You are here

Thấy gì từ cuộc biểu tình của Sinh viên Hồng Kông?

Trong những ngày này, tin tức về cuộc biểu tình đòi Dân chủ ở Hồng Kông được truyền thông hầu hết các nước quan tâm hàng đầu. Tuy vậy ít ai biết cuộc xuống đường này của hàng vạn người dân Hồng công, mà lực lượng chủ lực là sinh viên và học sinh lại xuất phát từ nguyên nhân do chính quyền Trung quốc đã xâm phạm quyền tự do bầu cử của công dân. Điều mà đã và đang tồn tại một cách hết sức bình thường trong đời sống chính trị của người dân Việt nam hàng chục năm nay, dưới danh nghĩa "Đảng cử, Dân bầu".

TQ không tôn trọng cam kết
 
Hồng Kông trên danh nghĩa là một Đặc khu Hành chính của Trung quốc. Trước đây Hồng Kông từng là thuộc địa của Anh từ năm 1842 sau khi nhà Thanh thất bại trong chiến tranh Thuốc phiện thì vùng lãnh thổ này được nhượng vĩnh viễn cho nước Anh. Tuy vậy, tới năm 1984, hai nước Anh và Trung quốc đã kí Tuyên bố chung, đồng ý chuyển chủ quyền Hồng Kông về lại cho Trung quốc vào ngày 1 tháng 7 năm 1997. Theo Thỏa thuận Trung-Anh và Luật Cơ bản của Hồng Kông có quy định rằng Hồng Kông được hưởng một quy chế tự trị 50 năm sau khi chuyển giao chủ quyền, dưới chính sách “Một quốc gia, hai chế độ”. Theo đó Hồng Kông sẽ duy trì phần lớn chế độ chính trị, hệ thống pháp luật, và các chính sách kinh tế xã hội riêng của mình, còn phía chính quyền Trung ương sẽ chịu trách nhiệm về mặt quốc phòng và ngoại giao của khu vực này. Khi đó người ta hy vọng rằng trong thời gian 50 năm đó, Trung quốc sẽ có các tiến bộ về dân chủ để có thể bắt kịp Hồng Kông trước khi chính thức hội nhập.
 
Tại thời điểm trước khi tiếp nhận Hồng Kông, phía Trung quốc cũng hứa hẹn sẽ từng bước chuyển đổi sang một chính quyền dân cử. Vào năm 1993, nghĩa là trước thời điểm Trung quốc tiếp nhận chủ quyền Hồng Kông bốn năm, Trung Quốc đã đưa ra lời hứa và nhấn mạnh rằng “Việc Hồng Kông xây dựng nền dân chủ thế nào trong tương lai hoàn toàn nằm trong quyền tự quyết của Hồng Kông. Chính quyền trung ương sẽ không can thiệp.” Cụ thể hơn, là phía Trung quốc đã cam kết sẽ tổ chức một cuộc bầu cử dân chủ vào năm 2017, bằng hình thức phổ thông đầu phiếu để người Hồng Kông có thể tự lựa chọn nhà lãnh đạo cho riêng mình.
 
Đến năm 2010 chính quyền Trung ương đã đánh tiếng cho dân Hồng Kông biết rằng trong cuộc bỏ phiếu bầu Trưởng Đặc khu Hành chính Hồng Kông vào năm 2017 tới đây, quyền phổ thông đầu phiếu của người dân Hồng Kông có thể sẽ được áp dụng với các chi tiết cụ thể sẽ được làm rõ sau. Và đến cuối tháng 8.2014, Đại hội đại biểu Nhân dân toàn quốc của Trung Quốc đã thông qua một nghị quyết đưa ra những quy định để áp dụng cho cuộc bầu cử chức vụ Trưởng Đặc khu Hành chính Hồng Kông sẽ được tổ chức vào năm 2017. Theo đó chính quyền Trung Quốc sẽ tiến hành sàng lọc ứng cử viên cho vị trí Trưởng Đặc khu Hành chính Hồng Kông và sẽ ấn định danh sách cuối cùng từ hai đến ba ứng cử viên để cho cử tri lựa chọn. Nghĩa là cử tri vẫn có quyền bỏ phiếu để lựa chọn người đảm nhiệm chức vụ Trưởng Đặc khu Hành chính Hồng Kông, nhưng họ chỉ có thể bỏ phiếu cho một trong vài chọn lựa đã đưọc sàng lọc sẵn bởi chính quyền Trung Quốc. Mà thực chất là bầu cử theo lối bầu cử giả hiệu mà dân chúng Hồng Kông gọi một cách mỉa mai là "Chúng tôi cử, các anh bầu"
 
