Cuộc biểu tình đòi tự do bầu cử của Sinh viên Hong Kong được một số đông người ở Việt nam chăm chú theo dõi và cổ vũ. Mọi người yêu mến và cổ vũ Dân chủ ở Việt nam đều hướng về Hong kong, với khẩu hiệu "Today's Hong Kong, Tomorrow's Vietnam" - "Hôm nay của Hồng Kông, ngày mai của Việt Nam". Phải thừa nhận, đây cũng chính là ước vọng của không ít người.
Không chỉ truyền thông (kể cả truyền thông nhà nước), mà trên các mạng xã hội cũng ngập tràn các tin tức, hình ảnh diễn biến biểu tình ở Hong kong được người ta chia sẻ, cập nhật. Có lẽ cũng bởi nguyên nhân và cũng là động lực của cuộc xuống đường ở Hong kong rất giống như ở Việt nam trong hàng chục năm nay. Đó là một thứ bầu cử dân chủ giả hiệu, theo công thức "Đảng cử, Dân bầu" mà thực chất là một sự cưỡng đoạt quyền tự do bầu cử, ứng cử của người dân đã được Hiến pháp bảo hộ. Vì đối với một bộ phận người Việt nam, một cuộc xuống đường để phản kháng chính trị nhằm tạo áp lực cần thiết buộc chính quyền hiện tại ở Việt nam phải thay đổi thể chế chính trị độc đảng toàn trị như hiện nay là một điều cấp bách và cần thiết.
Vài nét về cuộc biểu tình ở Hong kong
Bắc Kinh từ trước đến nay vẫn chủ trương ngăn chặn phổ thông đầu phiếu trong bầu cử, đồng thời muốn duy trì tính chất các cuộc bầu cử trên lãnh thổ Trung quốc ở tình trạng "Chúng tôi chọn, các anh bầu" như họ đã từng làm trong suốt mấy chục năm cầm quyền ở Trung quốc. Ban lãnh đạo Trung Quốc biết rằng việc bầu cử tự do dân chủ kiểu phương Tây nếu tiếp tục để diễn ra tại Hong Kong là điều hết sức nguy hiểm. Nếu không nhanh chóng được loại bỏ thì nó sẽ trở thành tấm gương cho những người ủng hộ dân chủ tại Trung Quốc sẽ noi theo.
Cho dù, tại thời điểm trước khi tiếp nhận Hong Kong, chính quyền Trung quốc đã từng hứa hẹn sẽ từng bước chuyển đổi sang một chính quyền dân cử. Điều đó đã được lãnh đạo Trung quốc khẳng định vào năm 1993, nghĩa là trước thời điểm Trung quốc tiếp nhận chủ quyền Hong Kong bốn năm, theo đó Đảng CS Trung Quốc đã khẳng định rằng “Việc Hong Kong xây dựng nền dân chủ thế nào trong tương lai hoàn toàn nằm trong quyền tự quyết của Hong Kong. Chính quyền trung ương sẽ không can thiệp.” Không chỉ thế, phía Trung quốc cũng đã cam kết sẽ tổ chức một cuộc bầu cử dân chủ vào năm 2017, bằng hình thức phổ thông đầu phiếu để người Hong Kong có thể tự lựa chọn nhà lãnh đạo cho riêng mình.
