You are here

Thêm Dầu Vào Lửa

Ảnh của tuongnangtien

 S.T.T.D Tưởng Năng Tiến 

Tổ quốc tôi vẫn chưa là vô phúc
May còn em khổ nạn gánh lên đồi
Văn Công Mỹ

 
“Phùm Gi cách buôn Nu khoảng sáu cây số thôi nhưng có tới hai kiểu đường. Hai cây số đầu là đường nhựa láng o, khoảng bốn cây số sau thì lởm chởm đá, ổ gà và mịt mù bụi bặm.
 
Buôn nằm cạnh quốc lộ 25, bên cạnh con đường rách nát y như bản thân mình vậy. Đi ngang qua nhìn vào buôn, sẽ thấy những ngôi nhà sàn nhỏ bé đứng cạnh nhau, rúm ró, buồn bã và nín nhịn.” (Amai B’lan. Nước Mắt Của Rừng. San Jose: Nhân Ảnh, 2013.)
“Rúm ró” và “nín nhịn” chắc chắn không phải là đường lối kiến trúc đặc trưng của miền sơn cước. “Những ngôi nhà buồn bã nhỏ bé” nằm “bên cạnh con đường lởm chởm đá, ổ gà và mịt mù bụi bặm” (nói đúng ra) là hình ảnh quen thuộc, có thể nhìn thấy khắp mọi nơi trên đất nước Việt Nam – bất kể là ở miền xuôi hay mạn ngược.

Ảnh: Đặng Đại ( Tuổi Trẻ Online)
 
Hệ lụy của cái nghèo – nghèo/nàn, nghèo/khó, nghèo/khổ, nghèo/hèn, nghèo/đói, nghèo/túng, nghèo/yếu ... – đã thấm đẫm trong cách ăn ở (cũng như ăn nói) của người dân Việt – kể cả khi họ đã có dịp đứng diễn thuyết giữa một kinh thành hoa lệ:
 
“Trong tâm trí của chúng tôi, Xuân Diệu là một trong những nhà thơ thông thái, nhà thơ của những kiến thức uyên bác. Từ 1946, ông đã có mặt trong đoàn đại biểu Quốc hội Việt Nam qua Pháp. Nhưng do chiến tranh kéo dài, mãi 1981, tức là 35 năm sau, trong khuôn khổ một số quan hệ được nối lại với nước Pháp, người ta mới lại thấy ông trở lại thăm cái xứ sở hoa lệ ấy.
 
Ở đó, như báo chí đưa tin, ông có dịp diễn giảng trước các sinh viên đại học Paris về ảnh hưởng văn hoá phương Tây trong văn học Việt Nam, và về những nhà thơ cổ điển Việt Nam có nhiều ảnh hưởng trong đời sống. Nghĩa là, ông đã diễn thuyết toàn những vấn đề cơ bản cả. Thuận miệng và rất hồn nhiên, tôi hỏi Xuân Diệu khi gặp ông đi Pháp trở về:
 
- Thế anh có dịp gặp Aragon hay những nhà thơ Pháp nổi tiếng, mà các anh vẫn nói với bọn này...
Câu trả lời của Xuân Diệu là hoàn toàn bất ngờ với tôi:
- Em ơi! Đâu người ta có gặp những người như mình. Xuân Diệu đến Pháp, chỉ để nói chuyện thơ với một số bạn Việt kiều và nhà chuyên môn thôi.
 
Bấy giờ tôi mới sững ra. Sự biết thân biết phận, thường trực ở một người như Xuân Diệu, như một thứ bản năng thứ hai.
 
Trong chừng mực nào đó, phải nhận sự nhẫn nhịn ở Xuân Diệu là một cái gì đáng quý. Nó không chỉ là khiêm tốn, là biết điều. Sâu sắc hơn thế, nó chứng tỏ một nhận thức chính xác về tình thế người làm văn nghệ ở một nước mà đời sống vật chất còn nhiều khốn khó. Nó giúp cho người nghệ sĩ tránh khỏi những hoang tưởng bốc đồng quá đáng, làm phiền mọi người và làm phiền chính mình. Có điều nhiều khi Xuân Diệu đã đẩy nó đi quá xa, biến thành một cách sống cầu an, chiều đời, tự hạ thấp nhu cầu nghệ thuật và chất lượng sáng tác của mình một cách đáng tiếc.” (Vương Trí Nhàn. Cây Bút, Ðời Người: Xuân Diệu Sống Để Mài Sắt Nên Kim. Sài Gòn: Phương Nam, 2002).
 
