You are here

Cần thay đổi tư duy đấu tranh Dân chủ

Khi người ta đi trên một con đường đến một đích nào đó mà mãi không tới đích, thì ít nhất người ta cũng tự phải hỏi mình vì sao đi mãi không tới đích? Điều đó sẽ giúp ích cho bản thân họ tránh được việc lạc đường, để tìm một con đường khác đến đích nhanh hơn. Đối với những người đấu tranh Dân chủ ở Việt nam, thì hình như đến lúc này chưa có ai nghiêm túc để đặt câu hỏi: Suốt trong một thời gian dài vừa qua,  tư duy đấu tranh có mắc phải các sai lầm hay không?

Vừa rồi được đọc bài viết "Đối lập hay không đối lập?" của tác giả Nguyễn Thị Từ Huy nói về phong trào Dân chủ ở Việt nam. Trong đó, có đoạn tác giả viết: "Điều đáng buồn là những người nước ngoài nghiên cứu về Việt Nam có thể nhìn một số hoạt động dân chủ hiện tại ở Việt Nam như là những đối lập cuội. Tôi đã suy nghĩ về vấn đề này và cố tìm cách lý giải tại sao họ lại có thể nhìn nhận như vậy.". 

Trước hết cần nói rằng đánh giá cho rằng một số hoạt động dân chủ hiện tại ở Việt Nam như là những đối lập cuội là quá nặng nề. Mà theo tôi đa phần các tổ chức và cá nhân đấu tranh trong nước hiện nay chỉ đấu tranh bằng sự nhiệt tình của mình mà thiếu tư duy, nghĩa là họ đã bỏ qua vấn đề các lý luận về khoa học chính trị. Điều đó dẫn tới các hoạt động đấu tranh không hiệu quả, lộn xộn, thậm chí là phản quy luật dẫn đến có nhiều hành động đi ngược lại lợi ích của quần chúng nhân dân. Đó chính là lý do vì sao mà phong trào đấu tranh cho Dân chủ ở Việt nam không phát triển, hầu như dẫm chân tại chỗ. Đặc biệt là không nhận được sự đồng tình và ủng hộ của đa số người dân.

Quyền lợi dân chúng phải được coi trọng

Những ai quan tâm về chính trị Thái lan đều biết, ở Thái lan có hơn 50 đảng chính trị, tuy vậy chỉ có hai đảng chính trị lớn là đảng Dân chủ, theo xu hướng bảo hoàng (bảo thủ) với hậu thuẫn là lực lượng Áo Vàng và đảng Vì Nước Thái theo xu hướng cải cách của cựu Thủ tướng lưu vong Thacksin Shinawatra, với lực lượng hẫu thuẫn là lực lượng Áo Đỏ.

Kể từ năm 2001 đến nay, trong tất cả các cuộc tổng tuyển cử Quốc hội ở Thái lan, thì đảng Dân chủ đều thất cử và không có cơ hội thành lập chính phủ. Duy nhất, có một lần ở nửa cuối nhiệm kỳ của chính phủ của đảng Vì Nước Thái, dưới áp lực cứng rắn của quân đội đảng Dân chủ được nắm quyền trong vòng 2 năm. Chưa kể đến việc trong thời gian từ năm 2006 trở lại đây, quân đội Thái lan đã tiến hành đảo chính 2 lần để thành lập chính phủ quân sự. 

Nguyên nhân đảng Dân chủ không nhận được sự đồng tình ủng hộ của đa số dân chúng, là vì khi ở vị trí phe đối lập thì họ đã không làm vai trò của phe đối lập một cách đúng nghĩa, mà mang hơi hướng đối kháng một mất một còn với chính phủ. Nghĩa là thay vì chống chủ trương sai, nhưng ủng hộ các chính sách đúng và phù hợp lòng dân của chính phủ, thì họ chống tất cả, bất kể những chính sách của đảng cầm quyền là đúng hay sai, có lợi hay hại. Mọi chính sách của chính phủ đưa ra đều bị chống đối một cách mù quáng, bất chấp hậu quả, kể cả những nhính sách mang lại lợi ích cho người dân họ cũng chống. 

