You are here

Vụ án hình sự trong màu sắc chính trị

Lê Diễn Đức

Lê Quốc Quân và Phạm Thị Phương trong phiên toà 2/10 - Ảnh: Tiền Phong

 
Ngày 2/10/2013, Toà án Nhân dân Hà Nội đã tuyên phạt anh Lê Quốc Quân 30 tháng tù giam, truy thu 649 triệu đồng và phạt 1,2 tỷ đồng về tội danh "trốn thuế" theo quy định tại Khoản 3, Điều 161 Bộ Luật Hình sự.
 
Bản án đã gây bức xúc trong dư luận và đặt ra một số vấn đề bàn cãi dưới góc độ pháp lý.
 
Bà Vũ Thị Phương Anh đã viết trên Facebook:
 
“Tôi phản đối bản án dành cho luật sư Lê Quốc Quân. Cho đến khi nào nhà nước chứng minh được tại sao tội trốn thuế vài trăm triệu của luật sư Quân lại đáng phạt nặng hơn những tội trốn thuế lớn hơn nhiều của các đại gia cũng mang tội trốn thuế? Chúng ta hãy cùng phản đối, vì sự bất bình đẳng và tùy tiện đó có thể rơi vào chính chúng ta!".
 
Có lẽ sự phản đối này đã dựa trên một trường hợp khác: cùng tội danh trốn thuế, được xét xử tại Toà án Nhân dân tỉnh Bắc Ninh hôm 29/9/13, chỉ ba ngày trước khi có vụ án Lê Quốc Quân.
 
Trong thời gian từ năm 2007 đến 2010, Nguyễn Thạc Thanh, chủ tịch HĐQT Cty CP Vật liệu Công nghiệp Phú Thái, đã trốn thuế hơn 11 tỷ đồng, trong đó thuế doanh nghiệp hơn 7 tỷ, còn lại là thuế giá trị gia tắng. Thẩm phán Vũ Công Đồng, chủ tọa phiên tòa cho biết, "đây là hành vi vi phạm pháp luật cực kỳ nghiêm trọng, ảnh hưởng lớn đối với đời sống xã hội".
 
Nguyễn Thạc Thanh bị tuyên án 36 tháng tù treo, 5 năm thử thách. Lê Thị Thúy Huyền kế toán trưởn, đồng phạm giúp Nguyễn Thạc Thanh trốn thuế hơn 10 tỷ đồng – 30 tháng tù treo; Nguyễn Thị Xuân, đồng phạm giúp Nguyễn Thạc Thanh trốn thuế hơn 1 tỷ đồng - 24 tháng tù treo.
 
Ông Nguyễn Văn Tiến, người tố cáo Nguyễn Thạc Thanh về các hành vi trốn thuế, đã nói:
 
“Việc Hội đồng Xét xử tuyên Nguyễn Thạc Thanh mức án 36 tháng tù treo với tội danh trốn thuế hàng chục tỷ đồng như vậy là không hợp lý. Nó sẽ tạo tiền lệ xấu cho các doanh nghiệp trốn thuế của nhà nước để lấy vốn làm ăn, sau đó tự khắc phục và lại được… hưởng khoan hồng!”.
 
Rõ ràng, giữa 11 tỷ đồng và 649 triệu đồng, nếu thực sự công ty Giải pháp Việt Nam của luật sư Lê Quốc Quân "trốn thuế", cùng với mức án treo và 30 tháng tù giam, là một thước đo sòng phẳng nhất về sự công bằng xã hội.
 
Hành vi được gọi là "trốn thuế" của Công ty TNHH Giải Pháp Việt Nam được cáo buộc dựa trên lời nhận tội của kế toán trưởng Phạm Thị Phương và Nguyễn Thị Thơm, nhân viên.
 
Tờ VietnamPlus của TTXVN cho hay “Lê Quốc Quân đã chỉ đạo kế toán, thủ quỹ thực hiện các hành vi sai phạm như nhờ một số người thân quen có bằng cấp kế toán, tài chính... để lấy thông tin của họ rồi đưa vào các hợp đồng thuê chuyên gia tư vấn với Công ty trách nhiệm hữu hạn Giải pháp Việt Nam, lập khống hợp đồng tư vấn môi giới thương mại, mua hóa đơn giá trị gia tăng khống, sau đó sử dụng để kê khai tại Chi cục thuế quận Cầu Giấy, gồm: Tờ khai thuế giá trị gia tăng; bảng kê hóa đơn; chứng từ hàng hóa dịch vụ mua vào, bán ra; tờ khai thuế thu nhập doanh nghiệp tạm tính; tờ khai quyết toán thuế thu nhập cá nhân; báo cáo tài chính... do Lê Quốc Quân ký và đóng dấu nộp tại Chi cục thuế quận Cầu Giấy".
 
"Bằng thủ đoạn trên, chỉ tính riêng trong hai năm 2010 và 2011, Công ty trách nhiệm hữu hạn Giải pháp Việt Nam đã lập và ký hợp đồng với chín chuyên gia tư vấn nhằm tăng chi phí và giảm thu nhập cho Công ty với số tiền là 1,75 tỷ đồng. Số tiền thuế thu nhập doanh nghiệp Công ty này đã trốn là hơn 649 triệu đồng".
 