Tuy vậy Trung quốc cũng đã nuốt lời, đến ngày 24.3.2013 ông Kiều Hiểu Dương, Chủ tịch Đại hội đại biểu Nhân dân toàn quốc (Quốc hội) Trung quốc tuyên bố rằng các ứng cử viên Trưởng Đặc khu Hành chính phải có lòng yêu nước đối với cả Trung Quốc đại lục và Hồng Kông, không đối đầu với chính quyền trung ương và không chấp nhận các ứng cử viên theo trường phái ủng hộ dân chủ đối lập. Và đến cuối tháng 8.2014 vừa qua, Quốc hội Trung Quốc đã thông qua một nghị quyết đưa ra những quy định để áp dụng cho cuộc bầu cử chức vụ Trưởng Đặc khu Hành chính Hong Kong sẽ được tổ chức vào năm 2017. Theo đó chính quyền Trung Quốc sẽ tiến hành sàng lọc ứng cử viên cho vị trí Trưởng Đặc khu Hành chính Hong Kong và sẽ ấn định danh sách cuối cùng từ hai đến ba ứng cử viên để cho cử tri lựa chọn. Nghĩa là cử tri vẫn có quyền bỏ phiếu để lựa chọn người đảm nhiệm chức vụ Trưởng Đặc khu Hành chính Hong Kong, nhưng họ chỉ có thể bỏ phiếu cho một trong vài chọn lựa đã đưọc sàng lọc sẵn bởi chính quyền Trung Quốc. Mà thực chất là bầu cử theo lối bầu cử giả hiệu mà dân chúng Hồng Kong gọi một cách mỉa mai là "Chúng tôi cử, các anh bầu".
Đây là sự thách thức của chính quyền Bắc kinh và tầng lớp sinh viên học sinh ở Hong Kong, đồng thời cũng là nguyên nhân dẫn đến cuộc biểu tình của Sinh viên Hong Kong với mục đích đòi chính quyền Bắc kinh phải tôn trọng quyền bầu cử tự do của dân chúng.
Câu chuyện ở Đoàn Luật sư TP. HCM
Việc Đại hội Đoàn luật sư TP. Hồ Chí Minh diễn ra chậm trễ hạn theo dự kiến hơn nửa năm trời và là Đoàn luật sư cuối cùng trên cả nước tiến hành đại hội là một vấn đề bất thường khiến cho chính quyền phải đau đầu. Một trong những nguyên nhân chính khiến cho Liên đoàn Luật sư Việt Nam chưa thể tiến hành đại hội lần thứ II, vì phải chờ kết quả đại hội Đoàn luật sư TP. Hồ Chí Minh.
Tất cả xuất phát từ lý do mà theo Đoàn luật sư TP. Hồ Chí Minh cho rằng: Công văn số 74/LĐLSVN ngày 10.4.2014 do ông Lê Thúc Anh - Chủ tịch Liên đoàn luật sư Việt Nam ký, về việc bổ xung tiêu chuẩn đối với chức danh Chủ nhiệm Đoàn luật sư TP. Hồ Chí Minh đã không bảo vệ được một nguyên tắc cao nhất của Đoàn Luật sư. Đó là sự kết hợp giữa quản lý Nhà nước với chế độ tự quản của Đoàn Luật sư. Điều đã được quy định trong Luật Luật sư, đồng thời đã vi phạm nguyên tắc thượng tôn Pháp luật (Rule of Law) đó là sự độc lập của Đoàn Luật sư.
Trong thông báo 135E/ĐLS về việc “Làm rõ thêm về sự áp đặt không dân chủ, can thiệp trái pháp luật đối với Đại hội Đại biểu Đoàn Luật sư Thành phố Hồ Chí Minh nhiệm kỳ VI (2013-2018)”, ký ngày 01.8.2014, ông Nguyễn Đăng Trừng - Chủ nhiệm Đoàn luật sư TP.HCM đã khẳng định: “Đội ngũ luật sư trên cả nước, trong đó có luật sư của Đoàn Luật sư Thành phố Hồ Chí Minh đều hiểu rất rõ rằng Đảng Cộng sản Việt Nam “là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và Xã hội” (Điều 4, khoản 1, Hiến pháp). Nhưng lãnh đạo không phải là đứng ra làm thay công việc của một tổ chức xã hội nghề nghiệp như của Đoàn Luật sư Thành phố Hồ Chí Minh, không phải áp đặt không dân chủ, can thiệp trái pháp luật đối với Đại hội nhiệm kỳ của Đoàn Luật sư Thành phố Hồ Chí Minh. Tất cả các luật sư trên cả nước cũng hiểu rất rõ rằng: “các tổ chức Đảng và Đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và Pháp luật” (Điều 4, khoản 3, Hiến pháp)”.