Các hoạt động của phong trào đấu tranh cho Dân chủ ở Việt nam từ trước đến nay cũng đang ở tình trạng tương tự như vậy. Bên cạnh tồn tại lớn là các hoạt động của họ hầu như không mang lại lợi ích cho người dân, thì họ chống đủ mọi chuyện, mọi chính sách của nhà nước, bất kể đúng sai hay có lợi cho người dân hay không? Họ không biết rằng, nếu ở vai trò đối lập mà chống đối một cách mù quáng, bất chấp hậu quả thì sẽ là hành động tự sát. Đó là nguyên nhân dẫn tới tình trạng tuyệt đại bộ phận người dân, cho dù chán ghét chính quyền hiện tại, song họ cũng không dám đặt lòng tin của mình cho những người đấu tranh, bởi họ không có chút hy vọng gì ở những người này.  

Đối lập và đối kháng

Đây là vấn đề rất quan trọng, nếu không hiểu rõ và phân biệt được khái niệm đối lập và đối kháng thì các nhà đấu tranh dân chủ sẽ dễ mắc phải sai lầm trong đấu trang, quan trọng hơn là sẽ mãi ở tình trạng đấu tranh không hiệu quả như hiện nay.

Chúng ta vẫn thường thấy có một số người ở ngoài đời hay trên mạng internet, thích nói chuyện chính trị, với một thái độ đả phá, chống đối nhà nước ở Việt nam hiện nay. Nên hiểu, đó chỉ là những cá nhân chống đối, không phải là đối lập chính trị một cách đúng nghĩa. Các nhà đấu tranh cho Dân chủ ở Việt nam chưa hiểu vấn đề này, đó chính là nguyên nhân dẫn tới công việc đấu tranh của họ hầu như không có hiệu quả, dẫn đến tình trạng các hoạt động đơn điệu, tẻ nhạt... không tạo cảm hứng cho người dân.

Đối lập là hành động chỉ sự đứng ở phía trái ngược, có quan hệ nhằm chống lại nhau, đối lập không hoàn toàn có nghĩa là chống đối, mà đối lập sẽ phát huy vai trò của nó trong việc phản biện chỉ ra cái sai, chống cái sai trên tinh thần hợp tác và xây dựng. Khác với đối lập, đối kháng là hành động chỉ sự đối lập sâu sắc, một mất một còn, không thể dung hoà được với nhau, điều này đồng nghĩa với đối địch - phân định thắng thua bằng cách đối chọi trực tiếp với nhau.

Đối lập và đối kháng chính trị là hai khái niệm luôn xuất hiện và tồn tại trong vấn đề tranh giành quyền lực nhà nước, đồng thời nó là nhân tố tạo nên mâu thuẫn. Đây là nguồn gốc, động lực của sự phát triển thông qua việc giải quyết mâu thuẫn nội tại trong bản thân mỗi sự vật, hiện tượng. Do đó đối lập chính trị là một nhu cầu chính đáng, nó có tác dụng thúc đẩy sự phát triển về mặt chính trị nói riêng và sự phát triển mọi mặt khác của đời sống kinh tế xã hội v.v... 

Mục tiêu hợp pháp hóa vai trò của đối lập chưa được coi trọng

Có một số tổ chức và cá nhân chủ trương lật đổ để giải thế chế độ hiện tại ở Việt nam, kể cả bằng bạo động. Xin hiểu, việc đấu tranh bằng bạo động là điều đi ngược với chủ trương đấu tranh ôn hoàn, vũ khi chính của những người đấu tranh vì Dân chủ, là điều mà quốc tế luôn ủng hộ. Mặt khác chủ trương lật đổ chính quyền hiện nay ở Việt nam là điều hoàn toàn là ảo tưởng, nếu không nói là hoang tưởng. Vì trong tay họ không có cơ sở và căn cứ nào cho thấy điều đó họ có thể thực hiện được.

Vậy tại sao phong trào đấu tranh cho Dân chủ ở Việt nam không tạo cho mình vai trò một phe đối lập chính trị đúng nghĩa?

Một tổ chức đối lập chính trị đúng nghĩa cần phải có những điều kiện nào ?

