Lê Diễn Đức
Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama sẽ thăm Ba Lan hai ngày và dự lễ kỷ niệm 25 năm ngày bầu cử tự do của Ba Lan, ngày 4/06/1989 - 4/06/2014.
Ở Warsaw Obama sẽ có cuộc gặp mặt với các nhà lãnh đạo của một số quốc gia châu Âu, trong đó có Tổng thống mới đắc cử của Ukraine Petro Poroshenko.
Tại khu Thành Cổ, Barack Obama sẽ có bài diễn văn trước công chúng Ba Lan. Chính nơi đây, vào năm 1999, qua chúc mừng Ba Lan gia nhập khối quân liên minh sự NATO, cựu Tổng thống Hoa Kỳ Bill Clinton đã làm xúc động dư luận khi nói bằng tiếng Ba Lan "Không có gì về các bạn mà không có các bạn", ý muốn nói về lỗi lầm của Hoa Kỳ và phương Tây sau Chiến tranh Thế giới II khi gạt Ba Lan qua vùng ảnh hưởng của Xô-Viết.
Được hỏi sẽ nói gì trong cuộc gặp mặt có thể với Obama, cựu Thủ lĩnh Công đoàn Đoàn Kết, cựu Tổng thống Ba Lan, Lech Walesa, nói:
"Dường như châu Âu và thế giới được sắp đặt trong thế kỷ XXI, nhưng đã không thành công trong mọi thứ. Cho nên đó là lý do tại sao thế giới đang trong ở một giai đoạn tệ hại, và ông Putin có thể làm những gì mình muốn. Nếu một siêu cường tuân thủ các nghĩa vụ, thì những điều như thế sẽ không xảy ra. Nước Mỹ phải lấy lại tầm vóc của mình, nhưng là tầm vóc của thế kỷ XXI".
Bầu cử tự do và thảm sát Thiên An Môn
Ngày 4 tháng 6 năm 1989, vào lúc tiếng súng và xe tăng đang nghiền nát cuộc biểu tình đòi tự do, dân chủ của sinh viên Trung Quốc trên quảng trường Thiên An Môn, thì ở một nơi khác, tại Ba Lan, dân chúng xếp hàng dài để tham gia cuộc bầu cử tự do đầu tiên trong hệ thống cộng sản.
Đây không phải là một sự trùng hợp ngẫu nhiên. Từ nhiều tháng trước đó, diễn biến tình hình chính trị của Ba lan kể từ năm 1980 với sự ra đời của Công đoàn Đoàn kết, đã làm nhà cầm quyền Cộng sản Trung Quốc lo sợ.
Để bảo vệ chế độ độc tài, độc đảng, Đặng Tiểu Bình đã bác bỏ thoả thuận với sinh viên và sử dụng xe tăng để đàn áp họ. Một cuộc tắm máu chưa từng thấy đã diễn ra làm rung động lương tri nhân loại trên toàn thế giới.
Cho đến tận hôm nay, những ước tính về con số thiệt mạng dân sự vẫn còn là điều bí mật. Ước tính của CIA khoảng 4000-8000 người, theo Hội Chữ Thập Đỏ Trung Quốc thì khoảng 2.600, nhưng cũng có nguồn chưa được xác định là khoảng 5.000 người. Số người bị thương từ 7.000 đến 10.000 người.
Tiếp sau cuộc bạo lực, nhà cầm quyền Trung Quốc thực hiện nhiều cuộc bắt giữ, đàn áp những người ủng hộ phong trào dân chủ, các bà mẹ có con bị giết hại không được tập hợp tưởng niệm. Báo chí Trung Quốc bị cấm đưa tin, cụm từ "vụ thảm sát Thiên An Môn" không thể tìm kiếm trên mạng ở Trung Quốc. Cuộc đàn áp bằng bạo lực đối với những người biểu tình ở quảng trường Thiên An Môn bị chỉ trích rộng rãi bởi dư luận thế giới.
Nhưng giấu giếm tội ác và che đậy sự thật vốn là bảo bối của chế độ cộng sản trong tuyên truyền và là biện pháp duy trì sự tồn tại. Thế hệ trẻ Trung Quốc hôm nay ít người biết đến thảm sát Thiên An Môn mà họ thường cao ngạo với sự phát triển của nền kinh tế Trung Quốc.
