Lời giới thiệu của Nguyễn An: Trong khi nhiều người ở Việt Nam vẫn còn mang đầy hoài niệm đẹp đẽ về Liên Xô, vẫn còn coi chế độ ở Liên Xô ngày xưa là lý tưởng, thì đương kim tổng thống Nga khẳng định ba điểm về chế độ đã bị sụp đổ ấy:
1. Chế độ trị vì ở Liên Xô là một chế độ độc tài toàn trị.
2. “…đây là một chế độ đàn áp các quyền cơ bản và tự do và không chỉ đối với người dân của chính mình”.
3. “Đây là tôi cũng muốn nói tới các nước xã hội chủ nghĩa khác. Điều này không thể bị xóa khỏi lịch sử”
Xin mời đọc bài viết của nhà báo Lê Diễn Đức đăng trên trang Blog của ông. Bài này dựa trên thông tin trên tờ báo Ba Lan Gazeta Wyborcza và nguyên văn bài phỏng vấn trên báo Nga Izvestia.
Phần sau là bài viết về vụ thảm sát Katyn của Nguyễn An.
Nguồn: http://ledienduc.wordpress.com/2010/05/07/tuyen-b%E1%BB%91-mang-tinh-b%C...
Tuyên bố mang tính bước ngoặt của Tổng thống Nga Medvedev: Tội ác cộng sản không bao giờ hết thời hiệu pháp lý!
Tháng Năm 7, 2010
Lê Diễn Đức
Vụ thảm sát 22 ngàn sĩ quan Ba Lan bởi Stalin và an ninh Liên Xô tại rừng Katyn năm 1940 đã bị bóp méo lịch sử – Tổng thống Nga Dmitry Medvedev nói tại cuộc phỏng vấn của nhật báo Nga “Izvestia” trong ngày thứ 6, 7/05/2010.
Tổng thống Nga mô tả vụ thảm sát ở Katyn là “một trang rất đen tối của lịch sử”. “Đồng thời là một trang đen tối mà trong đó người ta đã nói sai sự thật. Hôm nay tôi đã kiểm tra nó – dân chúng với sự nghiêm túc của mình đã thảo luận ai là người đưa ra quyết định thảm sát các sĩ quan Ba Lan” – Ông nói.
Theo ông Medvedev, đã xảy ra như vậy bới vì “chủ đề này đã được đặt trong một vị trí hoàn toàn sai trái”. “Đây là trường hợp làm sai lệch lịch sử. Không phải chỉ những người sống ở nước ngoài cho phép mà bản thân chúng ta cũng để cho lịch sử bị bóp méo” – ông nhấn mạnh.
“Sự thật cuối cùng phải được mang lại cho nhân dân của chúng ta và công chúng nước ngoài quan tâm đến việc này” – Người đứng đầu điện Kremlin tuyên bố.
Liên Xô, chế độ độc tài toàn trị
Cách đây mấy năm, trong tham vọng phục hồi đế chế Xô Viết, khi giữ chức tổng thống, Vladimir Putin đã từng tuyên bố rất mị dân rằng, sự sụp đổ của Liên Xô là một trong những bi kịch lớn nhất trong thế kỷ XX.
Thế nhưng, với thời gian, chúng ta thấy Kremlin đang dần dần thay đổi quan điểm của mình trước nhiều vần đề lịch sử, đặc biệt từ năm 2008 từ lúc Dmitry Medvedev lên làm Tổng thống.
Trên báo Nga “Izvestia” Medvedev đã xác định rõ ràng bản chất của Liên Xô: “Chế độ trị vì ở Liên Xô không thể được xác định bằng cách khác hơn là một chế độ độc tài toàn trị”.
Những phát biểu của Tổng thống Medvedev chắc chắn sẽ gây sốc với rất nhiều người Nga (và cả nhiều người Việt Nam khác) còn ảo tưởng vì bị dối trá, vẫn hoài niệm về một nước Liên Xô hùng cường, một xã hội tốt đẹp, biểu tượng của thiên đường cộng sản trong quá khứ. Medvedev nói:
“Thật không may, đây là một chế độ đàn áp các quyền cơ bản và tự do và không chỉ đối với người dân của chính mình”.
