Lê Diễn Đức
Hơn 44 năm dưới ách cai trị của chế độ cộng sản, ngày 13/12/1981 là ngày đánh dấu một gia đoạn đau thương, nó được mang ra bàn cãi và còn nhiều điểm đến nay vẫn chưa đồng thuận.
Từ khi chế độ cộng sản sụp đố (năm 1989) hàng năm người Ba Lan vẫn kỷ niệm ngày 13/12 như là một biến cố lịch sử không thể nào quên. Còn rất nhiều người đan sống là nhân chứng của biến cố này.
Vào năm 2006, tại quốc hội Ba Lan, A. Kwasniewski, một cựu bộ trưởng thời cộng sản, Tổng thống Ba Lan dân chủ, đã chính thức xin lỗi nhân dân và xem ngày này là một tội ác cộng sản.
Thiết quân luật hay còn gọi là tình trạng chiến tranh được đại tướng W. Jaruzelski, người đứng đầu đảng và nhà nước cộng sản Ba Lan, Chủ tịch Hội Đồng Quân Sự Cứu Nguy Dân Tộc, công bố vào đêm 13/12/1981 (đêm thứ Bảy qua Chủ nhật).
Lý do chính thức của tình trạng thiết quân luật là tình hình kinh tế trong nước xấu đi, từ tháng tư đến tháng mười năm 1981 lại tái thực hiện hệ thống phân phối hàng hoá bằng tem phiếu cho nhiều mặt hàng thiết yếu như thịt, bơ, chất béo, bột, gạo, sữa cho trẻ sơ sinh, v.v., thiếu nguồn cung cấp cho các cửa hàng và mối đe dọa an ninh năng lượng cho mùa đông sắp tới.
Lý do thực sự là nỗi sợ hãi bị mất quyền lực của chế độ cộng sản, tức là mất kiểm soát đối với phong trào công đoàn độc lập và các phe phái khác nhau trong Đảng Cộng sản không đi đến thỏa thuận về hình thức và phạm vi cải cách hệ thống chính trị và kinh tế, trong khi sụt giảm mạnh sự hỗ trợ công chúng cho chính sách của nhà cầm quyền. Theo một cuộc thăm dò xã hội vào thàng 6/1981, chỉ có 24% số người được hỏi tin tưởng vào chính phủ, còn tới 62% ủng hộ Công đoàn Đoàn kết.
Lý do quan trọng hơn là mối đe dọa can thiệp quân sự của các nước trong khối Hiệp ước Warszawa. Tuy nhiên, trong ngày 13/12/1981, sau khi ban hành thiết quân luật, không thấy có sự di chuyển nào của quân đội Xô Viết. Bộ Ngoại giao Mỹ cũng đã ban hành một tuyên bố trong đó nói rằng "không thấy dấu hiệu di chuyển của quân đội Liên Xô".
Vào ngày 10 /12 tại Moscow, trong cuộc họp của Bộ Chính trị đảng Cộng sản Liên Xô, chính quyền Xô Viết tuyên bố rằng, sự can thiệp ở Ba Lan được coi như là một phương sách cuối cùng, chỉ trong trường hợp các lực lượng an ninh, quân đội và Đảng Cộng sản Ba Lan không thể đối phó với tình hình, nơi người ta lo ngại cuộc cách mạng chống Liên Xô trong quân đội Ba Lan. Trong cuộc họp, Yuri Andropov, uỷ viên Bộ Chính trị, đã phản đối mạnh mẽ sự can thiệp của Liên Xô vào Ba Lan. Ông nói:
"Chúng ta không thể mạo hiểm. Chúng ta sẽ không có ý định đưa quân vào Ba Lan. Đây là lập trường đúng đắn và chúng ta phải giữ đến cùng. Tôi không biết làm thế nào trong trường hợp tình hình phát triển của Ba Lan, nhưng ngay cả khi Ba Lan thuộc quyền kiểm soát của "Đoàn kết", thì cũng chỉ biết như thế. Và nếu các nước tư bản sẽ tấn công Liên Xô, họ đã có sự sắp xếp thích ứng tất cả các biện pháp trừng phạt kinh tế và chính trị, đối với chúng ta sẽ rất nặng nề. Chúng ta cần lo ngại cho đất nước của chúng ta, cho việc củng cố của Liên Xô. Đây là dòng chính của chúng ta".
