You are here

Chuyện xẩy ra tại dinh Độc lập thành phố Sài gòn trưa ngày 30/4/1975-Nguyễn An giới thiệu và ghi chú

Lời giới thiệu của Nguyễn An: Nhân dịp kỷ niệm 35 năm ngày 30/4/1975, nhà báo độc lập Bùi Tín hiện đang sống tại Pháp đã viết trên trang Blog của ông một bài tường thuật lại những chi tiết xẩy ra tại dinh Độc Lập buổi trưa ngày 30 tháng tư năm 1975. Theo nhà báo Bùi Tín, thì những chi tiết này đựơc tường thuật đúng như chúng xẩy ra vì ông là người tận mắt chứng kiến nếu không muốn nói là một người trực tiếp tham dự vào những gì xẩy ra trong giờ phút lịch sử ấy.

Nguồn: http://www1.voanews.com/vietnamese/blogs/tin/bui-tin-30-thang-4-2010-924...
Bùi Tín Blog
Tuyên bố của nhà báo Bùi Tín nhân ngày 30-4-2010
Bùi Tín viết riêng cho VOA Thứ Năm, 29 tháng 4 2010
Gần đây Bộ Tổng tham mưu Quân đội Nhân dân ở Hà Nội đã mở hội nghị để viết lại tài liệu lịch sử về ngày 30-4-1975, với ý định được tuyên bố là «thuật lại thật chính xác những gì đã xảy ra trong ngày hôm ấy tại Dinh Độc lập giữa Sài Gòn»’.

Thật đáng tiếc là tài liệu được tạo nên có một số điều sai sự thật.

Là một người chứng kiến tại chỗ, tôi buộc lòng phải lên tiếng, không hề vì động cơ cá nhân.

Tôi giữ thái độ trung thực, tôn trọng sự thật đúng như nó có, không tô vẽ gì thêm - không tự vẽ thêm râu ria - cũng không để ai khác nhận vơ những điều chính tôi đã phát biểu.

Trong tài liệu nói trên của Bộ Tổng tham mưu, không hề nói gì đến chuyện tôi, Bùi Tín, lúc ấy là Thượng tá QĐND, cũng là cán bộ cao cấp duy nhất chứng kiến sự đầu hàng của nội các Dương Văn Minh vào buổi trưa và xế chiều ngày 30-4-1975 tại «Dinh Độc Lập».

Tôi không hề mảy may có ý tranh dành tiếng tăm hay vinh dự gì trong thời điểm lịch sử này.

Biết bao liệt sỹ của 2 bên đã nằm xuống, trong đó có nhiều bạn thân, đồng đội, anh em, con cháu trong dòng họ của tôi. Việc tranh dành công trạng là điều tôi coi là xấu xa đáng sỉ nhục.

Nhưng lịch sử là lịch sử. Sự thật lịch sử cần tôn trọng tuyệt đối. Nói sai lịch sử về một số chi tiết có thể gây nghi ngờ về nhiều điều lớn hơn.

Do có những nhận định mang tính chất bôi xấu, vu cáo là tôi đã tự nhận là người nhận đầu hàng của tướng Dương Văn Minh, thậm chí cho là tôi không hề có mặt ngày 30-4 ở Dinh Độc Lập, nên tôi thấy cần nói rõ sự thật chân thực là như sau:

-Tôi đến Dinh Độc lập cùng Trung tá Nguyễn Trần Thiết - phóng viên ban biên tập quân sự của báo QĐND - lúc 12 giờ rưỡi trưa ngày 30-4-1975, sau khi đoàn cơ giới của Lữ đoàn xe tăng 202 của Quân đoàn 2 đột nhập vào trong sân;

-Tôi và Trung tá Thiết ra ngoài cổng Dinh hỏi chuyện vài thanh niên cưỡi xe gắn máy đang tò mò xúm quanh mấy xe tăng, rồi vội vào cùng đi khắp các tầng, các phòng của dinh Độc Lập. Xong chúng tôi tìm ngay chỗ ngồi viết bài tường thuật để gửi gấp về Hà Nội, vì biết rằng ngoài tòa soạn đang mong chờ cho số báo in ngay tối nay.