Ở một mức độ ít “đáng tiếc” hơn, người ta vẫn thường gặp cái thái độ “nín nhịn” (cùng với lối sống “rúm ró” tương tự) nơi rất nhiều người khác:
 
“Mọi việc không như ý muốn! Đời thật lắm chuyện! Nhưng trải qua hai cuộc chiến tranh mình còn được sống được làm thơ, còn may mắn hơn khối người khác thế là được rồi. Có vẻ như đấy cũng chính là những ý nghĩ mang tính cách tự an ủi thường đến với Tế Hanh sau khi đã chất lên vai một cuộc sống trong ba phần tư thế kỷ!” (Sđd, tr. 209).
 
Đến như Nguyễn Tuân rồi cũng phải “nhập vai” nhẫn nhịn để có thể “nín thở qua sông” thôi:
 
“Từ sau 1945, với thiên lương và tinh thần yêu nước sẵn có, Nguyễn Tuân lại nhanh chóng phục thiện, để đứng vào hàng ngũ Cách mạng. Con người chủ yếu ở ông, từ nay, là con người cán bộ, con người chiến sĩ, nghĩa là thành viên của một tập thể có kỷ luật, tập thể ấy phấn đấu cho một lý tưởng nhất định, nên mỗi thành viên trong đó phải làm tất cả để đóng góp cho sự nghiệp chung.” (Sđd, tr. 215).
 
Điều được nhà phê bình văn học Vương Trí Nhàn mô tả bằng những mỹ từ  như “thiên lương,” “lý tưởng,”và “tinh thần yêu nước,” qua đoạn văn thượng dẫn – tiếc thay – đã không được chia sẻ bởi một người cầm bút khác, nhà văn Vũ Thư Hiên:
 
 “Trí thức Việt Nam thời ấy ngoan ngoãn lắm, dễ bảo lắm... Không ở đâu trong các nước xã hội chủ nghĩa có được một tầng lớp trí thức ngoan như thế. Trí thức ở các nước Ba Lan, Hungari, Tiệp Khắc, Liên Xô, kể cả trí thức Trung Quốc cứng đầu hơn nhiều.
 
Đảng tập hợp họ, bảo họ chỉnh huấn để củng cố và nâng cao lập trường thì họ thành tín như những cậu học trò nhỏ ngồi nghe cán bộ Đảng dạy bảo... Đảng bảo phải hạ phóng, ba cùng, thế là họ bỏ bàn giấy, phòng thí nghiệm, giảng đường, ba lô lên vai xuống nông thôn, chịu cực, chịu khổ, ba cùng với nông dân, ngày ngày tu dưỡng hòng có được những đức tính của người dân cày chẳng cần học hành cũng có…
 
Đảng hô hào phóng tay phát động quần chúng làm Cải cách ruộng đất thì họ lăn lộn ngày đêm nơi bùn lầy nước đọng ‘thăm nghèo hỏi khổ, bắt rễ xâu chuỗi’. Cùng với đội với đoàn họ mẫn cán thực hiện định mức thành phần, tìm ra bằng được, cho đủ số kẻ thù theo chỉ tiêu của Đảng đặt ra, hăng hái lôi bọn cường hào, ác bá ra đấu tố, ra pháp trường.
 
Đến khi Đảng ngượng ngùng tuyên bố sửa sai thì họ mới ngã ngửa ra rằng họ, những trí thức, lẽ ra phải lấy nhân ái làm đầu, thì đã theo Đảng nhúng tay vào máu. Do quá tin Đảng họ nhắm mắt tuân theo, không suy nghĩ, ai ngờ cùng với chủ thuyết lấy đấu tranh giai cấp làm động lực tiến hóa, Đảng đã gây ra vô vàn bi kịch trong đời sống một dân tộc hiền hòa.” (Vũ Thư Hiên. Đêm Giữa Ban Ngày, 2nded. Virginia: Tiếng Quê Hương, 2008).
 
