You are here

Viết cho con ngày tốt nghiệp

Ảnh của canhco

Vậy là con đã ra trường đúng một năm. Thời gian một năm sau ngày bỏ sách vở lại cho trường học để bước vào trường đời ấy mẹ không biết nhiều lắm những gì con làm nhưng mẹ biết một điều rất rõ là con khá thất vọng vì mỗi lần về nhà vào giờ cơm tối con thường mang nét trầm ngâm của một người đang đứng trước quá nhiều dấu hỏi. Mẹ chưa một lần hỏi con tại sao, vì tôn trọng sự trầm tư ấy của con và hai nữa mẹ biết con đủ sức đương đầu vì con đã là một bác sĩ, một trí thức có chuyên môn sâu được xã hội công nhận và kính trọng.
Lòng yêu thương con đôi khi làm mẹ mất phương hướng khi muốn chia sẻ với con kinh nghiệm cuộc đời mà mẹ đã qua. Đôi lúc mẹ cả tin rằng trường đời là nơi đầy cạm bẫy và con phải vất vả lắm mới có thể vượt qua, nhưng sự giúp sức của mẹ nếu có cũng không vượt qua được bốn bức tường mà con có thể cho là định kiến về một vần đề nào đó. Mẹ lo rằng kinh nghiệm của mẹ sẽ làm con mất tự tin và có thể vô tình đẩy con vào thành trì của phản ứng tự vệ.
Sáng hôm nay con ra ngoài, mẹ ở nhà mở lại cuốn video quay ngày ra trường của con mà một năm qua do quá nhiều niềm vui ập tới mẹ con mình chỉ xem lướt qua từng đoạn của nó.
Đúng là con hát mẹ khen hay. Nụ cười hồn nhiên của con mẹ vẫn cho là công trình tuyệt hảo nhất mà thượng đế đã trao tặng cho mẹ, hình ảnh con lập đi lập lại trên cuộn băng, đến nỗi mẹ quên bẵng các sự kiện xảy ra chung quanh.
Ngày ra trường, ngày con cầm mảnh bằng bác sĩ. Con được nhà trường, xã hội và nhất là những người trực tiếp dạy cho con kiến thức ngành y công nhận là từ đây sẽ chính thức giúp bệnh nhân chiến đấu chống lại bệnh tật và sự đau đớn, nhiều khi chiến đấu với cả thần chết.
Con được mọi người nhìn ngắm như một vì sao xuất hiện ở phương Đông báo hiệu một thành viên nữa của đội ngũ bác sĩ sẽ săn tay áo lên lăn xả vào bệnh tật, giành giật lại cuộc sống của từng con người. Con có biết là mình sẽ cao cả nhường nào không?
Nhưng trong cái cao cả ấy lại làm mẹ lo lắng không yên. Mẹ sợ đôi vai mảnh dẻ kia sẽ không đủ sức nâng tảng đá trách nhiệm bởi quá nhiều điều xấu xí đang diễn ra nơi mảnh đất mà con vừa bước vào.
Sáng hôm nay mẹ xem cuộn băng ra trường ấy và mẹ thất vọng lẫn hụt hẫng.
Thất vọng vì sau khi mọi cảm giác vui mừng lắng xuống, ngồi một mình trong căn phòng vắng lặng có thời gian suy nghĩ sâu hơn, mẹ thấy được rất nhiều điều mà cả hai mẹ con mình không nhìn thấy trước đó.
Trước tiên là chiếc áo tốt nghiệp của con mặc hôm ấy sao mà đẹp, mà đáng yêu lắm vậy? Mẹ nghĩ sâu hơn một chút và thấy rằng nó đẹp vì chứa đựng quá nhiều công sức trên ấy. Không những chỉ từ mồ hôi lẫn nước mắt của mẹ con mình mà còn biết bao đóng góp từ những người khác nữa. Chiếc áo ra trường của con chứa cả một quá khứ dài của ngành y. Trên ấy mẹ thấy được những mái đầu bạc phơ cúi xuống mỗi đêm để tìm kiếm phương cách chữa trị một căn bệnh, ngăn ngừa một dịch truyền nhiễm hay kỹ thuật giải phẩu ít kéo dài thời gian nhất.
Những mái đầu bạc ấy đã lần lượt trở thành quá khứ trên chiếc áo của con vào ngày ra trường ấy có nhắc gì cho con không?
Mẹ lắng nghe người bạn của con lên bục đọc lời thề của một sinh viên y khoa trước giờ tốt nghiệp và thú thật với con, mẹ thất vọng não nề.
Không phải vì bạn ấy không có một giọng đọc tốt. Bạn ấy đọc như cái máy hay êm ái, thuyết phục như một nhà hùng biện thì cũng không làm cho mẹ khen hay chê hơn. Vấn đề là nội dung của bài đọc ấy.
Mẹ cũng biết không phải do bạn ấy tự thức đêm để soạn ra mà có thể nó được đoàn trường soạn sẵn cho bạn ấy. Thói quen này đã mẹ biết trong nhiều chục năm và mẹ đã nhiều lần chống lại nó. Mẹ cứ nghĩ Đại học Y khoa phải là nơi lấy kiến thức y học làm đầu nhưng đáng buồn là nó cũng không thoát khỏi sự "chăm sóc" thái quá của hệ thống chính trị.
