Là một người đã từng bị bắt giữ vì điều 258 Bộ luật Hình sự, "Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân", tôi đặc biệt quan tâm đến phiên xét xử blogger Trương Duy Nhất.
Với cáo trạng đã nêu ông Trương Duy Nhất đăng tải 11 bài viết của bản thân và 1 bài viết của người khác làm "giảm uy tín, mất lòng tin của nhân dân đối với cơ quan Đảng, Nhà nước, tổ chức, xã hội và công dân" dễ dàng khiến người ta liên tưởng đến hình ảnh của những người bất đồng chính kiến khác đã bị chụp mũ và bị tống giam bởi điều 88 và điều 79 BLHS.
Khác ở đây là ông Nhất đã từng là đảng viên, là người trong hệ thống truyền thông được xem như công cụ tuyên truyền của đảng Cộng sản. Ông Nhất không thể là một tên “phản động” như những gì mà hệ thống chính trị trước đây đã tô vẽ để bắt giam những người không phải là đảng viên.
Câu hỏi đặt ra nghiêm túc cho tất cả những người đã đọc blog Trương Duy Nhất, đặc biệt là 11 bài viết trong cáo trạng đã nêu là liệu ông Nhất có được quyền nói những điều mình nghĩ và chia sẻ nó với người khác bằng Internet hay không?
Người ta đặt ra nhiều giả thuyết về việc ông Nhất bị bắt giam, tôi không quan tâm đến điều đó. Cái tôi quan tâm là ông Nhất đã “mở miệng” và ông bị “bịt miệng” một cách thô bạo.
Có mặt tại phiên xử blogger Trương Duy Nhất tại Toà án nhân dân Thành phố Đà Nẵng hôm ngày 4/03/2014, chứng kiến cảnh công an phân bổ lực lượng để canh gác và theo dõi những người có ý muốn tham gia phiên toà công khai này tôi nhận thấy một điều ở đất nước này, họ sợ những con người “mở miệng” và sợ phải thấy sự ủng hộ công khai những người ấy.
Trương Duy Nhất không phải là một nhà hoạt động, toàn bộ những hoạt động của ông bị kết tội đều diễn ra trên mạng xã hội, vì vậy, ngoài những người thân mong ngóng được thấy ông trước phiên toà để động viên tinh thần còn có bạn bè ông, những văn nghệ sỹ, những nhà báo, và nhiều blogger khác có mặt trước cổng toà.
Tôi nghĩ, họ đến, không phải chỉ vì cá nhân Trương Duy Nhất, mà còn là để khẳng định chính kiến của mình.
Họ đến để bảo vệ quyền lên tiếng của mình dù biết sẽ bị bao vây giữa lực lượng an ninh thường phục với đủ máy móc thiết bị ghi hình.
Họ dừng xe dăm ba phút để hướng về cổng toà không chỉ vì Trương Duy Nhất, mà còn để chứng kiến cảnh dàn binh bố trận của những người cầm quyền sẵn sàng bịt miệng người khác.
Họ cần thấy điều mà những khác mở miệng đã trả giá cho tự do ngôn luận.
Và quan trọng hơn hết là họ cần biết có rất nhiều người đã bước ra khỏi sự sợ hãi ngày hôm qua.
Quan sát và chia sẻ với vài người thân của blogger Trương Duy Nhất tôi biết gánh nặng cơm áo gạo tiền vẫn còn là áp lực cuộc sống với những người có lien quan đến anh. Tôi muốn xiết chặt tay chị Phượng, vợ anh Nhất, chỉ để nói rằng tôi khâm phục chị, và tôi đã đến theo lời mời tham dự phiên toà công khai của chị dù chỉ được đứng ở ngoài.
Trương Duy Nhất không hề cô đơn, khi người thân anh chờ đợi từ sáng sớm đến trưa chỉ để hét lên: “Nhất ơi, can đảm lên con”.
Anh không hề đơn độc khi có một người vợ luôn tin tưởng vào việc chồng mình làm.
Và anh sẽ không lẻ loi khi bạn bè tin rằng anh có quyền được nói điều mình nghĩ.
Tôi đã thấy nhiều người bước ra khỏi sự sợ hãi, để nói điều mình nghĩ qua phiên toà xử Trương Duy Nhất.
Tôi đã thấy nhiều người ngập ngừng muốn tìm hiểu và thấy phân vân với cách nhà cầm quyền sử dụng lực lượng canh gác phiên toà.
Hôm nay người ta có thể kết án Trương Duy Nhất một cách tuỳ tiện bằng bản án 2 năm tù và Chúng Ta im lặng, thì ngày mai hay ngày kia, mức án ấy có thể tăng lên bởi đã thành tiền lệ, thành thói quen.
Trương Duy Nhất cương quyết khẳng định mình vô tội trước toà để bảo vệ quyền được nói của mình.
Và tôi hy vọng được thấy tập hợp những người không sợ hãi ngày càng đông hơn để bảo vệ quyền của chính mình.
Bài bình luận gần đây