You are here

Cần tôn trọng quyết định của TS. Cù Huy Hà Vũ

Trong những ngày gần đây tin TS. Luật Cù Huy Hà Vũ đã được trả tự do và đã đến Hoa kỳ để chữa bệnh đã thu hút sự quan tâm của dư luận trong và ngoài nước. Tuy nhiên về phía báo chí chính thống của Việt Nam cho tới nay hoàn toàn im lặng trước sự kiện này. Đây có thể coi là một lùi bước của chính quyền Việt nam đối với phong trào đấu tranh cho dân chủ, cho dù vì bất kỳ lý do nào.

Tuy nhiên, tin TS. Luật Cù Huy Hà Vũ đã được trả tự do và đã đến Hoa kỳ để chữa bệnh ngày 7.4.2014 là một tin được coi là bí ẩn, đặc biệt là về nguyên nhân sâu xa mà phía Việt nam đã phóng thích ông từ trại giam ra thẳng phi trường để xuất cảnh qua Hoa kỳ. Còn nhớ cách đây không lâu tin này đã được loan tải trên truyền hình của nhà nước Việt nam, khi một quan chức chính quyền Việt nam cho hay phía Việt nam đang làm thủ tục cho ông Cù Huy Hà Vũ xuất cảnh đi Hoa kỳ chữa bệnh theo nguyện vọng cá nhân. Song vào lúc ấy kể cả những người thân nhất của ông Cù Huy Hà Vũ cũng không xác nhận tin này là có cơ sở. Cho đến ngày 07.4.2014 một số cơ quan truyền thông Việt ngữ có loan tải tin này, song ban đầu họ cũng không khẳng định là tin chính thức, mà các thông tin khi đưa ra theo họ nguồn tin đến từ dân biểu Ed Royce, Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Hoa kỳ.

 

TS. Cù Huy Hà Vũ trở nên nổi tiếng sau một loạt các việc làm nhằm bảo vệ công lý và các vấn đề tư pháp đã gây xôn xao dư luận. Đó là các vụ kiện các cơ quan và cá nhân các lãnh đạo mà theo ông là vi phạm luật pháp Việt nam, như dự án xây dựng khách sạn trên đồi Vọng Cảnh, dự án tái dựng đền Cẩu Nhi ở hồ Trúc Bạch, đặc biệt ông được dư luận chú ý đến sau khi đệ đơn kiện thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng về việc ký quyết định cho phép Trung Quốc khai thác quặng bauxite ở Tây nguyên và về hành vi ban hành nghị định cấm công dân khiếu nại tập thể, trái với Hiến pháp và pháp luật. Và kết quả cuối cùng là ông đã bị bắt từ ngày 5 tháng 11 năm 2010 với cáo buộc “Tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam” theo điều 88 – Bộ luật Hình sự. Đáng chú ý trong đó việc kiện thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng của ông bị cho là hành vi vu khống lãnh đạo. Dư luận xã hội cho rằng đây là nguyên nhân chính khiến ông bị bắt và bị kết án 7 năm tù và 3 năm quản chế tại một phiên xét xử vội vã và đầy khuất tất vào tháng 4 năm 2011.
 

Hai vợ chồng TS Cù Huy Hà Vũ tại sân bay Dulles, Washington DC

Việc trả tự do trước thời hạn hơn 3 năm rưỡi đối với TS. Luật Cù Huy Hà Vũ được nhiều ý kiến cho rằng đó là sự đánh đổi của chính quyền Việt nam trong vấn đề Hiệp định Đối tác Kinh tế Chiến lược xuyên Thái Bình Dương (Trans-Pacific Strategic Economic Partnership Agreement - viết tắt TPP). Điều này khá phù hợp với việc phía chính quyền trả tự do cho thầy giáo Đinh Đăng Định và tù nhân thế kỷ Nguyễn Hữu Cầu, người đã thụ án tới 37 năm trong nhà tù của chính quyền cộng sản. Bên cạnh đó cũng có ý kiến cho rằng sự việc này xảy ra trong bối cảnh sự thừa nhận những thất bại ban đầu của Dự án khai thác bauxite trên báo chí trong thời gian gần đây, phải chăng là một sự thừa nhận chính thức rằng chính quyền đã sai khi kết án oan sai đối với công dân Cù Huy Hà Vũ? Nhưng dù gì đi chăng nữa thì đây cũng là một sự thắng lợi của phong trào đấu tranh cho dân chủ ở Việt nam và cũng là một sự nhượng bộ của chính quyền.
 