Điều đó trái với lời hứa về một cuộc bầu cử phổ thông đầu phiếu tự do mà Trung Quốc đã từng đưa ra trước đây. Như lời của một chính khách kỳ cựu của Đảng Dân chủ Hồng Kông đã được The New York Times dẫn khi cho rằng “Trung Quốc về căn bản đã thật sự từ bỏ sự hứa hẹn cho phép Hồng Kông có quyền bầu cử phổ thông.” Và đến lúc này, người dân Hong Kong đang lo sợ rằng Trung Quốc sẽ nuốt lời hứa và không thực hiện lời hứa như họ đã từng đưa ra cách đây 17 năm. Nỗi sợ đó bắt đầu từ khi Trung Quốc tuyên bố họ có toàn quyền đối với Hong Kong và khi Bắc Kinh không dấu diếm ý định muốn có thể giám sát những ứng cử viên mà dân Hong Kong lựa chọn làm nhà lãnh đạo.
 
Sở dĩ có tình trạng như vậy là vì do Bắc Kinh từ trước đến nay vẫn chủ trương ngăn chặn phổ thông đầu phiếu trong bầu cử, đồng thời muốn duy trì tính chất các cuojc bầu cử trên lãnh thổ Trung quốc ở tình trạng "Chúng tôi chọn, các anh bầu" như họ đã từng làm trong suốt mấy chục năm cầm quyền ở Trung quốc. Vì ban lãnh đạo Trung Quốc biết rằng việc bầu cử tự do dân chủ kiểu phương Tây nếu tiếp tục để diễn ra tại Hồng Kông là điều hết sức nguy hiểm. Nếu không nhanh chóng được loại bỏ thì nó sẽ trở thành tấm gương cho những người ủng hộ dân chủ tại Trung Quốc noi theo.
 

Thách thức chính quyền TQ
 

Làn sóng biểu tình của sinh viên Hong Kong bắt đầu từ ngày 22.9.2014 khi hàng nghìn sinh viên tiến hành bãi khóa để biểu tình đòi quyền bầu cử tự do vào năm 2017. Sau đó, cuộc biểu tình này lan rộng và đã kéo theo số đông học sinh trung học ở Hong Kong tham gia. Đây là một cuộc biểu tình bất bạo động với các hành động bất tuân dân sự của giới trẻ Hồng Kông với quy mô lớn và ngày một lan rộng. Gần đây khi tổ chức “Chiếm giữ Trung tâm” (Occupy Central) nhập cuộc và đã thúc đẩy phong trào biểu tình gia tăng về số lượng người tham gia và cường độ hoạt động. Người biểu tình đã trấn giữ các địa điểm công cộng trước trụ sở của cơ quan Chính phủ Hồng Kông, phong tỏa các tuyến đường trọng yếu... để phản đối quyết định sai trái của chính quyền Trung ương, đồng thời họ yêu cầu Bắc Kinh phải thành thật cải cách dân chủ và tự do bầu cử trên lãnh thổ Hồng Kông, kể cả việc đòi trưởng đặc khu hành chính Hồng Kông Lương Chấn An, một nhân vật được cho là thân Bắc kinh phải từ chức.
 
