You are here

NGÀY CÀNG NHIỀU NHỮNG CHUYỆN…KHÔNG GIỐNG AI! (NHẬT HIÊN ghi nhận)

Có vẻ như càng ngày xã hội Việt Nam càng có nhiều chuyện nghịch lý, tréo ngoe, cười ra nước mắt mà người dân các nước khác nếu có tình cờ được biết chắc cũng không thể nào tin được! Mục điểm blog tuần này xin được điểm qua một số những “chuyện không giống ai” đang làm cho công luận bức xúc trong thời gian gần đây. CÔ GIÁO VÀ CÁCH TRỪNG PHẠT HỌC TRÒ…HẾT SỨC PHẢN SƯ PHẠM! Bài viết trên báo VTC News cho biết: “Những ngày qua, nhiều phụ huynh và học sinh THPT Marie Curie (quận 3, TP.HCM) rất bức xúc trước hình phạt bất thường của một cô giáo dạy thể dục. Theo các em học sinh, trong các giờ học thể dục, để răn đe những học sinh nam phạm lỗi vì nghịch ngợm, cô giáo gọi em đó lại và dùng tay nhéo vào chỗ kín của em để “phạt”... Trong thư phản ánh gửi đến các cơ quan báo chí, độc giả đã gửi bức ảnh cận cảnh cô giáo đang thực hiện hình phạt với các nam sinh lớp 11A6 trước mặt các bạn học sinh nữ khiến các bạn nữ phải quay mặt đi vì không dám nhìn...” Cũng theo bài báo, khi trao đổi với báo chí, ông Nguyễn Văn Vân-Hiệu trưởng trường Marie Curie thừa nhận, đã được xem tấm ảnh và đã làm việc với cô giáo trong bức ảnh nhưng“Tôi cho rằng, hành động trên có lẽ chỉ là một sai sót nhỏ, vì vậy nhà trường đã yêu cầu cô làm kiểm điểm, rút kinh nghiệm”, ông Vân nói. Trong khi đó, chính cô Mai cũng thừa nhận việc làm của mình. Cô giải thích đó chỉ là hành động "thân mật", nhằm phạt khi các em có lỗi. Sau những phản ánh của phụ huynh và học sinh, cô Mai nhận lỗi: “Phương pháp này không đúng và sẽ rút kinh nghiệm". Còn trên blog quêchoa của nhà văn Nguyễn Quang Lập thì phê phán mạnh hơn: “Đây là bức ảnh sẽ đi vào lịch sử giáo dục nước nhà như một bằng chứng độc nhất vô nhị, vô tiền khoáng hậu về sự băng hoại đạo lý trong Nhà trường.” Nhà văn trích dẫn ý kiến của một số người trong ngành giáo dục: “GS Nguyễn Lân Dũng (Đại học Quốc gia Hà Nội) nói ” Theo tôi đây là một hành vi không thể chấp nhận được. Tôi cho rằng đây là việc làm rất phản cảm, làm mất uy tín giáo viên đó nói riêng và gây ảnh hưởng chung cho giáo giới. Tôi chưa từng chứng kiến sự việc tương tự nào như thế.” Còn nhà tâm lý Lê Thu Hiền, Giám đốc Trung tâm Tư vấn Người bạn tri kỉ thì nói:”Đó là một hành vi quá thô bạo. Hành vi này ảnh hưởng rất lớn tới tâm lý học sinh. Học sinh sẽ bị kích dục hơn. Có em thì bị mặc cảm, xấu hổ vì hành vi này diễn ra trước mặt bạn bè, bị xúc phạm thân thể nặng nề. Còn giáo viên đó chắc chắn sẽ bị coi thường. Tôi nghĩ giáo viên này không nên đứng lớp.” Tác giả cũng dẫn lời bào chữa nói trên của ông Hiệu trường trường với lời bình ngắn: “Miễn bình luận hu hu” QUAN CHỨC ĐI ĐÓNG PHIM Dưới tựa đề “ Ông cục trưởng đi đóng phim” nhà báo Phan Lợi tức blogger Bút Lông viết: “Không chỉ giới giải trí mà nhiều người quan tâm đến giá cả thị trường đang bàn tán về thông tin ông Nguyễn Tiến Thỏa, Cục trưởng Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính), chuẩn bị sang Trung Quốc để… đóng phim! Tin tức nói rằng từ 30-3, ông Thỏa sẽ đảm nhận một vai trong bộ phim “Vượt qua bến Thượng Hải”. Bộ phim được bấm máy từ 15-3, dự kiến sẽ quay hai tháng tại Chiết Giang và Thượng Hải (Trung Quốc), một tháng tại Việt Nam.” Vấn đề đáng nói ở đây là tình hình giá cả trên thị trường Việt