Tuy nhiên, xung quanh việc TS. Luật Cù Huy Hà Vũ đã được trả tự do và đã đến Hoa kỳ để chữa bệnh vừa qua dư luận cũng có những quan điểm khác nhau. Trên FB  của mình, Luật sư Nguyễn Văn Đài nhận định rằng: "Đây là một thất bại và mất mát của phong trào Dân chủ và những người dân đang khao khát tự do. Chúng ta đã không đủ sức mạnh để buộc chính quyền thả tự do cho Tiến sĩ Vũ tại Việt Nam. Để ông tiếp tục đóng góp cho tiến trình dân chủ hóa đất nước. Và là một thành công của chính quyền CS, bởi họ đã đạt được 2 mục tiêu: Đáp ứng đòi hỏi của quốc tế và trục xuất được một người kiên cường đấu tranh đòi đa đảng.". Theo Luật sư Nguyễn Văn Đài chính quyền Cộng sản luôn luôn muốn những người bất đồng chính kiến với họ đi khỏi Việt Nam. Để họ được tự do cai trị hay áp bức nhân dân theo ý thích của họ. Hãy nghe ông tâm sự: "Bản thân tôi khi đang ở tù, an ninh nhiều lần hỏi, gợi ý thả tự do cho tôi đi nước ngoài, nhưng tôi không chấp nhận. Ngay cả hiện tại, mỗi lần làm việc với họ, họ đều bảo tôi sao không đi định cư để đỡ làm phiền họ. Nhưng tôi luôn nói với họ rằng: Những người dân Việt Nam đang khao khát tự do, dân chủ mới cần đến tôi, còn nước Mỹ đã có tự do, dân chủ hàng trăm năm rồi. Tôi sang đó sẽ thành người vô dụng".
 
Những tâm tư, bộc bạch của LS. Nguyễn Văn Đài thật là đáng quý và đáng trân trọng, song đáng chú ý đã đã có không ít người tỏ sự thất vọng trước việc TS. Luật Cù Huy Hà Vũ đã chấp nhận đi thẳng từ nhà tù ra sân bay Nội bài đến Hoa kỳ để tỵ nạn chính trị. Mà theo họ đó là việc chấp nhận ra đi khi biết rằng không có cơ hội quay trở lại Việt nam, đó là hành động đồng nghĩa với sự chấp nhận thoái lui, lùi bước của TS. Cù Huy Hà Vũ trên con đường tranh đấu của ông.
 
Thực ra luồng quan điểm này không chỉ mới phát sinh sau khi TS. Cù Huy Hà Vũ đã đến Hoa kỳ để chữa bệnh trong lần này, mà nó đã có từ lâu đối với tất cả những nhà đấu tranh dân chủ khác khi họ tự dành cho mình sự lựa chọn để ra đi tỵ nạn chính trị ở quốc gia khác. Và họ luôn bị mang tiếng khi bị gán cho là thoái lui, đầu hàng... để lo cho bản thân mình và gia đình một cuộc sống tốt đẹp hơn ở nơi xứ người. Mà ít người không biết rằng việc bỏ nước ra đi của các nhà đấu tranh dân chủ, các cựu tù nhân lương tâm là việc bất đắc dĩ mà họ buộc lòng phải chấp nhận, khi cuộc sống của họ và của gia đình họ bị chèn ép gây khó dễ từ phía chính quyền trong công việc làm ăn, việc cư trú, việc học hành của con cái v.v... Trong điều kiện họ không còn một sự lựa chọn tốt hơn cho mình, mà tỵ nạn chính trị ở quốc gia khác là lựa chọn khả dĩ nhất. Phải hiểu, đối với những người quyết định bỏ nước ra đi điều mà họ chấp nhận lớn nhất là ra đi sẽ không có ngày trở lại, đó là chưa nói đến biết bao rủi ro đang rình rập và chờ đón họ trên con đường đó. Và mọi người càng không biết rằng việc những người ở lứa tuổi như họ chấp nhận việc đưa cả gia đình vợ con đi định cư ở một bờ bến mới, trong khi không biết tương lai sẽ thế nào và cảm giác hụt hẫng của họ sẽ ra sao?
 
