You are here

VÔ CẢM

Dân chúng thành phố Tế Ninh tỉnh Sơn đông bên Trung quốc cuối tuần qua chứng kiến một cảnh tượng kinh hoàng: 21 xác trẻ thơ trôi dạt trên sông Quang phục được dòng nứơc đưa vào bờ ngay dưới một chân cầu. Có những trẻ mười mấy tháng tuổi, nhưng cũng có cả thai nhi. Một số còn đựơc quấn trong bao plastic vàng ghi hàng chữ: rác y khoa. Số khác có đeo thẻ ở cổ chân, ghi tên người mẹ, ngày sinh, cân nặng và chiều cao. Tất cả những dấu hiệu ấy cho thấy ít nhất 8 trong số các trẻ bất hạnh xuất phát từ một bệnh viện ở thành phố Tế Ninh. Bản tin AP trích dẫn báo chí địa phương cho hay là bệnh viện nọ đã xác nhận rằng quả nhiên một số xác đã từ bệnh viện ra đi, nhưng không phải tất cả. Họ cũng cho biết cuộc điều tra đang tiến hành.
Kẻ gây tội thì sẽ bị trừng phạt. Nhưng cứ tưởng tượng cái cảnh người ta quẳng xác trẻ thơ xuống sông, thì đủ thấy cái não trạng của những con người được đào tạo và thu dụng để làm trong bệnh viện ấy thế nào. Người ta cũng tự hỏi cái giáo dục mà họ tiếp nhận được trong nhà trường cũng như trong đời sống thường nhật ra sao mà có thể sản sinh ra những con người như thế. Đối với những xác trẻ thơ và thai nhi không xuất xứ từ bệnh viện, thì có thể là bị chính cha mẹ của chúng vứt bỏ. Nguyên nhân có khi là nghèo đói quá, nhưng cũng có thể là do quy định của nhà nứơc giới hạn số con, mà người Hoa lại chỉ thích con trai, nên các bé gái bị loại bỏ. Dầu sao chăng nữa thì đây cũng là biểu hiệu cao độ của sự vô cảm trong một xã hội đặt lợi ích vật chất lên hàng đầu, chỉ tập trung vào thành tích phát triển kinh tế mà bỏ quên con người và bỏ quên cả thiên nhiên.
Sự vô cảm ấy tiếc thay, không phải là đặc điểm riêng của nứơc Trung hoa xã hội chủ nghĩa!
Một thiếu nữ sinh ra và lớn lên tại Việt Nam nhưng hiện đang ở Na Uy (may cho cô biết mấy!) vừa đưa vào Blog của cô một bài viết mô tả và tìm hiểu nguyên nhân sâu xa của sự vô cảm trong xã hội Việt Nam. Mời quý vị cùng đọc:Chủ nghĩa dạ dày
2:19 AM / Posted by Joyce Anne Nguyen /

Bạn sẽ không tìm thấy định nghĩa của cụm từ “chủ nghĩa dạ dày” ở đâu cả. Bởi vốn dĩ nó không tồn tại. Nhưng tôi dùng nó, theo cách nói bỡn cợt của bác Trần Công Sung, vì thực tế chẳng có cụm từ nào thích hợp hơn nữa.
Chủ nghĩa dạ dày.
Tôi sẽ không áp đặt nó vào bất kỳ dân tộc hay đất nước nào cả, vì bản thân tôi không cho phép chính mình gán ghép bịa đặt khi không biết gì. Nhưng nó hiện hữu, nó tồn tại trong xã hội VN ta, trong dân tộc ta, trong người dân VN ta.
Chưa từng ai chính thức đặt cho nó 1 cái tên. Nên bây giờ sẽ tạm gọi nó là chủ nghĩa dạ dày.Những người theo chủ nghĩa này, đơn giản lắm, chỉ quan tâm đến cái dạ dày của họ. Tức là quan tâm đến những cái họ đưa vào dạ dày. Thế là hết. Cuộc sống chỉ có thế. Mỗi ngày ăn 3 bữa, mỗi bữa ních đủ dạ dày, không chết đói, thế là đủ. Chẳng cần gì hơn. Họ không quan tâm đến những việc diễn ra cách quá 100 m cái dạ dày của họ. [Dĩ nhiên tôi không nói nghĩa đen]
Thực sự tôi nghĩ, lẽ ra họ đã phải suy nghĩ sâu hơn. Thế này nhé, họ yêu cái dạ dày của họ, thế thì họ tất phải quan tâm đến những thứ họ tống vào dạ dày. Vậy đó là cái gì? Là thức ăn. Nhưng thức ăn ấy, trước tiên tôi quan tâm, có hợp vệ sinh không? Không hợp vệ sinh ư? Vì sao? Vì thời nay cái gì cũng độc hại cả. Ăn bất kỳ cái gì, nếu bạn nghi ngờ nghĩ đến những gì bạn đã đọc trên báo chí, về sự độc hại của hóa chất, thuốc trừ sâu, mầm bệnh, virus, chất lượng vệ sinh nơi nuôi trồng và nấu nướng, chất lượng hàng hóa sản phẩm bày bán tại cửa hàng…, và bạn sợ, bạn lo, bạn sẽ không còn gì để ăn nữa. Thế là bạn đành tránh nghĩ đến cái công đoạn nó được chế biến và sản xuất, và cứ thế nhắm mắt bỏ vào miệng. Rồi cũng sống qua ngày cả mà, ai cũng thế.
Vậy đấy. Họ yêu cái dạ dày của họ, nhưng chính họ cũng chẳng buồn quan tâm đến chuyện họ đưa cái gì vào dạ dày. Liệu nó có sạch sẽ không, hay sẽ gây ra những căn bệnh tiềm ẩn trong cơ thể họ, và 1 ngày kia giết chết họ.
Họ không quan tâm cũng chỉ bởi họ ý thức được họ không thể làm gì được. Nếu ùa lên những cơn dịch, những trận cúm, như cúm gia cầm, cúm heo… họ sẽ sợ. Nhưng những thực phẩm độc hại thông thường, chẳng hạn như nước tương gây ung thư đi, hoặc phở có hàn the đi, hoặc rau cỏ dư thừa thuốc trừ sâu đi, mới đầu họ đều sợ cả, nhưng rồi qua thời gian mọi việc lại đâu vào đấy. Họ vẫn ăn. Nhắm mắt mà ăn, đừng nghĩ nữa, cứ nghĩ sẽ chẳng còn gì để ăn nữa. Nếu ăn vào vài chục năm sau có nguy cơ bị ung thư chết. Nhưng nếu không ăn sẽ lăn ra chết đói ngay bây giờ. Chi bằng cứ ăn vào.
Họ không quan tâm.