Như đã nói, những gì diễn ra ở Ba Lan đã cảnh báo nhà cầm quyền Bắc Kinh, họ thấy phải hành động mạnh, nếu không muốn chế độ sụp đổ. Tuy nhiện, phương pháp bạo lực đã không đúng ở một quốc gia cách Trung Quốc nửa vòng trái đất.
Bất chấp sự đàn áp vô cùng dã man, những cuộc đình công, biểu tình trên khắp đất nước đã làm tê liệt nền kinh tế, rối loạn xã hội, buộc nhà cầm quyền cộng sản Ba Lan phải ngồi vào bàn thương lượng với phe đối lập - Công đoàn Đoàn kết.
Cuộc bầu cử này tuy được gọi là tự do dân chủ nhưng chưa thực trọn vẹn mà chỉ một phần, bởi vì dân chúng chỉ bầu 100 ghế của Thượng viện và 35% số ghế của Hạ viện (quốc hội). Nhà cầm quyền cộng sản Ba Lan vẫn tin rằng với 65% số ghế của quốc hội giữ lại và một phần có thể giành được từ số ghế bầu tự do, họ vẫn tiếp tục nắm quyền.
Kết quả đã làm đảo lộn sân khấu chinh trị Ba Lan, phe đối lập giành trọn số ghế được bầu tự do. Tình huống này dẫn tới việc thiết lập một chính phủ với Thủ tướng không cộng sản T. Mazowiecki. Cấu trúc "Thủ tướng của chúng tôi, Tổng thống của các anh" do nhật báo "Gazeta Wyborcza" đưa ra được áp dụng. Tướng W. Jaruzelski, Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Ba Lan được quốc hội đa đảng chỉ định làm Tổng thống đầu tiên của nước Cộng Hoà Ba Lan. Ít tháng sau đó, ông W. Jaruzelski tuyên bố từ chức và vào tháng 11/1990, Ba Lan thực hiện bầu cử tự do hoàn toàn với thắng lợi của thủ lĩnh Công đoàn Đoàn kết Lech Walesa. Đảng cộng sản Ba Lan đại hội phiên cuối cùng và giải tán. Một số cựu đảng viên cộng sản thành lập đảng dân chủ xã hội cánh tả. Năm 1991 Ba lan thực hiện tiếp tục việc bầu cử tự do quốc hội và phe cánh hữu chiếm đa số phiếu lên cầm quyền, chấm dứt chế độ cộng sản.
25 năm phát triển tự do, dân chủ
25 năm, với những cải cách cương quyết nhưng đau thương, từ một nền kinh tế xã hội chủ nghĩa kiệt quệ, Ba lan đã vững bước trên con đường phát triển và thịnh vượng với nền kinh tế tự do. Về xã hội, Ba Lan đã xây dựng vững chắc các định chế dân chủ, người dân tự do sinh sống, làm ăn. Thoạt đầu thập niên 90 có tới cả ngàn đảng phái chính trị, nhưng xã hội dân chủ đã tự sàng lọc dần, đến nay còn khoảng 80, nhưng người dân chỉ bầu 4 đến 5 đảng vào quốc hội. Trên sân khấu chính trị, các đảng phái công kích nhau quyết liệt, nhưng xã hội ổn định, bởi vì vũ khí hiệu quả là chương trình hành động chính trị chứ không phải bạo lực.
Cuộc bầu cử tự do ngày 4 tháng 6 mang một ý nghĩa lịch sử, vì nó là tia lửa đầu tiên trong cao trào cách mạng của mùa Thu năm 1989, gây nên hiệu ứng domino, dẫn tới việc sụp đổ Bức tường Berlin vào tháng 11 năm 1989 và làm bùng cháy ngọn lửa tranh đấu dân chủ ở Tiệp Khắc, Bulgaria, Romania và trong cả khối Xô Viết, cáo chung toàn bộ hệ thống cộng sản ở châu Âu.
