.Một thực tế không thể chối bỏ là trong các vấn đề chính trị - kinh tế - xã hội - văn hóa... thì tỷ lệ những người quan tâm tới chủ đề chính trị là không nhiều. có lẽ chỉ 5-7% người dùng internet quan tâm. Để giải thích hiện tượng này thì có nhiều lý do, song bất kể lý do gì đi chăng nữa thì chính trị luôn tác động trực tiếp hoặc gián tiếp đến cuộc sống hàng ngay của mỗi người. Đó là điều nhiều người trong số chúng ta không biết và không quan tâm.
Trong số 5-7% những người quan tâm về chính trị cũng có thể thấy sự hiểu biết của mỗi người cũng khác nhau, và số những người có hiểu biết về chính trị phổ thông cũng không nhiều, kể cả những người đang hoạt động với tư cách chính trị gia hoặc tương tự như thế. Nếu một người có hiểu biết đủ về chính trị thì không cho phép mình được thổ lộ với bạn bè kiểu như "Chia đôi cái (đất) nước này ra, thằng nào thích theo CS thì ở một nửa. Thằng nào thích tự do thì ở một nửa". Hay là "Đốt hết Việt nam, hết CS thì làm lại" v.v.. Cần phải hiểu chính trị cũng có giới hạn của nó, do vậy đã là chính trị gia thì phải thận trọng trong mỗi lời nói, hành động của cá nhân mình. Và nhiều người không biết rằng những hành động như thế của họ đã khiến cho không ít người dân muốn tránh xa chính trị.
Vậy chính trị là gì?
Chính trị đơn giản là tất cả những hoạt động xoay quanh một vấn đề trung tâm đó là vấn đề giành, giữ và sử dụng quyền lực nhà nước của các nhóm cá nhân khác nhau. Nói cách khác nó là khái niệm liên quan đến việc tranh chấp và bảo vệ quyền lực. Và chính trị theo nghĩa rộng hơn là các hoạt động nhằm thiết lập, gìn giữ và điều chỉnh những luật lệ chung mà những luật lệ này tác động trực tiếp lên cuộc sống của tất cả mọi người. Nghĩa là chính trị luôn là sự giành và giữ quyền lực, để duy trì sự tồn tại của mình thì mỗi nhóm cá nhân phải sử dụng phương thức vận hành và quản lý xã hội bằng quyền lực Nhà nước. Phương thức đó chính là chính trị. Tuy nhiên ở xã hội dân chủ, khi quyền lực chính trị xuất phát từ dân chúng, quyền lực nhà nước được tạo lập để phục vụ xã hội và nó là kết quả của sự lựa chọn của đa số cử tri cho một hoặc nhiều nhóm chính trị thông qua cương lĩnh tranh cử. Song quyền lực nhà nước phải bị hạn chế bằng luật pháp và được giám sát bởi người dân thông qua các tổ chức xã hội, nghề nghiệp, tôn giáo... không phụ thuộc vào chính phu, mà người ta gọi nó dưới cái tên các tổ chức xã hội Dân sự. Đây chính là sự ưu việt của chính trị dân chủ tự do, ở đó mọi người dân đều có khả năng tham gia vào hoạt động quản lý Nhà nước một cách trực tiếp hoặc gián tiếp.tham gia gián tiếp thông qua những hoạt động của các tổ chức Xã hội - Dân sự.
Xã hội - Dân sự là cái gì?
Một tổ chức Xã hội Dân sự cũng là một hình thức Hội đoàn, nhưng phạm vi bao phủ của nó rộng rãi hơn và điều cốt yếu nó là mang tính tập hợp thành viên tham gia các hoạt động cụ thể trên cơ sở tự nguyện.Theo định nghĩa thì "Xã hội dân sự là xã hội trong đó các tổ chức khác nhau của các công dân như đảng phái, công đoàn, hợp tác xã, nhóm,...thực hiện mối liên hệ giữa công dân với nhà nước, không để cho nhà nước áp bức các công dân của mình". Các tổ chức Xã hội Dân sự có đặc tính chung là các tổ chức hoạt động độc lập và không chịu sự chi phối của Nhà nước và chỉ khi đó thì các tổ chức Xã hội Dân sự mới có thể hoạt động một cách hiệu quả mà không bị nhà nước kìm chế.
