Những ngày gần đây, tin tức về Bọ Lập cũng thưa dần, tuy vậy với Kiến nghị Yêu cầu trả tự do cho Bọ Lập của các Nhân sĩ trí thức đã thu thập được gần 600 chữ ký, điều đó cho thấy người ta không thể quên Bọ Lập, một nhà văn, một trí thức và một bloggers chân chính. Hôm nay, sau 09 ngày tạm giữ hình sự đối với Bọ Lập của cơ quan an ninh TP. HCM, hôm nay nhiều người đang ngóng tin về Bọ Lập, song vẫn biệt vô âm tín.
Sau một thời gian khá dài, khi sự trấn áp của chính quyền đối với các nhân vật đấu tranh cho dân chủ hay các bloggers có phần nhẹ nhàng hơn, nếu không nói là được thả lỏng. Cùng với sự ra đời và được yên ổn của gần 30 tổ chức XHDS mang hơi hướng chính trị mới thành lập, đặc biệt là sự tồn tại của Hội Nhà báo Độc lập với trang Việt Nam Thời Báo là diễn đàn, đồng thời cũng không dấu diếm ý tưởng là một tờ báo mang tính phản biện đối lập. Không khí đó làm cho nhiều người cảm giác rằng các nhà lãnh đạo Việt nam đang có xu hướng ngả dần về phía Phương Tây, và họ đang dần cho xã hội Việt nam tiếp cận với giá trị của thế giới văn minh đó là bước đầu được tự do hơn.
Các nước phương Tây, đặc biệt là Hoa kỳ có lẽ cũng hiểu như thế và đó là lý do tại sao quan hệ giữa Việt nam và Hoa kỳ đã có nhiều biểu hiện nồng ấm và khăng khít hơn trước rất nhiều. Cần lưu ý, trong mối quan hệ này, thì khi Việt nam gần Hoa kỳ hơn bao nhiêu, thì sự xa cách với Trung quốc cũng sẽ là bấy nhiêu. Vì thế, việc cơ quan an ninh TP HCM liên tiếp trong hai ngày thứ bảy đã bắt giữ 02 bloggers là ông Hồng Lê Thọ - chủ blog Người lót gạch và Bọ Lập - chủ blog Quê Choa đã khiến cho không ít người phải giật mình và họ đã không hiểu đã có điều gì xảy ra. Qua đó cho thấy đây là một việc làm có chủ đích, được tính toán kỹ càng về nhiều mặt của một thế lực chính trị trong Đảng. Việc làm đó hoàn toàn không chỉ với mục đích cố ý làm xấu thêm hình ảnh về nhân quyền của Việt nam vốn đã và đang quá tồi tệ trong mắt các quốc gia Phương Tây, mà còn nhằm để lấy lại thế cân bằng trong quan hệ tay ba Mỹ - Việt - Trung, đồng thời mang tính răn đe những người có quan điểm bất đồng với nhà nước.
Tuy vậy, phản ứng của dư luận trong và ngoài nước đối với việc bắt giữ NV Nguyễn Quang Lập là tình huống mà họ không ngờ tới. Với các thông cáo của Đại sứ quán Hoa kỳ, Tổ chức bảo vệ Nhân quyền HRW hay tổ chức Phóng viên Không biên giới thẳng thừng yêu cầu Việt nam trả tự do ngay lập tức và vô điều kiện đối với nhà văn Nguyễn Quang Lập vừa bị bắt. Đặc biệt là theo phía Chính phủ Hoa kỳ thấy rằng những vụ bắt giữ như thế này “làm tổn hại tới các nghĩa vụ cũng như cam kết quốc tế của Việt Nam về nhân quyền”. Qua đó để thấy, phản ứng từ cổng thông tin CATP Hồ Chí Minh về việc Bọ Lập nhận tội và xin được hưởng khoan hồng là một bản tin mang tính bịa đặt nhằm để đối phó với tình huống bất ngờ này.
Thông qua việc bắt các nhân vật có uy tín đối với dân chúng, đặc biệt đối với giới trí thức, đó là những người từng biểu thị chính kiến rõ ràng về việc mình làm và mang tư tưởng chống Trung quốc như Nhà văn Nguyễn Quang Lập, GS. Hồng Lê Thọ là giải pháp cần thiết để chứng tỏ quan điểm rõ ràng của họ đối với người đồng chí Trung quốc. Vì với bất kể phe nhóm nào trong nội bộ lãnh đạo Đảng CSVN thì những người như Nhà văn Nguyễn Quang Lập, GS. Hồng Lê Thọ dùng blog đăng các bài vở với mục đích để mở mang dân trí là phạm trọng tội cần phải bị xử lý. Đối với chính quyền ở Việt nam hiện nay, thì họ là những cái gai, là các đối tượng xấu đã lợi dụng blog để xuyên tạc tình hình trong nước, đặc biệt là tư tưởng bài nước này, chống nước kia. Và tội trạng của họ, nói như trang website ẩn danh nguyentandung.org đó là: "đưa những thông tin sai trái, bị bóp méo mang động cơ chính trị về Việt Nam ra quốc tế như vậy sẽ khiến các nước có cái nhìn sai lệch về Việt Nam. Đáng trách hơn, trong khi các nhà lãnh đạo và người dân Việt Nam đang nỗ lực tranh thủ sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế để phục vụ cho cuộc đấu tranh ngoại giao với Trung Quốc nhằm phản đối hành động sai trái của nước này ở Biển Đông, lại có những người tìm cách phá rối, đưa ra những thông tin không đúng như vậy làm ảnh hưởng hưởng tới uy tín của đất nước."