Và kết quả mang lại là, Ban Thường vụ Thành ủy TP.HCM đã kết luận ông Nguyễn Đăng Trừng đã vi phạm qui chế làm việc của Đảng đoàn Đoàn Luật sư TP, vi phạm nguyên tắc tổ chức và sinh hoạt của tổ chức Đảng do điều lệ Đảng qui định, vi phạm điều lệ Đoàn Luật sư TP và qui chế làm việc của Ban Chủ nhiệm Đoàn Luật sư TP, gây mất đoàn kết trong nội bộ Đảng đoàn. Và đã thi hành kỷ luật khai trừ ra khỏi đảng đối với ông Nguyễn Đăng Trừng. Nên nhớ LS Nguyễn Đăng Trừng là đại biểu Quốc hội khóa XII.
Dù rằng toàn bộ kế họach thành lập Liên đòan Luật sư Việt Nam thuộc khuôn khổ dự án “Hỗ trợ cải cách tư pháp và pháp luật tại Việt Nam” do Đan Mạch và Thụy Điển hỗ trợ cho Bộ Tư pháp Việt Nam. Nhưng cũng không thể cứu vãn dược tình thế.
Và sau cùng, ngày 12.10.2014 thì Đại hội đoàn luật sư TP.HCM cũng vẫn "thành công tốt đẹp" sau một ngày làm việc vội vã tại Hội trường Thành ủy TP. HCM. Điều đáng nói là đại hội được tiến hành chỉ có 547/799 luật sư tham dự đại hội đại diện cho hơn 4.000 luật sư ở TP. HCM, đạt tỷ lệ 68,45% và không có sự tham dự của đương kim Chủ nhiệm LS. Nguyễn Đăng Trừng.
Được biết, trước khi khai mạc và ngay trong ngày đại hội, LS. Nguyễn Đăng Trừng đã bị công an mời làm việc để làm rõ một số vấn đề liên quan đến cá nhân ông. Sự vắng mặt của luật sư Nguyễn Đăng Trừng làm cho đại hội diễn ra khá căng thẳng, ngột ngạt…
Những bài học nào?
Nếu so sánh cuộc cách mạng Dù ở Hong kong với câu chuyện vừa xảy ra ở Đòan Luật sư TP. HCM về quy mô thì người ta sẽ cho rằng là sự khập khiễng, nhưng nếu hiểu Đòan Luật sư TP. HCM - một xã hội Việt nam thu nhỏ sẽ thấy phần nào sự tương đồng. Đó là sự can thiệp của nhà nước đối với quyền tự do bầu cử của người dân trong xã hội cộng sản, ở đó tất cả mọi sinh hoạt liên quan đến chính trị của người dân đều phải có sự sắp đặt sẵn, trên quan điểm có lợi cho chính quyền hơn là vì quyền lợi của người dân.
Đã có nhiều bài viết và nhiều ý kiến phân tích các nguyên nhân vì sao Việt nam chưa thể có một cuộc cách mạng Dù như ở Hong kong. Nhìn chung các ý kiến đều cho rằng ý thức chính trị của người dân nói riêng và giới Sinh viên học sinh Hong kong cao hơn hẳn khi so với Việt nam. Với lý do giải thích cho rằng họ được tiếp xúc với một nền Dân chủ thực sự khi Hong kong còn là thuộc địa của Anh quốc. Và họ cho rằng, ở Việt nam cần có một thời gian dài nữa để phát triển nhận thức chính trị cho người dân, và chỉ khi nào "dân trí" của người Việt nam đạt đến mức như dân Hong kong hiện nay thì mới có thể hy vọng có một cuộc xuống đường đông người.
