Lê Diễn Đức
Toà án Nhân dân Hải Phòng đã tuyên án xử phạt Đoàn Văn Vươn 5 năn tù giam, Đoàn văn Quý 5 năm tù giam, Đoàn Văn Sịnh 3,5 năm tù; Đoàn Văn Vệ 2 năm tù, về tội "giết người và chống lại người thi hành công vụ"; bà Phạm Thị Báu 15 tháng tù treo, bà Nguyễn Thị Thương 18 tháng tù treo về tội "chống lại người thi hành công vụ".
Thế là xong! Sau sự ồn ào trên mạng, một bản án bất công, nặng nề đã được đưa ra. Đây là một vết nhơ đáng ghi nhớ cho ngành Tư pháp Việt Nam, bởi vì người ta đã đứng ở phía sai để luận tội.
Bỏ tình tiết tiến hành cưỡng chế trái pháp luật, đi ngược lại với kết luận của Thủ tướng chính phủ ngày 10/2/12, Toà án đã đảo ngược tiến trình tố tụng.
Tưởng cũng nên nhắc lại lại tinh thần của cuộc họp mà Thủ tướng chỉ đạo giải quyết hậu quả vụ Tiên Lãng ngày 10/2. Trong bài "Chính quyền sai toàn diện trong vụ Tiên Lãng", tờ VnExpress hôm 10/02/2012, viết:
"Do quyết định thu hồi đất không đúng với quy định của pháp luật đất đai nên quyết định cưỡng chế thu hồi đất cũng không đúng pháp luật. Mặt khác, việc tổ chức cưỡng chế thu hồi đất của UBND huyện Tiên Lãng cũng có nhiều sai phạm như không xác định ranh giới, kiểm kê tài sản (...) Thủ tướng kết luận, huyện Tiên Lãng huy động lực lượng quân đội của Ban Chỉ huy quân sự huyện tham gia cưỡng chế là không đúng"-
Trong ngày 4/5, theo luật sư Trần Đình Triển, việc tiến hành tố tụng diễn ra căng thẳng, từ những chi tiết sai lầm trong cáo trạng, đến việc quy kết tội phạm, toà án đã lúng túng trước lời khai, phủ nhận cáo trạng của những người nông dân. Không có việc những người nông dân nổ súng trước, hoàn toàn họ không có ý giết người mà đã khuyến cáo với chính quyền về việc họ sẽ chống đối nếu nhà cầm quyền cứ tiến hành cưỡng chế. Họ muốn gây tiếng nổ cốt để đe doạ, để dư luận xã hội chú ý về việc tiếp tục khiếu kiện của gia đình.
Hai người phụ nữ cũng khẳng định họ không có mặt tại hiện trường như cáo trạng quy kết mà họ đứng ở trên đê vào thời điểm xảy ra sự kiện. Họ thực thi các việc rải rơm, mua xăng, mua mũ len mà cáo trạng cáo buộc chỉ là những việc bình thuờng hàng ngày, không nhằm chống đối ai.
Một số người khi thấy đề nghị "giảm nhẹ" mức án của VKS đã ngây thơ hy vọng vào một chút công lý nào đó, rằng, cuối cùng anh Đoàn Văn Vươn và người thân sẽ được trả tự do. Một giấc mơ giản dị nhưng khó làm sao.
Đây là vụ án điển hình, vì là người nông dân lần đầu tiên đã nổ súng chống lại lực lượng cưỡng chế của nhà cầm quyền, chưa có tiền lệ.
Suốt hơn hai thập niên nay, oan ức chồng chất. Từ năm 2004-2011 đã có 1,57 triệu lượt người tới các cơ quan công quyền khiếu nại với 670 ngàn đơn từ, trong đó có hơn 70% về đất đai. Đã có những thảm kịch xảy ra, đã có đổ máu, nhưng không phải vì sự chống đối, mà do sự đàn áp trực tiếp của nhà cầm quyền địa phương. Vào năm 2013 sẽ kết thúc thời hạn sử dụng đất đai (theo Luật về đất đai sửa đổi năm 1993), là giai đoạn sẽ bùng nổ các vụ Tiên Lãng khác, nếu không kịp thời ngăn chặn.
Do đó, bao che những tên cướp ngày - các quan chức Hải Phòng và địa phương, là một lẽ; lẽ khác, phải sử dụng chuyên chính, răn đe mọi sự chống đối trong tương lai. Đó là tất cả mưu toan của phiên toà.