-Tôi đang viết bài thì Trung tá Bùi Văn Tùng, chính ủy Lữ đoàn 202 và Trung tá Nguyễn Văn Hân, trưởng Ban Bảo vệ của Quân đoàn 2, cùng đến yêu cầu tôi vào gặp nội các Dương Văn Minh. Tôi từ chối việc này, vì tôi không được giao trách nhiệm, lại đang chăm chú lo viết bài báo. Tôi trả lời 2 trung tá: «Các anh nên đưa 1, 2 người ra đài phát thanh để công bố tin toàn thắng đi, nên làm gấp để cả nước và thế giới biết». Sau này gặp lại anh Tùng, tôi mới biết 2 anh trung tá ấy cùng nghĩ rằng cấp trung tá chỉ là cán bộ trung cấp, nên việc làm không đủ giá trị theo quân phong quân kỷ. Họ cần ý kiến một cán bộ cao cấp, mà lúc ấy không có một ai khác là tôi, họ biết tôi là cấp thượng tá, là phó tổng biên tập báo QĐND.

[Cần nói rõ thêm để các bạn ở ngoài quân đội biết là giữa Trung tá và Thượng tá là khác không chỉ một cấp, mà khác hẳn một bậc. Cán bộ sơ cấp từ Thiếu uý lên Đại úy là bậc Sơ cấp, từ Thiếu tá và Trung tá là bậc Trung cấp, từ Thượng tá lên cấp Tướng là bậc Cao cấp. Phân biệt 3 cấp ấy rất rõ, khác hẳn nhau, từ bếp ăn, phòng ngủ, nhà ở, quân phục, tiền lương, sổ mua hàng, lớp học, trường học, hội nghị, tài liệu đều phân biệt rõ.]

Ngay sau đó, Trung tá Bùi Văn Tùng đưa ông Minh ra Đài phát thanh Sài Gòn để loan tin đầu hàng trong vòng nửa tiếng rồi cùng trở về dinh Độc Lập, chờ cấp trên vào; họ chờ nhất là Thiếu tướng Nguyễn Hữu An, Tư lệnh Quân đoàn II. Tôi cũng đã viết gần xong bài báo. Tôi còn nhớ Trung tá Thiết mở hộc bàn giấy của tổng thống lấy ra tờ giấy cứng in Thực đơn của Tổng thống trưa 30-4-1975, trên đó có 2 món chính là: «gân bò hầm sâm» và «cá thu kho mía», đưa cho tôi xem để ghi thêm trong bài báo cho sinh động.

Hai Trung tá Tùng và Hân lại khẩn khoản nói với tôi: họ đang ngồi chờ trong kia, chừng 30 người, các ông tướng chưa ai vô, anh vào gặp họ đi, để họ chờ lâu không tiện.

Anh Thiết bàn với tôi: «Anh vào gặp họ đi, ta cùng vào rồi sẽ viết thêm vài chi tiết, sau ta sẽ vào trại Davis – Tân Sơn Nhất, nhờ tổ thông tin đánh bài báo ra Tổng cục chính trị».

Trung tá Hân dẫn 2 chúng tôi vào phòng họp lớn. Anh Hân, trên cương vị trưởng ban bảo vệ Quân đoàn hiện là người sắp xếp trật tự của dinh Độc Lập. Anh vào trước, báo tin: «Tất cả đứng dậy! Sắp có một cán bộ cao cấp QĐND vào gặp các ông!»

Tôi và anh Thiết bước vào. Phòng khách rộng lớn, ghế ngồi lót dạ đỏ, trên bàn có những cốc nước và mấy hộp hạt đào lộn hột. Anh Thiết ghi tên suốt lượt cả 28 người có mặt, từ các ông Dương Văn Minh, Vũ Văn Mẫu, Nguyễn Văn Huyền đến các ông Nguyễn Văn Hảo, Nguyễn Hữu Có, Bùi Tường Chiểu, Nguyễn Hữu Hạnh, Bùi Hòe Thực, ông Diệp, ông Trường v...v...

Vừa lúc ấy, Trung tá Hân đón tổ quay phim Quân giải phóng (có 2 người) vào. Ông Minh bước tới trước, nói chậm rải:-«Thưa quý ông! Chúng tôi chờ quý ông từ buổi sáng đặng chuyển giao chính quyền».

Tôi đáp ngay: «Các ông còn có gì mà bàn giao; không thể bàn giao khi trong tay không còn có gì!»

Tôi không nói gì đến chuyện đầu hàng vì 2 Trung tá Tùng và Hân đã cho tôi biết ông Minh vừa tuyên bố đầu hàng ở đài phát thanh. Ý tôi muốn nói là không thể có chuyện bàn giao chính quyền, vì tình hình đã ngả ngũ xong xuôi.