Không phải chỉ người dân của khối Xô Viết mà nhân dân của tất cả các nước nằm trong khối cộng sản cũng đã gần nửa thế kỷ chịu chung một số phận tương tự.
“Đây là tôi cũng muốn nói tới các nước xã hội chủ nghĩa khác. Điều này không thể bị xóa khỏi lịch sử” – Medvedev nhấn mạnh.
Tội phạm giết người không hết thời hiệu
Vào tháng tháng 3/2010 vừa qua, Viện công tố quân sự Nga trong phúc trình trả lời Toà án Nhân quyền châu Âu ở Strasbourg về đơn kiện đòi bồi thường thiệt hại của thân nhân những nạn nhân Ba Lan trong vụ thảm sát Katyn, khẳng định rằng, vụ thảm sát xảy ra từ năm 1940 đã hết thời hiệu pháp lý và nước Nga ngày hôm nay không thể chịu trách nhiệm cho một chính thể trong thời gian trên.
Tuyên bố hôm nay của Medvedev đã ngược lại hoàn toàn với lập trường của chính phủ Nga trước đó.
- “Nếu ngày hôm nay, nhắm mắt trước các tội ác này, thì trong tương lai những tội ác như vậy có thể lặp lại – muốn hay không, ở dạng này hay dạng khác, ở các nước khác nhau. Vì vậy, mặc dù điều này diễn tả tuy gay gắt, nhưng tội ác như vậy là không bao giờ hết thời hiệu. Những kẻ gây ra chúng sẽ phải chịu trách nhiệm, bất kể đã xảy ra cách đây bao nhiêu năm” – Medvedev nói.
- ‘Đối với những tội phạm như vậy không có thời hiệu – bất kể người gây ra nó là ai. Đây là vấn đề của trách nhiệm đạo đức cho các thế hệ tương lai của chúng ta” – Ông nói.
Ngày mai, thứ Bảy, 8/05, Chủ tịch quốc hội kiêm Tổng thống tạm thời của Ba Lan, ông B. Komorowski, sẽ qua Moscow gặp Tổng thống Nga Medvedev và tham dự Lễ 65 chiến thắng phát xít Đức trên Quảng trường Đỏ. Ông cũng sẽ mời Tổng thống Nga thăm chính thức Ba Lan.
Trong đội duyệt binh của binh lính nước chủ nhà và các nước trong cộng đồng các quốc gia độc lập (thuộc Liên Xô cũ – SIS) lần đầu tiên trong lịch sử của lễ kỷ niệm này tại Nga có sự tham gia của binh sĩ các nước đồng minh chống phát xít: Hoa Kỳ, Anh, Pháp và Ba Lan.
Cần nhấn mạnh rằng, trong lễ kỷ niệm 60 năm vào năm 2005, công trạng chiến đấu chống phát xít và sự hy sinh của hàng trăm ngàn chiến sĩ Ba Lan trên khắp các mặt trận Âu, Phi lúc bây giờ đã không được Putin nhắc tới một câu.
Rõ ràng, từ khi xảy ra tai nạn máy bay tại rừng Katyn hôm 10/04/2010 làm chết vợ chồng Tổng thống Ba Lan và 94 người khác của đoàn tháp tùng, phía Nga đã liên tiếp có những thiện chí với Ba Lan trong cố gắng hoà hợp, hoà gải và đoàn kết dân tộc giữa hai nước.
Cần nhắc lại rằng, vì khói bụi núi lửa tại châu Âu, hầu hết các nguyên thủ quốc gia đều huỷ bỏ chương trình bay sang tham dự lễ tang Tổng thống Lech Kaczynski trong ngày 18/04, nhưng Tổng thống Nga vẫn bất chấp nguy hiểm, đã tới Ba Lan bằng máy bay và bay tầm thấp dưới 10 ngàn mét. Nghĩa cử này của Dmitry Medvedev đã được người Ba Lan rất xúc động và cảm phục.