Trong bài về quan niệm "Đối Lập", GS. Nguyễn Văn Bông cho rằng, tổ chức đối lập trước hết phải có tính cách tập thể của một tập hợp các thành viên, có chính kiến bất đồng với đảng cầm quyền và được tồn tại một cách hợp pháp. Trong đó các chính kiến bất đồng ấy phải được cương lĩnh hóa theo một tiêu chuẩn chính trị. Tựu chung lại đối lập có ba đặc điểm: sự bất đồng về chính trị, có tính tập thể và có tính cách hợp pháp được pháp luật công nhận. Nếu xét về mặt tiêu chuẩn thì tổ chức đối lập bước đầu cũng đã đạt được hai tiêu chuẩn, đó là sự bất đồng về chính trị, có tổ chức. Cái còn thiếu là tính hợp pháp được pháp luật công nhận.

Ở hoàn cảnh Việt nam hiện nay, với thể chế chính trị độc đảng lãnh đạo thì việc các tổ chức đối lập có tính cách hợp pháp được pháp luật công nhận là điều hết sức khó, nhiều người cho rằng hầu như không thể đạt được. Tuy vậy, nếu tỉnh táo để nhìn nhận và so sánh việc Câu lạc bộ Nhà báo tự do trước đây, đã từng bị chính quyền đàn áp dữ dội, với các bản án tổng cộng hàng chục năm tù cho những người khởi xướng với sự ra đời và hoạt động mang tính đối lập công khai về báo chí của Hội Nhà báo Độc lập gần đây thì ít nhiều thấy rằng nhà nước đã bước đầu đã lùi bước và bước đầu nhường sân cho phe đối lập. Điều đó cho thấy tính hợp pháp của phe đối lập tuy là một việc khó, nhưng hoàn toàn vẫn có thể xảy ra ở Việt nam nếu như các tổ chức và cá nhân có các đối sách phù hợp trên cơ sở áp lực đủ mạng để buộc nhà cầm quyền phải chấp nhận điều đó.

Đây là vấn đề mấu chốt và quan trọng nhất, nó cần phải trở thành mục tiêu đấu tranh hàng đầu trong thời gian trước mắt. các tổ chức và cá nhân đấu tranh cho Dân chủ ở Việt nam bằng mọi cách phải đạt được, bởi vì khi chính quyền đã thừa nhận đối lập tức là đương nhiên thừa nhận tự do chính trị.

Những sai lầm gần đây

Trong thời gian gần đây, sự ra đời của hơn 20 tổ chức XHDS đã đánh dấu một bước tiến của phong trào đấu tranh Dân chủ. Với các hoạt động bảo vệ và yểm trợ các thành viên của mình như Hội Anh em Dân chủ, Hội Bầu bí tương thân hay việc tổ chức Cứu lấy Dân oan đang quyên góp tiền bạc, vật chất ủng hộ vật chất tiền bạc cho bà con dân oan v.v.... là những kết quả đáng khích lệ.

Tuy vậy, với đặc thù lực lượng đối lập với chính quyền Việt nam hiện nay bao gồm lực lượng đấu tranh ở trong nước và các tổ chức, các cá nhân ở Hải ngoại. Trên thực tế, hầu hết các tổ chức hay cá nhân ở Hải ngoại là lực lưỡng hậu thuẫn và chi phối lực lượng đấu tranh ở trong nước, cả về mặt tinh thần lẫn tài chính. Việc lực lượng ở hải ngoại thường chủ trương đấu tranh đối kháng, kể cả bằng hình thức bạo động với mục đích lật đổ chính quyền hiện tại ở Việt nam, điều này ở một mức độ nhất định cũng ảnh hưởng tới phương thức đấu tranh của những người trong nước, tạo nên xu hướng đấu tranh đối kháng kiểu một mất một còn với nhà cầm quyền thay vì sự đối lập chính trị một cách đúng nghĩa phải có. Tuy vậy hoạt động đấu tranh của các nhóm, các cá nhân dưới hình thức đối kháng cũng chỉ ở mức độ thấp, chỉ dừng lại ở các hoạt động mang tính chống cho bõ tức, cho bõ ghét, thậm chí là chỉ cần trêu tức chính quyền. Đây là vấn đề cần phải rút kinh nghiệm.

Ví dụ như chuyện tổ chức Biểu tình phản đổi bắn Pháo hoa đêm ngày 10.10, trước hết đây là đề xuất không đáng có. Vì ai cũng biết trong cái thể chế chính trị độc quyền, hoàn toàn không có thiết chế kiểm tra, kiểm soát chi tiêu của nhà nước. Thì việc bắn hay không bắn pháo hoa cũng chả giải quyết được vấn đề gì cho việc tiết kiệm chi phí, hòng dành ra để giúp người nghèo. Ngược lại việc bắn pháo hoa còn ít ra mang lại niềm vui cho rất nhiều người trong vài chục phút. Mà trên thực tế là đường phố Hà nội nghẹt cứng người xem pháp hoa là điều minh chứng. Phải chăng những người đề xuất chủ trương này đang đi ngược lại lợi ích và nguyện vọng của số đông dân chúng?