Giá mà dân tộc Việt cứ “hiền hoà” mãi như thế thì đỡ (mệt) biết chừng nào mà kể. Toàn thể đồng bào sẽ vẫn tiếp tục được sống trong Độc Lập – Tự Do – Hạnh Phúc, vẫn nô nức bước theo con đường mà Bác (kính yêu) đã chọn. Rồi cứ năm hết, tết đến mọi người lại háo hức mừng Đảng/mừng Xuân – những mùa xuân trên thành phố Hồ Chí Minh quang Vinh (cũng như giữa lòng Hà Nội, thủ đô mến yêu của ta) ôi đẹp biết bao, biết mấy tự hào...
Điều đáng tiếc là người Việt, với thời gian, mỗi lúc một bớt “hiền hoà” đi thấy rõ.  Họ thôi “nín nhịn” tự lúc nào vậy, Trời? Muốn biết chính xác chắc cũng hơi mất công nên xin tạm lấy một mốc điểm (gần gần) theo blogger Huỳnh Ngọc Chênh, cho nó khoẻ:
 
“Năm 1988, tiến sĩ Hà Sĩ Phu viết khảo luận ‘Dắt taynhau đi dưới tấm biển chỉ đường của trí tuệ’ được bạn bè phổ biến ra dưới dạng bản photocpy rồi chuyền tay nhau đọc. Bài biên khảo của ông vạch ra những điểm sai trái trong lý luận của chủ nghĩa Mác Lenin đã đón nhận sự đồng tình của giới học thuật và gây ra tiếng vang lớn trong dư luận thời ấy…
 
Ba blogger Điếu Cày Nguyễn Văn Hải, Tạ Phong Tần và Phan Thanh Hải hợp với nhau thành Câu lạc bộ Nhà Báo Tự Do viết bài trên blog chống hành vi xâm lấn biển và ức hiếp ngư dân VN của nhà cầm quyền Bắc Kinh, giúp đỡ dân oan và người cô thế, phê phán các hành vi vi phạm pháp luật của nhân viên công quyền...
 
Nhà báo Phạm Chí Dũng đồng thời là cán bộ của văn phòng thành ủy TP HCM, từ năm 2011 đã viết nhiều bài báo xuất sắc phân tích tình hình kinh tế chính trị xã hội đăng trên các trang web trong và ngoài nước được dư luận đánh giá cao...
 
Sinh viên Nguyễn Phương Uyên không viết blog, em chỉ viết những câu ngắn biểu lộ tình cảm của em trước hành vi xâm lấn biển đảo VN của nhà cầm quyền Trung cộng trên các tờ giấy rồi mang đi phổ biến liền bị an ninh bắt cóc, tống giam trái phép... “
 
Theo theo BBC, nghe được vào hôm 16 tháng 5 năm 2013 –  cùng với sinh viên Đinh Nguyên Kha – Nguyễn Phương Uyên đã bị kết án (“tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam”) và cả hai sẽ bị giam cầm hàng chục năm tù. Bản án nặng nề này, cùng với thái thái độ bình thản và điềm nhiên trước toà của hai nhân vật trẻ tuổi kể trên, đã khiến cho nhiều người cảm khái:
 
-Bắt thì bắt, không sợ.
Tù thì tù, đã sao.
Tôi nói vì yêu nước,
Yêu quốc dân, đồng bào
 Thi sĩ Thái Bá Tân
 
- Ôi ước gì Tuổi Trẻ Yêu Nước Việt Nam đều được như hai cháu!
Để gìn gữ giang sơn gấm vóc của Hùng Vương đã trải bốn ngàn năm.
 Ts. Đặng Huy Văn
 
- Dù bất kỳ ai, với cái nhìn từng trải, chỉ cần thấy hình ảnh sáng sủa này của các con ở trong tù là bác hiểu dân khí đã đổi mạnh. Ngược lại nhìn vẻ ủ dột của các quan phụ mẫu đang quyết định đời các con trong tù, thì bác hiểu vận nước đã và sẽ đi đến đâu không lâu.”
Chúc các con bình an và chờ ngày ấy.
  B.S. Hồ Hải
 
 

Vẻ bình thản và vững vàng của Đinh Nguyên Kha trước tòa ngày 16/5/2013 về tội giống với Phương Uyên, với 10 năm tù và 3 năm quản thúc quản chế sau tù. Nguồn ảnh và ghi chú từ bshohai.blogspot.com
 
 Thực sự thì “dân khí đã thay đổi mạnh” kể từ thời Nguyễn Xuân Tụ (Hà Sĩ Phu) chứ chả phải đợi đến Điếu Cầy Nguyễn Văn Hải, hay thế hệ của Nguyễn Phương Uyên. Điều này ai cũng thấy, trừ những người đang cầm quyền ở Việt Nam. Bởi vậy, họ vẫn cứ tiếp tục (và thản nhiên) thêm dầu vào lửa!