Bài học từ lịch sử
Từ quan hệ giữa Ba Lan, một nước nhỏ và nước Nga, một cường quốc láng giềng, hai nước đã trải qua những bi kịch lịch sử và Ba Lan trong suốt nhiều thế kỷ đã luôn phải chịu sự xâm lược hoặc sức ép của Nga, chúng ta thấy rằng, khi và chỉ khi một nước nhỏ có thể chế chính trị dân chủ tự do, có nền kinh tế phát triển, là thành viên của cộng đồng các quốc gia dân chủ, thì mới có tiếng nói trọng lượng, có khả năng gìn giữ chủ quyền lãnh thổ và được các lớn cư xử bình đằng và tôn trọng.
Dân số của Ba Lan chỉ nhỉnh hơn 1/4 của Nga (38,1 triệu người so với 145 triệu), còn diện tích, tài nguyên, tiềm năng quân sự của Ba Lan so với Nga chỉ là con kiến bên cạnh khổng long. Giả thiết, nếu như Ba Lan đã không vươn lên thành nền kinh tế lớn của châu Âu, trở thành đối tác thương mại quan trọng của Nga, không phải là thành viên của Liên hiệp châu Âu và Liên minh quân sự NATO, liệu có thể tìm kiếm được quan hệ bình đằng trước nước Nga?
Một nước nhỏ, độc tài, toàn trị như Việt Nam khó bao giờ được những cường quốc dân chủ tin cậy, có quan hệ đồng minh thật lòng và chơi hết mình. Trong khi đó, để giữ vững chế độ, Đảng Cộng sản Việt Nam lại còn cam chịu cúi đầu hèn hạ trước mọi sự bức hiếp, lấn lướt của lãnh đạo Bắc Kinh trong kinh tế cũng như chính trị. Làm sao trong hoàn cảnh như thế nước Việt Nam có thể giữ được chủ quyền!
Mặt khác, từ vụ thảm sát Katyn cách đây 70 năm, những cuộc đối đầu bền bỉ và khó khăn của dân tộc Ba Lan trên con đường công khai hoá sự thật, và cùng với nhận định hôm nay của Tổng thống Nga Medvedev, người Việt chúng ta, trước hết là các nhà sử học, phải có trách nhiệm lột trần các tội ác mà Đảng Cộng sản Việt Nam đã gây ra và đưa chúng ra ánh sáng công lý, chưa phải hôm nay thì trong tương lai.
Trước sinh mạng của hàng trăm ngàn người vô tội bị giết oan trong Cải cách Ruộng đất, hàng ngàn người bị thảm sát tập thể trong Tết Mậu Thân 1968, hàng ngàn (hoặc hàng chục ngàn?) người chết vì bị lừa gạt trong chiến dịch bán bãi lấy vàng/vượt biên bán chính thức, v.v… Đảng Cộng sản Việt Nam chưa bao giờ nhìn nhận tội ác của mình, không hề có ý định thành tâm xin lỗi nhân dân, mà ngược lại, bao che, bưng bít và đàn áp thẳng tay những ai đi tìm sự thật.
Những điều mà Đảng Cộng Sản Việt Nam đã và đang làm hoàn toàn giống các đảng cộng sản anh em của họ một thời trong khối xã hội chủ nghĩa. Nhưng sự thật có thể giấu giếm nhưng không bao giờ có thể xoá bỏ nó khỏi lịch sử! ■
Nguồn tin tham khảo: Nhật báo Ba Lan Gazeta Wyborcza 7/05/2010.
Toàn bộ cuộc phỏng vấn của nhật báo Nga “Izvestia” nằm tại link: http://www.izvestia.ru/pobeda/article3141617
VỤ THẢM SÁT TRONG RỪNG KATYN-Nguyễn An
Hôm thứ tư 7 tháng tư, thủ tướng Nga Vladimir V. Putin đã làm một cử chỉ đẹp khi đến tham dự lễ tưởng niệm hơn 20 ngàn sĩ quan và viên chức chính quyền Ba Lan bị quân đội Xô Viết giết chết 70 năm trứơc tại khu rừng Katyn, gần thành phố Smolensk ở phía tây nước Nga. Ông chính là nhà lãnh đạo Nga đầu tiên đến để chia sẻ với người Ba Lan nỗi đau đớn, khi tưởng niệm những người con ưu tú của Ba Lan chết thảm dưới họng súng của hồng quân Liên Xô vào khi đại chiến thế giới lần thứ hai vừa bắt đầu.