Mẹ tỉ mỉ ngồi chép lại lời của bạn N. đọc trong buổi tốt nghiệp và kết quả là mẹ có nơi đây:
-"Sau nhiều năm được đào tạo dưới mái trường Xã hội Chủ nghĩa được các thầy cô hết lòng dạy dỗ chỉ dẫn, được các bạn học giúp đỡ tận tình, trong buổi lễ tốt nghiệp long trọng này trước nghĩa vụ cao cả đối với tổ quốc Việt Nam thân yêu, trước nhà trường thân yêu, trước các thầy cô thân yêu các đồng nghiệp thân thiết với tôi xin thề.
Một, tôi nguyện trung thành với tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Phấn đấu làm hết sức mình để xây dựng và bảo vệ tổ quốc Việt Nam thân yêu.
Hai, Tôn trọng hiến pháp và pháp luật của nhà nước xã hội chủ nghĩa và thực hiện nghiêm chỉnh các quan điểm, các luật lệ và các quy định của ngành y tế Việt Nam.
Tôi không bao giờ có hành động không trung thực thiếu trách nhiêm làm ảnh hưởng đến sức khỏe tinh thần của nhân dân. Ảnh hưởng đến trách vụ truyền thống của nhà nước trái với lương tâm nghề nghiệp của người cán bộ y tế xã hội chủ nghĩa.
Ba, luôn luôn xem trọng tiến bộ trong nghề nghiệp tôn trọng nhân phẩm và thương yêu người bệnh đem tất cả khả năng và sự hiểu biết của tôi để phục vụ cho sức khỏe của nhân dân theo lời dạy của chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại: lương y như từ mẫu.
Bốn đoàn kết và hợp tác chân thành với các bạn đồng nghiệp, tự hào với công việc hàng ngày của mình, tiếp tục học tập không ngừng nâng đỡ yêu thương nhau, không ngừng học tập trong lĩnh vực chính trị khoa học kỹ thuật để hoàn thành nhiệm vụ được giao phó ở bất kỳ nơi nào cần đến tôi và góp phần xây dựng nền y tế Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Thực hiện đầy đủ lời thề này tôi sẽ thật sự được lòng tín nhiệm và quý mến của nhân dân và các bạn đồng nghiệp. Tôi sẽ không bao giờ làm sai lời hứa để bị mang tai tiếng thành người phản bội với lương tâm, danh dự của mình và sự tín nhiệm của nhân dân, của thầy cô của bạn..xin thề."
Trong toàn bài văn quan trọng nhất đời người của một bác sĩ, mẹ không thấy một thuyết phục nào dù nhỏ. Mẹ cứ nghĩ trong đầu mình rằng một bác sĩ tay nắm sinh mạng của bệnh nhân thì kiến thức của ông hay bà ấy phải vượt lên người khác ít nhất là một cái đầu và cái vượt ấy phải thấp thoáng tình yêu thương đồng loại.
Mở đầu bài văn là một loạt biết ơn mà đầu tiên là mái trường xã hội chủ nghĩa. Mẹ không biết mái trường xã hội chủ nghĩa có hơn gì với giảng đường của Đại học Y khoa hay không vì nó rất chung chung, rất cào bằng và nhất là rất rỗng tuếch. Mẹ nghe thấy rõ ràng một sự xấu hổ chạy dọc sống lưng vì con cũng đang đứng trên bục như bạn ấy.
Bài văn này có hơi hướm của một sinh viên tốt nghiệp đại học quốc phòng hơn là từ một ngôi trường y khoa. Bảo vệ tổ quốc, bảo vệ Việt Nam xã hội chủ nghĩa là nghĩa vụ của mỗi con người. Nhắc đi nhắc lại nhiều lần cụm từ này trong lễ mãn khóa của ngành y vừa vô nghĩa lại vừa hài hước. Không ai trong hội trường hôm ấy lại chờ đợi bài diễn văn của một bác sĩ lại chứa đầy tiếng xung phong khi ra trận.
Tình yêu con người là thứ mà cả hội trường cần nghe nhất lại không được bạn ấy nói đến với một tâm thức đã được nghiềm ngẫm thấu đáo. Chỉ nói lấy lệ và hời hợt khiến mẹ có cảm giác bạn ấy không ý thức được thế nào là sự chia sẻ của một bác sĩ đối với bệnh nhân sau này của bạn ấy.
Bài đọc cũng nhắc tới hiến pháp và pháp luật một cách nghiêm túc khiến mẹ chạnh nghĩ tới mẩu chuyện đang được báo chí làm rầm lên từ hai ngày nay tại Thanh Hóa, khi một sản phụ do bị chậm trễ trong chữa trị đã thiệt mạng với thai nhi còn trong bụng. Cái chết đã làm hàng ngàn người dân tức giận kéo tới nhà giám đốc bệnh viện tìm câu trả lời.
