You are here

VUI CHUYỆN QUÊ NHÀ 7: Lại Chuyện Ra Đi (Quốc Thạch ghi nhận)

Tân Hoa xã vừa đưa một tin đáng lưu ý: Ngày càng nhiều công nhân Việt Nam nhập cảnh bất hợp pháp sang đất Trung quốc để lao động kiếm sống.

Bài báo trưng dẫn trường hợp của cô Lý Hải, 18 tuổi, vừa bị bắt tại khu tự trị Quảng Tây. Cô cho biết đã làm việc hai năm cho một cửa hàng điện thoại di động ở tỉnh Hải Nam. Cô và những người đồng cảnh sẽ bị trục xuất về Việt Nam. Tuy nhiên, cô Hải nói cô sẽ quay lại với một chiếu khán xuất cảnh đàng hoàng để làm việc, vì chủ của cô ở thành phố Hải Khẩu vừa hứa sẽ tăng lương cho cô. Cô cũng cho biết là lương của cô ở Trung quốc là 800 nhân dân tệ một tháng, trong khi nếu làm việc ở Việt Nam, cô chỉ đựơc trả tối đa là 450 nhân dân tệ, tức khoàng một triệu ba trăm ngàn đồng VN thôi.

Một viên chức biên phòng ở Quảng Tây sát với Việt Nam cho biết là từ đầu năm ngoái đến nay, đã bắt 1.820 di dân bất hợp pháp, ngăn chặn tại biên giới 4.839 và trục xuất về Việt Nam 2.218 người. Tuy nhiên, một viên chức an sinh xã hội tại thành phố Trùng Tá của Quảng Tây tiết lộ, riêng thành phố này đã có ít nhất 10.000 di dân lậu. Họ làm việc tại các xí nghiệp cũng như tại nông thôn. Khá nhiều nông dân đã bỏ ruộng vườn, và nhiều công nhân đã rời bỏ các xí nghiệp nhỏ ở địa phương để ra thành phố lớn mưu tìm cuộc sống khá hơn, nên tình trạng thiếu nhân công trở nên nghiêm trọng. Trong khi công nhân Trung quốc đòi ít nhất 80 nhân dân tệ, tức khoảng 222.000 đồng Việt Nam cho một ngày lao động, thì một di dân Việt nam chỉ cần một nửa số đó là vui lắm rồi.

Người nông dân và công nhân Việt Nam phải rời bỏ quê hương, gia đình để lén lút sang lao động nơi xứ người với những điều kiện mà chính người bản xứ chê. Ngừơi thiếu nữ Việt Nam cũng phải rời bỏ ruộng vườn, gia đình và có thể là cả người yêu nữa để lấy chồng xa xứ. Đó cũng là những người mà phụ nữ bản xứ chê có khi vì họ nghèo quá, mà cũng có khi vì họ mang dị tật hoặc cả hai.

Hai nét chấm phá ấy vào bức tranh toàn cảnh của người Việt Nam hiện nay khiến bức tranh trở nên lạ, vì chưa bao giờ thấy trong lịch sử, nhưng nét lạ này sao buồn quá!

.