Kể từ giữa năm 1981 Liên Xô đã khẳng định giải quyết tình hình chỉ bằng "lực lượng quốc gia" (quân đội Ba Lan và lực lượng an ninh), bởi vì vào thời điểm đó đang có sự can thiệp tốn kém của Liên Xô ở Afghanistan. Ủy ban Trung ương Cộng sản Liên Xô đã bị thuyết phục rằng sự can thiệp quân sự vào Ba Lan ngay sau khi cuộc xâm lược Afghanistan, sẽ làm giảm triển vọng một cuộc chạy đua vũ khí toàn cầu và các lực lượng chiếm đóng của Liên Xô sẽ đối mặt với khó khăn nghiêm trọng sau khi có sự can thiệp, sẽ gặp phải kháng ngầm trong nước.
Theo sử gia Nga Rudolf Pichoji, qua các tài liệu lưu trữ của Liên Xô, sự can thiệp của quân đội Xô Viết đã không được đề cập tới, chỉ phía Ba Lan yêu cầu, tức tướng Wojciech Jaruzelski. Pichoji cũng cho hay rằng, phía Liên Xô đã không được thông báo về quyết định áp đặt thiết quân luật hay ngày dự kiến tiến hành.
Chính quyền cộng sản đã cho thấy đối thủ chính trị của họ mới là nguyên nhân của tình trạng này, thông qua sử dụng gần như độc quyền trong các phương tiện truyền thông đại chúng nhà nước (đài phát thanh , truyền hình , báo chí) - tuyên truyền mạnh mẽ, phá hoại Công đoàn Đoàn kết", tìm cách làm mất uy tín của nó trong con mắt của xã hội. Các phương tiện truyền thông đại chúng giả mạo và dối trá, thường thao tác các khẩu hiệu sô-vanh. Trong khí đó, phe đối lập với phương tiện nhỏ hơn nhiều, đã phổ biến rộng rãi một mô hình hấp dẫn, cáo buộc chính phủ áp đặt một "nền cai trị mới" hay "chiến tranh với nhân dân".
Thiết quân luật đã được đưa ra 16 tháng sau hàng loạt cuộc đình công trong những năm 1980 dẫn đến việc thành lập Công đoàn Đoàn kết và làm tan băng chính trị ở Ba Lan.
Đã có 70 ngàn binh sĩ quân đội, hàng chục ngàn lính dự bị đặt trong thế sẵng sàng, 30 ngàn viên chức thuộc Bộ Nội vụ, 1.750 xe tăng và 1.400 xe bọc thép, 500 chiến xa, 9.000 xe ô tô, một số phi đội máy bay trực thăng và máy bay vận tải được huy động cho đợt đàn áp. Liên lạc điện thoại bị vô hiệu hóa, giới nghiêm từ 19 giờ đến 6 giờ sáng, cấm công dân thay đổi nơi cư trú, ngưng phát hành báo chí (trừ báo của đảng và quân đội), phá sóng radio nước ngoài phát vào Ba Lan, đình chỉ công dân xuất cảnh, tạm thời đóng cửa các trường học...
Mười ngàn an ninh, mật vụ tham gia chiến dịch "Cây thông" bắt giữ những người được cho là nguy hiểm đối với an ninh quốc gia, đưa họ tới các nhà tù và những trung tâm giam giữ đã được chuẩn bị trước.
Chỉ riêng trong tuần đầu tiên của thiết quân luật, trong các nhà tù và trại giam đã có khoảng 5 ngàn người. Trong giai đoạn thiết quân luật, có khoảng 10 ngàn người bị bắt giữ trong 49 trại giam trên cả nước, đa số gồm các nhà lãnh đạo của Công đoàn Đoàn Kết, trí thức liên kết với họ và nhà các hoạt động đối lập dân chủ. Bốn ngàn người trong số này đã bị buộc tội và có án tù, hàng ngàn công nhân bị sa thải, gần 2.900 người tự tử trong năm 1981, hàng trăm ngàn người dưới 35 tuổi đã bỏ chạy khỏi Ba Lan sang các nước phương Tây.
