You are here

Cho Tàu thuê đất, một mối hiểm nguy

Lê Diễn Đức

Tôi đã từng phân tích về cuộc xâm lược mềm của Trung Quốc đối với Việt Nam trong bài "Ba mũi tiến công của Trung Quốc", trên đất liền, trên biển và trên mặt trận văn hoá.
 
Trên đất liền, với thời hạn thuê 50 năm, gần 300 ngàn héc ta rừng đầu nguồn lọt vào tay Trung Quốc, êm nhẹ qua những cuộc trà dư tửu hậu và đống tiền to tướng được nằm tài khoản.
 
90% tồng thầu EPC, tức là thầu trọn gói các dự án kinh tế quan trọng nhất của Việt Nam, từ cung cấp thiết bị, công nghệ, lắp đặt, bảo trì. Trong mớ EPC này bao gồm cả việc khai thác bauxite trên mái nhà Đông Dương, tức cao nguyên chiến lược Tây Nguyên. Dự án vẫn được tiến hành chậm chạp, bê bối, không có hiệu quả kinh tế, phá huỷ môi trường, bất chấp mọi ngăn cản chí tình, chí lý của hàng ngàn trí thức trong, ngoài nước, của một số đại biểu quốc hội và cách mạng lão thành, trong đó có tướng Võ Nguyên Giáp.
 
Đường lưỡi bò chín đoạn bị Trung Nam Hải ngang nhiên áp đặt trên biển Đông, trong đó có quần đảo Hoàng Sa xâm chiếm năm 1974 và một phần Trường Sa xâm chiếm từ 1988.
 
Bắc Kinh cũng xâm nhập mặt trận văn hoá để phổ biến văn hoá Đại Hán, làm lu mờ các giá trị truyền thống Việt qua sách, phim ảnh. Viện Khổng Tử, trong chuyến công du Việt Nam của Thủ tướng Trung Quốc vừa qua, đã được thoả thuận thiết lập tại Hà Nội, là một trong những ý đồ táo bạo nhất cho mục đích truyền bá tư tưởng Đại Hán.
 
Nền kinh tế Việt Nam bị lệ thuộc Trung Quốc nghiêm trọng và khả năng chi phối kinh tế của Trung Quốc rất lớn. Từ chi phối kinh tế, đương nhiên sẽ có sức ép mạnh mẽ về chính trị.
 
Cuộc xâm lược mềm rõ ràng nằm trong mưu đồ thôn tính dần dần Việt Nam của Bắc Kinh. Tất cả mọi thứ được sự tiếp tay, hỗ trợ "đầy tình nghĩa anh em" của tập đoàn lãnh đạo Đảng Cộng sản Việt Nam (ĐCSVN).
 
Mối lo ngại này dân thường ít biết. Trên các phương tiện truyền thông đại chúng thường không được nói đến, chỉ khi việc đã rồi mới hay thì đã muộn màng. Ngay như việc cho thuê rừng đầu nguồn, chỉ khi quốc hội biết đến từ phản ứng dữ dội của dư luận, thì mới thấy. Nhưng mà suy cho cùng, quốc hội cũng chỉ là một cơ quan mang tính trình diễn do ĐCSVN lãnh đạo, thì có gây được ảnh hưởng gì đâu. Nói rồi cũng để đấy, mọi thứ lại chìm vào im lặng. Cá đã cắn câu, tiền đã trao, cháo đã múc, chẳng thể nào thay đổi được nữa.
 
Trong Hiến pháp 1992 sửa đổi, tại Điều 53 (sửa đổi, bổ sung Điều 17, Điều 18) quy định "Đất đai, tài nguyên nước, tài nguyên khoáng sản, nguồn lợi ở vùng biển, thềm lục địa, vùng trời, tài nguyên thiên nhiên khác và các tài sản do Nhà nước đầu tư, quản lý là tài sản công thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý".
 
Trên cơ sở này, thực chất toàn bộ tài nguyên đất được trao vào tay "Nhà nước", tức là  trao cho một nhóm lãnh đạo của ĐCSVN và bị nhóm người quyền lực này tuỳ nghi sử dụng, cấu kết với các băng nhóm lợi ích và quan hệ thân hữu, để trục lợi. Dân chúng hoàn toàn không có cơ hội can thiệp hay phản đối.
 
Điều 35 Luật Đất đai (sửa đổi) qui định: Nhà nước cho thuê đất thu tiền thuê đất hàng năm hoặc một lần cho cả thời gian thuê cho trường hợp người Việt Nam định cư ở nước ngoài, tổ chức, cá nhân nước ngoài thuê đất để thực hiện dự án đầu tư sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, nuôi trồng thuỷ sản, làm muối; làm mặt bằng xây dựng cơ sở sản xuất, kinh doanh; xây dựng công trình công cộng có mục đích kinh doanh; xây dựng kết cấu hạ tầng để chuyển nhượng hoặc cho thuê; hoạt động khoáng sản, sản xuất vật liệu xây dựng, làm đồ gốm; xây dựng nhà ở để bán hoặc cho thuê.
 