Vậy sự bất lực của Đoàn Luật sư TP. HCM trước việc chính quyền can thiệp thô bạo vào tính độc lập của Đoàn Luật sư TP. HCM cũng do "dân trí" của hơn 4.000 luật sư thuộc Đoàn Luật sư TP. HCM thấp hay sao? Và nguyên nhân do đâu? Điều đó cho thấy lập luận đổ lỗi cho vấn đề dân trí ở Việt nam thấp dẫn đến không có các cuộc xuống đường như Hong Kong là một sự biện hộ thiếu thuyết phục
Một trong những ấn tượng mà cuộc biểu tình của sinh viên, học sinh Hồng Kông là hình ảnh của nhân vật lãnh đạo sinh viên Hồng Kông Joshua Wong chỉ mới 17 tuổi. Cũng như vai trò đấu tranh rất quyết liệt, triệt để đến cùng của LS. Nguyễn Đăng Trừng, khi còn ở cương vị Chủ nhiệm Đoàn Luật sư TP. HCM để đòi quyền độc lập của Đoàn Luật sư và không cho phép nhà nước can thiệp để thao túng một hội nghề nghiệp của mình. Tuy vậy hành động phản kháng của LS. Nguyễn Đăng Trừng cũng đã bị quyền lực nhà nước dập tắt. Trong khi ấy, cuộc biểu tình ở Hong kong đã bước sang tuần thứ 4 và đến lúc này vẫn có dấu hiệu vẫn đứng vững. Điều đó cho thấy vai trò của một lãnh tụ nếu thiếu tính tổ chức, sự liên kết giữa các tổ chức và thành viên thì cũng sẽ thất bại.
Một câu hỏi được đặt ra là: Các tổ chức XHDS ở Việt nam đã đứng ở đâu trong lúc xảy ra câu chuyện ở Đoàn Luật sư TP. HCM và tại sao họ không có bất cứ hành động gì để bày tỏ sự ủng hộ trong cuộc đấu tranh đơn độc của LS. Nguyễn Đăng Trừng?
Cuộc biểu tình ở Hong kong được tổ chức dưới sự lãnh đạo của 3 tổ chức XHDS: Chiếm lĩnh Trung Hoàn (Occupy Central), Học dân tư triều (Scholarism) và Liên đoàn sinh viên Hồng Kông (Hong Kong Federation of Students, HKFS). Với các lãnh tụ như Linh Mục Châu Diệu Minh, nhà hoạt động nhân quyền, Đới Diệu Đình, phó Giáo sư luật, Trần Kiện Dân, cựu Giáo sư Xã hội học. Và nổi bật bằng hai lãnh đạo của sinh viên và học sinh: Hoàng Chi Phong (Joshua Wong), lãnh đạo nhóm Học dân tư triều (Scholarism) và Chu Vĩnh Khang (Alex Chow), sinh viên Xã hội học, Tổng thư ký Liên đoàn Sinh viên Hồng Kông. Điều đáng nói cuộc biểu tình này đã được chuẩn bị một cách kỹ càng, có bài bản trước đây khá lâu, cho dù chưa thật sự hoàn hảo như người ta muốn. Đó là chưa kể họ còn được sự ủng hộ về tài chính của giới tài phiệt ủng hộ cho Dân chủ ở Hong kong.