Cuộc biểu tình dưới danh nghĩa của học sinh, sinh viên Hồng Kông tổ chức, lúc cao điểm đã có hàng vạn người tham gia, khi ấy sinh viên tham gia biểu tình đã vượt qua hàng rào của cảnh sát để tràn vào trụ sở chính quyền Hong Kong nhằm thực hiện một cuộc biểu tình ngồi. Tin cho hay cảnh sát Hồng Kông đã ra tay trấn áp và bắt giữ một số người biểu tình, tuy vậy chỉ sau thủ thục kiểm tra nhân thân tại các trụ sở cảnh sát thì các sinh viên này đã được nhanh chóng trả tự do. Nhưng chính quyền Hồng Kông vẫn không chịu nhượng bộ người biểu tình và tiếp tục khuyến cáo yêu cầu buộc người biểu tình phải giải tán.
 
Tất cả chỉ mới là màn dạo đầu cho một cuộc biểu tình rầm rộ hơn dự kiến sẽ diễn ra vào ngày thứ tư 1.10.2014, đồng thời cũng là ngày kỷ niệm 65 năm Quốc khánh Trung quốc do phong trào Occupy Central (Chiếm giữ Trung tâm) tổ chức. Nhóm này đã tuyên bố vào ngày 1.10 này sẽ bao vây và làm tê liệt khu trung tâm tài chính Hồng Kông. Cho đến nay cuộc biểu tình của sinh viên Hồng Kông đã nhận được sự ủng hộ rất lớn từ dân chúng Hồng Kông, không chỉ có Tổng nghiệp đoàn Giáo chức Hồng Kông đã ra tuyên bố tổng đình công để tham gia biểu tình ôn hòa, mà các Hãng xưởng, các doanh nghiệp và đặc biệt là giới lao động cũng tuyên bố ủng hộ và sẽ tham gia biểu tình phản đối quyết định sai trái của Bắc kinh. Và chưa có bất kỳ dấu hiệu gì cho thấy người biểu tình sẽ lùi bước hoặc nhượng bộ chính quyền.

 

Những diễn biến biểu tình của học sinh, sinh viên Hồng Kông trong những ngày này đã khiến cho chính quyền Trung ương ở Bắc kinh hết sức lo ngại, vì theo đánh giá của họ sự kiện này rất nguy hiểm, vì nó có khả năng tạo nên một hiệu ứng domino đe dọa sự ổn định chính trị ở Trung quốc. Do đó hầu hết các tin tức về cuộc biểu tình ở Hồng Kông đã bị truyền thông Trung quốc dấu kín, nếu có chỉ là những bản tin bình luận cho rằng đó hành động biểu tình trái pháp luật. Và đã có nhiều thông tin cho biết Trung Quốc đã chặn dịch vụ Instagram tại nước mình để ngăn chặn người dân đại lục có thể biết được những gì đang diễn ra đối với Hong Kong.
 
Có lặp lại sự kiện Thiên An Môn?
 
Nhiều người đã cho rằng cuộc xuống đường của học sinh sinh viên Hồng Kông lần này mang dáng dấp của cuộc biểu tình của sinh viên Trung quốc tại quảng trường Thiên An Môn năm 1989. Đây cũng là điều đã và đang khiến cho không ít người dân Hồng Kông lo ngại, trong lúc có tin đồn trong những người biểu tình cho rằng chính quyền Hồng Kông đang chủ trương tìm cách huy động lực lượng quân sự Trung Quốc đồn trú tại đây để dẹp biểu tình.
 
Diễn biến chính trị Hồng Kông trong những ngày qua cho thấy nhiều dấu hiệu căng thẳng có nguy cơ dẫn tới xung đột giữa người biểu tình và lực lượng của chính phủ. Thậm chí, cựu đại sứ Úc tại Hàn Quốc Richard Broinowski cảnh báo tình hình có thể trở nên tồi tệ hơn và thậm chí sẽ xảy ra đổ máu kinh hoàng nếu mọi việc liên quan đến cuộc biểu tình ở Hồng Kông không được kiểm soát.
 