Nam từ thực phẩm cho tới xăng dầu đang trong giai đoạn có nhiều biến động. “Hơn nữa, chỉ số giá (CPI) quý I-2010 tới 4,12% cho thấy nhiệm vụ từ nay đến cuối năm của cơ quan quản lý giá sẽ vô cùng nặng nề. Bởi vì muốn giữ CPI chín tháng còn lại chỉ tăng 2,88% đòi hỏi sự nỗ lực tột bậc, cả về công sức và thì giờ.” Tác giả kết luận: “Đã có hoa hậu, người mẫu, ca sĩ, võ sư, cầu thủ và cả luật sư, thẩm phán, kiểm sát viên… đi đóng phim, cho thấy sự hấp dẫn của màn bạc. Nhưng ở trường hợp này, điện ảnh Việt Nam có thể khiếm khuyết một tài năng nhưng những người đóng thuế thật khó chấp nhận tình hình giá cả đang dầu sôi lửa bỏng như vậy mà người quản lý lại đi vắng.” Blogger Hiệu Minh thì bình: “Túng tiền, lương thấp, làm nhà nước mà như thất nghiệp thì đóng phim cũng OK. Nhưng đang trong giàn “cầu thủ” của Thủ tướng, chức tước tầm cỡ, tiền lương và thu nhập chắc không kém, thế mà chuyển sang nghệ thuật thứ 7 mới là chuyện lạ.” Tác giả hài hước: “Gần đây, giá các loại mặt hàng đang có chiều hướng tăng, lạm phát tăng, nhập siêu tăng quá giới hạn cho phép. Vàng, đô la lên xuống thất thường như các em hoa hậu thay áo tắm trong hậu trường sàn diễn. …Quản lý giá cả tầm quốc gia mà để vượt ra khỏi tầm kiểm soát thì quản làm gì. Tốt hơn, để người ta đi làm việc khác như đóng phim cũng được. Thả nổi cho thị trường điều tiết, biết đâu giá xăng lại đứng yên hay lại xuống thì càng mừng. Trong 3 tháng thủ trưởng đi vắng mà giá xăng dầu giữ nguyên, 85 triệu dân VN không những hò reo mà còn dùng một phần tiền tiết kiệm do giá không tăng, gửi ổng mua thêm son phấn và quần áo cho vai diễn thành công.” Có lẽ quá bức xúc, blogger Bút Lông lại viết tiếp một bài khác “Ông cục trưởng phải từ chức trước khi đóng phim!”: “Thật thế, không thể nào khác nếu ông Nguyễn Tiến Thoả vẫn lên đường sang Trung Quốc đóng phim khi đương chức cục trưởng Cục Quản lý Giá. Theo như ông trả lời báo chí, 30-3 này ông vẫn sẽ lên đường để phục vụ mục tiêu chính trị, nhưng vẫn đảm nhiệm việc điều hành giá cả thông qua điện thoại và internet. Thế nhưng theo Bút Lông, diễn kém hay để giá tăng (do không chuyên tâm việc nào cả) không phải là lý do chính để yêu cầu ông này từ chức, mà là việc không thể tồn tại hai chức năng xung đột nhau về mặt pháp lý trong một con người và trong cùng một thời điểm.” Không chỉ nêu ra những nghịch lý khác như dù tham gia bộ phim với vai trò diễn viên phụ nhưng ông Thoả vẫn được nhận cát-sê và nhiều ân sủng khác như đài thọ chi phí đi lại, ăn ở, visa... trong suốt thời gian quay, theo tác giả, vấn đề chính yếu mà cũng hết sức “tế nhị” đó là bộ phim này được nhả nước đặt hàng nhằm phục vụ chính trị “nên Hãng phim và đạo diễn không thể “tự tung, tự tác” mà các bộ ngành liên quan phải tham gia quản lý. Ngoài Bộ VHTTDL “trông coi” về nội dung tư tưởng, nghệ thuật thì Bộ Tài chính cũng phải tham gia quản lý về mặt chi phí (theo quy định của Luật Điện ảnh và Nghị định 118/2008 về chức năng Bộ Tài chính).” Như vậy, việc ông Thỏa là cục trưởng Cục Quản lý giá mà đi làm diễn viên (phim nhà nước chi tiền) thì rõ ràng vẫn “dính” vào Luật phòng chống tham nhũng cấm cán bộ, công chức tham gia trong các lĩnh vực mà ông ta giải quyết hoặc tham gia giải quyết. Tác giả đặt câu hỏi: “Vậy khi ông đã làm diễn viên, đã nhận tiền diễn, đã ăn ở, đi lại bằng kinh phí