"Cũng trong năm 2010 và 2011, thông qua Phạm Thị Phương và Nguyễn Thị Thơm, Công ty TNHH Giải pháp Việt Nam đã mua nhiều hóa đơn giá trị gia tăng khống của nhiều Công ty với nhiều mặt hàng, qua đó khai tăng chi phí doanh nghiệp nhằm trốn thuế thu nhập doanh nghiệp".
 
Tại phiên tòa, Phạm Thị Phương, kế toán trưởng và Nguyễn Thị Thơm cùng một số đối tượng liên quan "đã nhận thức được sai phạm và khai rõ toàn bộ hành vi sai phạm", theo VietnamPlus.  
 
Như vậy, các lời nhận tội này chỉ là tư liệu để  nghiên cứu, tham khảo, không có cơ sở pháp lý để xác lập tội, bởi vì trước sức ép của áp lực, bị mớm cung, các nhân chứng có thể khai không đúng sự thật. Muốn chứng tỏ những điều khai đúng với sự thật, phải chứng minh đầy đủ với sự có mặt của tất cả các nhân chứng liên đới khác.
 
Cũng theo VietnamPlus, "những người là chuyên gia tư vấn cho Công ty TNHH Giải pháp Việt Nam cũng trình bày rõ, họ không tham gia làm gì cho Công ty này, không nhận số tiền hàng trăm triệu đồng như phiếu chi mà chỉ ký hợp đồng, phiếu thu, phiếu chi hợp thức cho Công ty TNHH Giải pháp Việt Nam", là không có giá trị, nếu như "những người là chuyên gia tư vấn" không có mặt tại phiên toà với tư cách nhân chứng.
 
Bản thân anh Lê Quốc Quân đã bác bỏ sự cáo buộc này.
 
Nhóm các tổ chức nhân quyền và luật sư "Media Legal Defence Initiative", đã gửi thỉnh nguyện thư cho Nhóm công tác về việc giam giữ tùy tiện của Liên Hiệp Quốc, nêu trường hợp ông Quân, nhấn mạnh:
 
Nếu không có bất cứ chứng cứ rõ ràng giải thích cho những cáo buộc về việc trốn thuế của ông Quân, thì những tuyên bố của chính phủ không đáng tin, cũng chẳng thể làm mất uy tín đôi với sự biện hộ của những tổ chức ký tên cho rằng, những cáo buộc thế này thường được chính phủ Việt Nam sử dụng để bịt miệng những lời chỉ trích”.
 
Tổ chức Ân xá Quốc tế ở London, ra thông cáo:
 
Đây là bản án lố bịch, và lại là một ví dụ rõ rệt cho thấy giới chức Việt Nam quấy rối và bỏ tù những người chỉ trích hòa bình có quan điểm khác. Rất khó để không kết luận rằng Lê Quốc Quân bị nhắm tới vì hoạt động nhân quyền – như nhiều lần trước đây”.
 
Các tổ chức quốc tế đặt nghi vấn vụ án mang màu sắc chính trị hoàn toàn đúng.
 
Anh Lê Quốc Quân, sau khi kết thúc khoá học ở Mỹ về nước năm 2007 đã bị bắt và cáo buộc tội "chống phá nhà nước" theo điều 79, Bộ Luật Hình sự, nhưng đã được trả tự do sau 100 ngày. Anh còn bị bị bắt vì tham dự phiên toà xét xử Cù Huy Hà Vũ trong năm 2011, từng bị côn đồ hành hung với nghi ngờ có bàn tay của an ninh.
 
Anh Lê Quốc Quân là một nhà hoạt động xã hội, nhân quyền, bảo vệ dân oan, là một người bất đồng chính kiến có tiếng, có ảnh hưởng và uy tín, đặc biệt với giáo dân. Anh là cái gai trong mắt mà lúc nào nhà cầm quyền cũng muốn nhổ đi.
 
Từ các động thái khám xét công ty, bắt giam, gây khó cho việc tiếp cận với luật sư và toàn bộ phiên toà bất minh, cho thấy đây là một đòn trả thù của nhà cầm quyền nhắm vào những tiếng nói phản kháng ôn hoà, nhằm mục đích bóp nghẹt quyền tự do ngôn luận.
 
Anh Lê Quốc Quân sẽ kháng cáo và vụ án sẽ còn đưa ra toà phúc thẩm.
 
Trong ngày 2/10, hàng trăm thậm chí có nguồn tin nói tới hàng ngàn người ủng hộ luật sư Quân đã biểu tình phản đối tại Hà Nội. Chưa có một phiên toà nào mà người tham gia nhiều như vậy. Lực lượng cảnh sát chìm nổi dày đặc đã nỗ lực ngăn chặn mọi người tới phiên toà được gọi là công khai.
 
Hãng AFP viết rằng, “tầm mức cuộc biểu tình thật bất thường ở đất nước cộng sản”.
 
Số lượng đông đảo giáo dân Hà Nội, từ các địa phương đổ về Hà Nội, cũng như sự có mặt của dân oan, những người quý mến luật sư Lê Quốc Quân, cho thấy tình đoàn kết chia sẻ rộng lớn trước sự thật và công lý.
 
Bản án ở toà phúc thẩm có thể thay đổi nếu như cuộc tranh đấu của dân chúng, cũng như quốc tế tiếp tục được thực thi mạnh mẽ hơn nữa.
 
© Lê Diễn Đức - RFA Blog