Tôi thấy các ông Minh, Mẫu, Huyền, Hảo, Có …đều buồn. Ông Minh cúi hẳn đầu, tôi thấy cằm ông lún phún râu, đường gân 2 bên má co giật nhẹ. Tôi liền an ủi: «Hôm nay là ngày vui. Hòa bình đã đến. Cuộc chiến tranh đã kết thúc. Chỉ có người Mỹ là thua. Tất cả người Việt nam ta là người chiến thắng».

Tôi thấy một số vị gật gật đầu, ông Mẫu nở nụ cười vui vẻ, tán đồng. Tôi liền thêm: «Bất cứ ai có tinh thần dân tộc đều có thể coi ngày hôm nay là ngày vui lớn của mình».

Sau đó tôi mời mọi người ngồi, uống nước, trò chuyện thân mật. Tôi hỏi chuyện ông Minh, sức khỏe ra sao, ngày ông chơi mấy «sét» tennis ? Collection phong lan của ông có bao nhiêu giò rồi? có những loại hiếm quý nào? Ông trả lời hết, vui vẻ, tự nhiên …

Tôi quay sang ông Mẫu hỏi ông từ giã miền Bắc từ hồi nào? Ông còn nhớ gì về vùng quê Chèm Vẽ…nay Cầu lớn Thăng Long qua gần đấy; tôi hỏi về trường Luật ông đang dạy, tôi cũng hỏi ông: Sao tóc ông đẹp, dài vậy, tôi nghe có hồi ông cắt tó phản đối chính quyền ? ông cười, đó là chuyện 2 năm trước, ông luôn mê say với sinh viên trẻ ngành Luật…

Một lát sau, ông Nguyễn Văn Hảo yêu cầu gặp riêng tôi. Tôi cùng ông ngồi cạnh chiếc bàn con bên cửa sổ lớn nhìn xuống sân trước, ông nói: «Tôi là Nguyễn Văn Hảo, giáo sư, phó thủ tướng đặc trách kinh tế, xin báo với riêng ông một tin quan trọng: bọn này đã giữ lại trong kho Ngân khố quốc gia hơn 16 tấn vàng, không cho họ mang ra khỏi nước, mong quý ông báo ra Hà Nội cho người vô nhận…»

Tôi hỏi kỹ lại và tối đó tôi điện ngay cho Thiếu tướng Lê Quang Đạo phó Chủ nhiệm Tổng cục chính trị. Ngày 2-5 Hà Nội cho chuyên cơ IL 18 vào Sàigòn nhận đủ hơn 16 tấn vàng ấy.

Đêm ấy, tôi gửi bài báo «Sài Gòn 30-4: Trong ánh chớp của lịch sử» in trên số báo QĐND ra sáng 1-5-1975, do tổ thông tin của Đoàn đại biểu Mặt trận Giải phóng trong Ban Liên hợp 2 bên trong trại Davis – Tân Sơn Nhất chuyển bằng tín hiệu morse. Đây là bài báo duy nhất gửi được từ Sài Gòn, vì bưu điện bị đóng cửa liền 2 ngày. Fax, điện thoại viễn liên, điện báo đều tắc. Do chuyển bằng morse, tên 2 món trong thực đơn của tổng thống bị sai, «cá thu kho mía» thành «cá thu kho giá» và «gân bò hầm sâm» thành «gan bò hầm sâm»!

Sáng 1-5 tôi gặp các phóng viên Boris Galash (Tây Đức) và Tiziano Terzani (Ý) và nhận chuyển giúp 2 bài báo ngày 30-4 của họ qua con đường Thông tấn xã Viêt Nam ở Hà Nội. Họ mừng rỡ vô cùng vì đó là điều họ lo, sốt ruột nhất. Bài báo đến được Berlin, Bonn và Roma.

Những sự việc trên đây tôi ghi lại thật đúng với thực tế lịch sử.

Trong tài liệu chính thức của bộ Tổng tham mưu, các câu nói của tôi trên đây được đặt trong miệngTrung tá Bùi Văn Tùng (!). Tôi khá thân với anh Tùng, từng ghé thăm 2 vợ chồng anh. Tôi tin là anh Tùng sẽ có thể đến lúc không ngại gì nói rõ sự thật đầy đủ.

Có những nhân chứng còn sống, về những lời nói của tôi trưa hôm ấy, như các ông Nguyễn Văn Hảo, Nguyễn Hữu Có, Nguyễn Hữu Hạnh, các ông Diệp, Trường (tôi không nhớ họ)… cũng như tổ phim Giải phóng hay nhà báo Nguyễn Trần Thiết rất ngay thật thẳng tính.