Điểm 3 điều 67 Luật Đất đai (sửa đổi) qui định: Thời hạn giao đất, cho thuê đất đối với tổ chức kinh tế để sử dụng vào mục đích sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, nuôi trồng thủy sản, làm muối; tổ chức kinh tế, hộ gia đình, cá nhân để sử dụng đất làm mặt bằng xây dựng cơ sở sản xuất, kinh doanh; tổ chức kinh tế để thực hiện các dự án đầu tư; người Việt Nam định cư ở nước ngoài, tổ chức, cá nhân nước ngoài để thực hiện các dự án đầu tư tại Việt Nam được xem xét, quyết định trên cơ sở dự án đầu tư hoặc đơn xin giao đất, thuê đất nhưng không quá 50 năm; đối với dự án có vốn đầu tư lớn nhưng thu hồi vốn chậm, dự án đầu tư vào địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn mà cần thời hạn dài hơn thì thời hạn giao đất, cho thuê đất là không quá 70 năm.
 
Được biết, theo tờ Sống Mới Online, Bí thư Thành ủy Quảng Ninh Phạm Minh Chính đã đề xuất "Trung ương", tức là lên người nắm quyền tối thượng về đất đai là Thủ tướng chính phủ, cho các doanh nghiệp Trung Quốc đầu tư trong lĩnh vực dịch vụ có thể thuê quyền sử dụng đất tới 120 năm khi trả tiền một lần. Trong một số dự án kinh doanh đô thị hiện đại, thời gian sử dụng đất có thể lên đến 99 năm, ngoài ra, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài thuê quyền sử dụng đất trong 70 năm được phép thế chấp để vay vốn đầu tư. Một số đối tượng người nước ngoài còn được đề xuất có quyền mua và sở hữu nhà ở dưới nhiều hình thức khác nhau.
 
Ông Chính còn cho biết, trước hết tỉnh Quảng Ninh sẽ đề nghị được áp dụng những chính sách này thí điểm ở Vân Đồn. Đi kèm với chính sách ưu đãi về đất đai ở Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh còn đề xuất các chính sách hỗ trợ đặc biệt về thuế như miễn 15 năm thuế nhập doanh nghiệp với dự án công nghệ cao; 20 năm với dự án dịch vụ; giảm 70% thuế thu nhập cá nhân trong 15 năm cho bất kể ai làm việc ở đây; miễn 100% thuế đối với các khoản thưởng hằng năm với lao động có trình độ cao…
 
Tờ báo cho biết thêm, "các đề xuất của Quảng Ninh đang nhận được sự đồng thuận từ các Bộ, ngành".
 
Vân Đồn thuộc tỉnh Quảng Ninh cũng chỉ là một địa danh như những địa danh khác, không có gì quá đặc biệt, không thể vì bất cứ lợi ích nào mà xé luật hiện hành, mặc dù "luật" cũng chỉ thứ "lệ" mà ĐCSVN tạo ra cho bộ máy cầm quyền. Thế nhưng, không thế tự mình lại phỉ nhổ vào mặt mình như thế.
 
Tờ Sống Mới cũng tỏ ra bức xúc:
 
 "Những đề xuất về hai đặc khu kinh tế của Quảng Ninh ở Móng Cái và Vân Đồn cộng với hàng loạt các chính sách ưu đãi tối đa về đất đai và thuế được đưa ra song song với chuyến thăm và làm việc tại Quảng Đông, Trung Quốc của bà Phó Bí thư Thường trực Đỗ Thị Hoàng với mục đích giới thiệu môi trường đầu tư và kinh doanh của tỉnh cho thấy, Quảng Ninh đang hướng về các nhà đầu tư Trung Quốc. Điều này khiến nhiều người lo ngại, nhất là trong bối cảnh Trung Quốc đang thể hiện một thái độ thiếu thiện chí trên Biển Đông nhằm chiếm đoạt các vùng lãnh hải hợp pháp của Việt nam. Không chỉ có vậy, thương lái Trung Quốc luôn để lại tai tiếng qua các hoạt động thương mại mang tính phá hoại đối với hàng nông lâm hải sản ở khắp các tỉnh thành của nước ta. Còn các nhà thầu xây dựng Trung Quốc cũng quá “nổi tiếng” với kiểu làm ăn bát nháo, bỏ của chạy lấy người. Liệu có thể tin tưởng được những nhà đầu tư kiểu như vậy khi vào Móng Cái hoặc Vân Đồn sẽ mang lại lợi ích cho nền kinh tế, xã hội của Việt Nam?
 
Với vị trí giáp ranh với Trung Quốc của Vân Đồn và Móng Cái, đề xuất mở toang cửa cho các nhà đầu tư nước ngoài – mà cận kề nhất là người Trung Quốc tới làm ăn của Quảng Ninh khiến nhiều người lo lắng. Với những nơi tiền tiêu trọng yếu này, việc rước người nước ngoài vào “trấn giữ” 120 năm quả thật quá mạo hiểm và chưa từng có trong lịch sử bảo vệ biên giới, lãnh thổ của nước ta".
 
Cho thuê 120 năm, trả tiền một lần, cộng với phí "bôi trơn" khủng, thế là êm đẹp tuyệt vời cho nhiệm kỳ của Bí thư Tỉnh uỷ.
 
Liệu nén bạc có đâm toạc tờ giấy? Liệu nén bạc có thể đâm rách cả luật đất đai? 90 triệu dân Việt Nam, đất hẹp người đông, liệu có còn miếng đất cắm dùi không? Nhưng vấn đề chính nằm ở chỗ, cho một kẻ luôn có mộng bành trướng, bá quyền, chiếm đoạt đất đai như Trung Quốc, với một thời hạn khủng khiếp như thế, đồng tiền có thể đánh đổi an ninh chủ quyền chăng?
 
© Lê Diễn Đức - RFA