Các tổ chức Xã hội Dân sự không có mục tiêu tranh giành quyền lực với các chính đảng cầm quyền, nhưng nó sẽ là điểm tựa cũng như nền tảng để ủng hộ cho một chính đảng hay tổ chức chính trị có chung mục tiêu và chủ trương khi cần thiết. Và thành viên của các tổ chức Xã hội Dân sự, khác hẳn với đảng viên hay hội viên của các chính đảng, các tổ chức chinh trị, đó là ngoài một số nhân vật chủ chốt chịu trách nhiệm đối với tổ chức thì những thành viên chỉ đóng vai trò các ủng hộ viên của tổ chức. Họ hầu như không chịu bất cứ ràng buộc gì đối với tổ chức ngoài sự tình nguyện, để đóng vai trò cá nhân của mình thông qua các tổ chức Xã hội Dân sự để thúc đẩy cơ chế kiểm soát và điều chỉnh đối với hệ thống nhà nước. Do đó trong thể chế dân chủ nghị viện thì các tổ chức Xã hội Dân sự sẽ không bao giờ xuất hiện trong nghị trường, mà nếu có thì sự xuất hiện của các lãnh tụ của tổ chức Xã hội Dân sự thì sẽ dưới màu áo của một đảng chính trị khác. Vai trò quan trọng nhất của tổ chức Xã hội Dân là sự thể hiện thông qua các hoạt động của nền chính trị "đường phố" để tạo áp lực. Đây là yếu tố lý luận cần nhấn mạnh, để tạm coi là có thể tạo sự an toàn trong thể chế toàn trị ở Việt nam.
Mọi sự trong xã hội đều luôn luôn vận động và chính trị cũng vậy. Thể chế chính trị tự do không phải là cái thể chế tốt nhất, nhưng tại thời điểm hiện tại chưa có bất kỳ thể chế chính trị nào ưu việt hơn nó. Cũng bởi ưu điểm của thiết chế chính trị tự do dân chủ không ngừng được củng cố và hoàn thiện trong việc kiểm soát và điều chỉnh. Chính vì thế, thể chế chính trị này ngày càng hoàn thiện và phát triển. Hiến pháp của Hoa kỳ luôn được thừa nhận là một Hiến pháp chặt chẽ, sâu và rộng được sử dụng hàng trăm năm. Song hiện tượng Obamacare vừa xảy ra ở nước này đã khiến các nhà lập pháp phải nghĩ rằng họ sẽ phải sửa để tránh sự tranh chấp giữa các đảng chính trị hoàn toàn hợp hiến, mà Hiến pháp đã không lường hết được là một ví dụ.
Cũng như thế, nền chính trị ở các quốc gia đang phát triển cũng đã và đang vấp phải những nghịch lý, đó là quyền làm chủ của công dân thông qua lá phiếu bầu nhiều khi chỉ tồn tại trong thời gian 3-5 phút bỏ phiếu. Còn phần thời gian còn lại trong một kỳ bầu cử 4-5 năm thì quyền đó mặc nhiên bị rơi vào tay các nhóm tài phiệt chính trị và quyền đó đã bị họ thao túng để trục lợi. Và nhóm chính trị càng lớn thì tiềm lực càng mạnh, họ có đủ sức để mua "trắng" các đại biểu nhân dân. Khi đó các đại biểu do nhân dân bầu ra cũng chỉ là những kẻ đầu sai, hành động theo nghị quyết của đảng vì bị các nhóm chính trị thao túng và họ cũng đồng thuận để trục lợi. Nhóm chính trị đó thâu tóm quá bán số ghế dân biểu của cả Hạ nghị viện và Thượng nghị viện, là khi độc tài nghị viện xuất hiện. Vì họ có thừa quyền để thông qua các bộ luật có lợi cho họ mà họ muốn. Việc nắm đa số ghế trong cả Hạ viện và Thượng viện sẽ cho phép nhóm chính trị tài phiệt đó sẽ tạo điều kiện cho họ trong việc phê chuẩn các chức vụ của các cơ quan Tư pháp, và các tổ chức độc lập khác như Uỷ ban phòng chống tham nhũng, Tòa án Hiến pháp, Uỷ ban bầu cử trung ương v.v... Khi tất cả các quyền lực nhà nước được tập trung về một mối thì cũng là lúc một hình thức độc tài trong xã hội dân chủ sẽ chính thức xuất hiện. Đó là bài học của nhà nước Đức Quốc xã và Adolfer Hitler trong thập kỷ 30 của thế kỷ trước.
