họ có dám làm một công việc tày trời như thế hay không?

Có hay không mâu thuẫn trong nội bộ Đảng?

Trong bài viết của tác giả Trần Hồng Tâm đã khiến cho người đọc bất ngờ về tư duy chính trị, khi ông cho rằng diễn biến chính trường VN hầu như không có sự thay đổi hay biến động. Nghĩa là trước ra sao thì bây giờ cũng vẫn như thế. Đây là một sai lầm khó có thể tha thứ. Trên thực tế thì bản chất của Đảng CSVN đến nay đã thay đổi cơ bản, đặc biệt là vấn đề bè phái trong việc đấu đá tranh giành quyền lực điều mà trước đây chỉ là những hiện tượng chứ không công khai và phổ biến như bây giờ.

Để cho khách quan, xin trích một đoạn trong bài "Việt Nam năm 2015, chông chênh giữa ngã ba đường" của tác giả Anh Lãng, theo đó tác giả đã đánh giá rằng: "15 năm qua sau thời đại Võ Văn Kiệt, giới lãnh đạo Việt Nam lâm vào một thời kỳ khủng hoảng nặng nề về chất lượng. Đám chính khách về sau này, phần lớn kém cỏi, yếu về quyền lực và thiếu tầm nhìn xa. Lê Khả Phiêu chỉ trụ được nửa nhiệm kỳ và rớt đài vì đấu đá nội bộ. Nông Đức Mạnh là sự lựa chọn sai lầm nhất của giới tập quyền Việt Nam, khi lựa chọn một gã thiếu phẩm chất, cả về tri thức, tầm nhìn và độ quyết đoán cần thiết mà một người đứng đầu hệ thống chính trị cần phải có. Do hầu như không có gương mặt nổi trội trong hệ thống chính trị, trong hơn 15 năm, quyền lực bị phản đều giữa các phe phái. Nền chính trị Việt Nam chia năm sẻ bảy bởi các phe nhóm kèn kựa lẫn nhau và chưa bao giờ tập trung thành một mối để phụng sự cho sự phát triển quốc gia.".

Đây là một đánh giá hoàn toàn chính xác, điều đó cho thấy các lãnh đạo cao cấp của Đảng CSVN hiện nay rất yếu về năng lực, phẩm chất và tầm nhìn chiến lược. Nói thẳng ra là họ thiếu một người lãnh đạo có khả năng vượt trội hẳn lên với các phẩm chất của một lãnh tụ. Điều đó cộng với sự chi phối của nền kinh tế thị trường, mà biểu hiện là các nhóm lợi ích sân sau của mỗi người, chính là lý do dẫn đến tư duy cá mè một lứa, tình trạng và không ai coi ai ra gì. Đó chính là nguyên nhân khiến cho vai trò của chức vụ Tổng Bí thư hết sức mờ nhạt.

Về nguyên tắc, ở Việt nam hiện nay nhà nước độc quyền thông tin và toàn bộ hệ thống truyền thông được đặt dưới sự lãnh đạo tuyệt đối của Đảng. Tuy vậy, trên thực tế việc truyền thông nhà nước đã và đang nhường sân cho các tổ chức và cá nhân là chuyện không thể chối cãi, đặc biệt là lĩnh vực xuất bản. Và trên mặt trận truyền thông báo chí cũng không nằm ngoài quy luật đó. Ở Việt nam, ai cũng biết trong các tờ báo lớn A, B, C,D... thì tờ báo nào là của đàn em, là tay chân của các đồng chí lãnh đạo X,Y,Z... Đây là một sự thật không thể phủ nhận và những tờ báo không có các lãnh đạo tay to chống lưng thì không dám đả động đến các vấn đề nhạy cảm. Đặc biệt là vấn đề chống tham nhũng.

Chuyện nội bộ lãnh đạo cao cấp của Đảng CSVN chia phe, chia phái chắc không cần phải bàn nhiều, vì trên thực tế hầu như ai cũng biết. Việc nội bộ Đảng đang chia thành các phe bảo thủ, cấp tiến hay thân Trung quốc, chống Trung quốc... là thực tế khách quan không thể bác bỏ. Tiêu điểm sự tranh chấp giữa các phe nhóm đó là quyền lực, điều có tính quyết định và bao trùm lên tất cả.

Vụ án Báo Người cao tuổi không phải là một vụ án chính trị

Trong phần cuối của bài viết, tác giả Trần Hồng Tâm đã liệt kê một loạt các vụ án và vụ việc mà theo ông cho là các kỳ án báo chí, từ vụ án Nhân văn - Giai phẩm đến các vụ việc ở báo Văn Nghệ, Sài gòn Giải phóng v.v... Để rồi đi đến kết luận: "Nhìn lại các đời Thủ tướng của Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam: Phạm Văn Đồng, Phạm Hùng, Đỗ Mười, Võ Văn Kiệt, Phan Văn Khải, hình như chưa thấy ai nhúng tay vào những vụ đàn áp báo giới. Có lẽ, Nguyễn Tấn Dũng không nằm ngoài quy luật đó."