Một bác sĩ chân chính cần tới y đức hơn là pháp luật, mặc dù luật lệ kềm hãm rất hiệu quả những sai lầm vô tình hay cố ý của một bác sĩ. Pháp luật chế tài căn cứ trên luật lệ, mà thế gian này đâu phải điều bất minh nào cũng được phát hiện và đưa vào luật, đó là chưa kể hiện trạng bao che để qua mặt và ngồi xổm trên pháp luật khi người ta muốn.
Y đức không trừng phạt thân thể, tiếng tăm hay đời sống của một bác sĩ mà nó có tính cách hướng dẫn, làm cho lương tâm của người thầy thuốc vượt qua cám dỗ và sự lười biếng. Y đức ngăn bàn tay người bác sĩ không cầm dao mổ bệnh nhân khi chưa cần thiết. Y đức buộc bác sĩ phải thức nhiều hơn, nghiềm ngẫm nhiều hơn về căn nguyên gây ra bệnh án để có cách chữa trị hiệu quả nhất. Y đức đánh thức lòng tự trọng của một bác sĩ khi nhận phần quà của bệnh nhân để chữa trị người này khác người kia. Y đức cũng ngăn cản một bác sĩ có thói quen xem bệnh nhân là người phải mang ơn mình trong khi không một ngôi trường y khoa nào lại dạy sinh viên như thế.
Còn hàng trăm tiêu chí về y đức mà nếu đọc kỹ mẹ sợ con sẽ thấy mình khó mà thực hiện một cách toàn hảo. Khó nhưng không phải là không được. Sợi giây y đức sẽ đem người thầy thuốc tới gần bệnh nhân hơn và phần thưởng sẽ là ánh nhìn thân thương của bệnh nhân như khi họ nhìn người thân của họ.
Mẹ lo cho con quá về hai chữ y đức vì mẹ hiểu rằng xã hội hôm nay đã rất xao lãng về đạo đức. Ngoài đườngvẫn xuất hiện quá nhiều bài học đau lòng rồi không cần phải mang ra mổ xẻ. Đạo đức căn bản của xã hội góp phần hình thành y đức trong từng người bác sĩ. Một cung cách bố thí cho người ăn mày hay người cơ nhỡ, xin lỗi khi phạm lỗi, dắt tay người già yếu qua đường hay cứu giúp người bị nạn. . . là căn cơ của cái đức trong mỗi con người. Những điều nhỏ nhoi và dễ dàng ấy đã ngày càng hiếm dần trong xã hội ngày nay thì y đức có mảnh đất nào để mà sinh sôi nảy nở?
Bài diễn văn ra trường của các con hôm ấy còn một lỗi khó thể tha thứ nữa đó sự thiếu hụt kiến thức hay thói nói theo mà không cần nghiên cứu tìm hiểu. Bạn N. đã nói ". . .đem tất cả khả năng và sự hiểu biết của tôi để phục vụ cho sức khỏe của nhân dân theo lời dạy của chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại: lương y như từ mẫu."
Bạn N. hay người viết giúp bài văn này không biết là đã làm một việc cô cùng ấu trĩ, cứ câu gì hay thì đều cho là của chủ tịch Hồ Chí Minh. Câu này không phải từ ông mà ra vì trong thư gửi Hội nghị Cán bộ Y tế ngày 27/2/1955 Hồ chủ tịch đã viết:
"- Thương yêu người bệnh. Người bệnh phó thác tính mệnh của họ nơi các cô các chú. Chính phủ phó thác cho các cô các chú việc chữa bệnh tật và giữ sức khỏe của đồng bào. Đó là một nhiệm vụ rất vẻ vang. Vì vậy, cán bộ cần phải thương yêu săn sóc người bệnh như anh em ruột thịt của mình, coi họ đau đớn cũng như mình đau đớn. "Lương y phải như từ mẫu", câu nói ấy rất đúng"
Trước đó vào năm 1948 trong thư gửi Hội quân Y Hồ chủ tịch cũng viết: “Người ta có câu: Lương y kiêm từ mẫu, nghĩa là người thầy thuốc đồng thời phải là một người mẹ hiền."
Trích một câu nổi tiếng đã sai tác giả thì liệu khi ra trường khám những bệnh trạng gai góc bạn ấy còn sai đến mức nào. Người thầy thuốc có địa vị cao hơn nhiều nghề khác, danh vọng sẽ cao theo và do đó sự chăm chú nhìn vào họ cũng cao hơn mức bình thường là điều khó tránh.
Con của mẹ có sợ dư luận bên ngoài hay y đức bên trong đều tốt như nhau cả. Chỉ có một nỗi sợ không nên để trong lòng mà phải đấu tranh tới cùng với nó: Nỗi sợ kiếm tiền thua kém người khác.
Hãy để đồng tiền trả công tự chúng tới sau khi con đã thực hiện đẩy đủ bổn phận và trách nhiệm của một bác sĩ với bất cứ bệnh nhân nào. Và quan trọng nhất mẹ muốn con của mẹ trưởng thành và xứng đáng mang danh vị bác sĩ trên ngực từ trái tim yêu thương, chia sẻ bệnh nhân như người thân quen của mình.