do đoàn làm phim bỏ ra thì khi đứng vai cục trưởng phê duyệt các định mức chi phí mà đoàn trình lên ông có đứng về lợi ích nhà nước mà gạt đi những chi phí bất hợp lý hay không? Như vậy đã rõ, nếu vẫn quyết đi Trung Quốc đóng phim, ông Thoả nên từ chức cục trưởng để tránh bị anh em dị nghị và nhất là tránh bị xử lý theo Luật phòng chống tham nhũng. Dĩ nhiên lãnh đạo Bộ TC mà bao che thì cũng bị xử lý trách nhiệm liên đới.” Chưa hết, “Và nếu như có chuyện các nghệ sĩ điện ảnh (thuộc Hãng phim Hội nhà văn) mời một người chưa có kinh nghiệm diễn không phải vì tài năng mà chỉ vì phải “nịnh” ông cục trưởng để được quyết toán tiền ngân sách một cách dễ dàng thì hèn quá! Bài nầy ngầm lý giải vì sao những người làm phim lại chọn ông Cục trưởng Cục Quản lý giá. Dù vai “Anh Cả Đỏ” ổng đóng có ẹ tới đâu thì cái vai “tay hòm chìa khóa” cho ngân sách quốc gia chi cho phim cũng vẫn ngon.” Xem ra đây mới chính là lý do vì sao ông Cục trưởng được mời đi đóng bộ phim tốn hàng chục tỷ đồng này! LÃNG PHÍ TIỀN TỶ VÌ TẦM NHÌN NGẮN Nhà văn Nguyễn Quang Thân kể: “Nhà máy đóng tàu nọ nổi tiếng đóng được con tàu mười mấy vạn tấn, sung sướng ghi kỷ lục Guiness quốc gia. Sau mấy lần lỡ hẹn giao tàu, rồi cuối cùng cũng phải xong, người đóng tàu, chủ thuê đóng tàu và bàn dân thiên hạ, kể cả chúng ta thở phào vui mừng. Niềm vui này chắc là lớn hơn nhiều cô dâu mới kia khâu xong cái áo gối. Nhưng than ôi, gần đến ngày giao tàu mọi người mới giật mình “tỉnh ra”: không biết đưa tàu ra biển bằng cách nào đây vì luồng cũ không đủ cho tàu mới. Liều mà kéo ra thì tai vạ không biết đâu mà lường. Ai đi biển mới biết cái vạ lớn là mắc cạn! Tờ báo của ngành chủ quản cho biết: “ Các cơ quan chức năng đã phải vào cuộc như nới rộng luồng, nạo vét, bạt bớt luồng để tạo bán kính rộng hơn... tạo điều kiện tốt nhất để có thể đưa tàu ra khơi. Mọi công việc sẽ được hoàn thành trước 1 hoặc 2 ngày chính thức di chuyển. Tất nhiên, với một nỗ lực và tiền của không hề nhỏ!” (Báo GTVT điện tử 18/03/10) Báo không tiết lộ chỗ “tiền của không hề nhỏ” kia là bao nhiêu, nhưng chắc chắn là tiền dân đóng thuế. Vậy là thay vì mua giày to, người ta mua giày bé rồi gọt chân cho vừa dày! Đau!”. Nhà văn chua xót : “ Chuyện đại loại như thế này không hiếm ở xứ ta. Làm nhà máy đường thật lớn, thật nhiều vào rồi không có mía, mới gọi dân trồng mía, nhà máy đắp chiếu nằm chờ. Khai mỏ thật to trên rừng rầm rộ hàng năm nay mà vẫn chưa thấy đường sá đâu để đưa ra biển hàng mấy trăm ngàn tấn mỗi năm. Xây cầu lấn lộ giới đường bộ, phải gọt đường sâu xuống mới đủ độ tĩnh không cho xe. Vân vân. Tưởng là những chuyện anh ngốc, chị ngốc chỉ có trong kho truyện cổ. Nào ngờ ngày nay các anh chị vẫn còn tái xuất giang hồ! Khi những chuyện trái tai gai mắt trong xã hội cứ xảy ra với tần xuất ngày càng nhiều thì một điều hết sức đáng lo ngại là nó sẽ dẫn đến tình trạng người dân ban đầu còn bức xúc, phẫn nộ, sau trở nên quen dần đi đến mức chấp nhận sống chung với những điều nghịch lý nhất, và không còn muốn phản ứng nữa! NHẬT HIÊN. Nguồn: Á Châu Tự Do http://www.rfa.org/vietnamese/programs/ReadingBlogs/Odd-happenings-in-vi... .

Bài bình luận

Thì tóm lại với nổi lo âu, bức xúc của các blogger cũng đều là một chữ THAM với NHŨNG mà ra cả rồi, Khi thấy có CỤC mở ngon tất cả con vật háo mở đều lao tới !