Trong bài viết "Ba Lan: Từ bi kịch đến thắng lợi" của Mitchell A. Orenstein trên "The Foreign Affairs" (Minh Trang dịch) có đoạn:
"Bất cứ ai hiểu biết về lịch sử Ba Lan sẽ không khỏi ngạc nhiên trước sự trỗi dậy của đất nước này từ đống tro tàn của quá khứ đau buồn. Trong suốt 25 năm qua, sau nhiều thế kỷ chiến tranh và bị nô dịch, Ba Lan đã được hưởng hòa bình với một nền kinh tế ổn định và bùng nổ, và hội nhập với phần còn lại của châu Âu".
"Kể từ khi chủ nghĩa cộng sản sụp đổ năm 1989, vận mệnh Ba Lan đã trải qua một sự đảo ngược đáng kể. Sau cuộc lãnh đạo phong trào phản kháng nhằm lật đổ chế độ cũ, Công đoàn Đoàn Kết đã giành chiến thắng cuộc bầu cử dân chủ và bắt đầu cuộc cải cách kinh tế mạnh mẽ theo định hướng thị trường. Đảng Công nhân Thống nhất Ba Lan chuyển thành Liên minh Dân chủ cánh tả, từng thắng cử năm 1993 và 1995, và đưa đất nước gia nhập NATO năm 1999. Năm 2004, Ba Lan gia nhập Liên minh châu Âu với tư cách thành viên chính thức, củng cố liên minh chặt chẽ với Đức, kẻ thù thưở trước của họ".
"Nền kinh tế Ba Lan đã phát triển nhanh chóng trong hai thập kỷ qua – tăng trưởng hơn bốn phần trăm mỗi năm, đạt tốc độ nhanh nhất châu Âu – và thu hút được những khoản đầu tư ồ ạt vào các công ty và cơ sở hạ tầng của họ. Ba Lan trở thành nền kinh tế lớn thứ sáu của EU. Chất lượng cuộc sống đã tăng gấp đôi kể từ năm 1989 đến 2012, bằng 62 phần trăm mức sống của các quốc gia thịnh vượng ở trung tâm Châu Âu. Tất cả những điều này khiến cho nhà kinh tế học Marcin Piatkowski trong bản báo cáo gần đây của Ngân hàng thế giới đưa ra kết luận rằng Ba Lan “có lẽ vừa trải qua 20 năm tốt nhất trong hơn một nghìn năm lịch sử của họ.”
"Warsawa đôi khi được gọi là “thành phố chim phượng hoàng” bởi cách thức trỗi dậy của họ, như loài chim thần thoại từ đống tro tàn của Thế chiến thứ nhất. Ngày nay, nhiều dân thường Ba Lan và các nhà đầu tư thường tự hỏi làm thế nào con chim phượng hoàng này có thể bay cao đến thế. Dự báo kinh tế cho thấy nền kinh tế Ba Lan sẽ tăng trưởng khoảng 2,5 phần trăm mỗi năm cho đến năm 2030, trở thành một trong 20 nền kinh tế hàng đầu thế giới trước khi thực sự bước vào suy thoái vì suy giảm dân số. Nếu nước này có thể tạo ra một môi trường kinh doanh hiếu khách hơn, xây dựng được một nền kinh tế trên nền tảng tri thức, khuyến khích nhập cư và tỷ lệ sinh cao hơn, thì có lẽ họ sẽ còn tiếp tục phát triển nhanh hơn nữa. Sau cùng, người Ba Lan có biệt tài vượt qua kỳ vọng".
Kết luận
Ba Lan đang đi lên nhưng cũng đứng trước nhiều thử thách trong bối cảnh khó khăn hơn khi cuộc khủng hoảng tài chính thế giới và châu Âu đang diễn ra. Biến động ở Ukraina báo động nhiều rủi ro...
Lấy chế độ dân chủ tự do làm nền tảng, chọn Mỹ làm đồng minh chiến lược, là thành viên của NATO, dựa vào hậu thuẫn to lớn của Liên minh châu Âu để phát triển kinh tế thị trường, Ba Lan đã thoát khỏi sự đe doạ từ nước Nga láng giềng khổng lồ. Đây có lẽ là lựa chọn sáng suốt nhất của một nước nhỏ.
© Lê Diễn Đức -RFA Blog
Bài bình luận gần đây