You are here

Hai đề xuất của giáo sư Phạm Cao Dương về biển Đông

Sau hội nghị về biển Đông tổ chức tại Philadelphia mới đây, một số nhà trí thức Việt Nam tại hải ngoại đã nêu ý kiến về tên gọi của vùng biển đang là nơi dĩên ra tranh chấp chủ quyền giữa nhiều quốc gia trong đó có Trung quốc và Việt Nam. Theo các vị này, trong đó có tiến sĩ Vũ Quang Việt, Ngô Văn Tuấn, giáo sư Ngô Vĩnh Long, thì nên đặt tên cho vùng biển này là biển Đông Nam Á, thay vì biển Đông như Việt Nam vẫn gọi, hay biển Nam Trung Hoa như tên thường gọi. Sau đây là ý kiến của tiến sĩ Sử học Phạm Cao Dương đang sinh sống tại California, Hoa kỳ:
Nguồn: BBC
http://www.bbc.co.uk/vietnamese/forum/2010/04/100406_phamcaoduong_southc...
Tên South China Sea hay Mer de Chine cần phải được thay thế bằng Southeast Asia Sea hay Mer de l’Asie du Sud-Est hay BIỂN ĐÔNG NAM Á
Đây là một vấn đề lẽ ra phải được nêu lên từ lâu nhưng hầu như ít ai để ý đến hoặc chưa có dịp. Thời điểm hiện tại rất tốt, có thể coi là ngàn năm một thuở vì Việt Nam trong năm 2010 là chủ tịch luân phiên của Hiệp Hội Các Quốc Gia Đông Nam Á (ASEAN), đồng thời trong tháng 4 này cuộc họp thượng đỉnh của Hiệp Hội sẽ diễn ra ở Hà Nội. Với tư cách chủ nhà và ở cương vị chủ tịch, nhà nước Cộng Sản Việt Nam có thể đưa ra đề nghị để hội nghị cứu xét và thông qua. Có nhiều lý do phải đổi tên:
Thứ nhất: Tên South China Sea (Biển Nam Trung Hoa) trong tiếng Anh và tên Mer de Chine (Biển Trung Hoa) trong tiếng Pháp không thích hợp với thực tại địa lý nói chung của biển này. Chúng đã được đặt ra và được chấp nhận từ nhiều thế kỷ trước, khi người Âu Châu mới tới vùng này. Lúc đó họ đã biết hay đã quen với Trung Quốc nhiều hơn là với các xứ Đông Nam Á đương thời, trong khi trên thực tế biển này ba mặt phía nam, phía tây, phía đông được vây quanh bởi các nước Đông Nam Á, chỉ một phần phía bắc là tiếp giáp với Trung Quốc. Khi một danh xưng do người ngoài đặt cho và không hợp lý với thực tại dịa phương, người ta cần phải đổi đi cho hợp lý hơn thay vì để nguyên một cách thụ động và cứ thế mà dùng từ đó gây ra những hiểu lầm lẽ ra có thể tránh được. Nên để ý là Indonesia xưa kia bị gọi là Nam Dương quần đảo. Sau khi độc lập nước này đã được đổi tên là Indonesia.
Thứ hai: Biển này nằm ở giữa các quốc gia Đông Nam Á, trong tương lai, với đà phát triển trên nhiều mặt của Hiệp Hội ASEAN, sẽ là một cái hồ, một thứ Địa Trung Hải của toàn vùng. Nó sẽ giúp cho mọi sự tiếp xúc, trao đổi và hợp tác, nói chung, từ kinh tế, tài chánh, thương mại đến văn hóa, giáo dục… được dễ dàng vì giao thông bằng đường thủy luôn luôn dễ dàng với những số lượng lớn hơn gấp bội so với đường bộ hay đường hàng không nếu người ta biết tổ chức và khai thác. Tên South China Sea hay Mer de Chine không nói lên được tầm quan trọng này, chưa kể tới những ý nghĩa tiềm ẩn cò thể bị khai thác của hai chữ China hay Chine trong hai danh xưng này.