Mất khả năng quan tâm.
Tôi nghĩ có lẽ bây giờ quý vị bắt đầu hơi chán rồi, và thầm nghĩ, nó muốn gì đây, lại 1 bài thuyết giảng về an toàn thực phẩm à. Thưa không, đó chỉ là 1 lối mở đề (hơi dài dòng) của tôi. Ở đây tôi đang muốn hướng đến 1 cái phía sau nó, phía sau cụm từ “chủ nghĩa dạ dày”.
Lâu dần, qua thời gian, trong người VN có hình thành 1 khả năng chịu đựng không phải dân tộc nào cũng có được. Thử ngẫm xem, chịu đựng hàng tiếng đồng hồ mắc kẹt trong dòng giao thông ùn tắc, mồ hôi bê bết áo, nhích lê từng chút, từng chút 1 giữa khói bụi và tiếng ầm ĩ còi xe, đặc biệt khi trưa nắng chang chang hoặc giờ cao điểm đi học hoặc đi làm về sau 1 ngày kiệt sức ở trường học hoặc sở làm. Chịu đựng việc chứng kiến hàng tá những phi lý và bất công diễn ra hàng ngày xung quanh, như những vụ sập nhà do rút ruột công trình, chuyện “lô cốt” xây đầy đường bít kín lối đi kéo ròng rã từ năm này sang năm khác và không có vẻ gì sẽ sớm hoàn thành, chuyện đủ thứ những ý định và cải cách điên rồ của cấp cao… mỗi khi mở tờ báo ra đọc mỗi ngày. Chịu đựng việc nai lưng ra làm việc mà vẫn không giàu có, trong khi các cô chiêu cậu ấm, con cái quan to vung tiền ra cửa sổ không tiếc, đồng hồ Gucci 600 đô mỗi tuần 1 cái, hay nổi giận đập nát điện thoại rồi hôm sau mua cái xịn hơn, hay tặng bạn bè mỗi đứa 1 cái @... như báo chí từng đăng, về sự chênh lệch giàu nghèo khủng khiếp ở nước ta. Chịu đựng việc các website yêu thích bị chặn với lời huyễn hoặc đó là sự cố kỹ thuật không đáng có, chịu đựng việc không được bầu, không được biểu tình, không được phát biểu ý kiến…Nói tóm lại, mỗi ngày chịu đựng, và cả đời chịu đựng.
Vì họ đã học cách miễn nhiễm. Như thể họ xây 1 bức thành lũy kiên cố và vững chắc giữa họ và những điều xung quanh, và họ không còn quan tâm đến những gì đang diễn ra quanh họ nữa. Họ không quan tâm bản thân họ đang thực sự muốn gì, và cũng chẳng quan tâm điều gì đang tiếp diễn. Nói ngắn gọn, họ vô cảm.
Vô cảm.