Mặc dù không chính thức xin lỗi đất nứơc và người dân Ba Lan, nhưng ông Putin xác nhận cuộc thảm sát là một trong những bi kịch mà chế độ toàn trị Xô Viết đã gây ra, và ra tay thực hiện chính là những nhân viên mật vụ Xô Viết, lúc đó trực thụôc cơ quan được gọi là tắt NKVD, tạm dịch là cục an ninh nội chính nhân dân, sau này là bộ nội vụ và hiện nay là KGB mà chính ông Putin từng lãnh đạo.
Trong suốt mấy chục năm trời, các nhà lãnh đạo Matxcơva lúc nào cũng đổ tội tàn sát mấy chục ngàn người tù Ba Lan cho mật vụ của phát xít Đức. Họ tiếp tục đổ tội ngay cả sau khi Liện Xô sụp đổ, và bản văn lệnh giết toàn bộ 25,900 tù nhân Ba Lan do Stalin ký ngày 15 tháng ba năm 1940 đựơc công bố. Khi biết thủ tứơng Putin sẽ đến tham dự lễ tưởng niệm tại rừng Katyn, đảng cộng sản Nga tuyên bố trên website của mình rằng, “Ông (Putin) có thể xin lỗi bao nhiêu thì tuỳ ông về cái gọi là tội lỗi của chế độ Xô Viết, nhưng không ai có thể che dấu được trách nhiệm của người Đức trong vụ tàn sát quân nhân Ba Lan (ở Katyn).”
Một trong những nhân xét về người cộng sản do chính những người từng ở trong guồng máy phát biểu là, họ không bao giờ biết nhận lỗi, và lúc nào cũng “nói lấy được.” Thì đây là một thí dụ minh hoạ về đặc tính ấy, cũng có thể gọi là tính “ngoan cố” mà họ thường dùng để kết tội người khác, cũng là điều đựơc diễn tả trong câu ví “cà cuống chết đến đít còn cay.”
Khi Hồng quân Nga tiến vào Ba Lan năm 1939, họ đã bắt đi hơn 25 ngàn người, là những sĩ quan, và công chức, trí thức hàng đầu của đất nứơc Ba Lan lúc bấy giờ. Vì quân đội không đủ lương thực nuôi, nên số tù nhân này đựơc chuyển giao cho NKVD của Beria quản lý. Theo đế nghị của Beria, ngày 15 tháng ba năm 1940 Stalin ký lệnh tử hình cho 14.700 tù binh và 11.000 tù dân sự. Các cụôc tàn sát được NKVD tiến hành một cách quy mô, có tố chức và hoàn tất trong vòng ba tuần lễ sau đó tại các nhà tù. Khoảng 22 ngàn người đã bị giết chết. Vài ngàn người may mắn thoát chết nói chung là vì có sự can thiệp của một số cơ quan cũng như vì NKVD thấy có thể sử dụng họ sau này. Theo tài liệu của cuốn “Stalin and his hangmen: The Tyrant and those who killed for him” của Donald Rayfield thì tính riêng về các sĩ quan, đã có 11 tứơng lãnh, một đô đốc hải quân, 77 đại tá, 197 trung tá, 541 thiếu tá, 1441 đại uý, 6061 trung uý trở xuống, 18 giáo sĩ tuyên uý bị giết trong tháng tư năm 1940.