Thứ ba: Đổi tên từ South China Sea hay Mer de Chine thành Biển Đông Nam Á không có nghĩa là ta từ bỏ danh xưng Biển Đông hay Đông Hải của Việt Nam vì Biển Đông hay Đông Hải là những tên riêng của người Việt để dùng trong nội bộ mình. Các nước khác chắc chắn cũng có những tên riêng của để gọi biển này của họ. Vì là của riêng người ta vẫn có thể tiếp tục dùng những danh xưng này như những danh xưng truyền thống với những ý nghĩa vừa đúng với vị trí của biển này đối với người dân địa phương, vừa tình cảm của chúng. Southeast Asia Sea hay Mer de l’Asie du Sud-Est sẽ chỉ là những danh xưng quốc tế thích hợp hơn để dùng trên các văn kiện hay trong các buổi họp quốc tế, trên các địa đồ thế giới và cho các nước không nằm trong vùng.
Thứ tư: Dùng danh xưng Biển Đông Nam Á hay Southeast Asia Sea hay Mer de l’Asie dư Sud-Est sẽ giúp cho các học giả, các nhà ngoại giao, các chính khách Việt Nam, mỗi khi phải tiếp xúc với thế giới bên ngoài, tránh được sự khó chịu khi phải dùng những tên vừa không do mình đặt ra vừa không đúng với thực tại địa lý mà còn hàm chứa ảnh hưỏng và sức mạnh quá lớn của Trung Quốc. Không những thế chúng còn mang các quốc gia Đông Nam Á lại gần với nhau hơn, đồng thời có thể tạo ra cho người dân của các quốc gia này một ý thức mới, ý thức thuộc về một khối người có nhiều điểm tương đồng, có những quyền lợi chung cần được khai thác với nhau trong hòa bình và cùng nhau bảo vệ nhất là trong phạm vi môi trường thiên nhiên vào lúc Trung Quốc đang nỗ lực kỹ nghệ hóa các tỉnh đông nam của họ.
Kết luận: Với những lý do trên đây, và còn nhiều lý do khác nữa mà người viết, trong một bài báo ngắn gọn hay vì nhất thời tế nhị, không thể kể ra hết, việc thay thế các danh xưng South China Sea trong tiếng Anh và Mer de Chine trong tiếng Pháp bằng danh xưng Southeast Asia Sea hay Mer de l ‘Asie du Sud-Est là một việc làm cần thiết và thích hợp cho sự phát triển nhanh chóng và mỗi ngày mỗi thêm vững mạnh của Hiệp Hội Các Quốc Gia Đông Nam Á như người ta đã và đang thấy. Nó nói lên sự bình đẳng và ý chí kết hợp của các nước trong vùng. Ngưòi ta có thể không thích ý kiến quốc tế hóa các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa vì nó liên hệ tới chủ quyền về lãnh thổ và lãnh hải của riêng từng nước, nhưng người ta có thể chấp nhận, nếu không nói là hoan nghênh việc làm này như một cái tên thuần túy và đơn giản. Các quốc gia Đông Nam Á đã có một tổ chức chung; đã đến lúc các quốc gia này phải có một cái gì cụ thể chung. Một vùng biển chung mang danh Biển Đông Nam Á ít ra qua danh xưng của nó là biểu tượng cho cái gì chung đó vậy. Trở về với Việt Nam. Như đã nói ở trên, năm nay Việt Nam sẽ là chủ tịch luân phiên của Hiệp Hội Các Quốc Gia Đông Nam Á và tháng tư này Hội Nghị Thượng Đỉnh của hiệp hội này sẽ được tổ chức ở Hà Nội. Đây là dịp hiếm có để nước chủ nhà đưa ra sang kiến này. Cần phải được nhắc lại là tên Biển Đông Nam Á nếu được chấp nhận chỉ là tên gọi một vùng biển nằm giữa khu vực Đông Nam Á cho hợp lý mà thôi. Nó không có nghĩa là một sự quốc tế hóa biển này và nhất là không có liên hệ gì tới các chủ quyền lãnh thổ hay lãnh hải gì hết vì chủ quyền về lãnh thổ hay lãnh hải là do quốc tế công pháp, những luật về mặt biển, về thềm lục địa qui định dựa trên các yếu tố địa lý, lịch sử…