Nên nhớ, ở các quốc gia dân chủ, với vai trò đối lập trong nghị trường, các đảng phái chính trị cũng hết sức dè dặt trong các vấn đề liên quan đến các chủ trương và chính sách mang tính Dân túy. Bởi vì nếu xử lý không khéo, lập tức sẽ xảy ra các chủ trương đi ngược lại quyền lợi của số đông dân chúng, điều này đồng nghĩa với việc đánh mất một số lượng ủng hộ viên đáng kể cho tổ chức mình. Đây không phải là vấn đề mới, điều đáng nói là các nội dung hoạt động này không chỉ không thu hút được sự ủng hộ của người dân mà thậm chí còn bị người dân phản đối.

Tuy nhiên, không thể phủ nhận vai trò của các tổ chức chính trị và cá nhân người Việt ở hải ngoại đối với sự phát triển của phong trào đấu tranh cho Dân chủ ở Việt nam. Với kết quả cuộc bầu cử giữa kỳ vừa qua ở Hoa kỳ cho thấy, tiềm năng hoạt động chính trị của người Việt ở Hoa kỳ nói riêng và ở hải ngoại nói chung là rất lớn. Trên cơ sở đó, các kinh nghiệm về phương thức hoạt động chính trị mang tính chính danh ở nghị trường sẽ giúp ích cho các nhà hoạt động đấu tranh cho tự do dân chủ ở Việt nam rất nhiều. Tiếc rằng hầu như mối quan hệ này còn bị bỏ ngỏ, chưa có sự liên kết và kết nối giữa phong trào đấu tranh cho Dân chủ ở Việt nam với bộ phận này để dần thay thế cho phương thức đấu tranh đối kháng như hiện nay. Đây là một công việc quan trọng không thể bỏ qua, cái đó rất cần thiết phải được coi trọng để tạo điều kiện kiện toàn cho một hệ thống đối lập chính trị đúng nghĩa trong thời gian tới.

Kết:

Phải thừa nhận phong trào đấu tranh vì tự do và dân chủ ở Việt nam phát triển quá chậm, và không hiệu quả. Các hoạt động nghèo nàn, thiếu sáng tạo chủ yếu lặp đi lặp lại với các hình thức ký thỉnh nguyện thư, kiến nghị hay biểu tình phản đối với rất ít người tham gia... Các hoạt động này thường xuyên lặp đi lặp lại không hiệu quả dẫn đến việc làm cho người ta nhàm chán. Không những thế đa phần các hoạt động của các nhà đấu tranh cho Dân chủ ở Việt nam bị coi là chỉ nặng về bề nổi, mang tặng tính hình thức với mục đích lấy tiếng, mà thiếu về chiều sâu.

Điều quan trọng nhất là cho đến nay, phong trào đấu tranh cho Dân chủ ở Việt nam vẫn hoạt động đơn lẻ, thiếu sự liên kết để thông nhất hành động. Việc có một tổ chức thống nhất để đoàn kết và thống nhất các chủ trương và hành động chung là một yêu cầu cấp thiết. Song quan trọng nhất phải là vấn đề thay đổi tư duy đấu tranh để tạo điều kiện và làm cơ sở cho các chủ trương, chính sách tranh đấu.

Trước sự thay đổi của tình hình quốc tế và khu vực, đặc biệt là sức ép về mọi mặt về anh ninh quốc phòng, kinh tế-xã hội, đối ngoại đã làm cho tình hình chính trị trong nước trong thời gian gần đây đã có những biến đổi sâu sắc và đáng kể. Đã tới lúc các tổ chức trong phong trào đấu tranh cho Dân chủ ở Việt nam cần bước ra hoạt động công khai và trên cơ sở đối lập chính trị đúng nghĩa.

Ngày 08 tháng 11 năm 2014

© Kami

* Đây là trang Blog cá nhân của Kami. Bài viết không thể hiện quan điểm của Đài Á châu Tự do RFA