Lấy nhân thân của những người nông dân để giảm nhẹ tội danh, thực chất là màn mị dân, dối trá. Vì không thể dùng khung phạt 5 năm tù cho tội danh giết người, nhưng buộc phải đưa ra hình phạt, Toà án đã chứng tỏ sự bất công, bất minh của mình.
Nhưng làm sao được khi chẳng còn con đường nào khác. Bạo lực đè bẹp công lý và Toà án phải gồng mình bảo vệ chế độ. Toà án cũng là phương tiện của Đảng. Những tuyên bố của Thủ tướng có thể bỏ qua, chẳng ai làm gì được cả, vì nó không quan trọng bằng chế độ phải tồn tại và vững chắc.
Gia đình tuyên bố sẽ kháng án lên toà phúc thẩm, nhưng hy vọng thật mong manh. Trong cái thời mà quyền-tiền thống lĩnh, liệu có cơ may cho sự công bằng không? Không, người ta phải chuyên chính, phải bảo vệ lợi ích sát sườn, rằng rịt nhau, từ trên xuống dưới. Đất nước ngày hôm nay nằm trong lợi ích của các phe nhóm, mà đất đai là nguồn tài nguyên béo bở nhất. Vì vậy mà đảng và nhà nước vẫn cương quyết không thay đổi, đa dạng hoá quyền sở hữu đất đai, vẫn giữ nguyên độc quyền, thống nhất quản lý. Một thứ tài sản đặc biệt, chỉ có đảng mới có quyền ban phát.
Ước mơ dân cày có ruộng của người nông dân lam lũ từ bao đời thực sự đã khép lại cùng với số phận của mảnh đất được "thuê" lại với thời gian có hạn. Nhân danh ích lợi công cộng, thậm chí của doanh nghiệp bạn hữu, cánh hẩu, người ta có thể tước đoạt bất cứ lúc nào, mặc những gian lao, mồ hôi, nước mắt đã đổ ra trên đó, cùng lắm được đền bù rẻ mạt. Nhưng mất đất, người nông dân sẽ đi đâu, làm gì để sống? Với nông dân, đất là tất cả đời sống, gắn chặt hữu cơ họ với nó cùng những vui buồn của cuộc đời.
Chính sách đất đai phi lý của nhà cầm quyền sẽ còn tiếp tục tạo ra nhiều bi kịch, sẽ còn triền miên những khổ đau và oan ức.
Đấu tranh để chống lại ư? Không có con đường nào khác. Nhưng không phải là sự tập hợp giản đơn, kém về tổ chức, rời rạc, như những người muốn tới tham dự phiên toà trong ngày 2/04/13. Chỉ cần một trận càn quét của nhà cầm quyền là vắng bóng luôn trong những ngày tiếp theo. Mọi thứ xem ra có vẻ đơn giản. Khống chế vài bloggers tích cực, thẳng tay một tý, thô bạo một tý là êm mọi chuyện. Lực lượng chính là nông dân thì bị chặn là xong, thiếu vắng phương án bổ sung. Số ít có mặt thì ồn ào, tạo cớ cho an ninh đàn áp, than vãn, kêu cứu bác và đảng. Thật khôi hài, nếu người nông dân biết rằng, trong "Cải cách Ruộng đất", hàng trăm ngàn người đã bị giết và đấu tố oan vì ông Hồ Chí Minh và đảng của ông ta! Não trạng lạc hậu như thế thì bao giờ mới có thể có cuộc đấu tranh đúng với kẻ thù. Chính sách đất đai là chính sách của Đảng Cộng sản Việt Nam. Bi kịch hiện nay chính vì chính sách này!
Dân chúng, thực chất quan tâm tới vụ án không nhiều, có chăng, qua các phương tiện truyền thông đại chúng bị bóp méo sự thật. Án của anh Đoàn Văn Vươn 5 năm tù hay bao nhiêu cũng không tạo ra được cơn phẫn nộ, đơn giản là họ không chú tâm, hoặc họ cũng xem như một vụ án bình thường gì đó. Những tiếng nói phản kháng về vụ án không đại diện cho đa số. Cho nên, chỉ những người ảo tưởng mới mơ về "tức nước vỡ bờ", "lật thuyền"...
Mọi thứ rồi sẽ nguôi ngoai và chìm vào quên lãng trong những nỗi lo toan hàng ngày.
Chân lý là từ ngữ dễ tìm trong từ điển, bắt đầu bằng chữ "Ch", nhưng trong đời sống muốn có nó đòi hỏi sự tỉnh táo, sáng suốt và không sợ hãi. "Khi ta nhảy với quỷ, quỷ không thay đổi, nó sẽ thay đổi ta".
© 2013 Lê Diễn Đức - RFA Blog
Bài bình luận gần đây