Sự thật là hoàn cảnh ngẫu nhiên đưa đẩy để tôi là cán bộ cấp cao duy nhất của QĐND có mặt tại dinh Độc Lập trong khoảng thời gian từ 12 giờ đến 16 giờ chiều 30-4-1975 để chứng kiến và chút ít tham gia sự kiện lịch sử này.

Vị tướng đầu tiên tôi gặp lúc đã xế chiều ở Dinh Độc lập là Thiếu tướng Nam Long, phái viên của bộ Tổng tham mưu, tôi cùng tướng Nam Long chụp chung ảnh kỷ niệm. Tối mịt Thiếu tướng Nguyễn Hữu An mới đến, khi quanh sân anh em nổi lửa nấu cơm, mỳ ăn liền.

Sở dĩ một số báo nước ngoài cứ nói phóng lên là tôi là người nhận đầu hàng của tướng Minh là vì tướng Trần Văn Trà chủ tịch ủy ban Quân quản Sài Gòn hồi tháng 9-1975 có lần giới thiệu tôi với các nhà báo Nhật, Pháp, Thái lan, Hoa Kỳ … rằng : đây là nhà báo, sỹ quan cao cấp nhất chứng kiến sự đầu hàng của chính quyền Sài Gòn. Rõ ràng «chứng kiến » và «nhận» là 2 điều khác nhau.

Hồi 1989, khi tôi đưa nhà báo Mỹ Stanley Karnow đến gặp Đại tướng Võ Nguyên Giáp tại nhà khách chính phủ (đường Ngô Quyền), ông Giáp giới thiệu với S. Karnow: Đại tá Bùi Tín là sỹ quan cao cấp nhất có mặt ở Dinh Độc Lập khi chính quyền của tướng Minh đầu hàng.

Từ đó, có thể có người hiểu sai, hiểu lầm cho rằng tôi là người nhận đầu hàng. Cũng có thể có người hiểu sai, cho rằng khi tôi nói «không còn gì để bàn giao» thì cũng có nghĩa là tôi đòi họ phải đầu hàng tôi!

Đã có bài báo tiếng Việt ở Pháp bịa ra rằng: Bùi Tín rút súng chĩa vào nội các Dương Văn Minh, hét mọi người phải giơ tay đầu hàng, rồi bắn loạn xạ lên trời để thị uy, làm phách…!

Tôi không bao giờ nhận một điều gì không phải của mình, không do mình làm.

Hơn nữa, sự có mặt của tôi ngày 30-4 -1975 ở Sài Gòn với hy vọng hòa giải và hòa hợp dân tộc trọn vẹn đã sớm tan thành mây khỏi, với chính sách thực tế của lãnh đạo CS là chiếm đóng, trả thù, đày đọa các viên chức, binh sỹ, đồng bào ruột thịt ở miền Nam, tịch thu quyền sống tự do, có nhân phẩm, nhân quyền của nhân dân cả nước suốt 35 năm nay. Gần 20 năm nay họ để cho bọn bành trướng uy hiếp, mua chuộc, để chúng lấn đất, lấn biển, lấn đảo, giết hại ngư dân ta…

Do tình hình đất nước nguy kịch như thế, đã 20 năm nay, tôi chỉ một điều tâm niệm là góp hết sức thực hiện đoàn kết thống nhất dân tộc, cùng toàn dân đấu tranh dành lại các quyền tự do dân chủ bị một chế độ độc đảng toàn trị tước đoạt hơn nửa thế kỷ nay. . /.
Bùi Tín