Vấn đề đặt ra là, khi phe đối lập quá yếu ớt và trở nên bất lực, vì số phiếu chống của họ không đủ. Thì nghiễm nhiên phe đối lập lúc ấy chỉ giữ vai trò làm cảnh nhằm trang trí cho một nhà nước độc tài và khi ấy vai trò kiểm soát và điều chỉnh của phe đối lập trong nghị viện đã hoàn toàn mất tác dụng. Và khi ấy sự xuất hiện của các tổ chức Xã hội Dân sự hoạt động trong môi trường chính trị lòng đường là hết sức cần thiết. Cho dù các tổ chức Xã hội Dân sự không tham gia tranh chấp quyền lực, song bảo vệ quyền của công dân và quyền của cử tri là trách nhiệm của nó. Với các họat động xuống đường rầm rộ, cộng với các biện pháp bãi chợ, bãi thị, bãi công hay tạm dừng việc đóng thuế v.v... Mục đích để khuyến cáo chính quyền chớ lạm dụng quyền lực để phục vụ cho các hành động cũng như các chính sách mang tính trục lợi. Nên nhớ không một nhà nước nào có thể tồn tại trong khi một số lớn dân chúng bất bình với nhà nước đó, nhất là khi đã tồn tại các tổ chức Xã hội Dân sự đủ mạnh và có kinh nghiệm. Khi đó nhà nước chỉ có hai lựa chọn, hoăc là chấp nhận hoạt động trong khuôn khổ, hay là chất nhận sự bất ổn trong một thời gian dài.
Điều đó cho thấy, mỗi cá nhân của chúng ta cũng là một thành phần của chính trị. Cho dù về mặt trực tiếp chúng ta không tham gia vào việc tranh chấp quyền lực của các phe nhóm chính trị, song chúng ta hoàn toàn có quyền và trách nhiệm phải bảo vệ quyền của một cử tri, một công dân. Như vậy, mặc nhiên bạn đã đang hoạt động chính trị rồi đấy. Việc bạn ủng hộ các chủ trương, các tiêu chí hay các hoạt động của các tổ chức Xã hội Dân sự cũng là cơ hội tập dượt cho các hoạt động chính trị của cá nhân mình. Và các tổ chức Xã hội Dân sự cũng cần coi trọng các hoạt động của mình để tranh thủ sự cảm tình để lôi kéo thành viên, theo phương thức "tích cốc, phòng cơ", hay kiếm củi ba năm để dành... chờ thời.
Trong cuộc sống hàng ngày, chính trị len lỏi vào mọi ngóc ngách cuộc sống của bạn mà mảy may nhiều người không biết và không để ý. Từ chuyện cơm áo, gạo tiền hay cao hơn là vấn đề phúc lợi xã hội. Tại sao cùng là con người, mà ở quốc gia kia người dân được nhà nước chăm sóc từ khi lọt lòng, họ được giáo dục, chăm sóc y tế miễn phí v.v... Còn ở xứ mình dịch vụ công cái gì cũng phải mất tiền và các dịch vụ mất tiền ấy cũng sẽ gây nguy hiểm cho người dân, nếu họ quên hoặc đưa chậm phong bì.
Đừng coi thường chính trị bạn nhé, những cái nói trên có được là do một nền chính trị tốt mang lại.
Ngày 14 tháng 11 năm 2013
© Kami
————————
* Đây là trang Blog cá nhân của Kami. Bài viết không thể hiện quan điểm của Đài Á châu Tự do RFA
Bài bình luận gần đây