Trong năm 2006, theo Viện Tưởng nhớ Quốc gia, một cơ quan được thành lập sau khi chế độ cộng sản bị sụp đổ, chuyên điều tra tội ác chống lại Ba Lan, số người chết do bị bắn hoặc bị đánh đập trong giai đoạn 1981-1989 khoảng 100 người.
Ngày 16/3/2011 Toà án Hiến pháp của Ba Lan dân chủ đã phán quyết việc ban hành tình trạng chiến tranh đã vi phạm các nguyên tắc về tính hợp pháp của chính hiến pháp của nhà nước cộng sản bấy giờ.
Quy mô đàn áp của nhà cầm quyền Ba Lan lớn và tàn bạo như vậy nhưng không dập tắt được phong trào đấu tranh. Ngay trong thời gian thiết quân luật, các cuộc biểu tình vẫn nổ ra.
Trong ngày quốc tế Lao động 1/5/1982 hàng chục ngàn người đã xuống đường phản đối tình trạng thiết quân luật với biểu ngữ "Thiết quân luật là bất hợp pháp".
Ngày 31/8/1982, người Ba Lan đồng loạt xuống đường biểu tình tại 34 tỉnh thành, kỷ niệm 2 năm này ngày ký "Thoả thuận Tháng Tám", là thoả thuận mà trong đó nhà nước cộng sản cho phép Công đoàn Đoàn kết hoạt động hợp pháp. Hơn 5.000 người đã bị bắt giữ, 3.000 người bị tòa án buộc các tội khác nhau, một số tờ báo bị đóng cửa và 800 nhà báo bị sa thải.
Thế giới lên án mạnh mẽ và cô lập Ba Lan. Mỹ và nhiều nước phương Tây tuyên bố bao vây kinh tế Ba Lan, nhưng đồng thời viện trợ tiền bạc, vật chất cho Công đoàn Đoàn Kết.
Ngày 22/07/1983 nhà cầm quyền cộng sản buộc phải tuyên bố chấm dứt tình trạng chiến tranh và giải thể Hội Đồng Quân Sự Cứu Nguy Dân Tộc.
Cuộc tranh đấu với chế độ cộng sản quyết liệt vẫn tiếp diễn và tới tháng 6/1989, tức 6 năm sau khi tình trạng thiết quân luật được bãi bỏ, những người cộng sản mới chấp nhận ngồi vào bàn tròn đàm phán. Ngày 4/09/1989 cuộc bầu cử tự do đầu tiên trong các nước cộng sản được tiến hành, khởi đầu cho sự sụp đổ toàn bộ hệ thống cộng sản tại châu Âu.
Thời gian thiết quân luật chứng minh cho chúng ta thấy rằng, chẳng có chế độ độc tài cộng sản nào ôn hoà. Để giữ chế độ, nhà cầm quyền sẵn sàng dùng bạo lực với quy mô lớn, quân đội cũng được bổ sung vào lực lượng đàn áp. Càng gần đến ngày sụp đổ, nhà cầm quyền càng hung hăng và tàn bạo hơn.
Tuy nhiên, bạo lực đã không làm lùi bước ý chí tranh đấu. Người Ba Lan đã chịu dấn thân, hy sinh, tù đày. Trong hơn một năm rưỡi, số người bị bắt giam và có án tù lên tới 10 ngàn, đã nói lên rằng, cái giá của tự do rất đắt và cuộc tranh đấu vì dân chủ đòi hỏi một tinh thần bền bỉ, kiên cường.
Ở Việt Nam, một cuộc biểu tình chỉ bao gồm mấy chục người, an ninh mật vụ với con số gấp hai ba lần, gom vào một chuyến xe buýt chở đi là chấm dứt, thật chẳng có nghĩa bao nhiêu. Thực chất đây chỉ là một cuộc tập họp nhỏ tự phát của những người yêu nước, thiếu hẳn sự vận động quần chúng, hoặc quần chúng là một bầy đàn sống trong sợ hãi, thờ ơ với thời cuộc, ngu lâu không thể thuyết phục được. Con đường vì dân chủ, tự do của Việt Nam, vì thế, còn rất dài.
© Lê Diễn Đức - RFA
Bài bình luận gần đây