Sự việc bắt liên tiếp một số bloggers xảy ra trước thời điểm khai mạc Hội nghị TW10 - một Hội nghị có ý nghĩa hết sức quan trọng trong việc lựa chọn nhân sự cho Đại hội Đảng CSVN lần thứ 12. Chính vì tầm quan trọng của nó như thế cộng với sự chạy đua ráo riết giữa các phe phái trong Đảng, cho nên đến thời điểm này là trung tuần tháng 12.2014, người ta vẫn chưa thể thống nhất để ấn định ngày cụ thể để tiến hành khai mạc. Vào thời điểm trước ngày khai mạc Hội nghị TW10, kết quả việc Quốc hội tiến hành lấy phiếu tín nhiệm các chức danh do Quốc hội bầu và chỉ định cũng có ý nghĩa rất lớn đối với một số cá nhân và kể cả tương quan giữa các phe nhóm.
Trong Hội nghị TW lần này, cục diện và tình hình nội bộ của Đảng CSVN đã cho thấy phe cải cách có hơi hướng chống Trung quốc do Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đứng đầu, đang ở thế thượng phong. Nhất là vào thời điểm lúc này, sự bất đồng giữa Trung quốc và Việt nam về vấn đề Biển Đông một lần nữa lại trở nên căng thẳng. Bằng việc Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tiếp xúc cử tri huyện An Lão, thành phố Hải Phòng và trả lời cử tri về vấn đề bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc theo tinh thần “vừa hợp tác, vừa đấu tranh”, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã lên tiếng khẳng định: "Không thể có bạn kiểu nhà tôi là nhà anh, của tôi là của anh được". Điều đó càng cho thấy nhận định trên là hoàn toàn có cơ sở.
Như vậy động thái bắt giữ các bloggers gần đây theo cách tạm giữ hình sự do phạm pháp quả tang cho thấy, cộng với thông tin từ cổng thông tin CATP Hồ Chí Minh khi cho rằng "Ông Lập khai nhận hành vi vi phạm pháp luật của mình và xin được hưởng khoan hồng, sớm được tại ngoại. Ông Lập cam kết từ bỏ hoạt động vi phạm pháp luật để tập trung vào lĩnh vực văn học nghệ thuật, phục vụ xã hội" được cho là giải pháp nước đôi. Đây là một giải pháp dung hòa, mang tính vừa đánh vừa nghe của phe thân Trung quốc, nhóm chủ trương bắt một số bloggers trong những ngày vừa qua.
Chính vì thế số phận của những người này được định đoạt ra sao và tin tức về họ thế nào, sẽ cũng phụ thuộc vào kết quả của HNTW10. Nghĩa là việc chính quyền xử lý bằng pháp luật đối với NV. Nguyễn Quang Lập cũng tùy thuộc nhiều yếu tố, kể cả việc cho tại ngoại hầu tra. Song chuyện cho rằng Bọ Lập được trả tự do vô điều kiện là điều không thể có, có chăng chỉ là án phạt mang tính cảnh cáo 12 tháng tù cho hưởng án treo. Nói như thế không có nghĩa là Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng là người miệng nói khuyến khích dân chủ đồng thời cũng thực hành dân chủ như ai đó nghĩ. Mà vấn đề ở đây là khi có điều kiện, thì ông Thủ tướng sẽ xử lý theo cách, nhằm cảnh báo rằng: trước các anh phá hình ảnh nhân quyền Việt nam để chơi xấu tôi thì nay có điều kiện tôi sẽ làm khác.
Cuối cùng là chuyện Nhà văn Nguyễn Quang Lập chủ blog Quê choa đã bị cơ quan An ninh tạm giữ đã hết ngày thứ chín nhưng không có tin tức gì. Nếu như lời Bọ Lập nói với vợ trước lúc bị dẫn giải đi rằng, nếu không là 9 ngày thì sẽ trở về sau 3 năm nữa. Tuy vậy, câu hỏi: Phải chăng Bọ Lập đã chấp nhận đầu hàng như thông tin từ CA TPHCM vẫn được nhiều người quan tâm.
Để trả lời câu hỏi này thì trước hết hãy trả lời một câu hỏi đặt ra là, tại sao những thông tin về Bọ Lập từ cổng thông tin CA TP. Hồ Chí Minh không kèm theo clip video nhận tội của Bọ Lập và được cho công bố trên truyền hình hay các phương tiện truyền thông khắc của nhà nước? Điều mà họ vẫn thường làm trước đây đối với các đối tượng hoạt động tuyên truyền chống nhà nước trước đây và trên thực tế họ hoàn toàn có thể làm được nếu có sự chấp nhận từ phía Bọ Lập. Do vây, việc họ không công bố được clip video nhận tội của Bọ Lập cũng đủ cho thấy Bọ Lập đã không khuất phục và thừa nhận việc mình làm là sai trái. Hơn nữa, nếu Bọ Lập đã nhận tội và xin được khoan hồng thì sao đến lúc này không trả tự do hoặc cho tại ngọai? Qua đó, chúng ta sẽ có cơ sở để tin tưởng vào khí phách của Bọ Lập, ông đã làm đúng những gì đã tuyên bố trong tuyên ngôn của mình.
Ngày 15 tháng 12 năm 2014
© Kami
* Đây là trang Blog cá nhân của Kami. Bài viết không thể hiện quan điểm của Đài Á châu Tự do RFA
Bài bình luận gần đây