Tuy nhiên, hiện tại chính sách của Bắc Kinh đối với hoạt động biểu tình tại Hồng Kông là tuân theo nguyên tắc “Không thỏa hiệp, không đổ máu”. Sở dĩ Bắc kinh sẽ dứt khoát không thỏa hiệp vì họ không muốn nhân nhượng cho phe biểu tình ở Hồng Kông, vì nó sẽ trở thành tấm gương xấu để tạo ra hiệu ứng bùng nổ trên phạm vi rộng, tạo cơ hội thúc đẩy cho dân chúng ở đại lục đứng lên đòi một nền chính trị dân chủ cho họ. Điều đó cho thấy Bắc kinh còn bỏ ngỏ cơ hội dùng quân đội có vũ trang ra tay trấn áp cuộc biểu tình, nếu một khi chính quyền Hồng Kông không còn có khả năng kiểm soát tình hình. Mặc dù họ vẫn nhấn mạnh sẽ kiên quyết tránh để không xảy ra việc đổ máu ở Hồng Kông tương tự như sự kiện Thiên An Môn cách đây 25 năm.
 
Điều này không có nghĩa là do chính quyền Trung quốc sợ hay ngại đổ máu, mà là vào thời điểm này, các yếu tố chính trị trong nước và quốc tế liên quan đến thế và lực của Đảng CS Trung quốc trong các vấn đề đối nội, đối ngoại... không ủng hộ để cho họ làm điều đó với một khu vực nhạy cảm như Hồng Kông. Nên nhớ dư luận thế giới và các nước phương Tây trong những ngày này luôn theo dõi chặt chẽ và ủng hộ cao độ đối với cuộc biểu tình của học sinh Sinh viên Hồng Kông. Đã có nhiều cuộc xuống đường ủng hộ sinh viên, học sinh ở Hồng Kông đã được tổ chức ở nhiều thành phố thuộc nhiều quốc gia trên thế giới. Đây là một trong những thách thức lớn nhất đối với Bắc kinh.
 
Việc Trung Quốc sẽ quyết tâm chấm dứt các cuộc biểu tình nhanh nhất có thể để không làm khơi dậy thêm làn sóng biểu tình bất đồng quan điểm, đòi ly khai và chống chính phủ bùng phát tại đại lục là điều chắc chắn. Như lời trợ lý cảnh sát trưởng Hong Kong Trương Đức Cường nói rằng: “Sẽ giành đủ thời gian cho người biểu tình tự giải tán. Nếu không tuân lệnh, sẽ dùng “lực lượng”. Tuy vậy vấn đề để tìm ra một giải pháp hòa bình đối với Bắc Kinh là hoàn toàn không hề đơn giản, nhất là trong lúc người dân Hồng Kông với các định chế hiện tại vẫn đảm bảo các quyền tự do cơ bản của công dân vùng lãnh thổ này.

 

Tóm lại, đối với những người Cộng sản, bất kể họ là Cộng sản Trung quốc hay Việt nam thì một khi sự ổn định của chế độ bị đe dọa, thì việc họ sử dụng quân đội với vũ khi võ trang, thậm chí là võ trang hạng nặng như xe tăng, thiết giáp... hoặc dùng súng bắn thẳng vào đoàn biểu tình một cách không thương tiếc là một điều không phải bàn cãi. Trong lúc này, vấn đề là họ có đủ bản lĩnh để đối mặt với dư luận và sức ép của quốc tế khi ra lệnh đó hay không? Hơn nữa chính quyền Hồng Kông cũng cần hiểu về tác dụng ngược của biện pháp dùng vũ lực để đàn áp người biểu tình. Đó là rất có thể những hành động bạo lực đó không làm cho người biểu tình nhụt ý chí như chính quyền mong muốn, mà trái lại nó sẽ trở thành một tác nhân khiến đám đông biểu tình giận giữ hơn, nguy cơ cuộc biểu tình ngày càng lan rộng và nhận được sự ủng hộ nhiều hơn của dân chúng.

 
Bài học nào cho Việt nam?