Nên hiểu "xảy nhà ra thất nghiệp", nước Mỹ, nước Úc... hay các quốc gia khác không phải là thiên đường dành cho những người tay trắng như họ. Nhất là khi rào cản lớn nhất đối với họ là vấn đề ngôn ngữ, khi họ và những người trong gia đình phải bắt đầu bằng các bài học vỡ lòng. Rồi thì công ăn, việc làm của họ sẽ ra sao chứ chưa nói đến muôn vàn các khó khăn trong việc hòa nhập với cộng đồng nơi mới đến định cư. Sự trợ giúp ban đầu của chính quyền nước sở tại hay sự giúp đỡ của bạn bè, người thân trong cộng đồng xã hội mới đến sẽ nhanh chóng hết đi. Thay vào đó, khi ấy những người như họ phải một mình tự thân vận động để mưu sinh và vật lộn với cuộc sống để tồn tại, nhất là trong một mặt bằng xã hội nhu cầu cần thiết cho cuộc sống khá cao thì càng đòi hỏi họ phải có nỗ lực nhiều hơn. Chúng ta cần phải hiểu đó là lý do vì sao đã có đến 90% trong số những nhà đấu tranh dân chủ, các nhân vật bất đồng chính kiến đã bỏ cuộc sau khi đi định cư ở các quốc gia khác. Và đây cũng là lý do khiến không ít người đã nghi ngờ về động cơ của những nhà tranh đấu cho dân chủ ở Việt nam khi lựa chọn ra đi tỵ nạn ở một quốc gia khác. Tất cả cũng vì vấn đề thời gian và sức lực của họ không cho phép họ thực hiện những điều họ mong muốn. Đã có không ít người đấu tranh dân chủ phải bộc lộ những khó khăn ngoài sự tưởng tượng mà trước đây họ không lường hết khi quyết định đi tỵ nạn chính trị ở quốc gia khác. Mà theo họ, ví dụ việc gọi điện thoại từ Việt nam sang Hoa kỳ của họ trước đây khi ở Việt nam nhiều khi còn dễ dàng hơn khi họ muốn gọi điện thoại từ tiểu bang này sang tiểu bang khác khi định cư ở Hoa kỳ. Hoặc muốn gặp mặt bè bạn để làm một công việc chung gì thì tất cả đều phải nghỉ việc, đó là điều ngay khi ở Việt nam họ cũng chưa từng gặp v.v... Đây là những sự thật mà ít người trong số chúng ta ngờ tới.
 
Mọi người sinh ra đều có quyền sống và quyền mưu cầu hạnh phúc. Những người đấu tranh cho dân chủ ở Việt nam cũng vậy, họ cũng có quyền lựa chọn cho mình và gia đình một cuộc sống an toàn hơn, tốt đẹp hơn. Ít nhất họ là những người đã từng chấp nhận hy sinh để tranh đấu cho một đất nước Việt nam tốt đẹp hơn và cái giá phải trả của họ là những năm tháng tù đầy. Chúng ta không có bất cứ quyền gì để buộc họ ở lại để tiếp tục tranh đấu, và càng không có quyền coi họ là những người bỏ cuộc hay thoái lui. Vì thử nghĩ xem trong số chúng ta đã có mấy người đã làm được những gì như họ đã từng làm hay chưa?
 
Cũng có những ý kiến cho rằng TS. Luật Cù Huy Hà Vũ không chỉ gặp những khó khăn khi hòa nhập với cuộc sống nơi mới đến, mà sẽ còn gặp không ít khó khăn khi hòa nhập cộng đồng người Việt nam ở Hoa kỳ, nơi có nhiều người chống cộng còn mang nặng hận thù quốc - cộng. Cũng vì bản thân ông là con cái của một trong những công thần của chế độ cộng sản,  và là người gần gũi với các lãnh tụ cộng sản. Và những người đó họ còn cho rằng đây là một trong những âm mưu có tính toán để hành hạ TS. Luật Cù Huy Hà Vũ về mặt tinh thần của chính quyền cộng sản sau khi ông đi định cư ở Hoa kỳ. Nhận xét này cũng là điều đáng quan tâm và là một trong những thử thách không nhỏ của TS. Luật Cù Huy Hà Vũ và những người trong gia đình trong thời gian định cư tại Hoa kỳ.
 
TS. Cù Huy Hà Vũ đã cống hiến và hy sinh quá nhiều trong công cuộc đấu tranh nhằm thiết lập một nhà nước pháp quyền, trong đó luật pháp phải được thượng tôn và bất khả xâm phạm ở Việt nam. Và việc ông quyết định cho mình đi chữa bệnh dài hạn ở Hoa kỳ, dẫu phần nào không có lợi cho phong trào đấu tranh cho dân chủ bằng việc ông có mặt ở trong nước như nhiều ý kiến đã nêu. Nhưng những quyết định của ông, do ông và vì ông trước mắt xứng đáng được tôn trọng và chúng ta không có quyền ngăn cản hay thất vọng về việc đó. Riêng cá nhân tôi khi xem hình ảnh TS. Cù Hùy Hà Vũ và vợ tại sân bay Dulles, Washington DC (ảnh). Trên gương mặt ông tôi thấy có sự vững vàng của một con người có nghĩa khí và bản thân tôi có một niềm tin rằng ông sẽ là trong số 10% những nhà đấu tranh dân chủ đi tỵ nạn ở Hoa kỳ sẽ tiếp tục sứ mệnh tranh đấu của ông đang còn dở dang. Và chắc chắn rằng ông sẽ không bỏ cuộc, vì tôi tin rằng một người hội đủ các yếu tố cần có như TS. Cù Hùy Hà Vũ sẽ không dễ mà tự bỏ cuộc chơi.
 
Xin chúc TS. Cù Huy Hà Vũ sẽ toại nguyện với những gì ông đã ấp ủ!
 
Ngày 09 tháng 04 năm 2014
 
© Kami
 
* Đây là trang Blog cá nhân của Kami. Bài viết không thể hiện quan điểm của Đài Á châu Tự do RFA