Ghi chú của Nguyễn An: Xin lưu ý đến những điểm sau đây (ở trong bài ) bởi chúng được trình bày khác, bởi những nguồn thông tin khác cũng rất có thẩm quyền:
1. Nhà báo Bùi Tín lúc đó mang cấp bậc Thượng tá và là sĩ quan có cấp bậc cao nhất tại dinh Độc lập lúc bấy giờ. Nhà báo cũng nói ông vào gặp toàn bộ nội các của chính phủ Dương Văn Minh sau khi ông Minh đã đến đài phát thanh Sài gòn đọc tuyên bố đầu hàng, trở về lại dinh Độc lập để …chờ.
Bách Khoa toàn thư mở Wikipedia, mục Bùi Tín ghi nguyên văn như sau:
1. Trong bài ghi nhanh của Bùi Tín (với bút danh Thành Tín) nhan đề Sài Gòn trong những giờ phút Lịch sử đăng trên báo Quân đội Nhân dân ngày 2 tháng 5 năm 1975, ông thừa nhận sĩ một sĩ quan cao cấp hơn mình là Phó Chính ủy Quân đoàn 2, Đại tá Nguyễn Công Trang, đã có mặt tại dinh Độc Lập trước ông. [6] Cũng thông tin này được Bùi Tín viết trong ký sự Sài Gòn trong ánh chớp chói lọi của lịch sử xuất bản năm 1978[7]
2. Theo bài viết xuất bản năm 1985 của nhà báo Nguyễn Trần Thiết, người đi cùng Bùi Tín trên suốt chặng đường vào dinh Độc Lập, khi ông cùng Bùi Tín vào dinh thì được Thiếu tướng Nam Long, phái viên Bộ Tổng tư lệnh Quân đội Nhân dân Việt Nam, và Đại tá Công Trang đón tiếp.[8] Còn khi Tổng thống Dương Văn Minh đọc tuyên bố đầu hàng trên đài phát thanh thì đoàn nhà báo còn đang ở sở chỉ huy quân đoàn 3 đóng tại Củ Chi.[9]
3. Trong hồi ký của mình[5], Thiếu tướng Nguyễn Công Trang của quân đội nhân dân Việt Nam khẳng định Bùi Tín chỉ tới Dinh Độc Lập sau khi Tổng thống Dương Văn Minh từ đài phát thanh trở về.
http://vi.wikipedia.org/wiki/B%C3%B9i_T%C3%ADn

2. Ông Tín không hề nói gì đến đại úy Phạm Xuân Thệ mà các tài liệu khác đều nói cũng có mặt tại dinh Độc lập vào cùng thời điểm.

3. Về câu nói của ông Dương Văn Minh rằng “chúng tôi chờ quý ông từ buổi sang đặng chuyển giao chính quyền,” theo nhà báo Bùi Tín, thì được nói với ông, và chính ông là người trả lời, “Các ông còn có gì mà bàn giao; không thể bàn giao khi trong tay không còn có gì!» Nhiều tài liệu khác kể lại rằng ông Minh câu đó trứơc khi ra đài phát thanh để đọc lời đầu hàng, và nói với trung tá Bùi Văn Tùng, hoặc đại uý Phạm Xuân Thệ. Cả hai chi tiết này đều đựơc nói đến trong các cuộc phỏng vấn của báo chí trong nứơc với các ông Tùng (đã về hưu với cấp bậc đại tá) và Thệ (sau là trung tướng tư lệnh quân khu 1). Tác giả Lê Xuân Sơn trong một bài viết dựa theo tài liệu của Viện Lịch sử quân sự Việt Nam kể lại:

…“Tổ công tác của Viện Lịch sử Quân sự Việt Nam (Viện LSQS VN) đã tập hợp được 24 bài báo viết về trung tá Bùi Văn Tùng ở Dinh Độc lập và Đài Phát thanh Sài Gòn. Trong đó hầu hết các tác giả ghi lời kể trực tiếp của Trung tá Tùng rằng khi ông cùng bộ đội tiến vào Dinh Độc Lập, nhìn biết ông là chỉ huy, Dương Văn Minh đã nói với ông: “Thưa ông, chúng tôi đang chờ các ông đến để bàn giao”.
Trung tá Tùng đã nói: “Các ông chẳng còn gì để bàn giao, chỉ có đầu hàng không điều kiện. Ông phải ra ngay Đài Phát thanh để tuyên bố đầu hàng”.

Dương Văn Minh bước tới nói thận trọng: “Chúng tôi biết quân giải phóng tiến vào nội đô. Chúng tôi đang chờ quân giải phóng vào để bàn giao”. Đại úy Thệ nói: “Các ông đã bị bắt làm tù binh. Các ông phải tuyên bố đầu hàng vô điều kiện chứ không có gì để bàn giao”.”
Độc giả có thể xem toàn bài trong đừơng link sau đây:
http://lichsuvietnam.info/index.php?option=com_content&task=view&id=5&It...
Cũng trong bài này, có những chi tiết đáng lưu ý về bản thảo viết tay tuyên bố đầu hàng của ông Dương Văn Minh và tuyên bố chấp nhận lời đầu hàng ấy của ông Bùi Văn Tùng. Những chi tiết này cho thấy ngay chính những khẳng định của Viện Lịch sử quân sự Việt Nam cũng không hẳn là đáng tin!!!