 
Cuộc xuống đường đòi bầu cử tự do của người Hồng Kông những ngày vừa qua cũng ít nhiều tạo nên cảm hứng cho không ít người quan tâm đến tình hình chính trị và trở thành một chủ đề nóng trên các mạng xã hội, đặc biệt là đối với giới hoạt động tranh đấu cho dân chủ ở Việt Nam. Đa số họ đều so sánh và rút ra kết luận rằng ý thức chính trị của người Việt nam còn quá thấp so với người Hồng Kông nói chung và sinh viên học sinh của Hồng Kông nói riêng. Theo họ với một thời gian dài sống trong chế độ thực sự dân chủ khi còn là thuộc địa của Anh đã góp phần tạo nên một thế hệ dân chúng Hồng Kông có ý thức về Dân chủ cao như thế. Còn người Việt nam thì hoàn toàn thiếu các điều kiện cần phải có cho một cuộc sống mang màu sắc dân chủ. Song một điều có lẽ là khác biệt cơ bản nhất giữa người Hồng Kông và người Việt nam, đó là: người Hồng Kông không chấp nhận để cho sự dối trá mang tính hệ thống và có tổ chức ngự trị trong đời sống xã hội của họ, cho dù điều đó đang chỉ là một nguy cơ. Điều mà học sinh sinh viên Hồng Kông đã và đang làm trong những ngày này vì họ có chung một suy nghĩ như thế. 

Dân chủ được hiểu là một hình thức tổ chức thiết chế chính trị của xã hội, trong đó thừa nhận nhân dân là nguồn gốc của quyền lực và quyền lực nhà nước được thiết lập và xây dựng thông qua một hệ thống bầu cử tự do. Tuy vậy, trong các chế độ độc đoán hay chế độ chuyên chế độc tài thì người ta dùng các thủ đoạn trong việc tổ chức bầu cử để giả mạo một chế độ dân chủ, nhằm đánh lừa dư luận trong nước và quốc tế. Cụ thể trong các cuộc bầu cử, họ đã đặt ra nhiều các quy định khác nhau để bóp nghẹt quyền bầu cử và ứng cử của người dân thông qua cái gọi là xét duyệt và lựa chọn của các cấp chính quyền. Đó chính là xuất xứ của các thành ngữ "Đảng cử sẵn, để Dân bầu lấy lệ" hay ngắn gọn là "Đảng cử, Dân bầu" mà ta thường nghe thấy ở Việt nam.
 
Ở Việt nam, sự dối trá một cách có hệ thống của Đảng CSVN và chính quyền của họ trong các cuộc bầu cử của các tổ chức dân cử trong suốt mấy chục năm qua ở Việt nam đã trở thành việc mặc nhiên và được đa số dân chúng coi là chuyện bình thường. Hầu như mọi người đều không cảm thấy bản thân mình bị xúc phạm trước việc quyền làm chủ của cá nhân mình bị người khác tước đoạt, cho dù việc làm đó đã gây hậu quả trực tiếp đến cuộc sống của chính họ và gia đình. Kể cả khi gần đây, các Đại biểu Quốc hội hay các quan chức của Đảng đã lên tiếng vạch trần việc "quân xanh, quân đỏ" hay vấn nạn "Đảng cử, Dân bầu" là những tiền lệ xấu trong việc lựa chọn các đại biểu dân cử. Vậy mà cả xã hội Việt nam cho đến lúc ấy, mọi người vẫn hoàn toàn thờ ơ và không mảy may có phản ứng trước hành động vi phạm Hiến pháp và pháp luật nghiêm trọng như thế của chính quyền.
 
Mong ước người dân Việt nam có ý thức dân chủ đủ để có thể đứng lên đòi hỏi chính quyền tôn trọng quyền bầu cử của công dân là một ước mơ chính đáng và phù hợp với pháp luật Việt nam. Song điều quan trọng là phải làm thế nào biến cái đó trở thành động lực để thúc đẩy và làm cho mỗi cá nhân trong xã hội đều phải hiểu và giác ngộ được quyền của mình để đòi hỏi chính quyền phải tôn trọng.
 

Có như thế thì khẩu hiệu "Hông Kông hôm nay là Việt Nam ngày mai!" sẽ là điều hoàn toàn có thể.
 
Ngày 01 tháng 10 năm 2014

 

© Kami

 

* Đây là trang Blog cá nhân của Kami. Bài viết không thể hiện quan điểm của Đài Á châu Tự do RFA

 
.