Còn nhìn lại Việt nam thì trong thời gian gần đây, sự xuất hiện của 22 tổ chức XHDS ở Việt nam cũng đã được đánh giá là sự phát triển của công cuộc đấu tranh cho Dân chủ ở Việt nam. Tuy vậy đó chỉ được coi là thành công vè mặt bề nổi, nhưng còn thiếu chiều sâu, việc một cá nhân có mặt trong hầu hết các tổ chức XHDS còn là phổ biến cho thấy điều đó. Trên thực tế, đến lúc này ở Việt nam còn quá ít các tổ chức XHDS độc lập hoạt động có hiệu quả và đặc biệt là thiếu sự liên kết hỗ trợ lẫn nhau. Nhiều tổ chức và cá nhân trong các tổ chức XHDS chưa hiểu rằng các tổ chức XHDS phải giữ vai trò kết nối các cá nhân trong xã hội lại với nhau, thông qua các tổ chức XHDS sẽ tạo ra sự kết nối toàn xã hội để có thể hành động theo một mục tiêu chung đã được thống nhất. Chỉ khi nào tạo ra sự lớn mạnh và hoạt động có hiệu quả của các tổ chức XHDS, thì mới có thể có được một cuộc cách mạng đường phố.
Tuy nhiên cần thấy rằng, với đặc thù của phong trào đấu tranh cho Dân chủ ở Việt nam là trong điều kiện phong trào hoạt động của các tổ chức XHDS còn yếu và mỏng như hiện nay thì sự đàn áp, vô hiệu hóa thậm chí là triệt tiêu các nhân tố thủ lĩnh của chính quyền là điều không thể tránh khỏi. Do vậy sự liên kết và tương tác giữa các tổ chức XHDS để gây dựng một thủ lĩnh Dân chủ là điều hết sức quan trọng và các tổ chức XHDS sẽ đóng vai trò là bệ đỡ cho sự xuất hiện một thủ lĩnh của phong trào Dân chủ. Song quan trọng hơn cả, bên cạnh việc thiếu một thủ lĩnh thực thụ có đầy đủ bản lĩnh và uy tín để đảm nhận trọng trách như hiện nay, thì việc phải làm gì và bắt đầu từ đâu để thống nhất hành động vẫn là một câu hỏi còn bị bỏ ngỏ. Và có lẽ đây là lời giải thích về lý do vì sao truyền thông của nhà nước Việt nam vẫn khá "cởi mở" với những tin tức về biểu tình ở Hong kong, hầu như chính quyền không mảy may ngần ngại về nguy cơ này xảy ra ở Việt nam?
Kết
Không chỉ đối với giới trẻ, mà đa số những người ủng hộ cho công cuộc đấu tranh cho Dân chủ ở Việt nam đều có một ý kiến thống nhất và cho rằng nguyên nhân chính là do phong trào Dân chủ không thu hút được sự ủng hộ của quần chúng vì chưa nó đủ tầm, và thiếu một cương lĩnh cụ thể. Vấn đề thủ lĩnh cũng là vấn đề quan trọng không thể bỏ qua, mà cho đến lúc này hoàn toàn chưa xuất hiện. Sự thất bại của các hoạt động chính trị đông người của các tổ chức XHDS ở Việt nam trong những ngày gần đây nhất, như: Biểu tình phản đối bắn pháp hoa hay Trao Kiến nghị Yêu cầu Quốc hội Bạch hóa vấn đề Hội nghị Thành Đô, đã cho thấy các hoạt động này chủ yếu mang tính hình thức, a dua nhằm gây tiếng vang và thiếu sáng tạo. Đặc biệt là vấn đề nắm bắt các sự kiện để liên kết hỗ trợ và thúc đẩy, như bài học ở Đoàn Luật sư TP. HCM nêu trên là một ví dụ điển hình.
Tất cả những cái đó cho thấy, công cuộc đấu tranh cho Dân chủ ở Việt nam hiện nay còn thiếu qua nhiều yếu tố cần thiết. Đây chính là một thách thức, đồng thời là một câu hỏi đòi hỏi những người tranh đấu ở Việt nam phải tìm câu trả lời.
Ngày 16 tháng 10 năm 2014
© Kami
* Đây là trang Blog cá nhân của Kami. Bài viết không thể hiện quan điểm của Đài Á châu Tự do RFA
Bài bình luận gần đây