Thoạt nhìn, những người nhẹ dạ có thể tin điều này, vì theo liệt kê của tác giả cho thấy việc khủng bố hay đe dọa báo chí đều xuất phát từ các lãnh đạo phụ trách vấn đề tuyên giáo và văn hóa tư tưởng. Cần phải hiểu rõ, đây là chức năng của các ban tuyên giáo hay tư tưởng văn hóa, họ đã làm đúng chức năng của họ. Hơn nữa các vụ việc  nêu lên ấy đa phần là mang đậm màu sắc chính trị hướng tới đòi đa nguyên chính trị hay đa nguyên tư tưởng thì việc xử lý như vậy thì chẳng có gì là lạ. Còn bản chất vụ án Báo Người Cao tuổi và TBT Kim Quốc Hoa thì hoàn toàn khác, nó hoàn toán mang tính chống Đảng hay chống đối nhà nước như những dẫn chứng của tác giả Trần Hồng Tâm đưa ra. Dẫu có chống thì đó là việc chống tham nhũng của các quan chức phe chính phủ.

Cái lạ là việc, sau khi khởi tố, thu hồi tên miền của Báo Người Cao tuổi, rút thẻ nhà báo của TBT Kim Quốc Hoa... thì Bộ TT&TT đã tiếp tục lên tiếng cảnh báo "sẽ áp dụng các biện pháp quản lý nhà nước cứng rắn hơn nếu báo Người cao tuổi tiếp tục có những hành động phản ứng tiêu cực, gây phức tạp tình hình.". Trong lúc ông Thủ tướng, đã vội vã ra thông báo rằng "Việc thanh tra đột xuất tại Báo Người cao tuổi do Bộ Thông tin và Truyền thông quyết định, thực hiện theo chức năng, thẩm quyền; Thủ tướng Chính phủ không chỉ đạo việc thanh tra này. ". Thử hỏi việc đó đã nói lên điều gì? Nếu nó không phải là cái mà người ta gọi là người có tật thì giật mình thì là cái gì? Cái đặc biệt nhất chính là việc mà tác giả Trần Hồng Tâm không ngờ tới, đó là việc ông Thủ tướng đã vượt rào để sử dụng quyền lực hành pháp nhằm triệt hạ báo chí chống tham nhũng và là điều chưa từng có tiền lệ.

Kết:

Trong thời gian vừa qua, vụ việc Bộ TT & TT xử lý khá mạnh tay đối với Người Cao tuổi kể cả việc khởi tố vụ án hình sự đối với Tổng BT - Nhà báo Kim Quốc Hoa đã được nhiều tờ báo và các tác giả phân tích và bình luận nhiều. Nhìn chung các đánh giá chủ yếu đều cho rằng việc xử lý Báo Người Cao tuổi nhằm mục đích triệt hạ báo chí chống tham nhũng. Báo Người Cao tuổi và Tổng BT - Nhà báo Kim Quốc Hoa chắc chắn thừa biết rằng bàn tay lông lá của ai đã đang xòe ra để bóp họ. Việc Nhà báo Kim Quốc Hoa đã gửi thư khiếu nại tới ông Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư đảng CSVN, đề nghị ông Tổng Bí thư can thiệp giải oan cho ông là bằng chứng khẳng định điều đó. Không lẽ một nhà báo cao tuổi, nhiều kinh nghiệm từng là tổng BT của 07 tờ báo và Tạp chí đã không biết rằng ai đang đánh họ, để rồi đi cầu cứu hung thủ? Điều đó cho thấy việc cho rằng Tổng BT Nguyễn Phú Trọng và phe Đảng là thủ phạm chính là một nhận định không công bằng, thiếu sức thuyết phục và tính chính trực.

Ở đời, chuyện thích ai, ghét ai là quyền của mỗi người và không ai có quyền ngăn cản hoặc cấm đoán, đặc biệt là đối với những nhà báo biết tôn trọng sự khác biệt và đa nguyên tư tưởng. Tuy vậy, với vai trò của một người cầm bút thì theo tôi, nếu thích ai mà mình muốn ca ngợi họ thì cũng nên kín đáo, đừng để bạn đọc người ta cho rằng mình "nâng bi" cho ai đó một cách lộ liễu quá. Như bài viết "Mũi thuyền xé sóng – mũi Cà Mau." đã từng để lại ấn tượng như thế là một ví dụ cần phải được rút kinh nghiệm.

Xin khẳng định, lý do viết bài viết này không phải nhằm mục đích để "phản pháo" tác giả Trần Hồng Tâm, mà chỉ muốn trao đổi về một chủ đề dư luận xã hội đang hết sức quan tâm theo dõi.

Ngày 05 tháng 03 năm 2015

© Kami

* Đây là trang Blog cá nhân của Kami. Bài viết không thể hiện quan điểm của Đài Á châu Tự do RFA