Tháng tư năm 1943, tức là ba năm sau, ngừơi Đức phát giác ra một ngôi mộ tập thể trong đó có hài cốt của 4.500 sĩ quan Ba Lan. Một uỷ ban thụôc hội Hồng Thập tự Thuỵ Sĩ lúc đó xác nhận rằng những người này bị giết ba năm trứơc đó, khi mà 25.000 người Ba Lan mất tích, và họ nằm trong số người bất hạnh này. Tuy nhiên, Matxcơva tuyên bố những người ấy bị phát xít Đức giết. Tuyên bố của Statin mang tính khẳng định đến nỗi cả Anh lẫn Hoa kỳ lúc bấy giờ đều bác bỏ phúc trình của hội Hồng Thập Tự Thuỵ sĩ. Họ thậm chí tin rằng những tờ báo Nga tìm thấy trong ngôi mộ tập thể thực ra do quân Đức bỏ vô để đổ tội cho “nứơc Liên Xô vô tội.”
Sự dối trá không chỉ dừng lại ở đó. Qua năm sau, Stalin ra lệnh thành lập một uỷ ban điều tra bao gồm hai học giả, chủ tịch hội Hồng Thập Tự Xô Viết và nhà văn Aleksei Tolstoi (tác giả bộ tiểu thuyết nổi tiếng “con đường đau khổ,” nhưng không có một đảng viên cộng sản hay viên chức NKVD nào. Những ngừơi ấy,tiếc thay đã đồng loã với Uỷ ban tuyên truyền chống Đức của nhà cầm quyền, tạo ra một số nhân chứng giả để cáo buộc phát xít Đức đã gây ra tội ác giết tù nhân Ba Lan. Stalin còn ra lệnh làm một cuốn phim, nhưng các nhân chứng đã thuộc bài quá khiến cuốn phim trở thành trơ trẽn và giả tạo, đến nỗi chính Tolstoi phải khuyến cáo đừng cho trình chiếu.
Vào tháng ba năm 1946, tại phiên toà xử phát xít Đức tại Nuremberg, khi luật sư của Goering nói đến vụ thảm sát Katyn, thì đại diện Nga đã thẳng tay bác bỏ. Nhưng tại Minsk, đã có một số tướng lãnh Đức bị treo cổ sau khi bị kết án đã tàn sát sĩ quan Ba Lan tại Katyn. Những lời nói dối chẳng khác gì những mũi tên đã rời khỏi cây cung và không thể ngừng mà cứ tiếp tục lao đi. Lời cáo buộc phát xít Đức là thủ phạm vụ tàn sát Katyn tiếp tục đựợc đảng cộng sản Nga khẳng định và tái khẳng định, ngay cả khi lệnh tàn sát do Stalin ký đã được trưng bày ra trước công chúng sau khi Liên Xô sụp đổ năm 1992. Sự “kiên nhẫn” và “kiên quyết” của họ, nói cho cùng, cũng đáng phục thật!
70 năm đã qua đi. Chủ nghĩa cộng sản đã tàn lụi ngay tại nơi khai sinh và phát triển nó thành một tai hoạ cho nhân loại, nhưng dư âm và di hoạ của nó thì vẫn còn đó, đặc biệt là cho đất nứơc Ba Lan. Hôm thứ bảy 10 tháng tư, 132 người, bao gồm những nhân vật lãnh đạo hàng đầu của đất nứơc Ba Lan tự do không cộng sản và một số người thân của những nạn nhân ở Katyn ngày trước đã tử nạn trên đừơng đến Katyn để tưởng niệm những người bị thảm sát oan ức 70 năm trước. Chiếc máy bay Tupolev 154 do Nga chế tạo chở họ đâm vào cây trong sương mù và vỡ thành hàng trăm mảnh.
Chính thủ tứơng Vladimir V. Putin đựơc chỉ định làm chủ tịch uỷ ban điều tra tai nạn của một chiếc máy bay do Nga chế tạo, vỡ nát trên đất Nga, chở những nhân vật cao cấp nhất của Ba Lan đến Nga để tưởng niệm những người con ưu tú của Ba Lan bị Hồng quân Nga thảm sát 70 năm trước.
Định mệnh? Chắc là thế, nhưng là một định mệnh trớ trêu và tàn khốc!
Nguyễn An
Bài bình luận
Xin cám ơn tác giả
Người được nghe trực tiếp bài nói chuyện của tt Nga.