Tôi kể 1 câu chuyện có thật như thế này. Khi mới qua Na Uy, chưa đến 1 năm trước, tôi được dẫn đến 1 trung tâm là Stiftelsen kontorsenter (nếu tôi nhớ không lầm cách viết), nơi đó trước kia là nơi giam giữ tù nhân Do Thái cũng như người Na Uy vào thời Đức quốc xã chiếm đóng ở thành phố này, giai đoạn Thế chiến thứ 2. Tôi đến đó, và những người làm việc ở đó giới thiệu cho tôi, và mẹ tôi 1 người đàn ông, trước kia từng là 1 tù nhân bị giam giữ trong thời kỳ này và sống sót. Sau này hàng năm vào lễ tưởng niệm, ông ấy vẫn thường hay lên phát biểu đôi lời. Họ cũng đưa cho tôi xem cả cuốn sách phỏng vấn nhiều người, trong đó có con gái người đàn ông này, về những suy nghĩ của cô khi ông ngồi tù. 1 cách đầy trang trọng và ngưỡng mộ, mẹ tôi hỏi, xin phép được biết ông bị tù bao lâu (chắc hẳn là rất dài). Câu trả lời khiến tôi gần như muốn bật ngửa khỏi ghế và phải cố gắng tạo vẻ mặt bình thường khi nín cười. 3 ngày.
Bản thân chuyện ấy đem kể với người Na Uy chẳng có gì đáng cười cả. Tù là tù, 3 ngày cũng vẫn là ngồi tù. Đặc biệt khi ấy là giai đoạn chiến tranh. Nếu tôi đem kể với nhiều người VN, có lẽ họ cũng sẽ nói tôi so sánh khập khiễng, Na Uy ít dân nên phải trân trọng từng con người trong đất nước họ. Nên tôi đành thú thật thế này, tôi chẳng có ý định so sánh gì giữa VN và Na Uy cả. Điều duy nhất tôi muốn nói là, tôi đã muốn cười. Và tôi tin có nhiều người cũng muốn cười, và có thể cũng không tin khi nghe tôi kể. Đó là vì chúng ta đã nghe thấy quá nhiều người chết rồi. Hàng ngày mở báo ra thấy hàng trăm hàng ngàn cái chết với đủ hình thức khác nhau. Ta chai lỳ rồi. Trơ cứng rồi. Mất cảm giác rồi. Ta vô cảm rồi.
Vô cảm.
Vô cảm nên nhiều học sinh có thể ngồi đó nhìn 1 nữ sinh bị đạp, bị tống, bị túm tóc, bị dộng đầu… mà vẫn thản nhiên như không có chuyện gì xảy ra.
Vô cảm nên mới có thể đứng chung quanh quan sát và giơ máy quay hơn 5ph hình ảnh người công an bị xe cán đứt đôi người nhưng vẫn còn sống và nhúc nhích.
Vô cảm nên người quản lý mới có thể lạnh lùng bỏ đi khi thấy 1 người đàn bà sắp bị đàn chó hung dữ cắn xé đến chết.
Vô cảm nên lái xe cán lên chân 1 học sinh quay lại cán thêm 3 lần nữa cho chết hẳn….

Vô cảm nên mới thờ ơ với tình hình chính trị, an ninh lãnh thổ và chủ quyền đất nước.
Vô cảm nên mới lãnh đạm với số phận dân tộc và đồng bào mình.
Vô cảm nên mới tụ nhau than khóc Michael Jackson trong khi đồng bào bị đánh cướp ngoài hải đảo.
Vô cảm nên mới bàng quan với những dự án nguy hiểm như dự án bauxite, điện hạt nhân, cho thuê rừng… và tự huyễn hoặc rằng nhà nước đã có cách xử lý và chính trị là việc lớn lao to tát dân thường chẳng cần bận tâm.
Vô cảm nên mới cho mọi hành động vì tự do là dư thừa và xuẩn ngốc, bảo đất nước ta đã độc lập, tự do, hạnh phúc lắm rồi, còn chuyện dân nước người sống sướng hơn là việc không thể đem ra so sánh khập khiễng được.
Vô cảm nên mới bằng lòng chấp nhận sống thiếu tự do còn hơn tranh đấu cho tự do thực sự.
Vô cảm nên bảo rằng mình sẽ không làm được, nên từ bỏ đi và không làm nữa.
Vô cảm nên chỉ lo cho cái dạ dày của mình, và sợ hãi, ngăn cản những người trong gia đình làm bất kỳ cái gì nguy hại cho nồi cơm của gia đình.
Vô cảm.
Ôi tôi sợ cái ngày ấy, khi tôi không còn chút cảm xúc nào, nhìn người chết trước mặt mà thản nhiên bỏ đi, sợ cái lúc tôi sẽ không còn là con người nữa, và tồn tại như 1 thây ma, tống thức ăn vào dạ dày như cái máy mà chẳng màng đó là cái gì!
“Education makes machines which act like men, and men who act like machines.”- Erich Fromm.© Joyce Anne Nguyen
29/3/2010