Trong lúc chiến tranh trên bán đảo Triều Tiên có nguy cơ leo thang thì kịch tính về mặt chính trường của hai nước Nam Hàn và Bắc Hàn bắt đầu kéo màn cho tuồng mới.
Xã hội Triều Tiên được tiếng bảo thủ theo tiêu chuẩn Khổng giáo rất nghiêm ngặt thế mà không lý gì tự dưng hai miền Nam - Bắc kình nhau bây giờ bị dẫn dắt bởi một người đàn bà quá chồng và một chú trẻ mặt búng ra sữa.
"Đàn ông đàng hoàng chắc là chết hết rồi", người chủ tiệm giặt áo quần gốc Hàn ở gần nhà tôi nói như thế. Ông này không ưa bà Park Geun-Hye vì là con gái của nhà độc tài Phác Chính Hy. Cho dù bà được quốc dân Đại Hàn lựa chọn bằng thể chế dân chủ nhưng số người ghét gia đình này cũng lên đến hàng chục triệu. Đối với phía Bắc Hàn thì ông này lại lắc đầu ngao ngán vì ba đời nhà Kim ông nội, Kim bố, và Kim con đã chuyển hệ thống cộng sản chuyên chính thành thể chế truyền ngôi "thiên tử" như thời phong kiến.
Thật sự mà nói, Đại Hàn (Nam Hàn) và Triều Tiên (Bắc Hàn) đều có chung văn hóa lễ nghĩa từ thời cổ đại, có nhiều màu sắc văn hóa, đặc biệt là dân tộc này có tính cách ca hay hát giỏi. Trong thời hiện đại, Nam Hàn làm phim ảnh, nhạc kịch thời thượng rất hay lan tỏa khắp thế giới. Bắc Hàn thì toàn dân đều múa hát ca ngợi lãnh tụ, làm phim tuyên truyền nhồi sọ lý tưởng cộng sản thì luôn cả đài truyền hình trung ương ở Trung Quốc cũng đem về chiếu lại.
Thế rồi, diễn xuất cao quá thành nhập tâm, nay chính trường biến thành trận đấu pháp giữa đàn bà và trẻ con. Rủi thay, khinh xuất một tí khi người phụ nữ tức giận, nông nổi một tí của trẻ con hăng máu thì có khi là tên lửa hạt nhân bắn lên ầm ầm. Thiên hạ Đông Á sẽ đại loạn. Các cường quốc Mỹ, Nhật, Trung, Nga biết phải tính làm sao?
Nhưng buồn cười hơn, người đứng đầu Kim Jong-un (Kim Chính Ân - 金正恩) lãnh tụ Bắc Hàn và Park Geun-Hye (Phác Cẩn Huệ -朴槿惠) tổng thống Nam Hàn. Ghép tên cúng cơm của hai người này theo kiểu Việt Nam lại thì thành ra "Ân Huệ". Hai miền sẽ xử đẹp nhau hay chỉ lại là đóng kịch như phim.
Trước mắt là Kim Chính Ân tỏ ra bông phèng bướng bĩnh không khác gì đứa con nít cứng đầu. Trong lúc đó Phác Cẩn Huệ tỏ ra nghiêm trang đạo mạo của một cô giáo kinh nghiệm. Tuy nhiên, cô này không dễ gì mà dụ được trẻ em như Kim Chính Ân vì cậu Kim con này không có nhu cầu và lợi ích thiết thực nào để tiếp nhận. Thực tế mà nói, gia tộc họ Kim trị vì Bắc Hàn giống như là vua một cõi rồi. Chìa tay ra bắt có nghĩa là chia giang sơn cho người khác.
Hiện nay lãnh tụ Tập Cận Bình của Trung Quốc đang tìm cách điều hòa giữa Nam - Bắc Hàn nhưng tâm lý chung của dân tộc Triều Tiên cũng không ưa gì Trung Quốc can thiệp. Một đặc điểm nữa là Kim Chính Ân còn tỏ ra bông bướng với cả Trung Quốc. Kim Chính Ân không thèm đi thăm xã giao Trung Quốc kể từ khi lên ngôi khiến dư luận Trung Quốc cũng để ý tình tiết lạnh nhạt này.
Có lẽ khi Kim ông nội trước khi chết có để lại bí cấp trị quốc cho Kim bố. Kim bố lại truyền khẩu quyết cho Kim con và tin rằng sẽ cứ như thế sẽ truyền đời…
Kim Chính Ân tuy trẻ tuổi nhưng hiện nay tỏ vẻ không cần quan hệ quốc tế và đang có biểu hiện giả vờ tạo ra một vài đặc điểm dị thường để áp đảo nhận thức của các đối thủ. Trước đây, Kim Chính Nhật đã biến sự lập dị của mình thành vũ khí ngang phè và bất chấp. Nhà Kim đã một nước chỉ có dân số nhỉn hơn Đài Loan, lãnh thổ tứ bề bị ngước khác bao bọc mà làm được gió mưa trên thế giới. Kim Chính Nhật thường lấy tay chém gió và không nao núng mặc dù dân chúng luôn luôn đói rách lem luốc.
Chính trị kiểu "cát cứ xưng hùng một phương" này dư luận thời đại không nhận thức và không muốn muốn hiểu. Một thực tế rõ ràng chính Triều Tiên là một kịch bản chiến tranh do Trung Quốc dựng ra. Không có Trung Quốc thì không có Triều Tiên (Bắc Hàn).
Tây Phương nhìn vào cứ tưởng là Trung Quốc tận lực can ngăn Bắc Hàn. Nhưng bán đảo Triều Tiên vẫn là một lá bài chiến lược của Trung Quốc. Ho không muốn có một dân tộc Triều Tiên thống nhất dân chủ áp sát biên cương. Một lối suy nghĩ lạc hậu nhưng thiết thực với Trung Quốc. Thực sự quan hệ Trung - Triều càng kéo dài thời gian thì càng có giá trị mang tính dị thường. Buộc người khác chấp nhận sự dị thường của mình thì cũng chính là mình đang tạo thành sức mạnh.
Như một nhà biên kịch, tuy có lúc lúc để tình tiết phi lý như một số phim nhiều tập. Nhưng phim đang hút khách, Trung Quốc không dại gì cắt ngang mà để càng kéo dài phim càng tốt.
Trần Đông Đức @RFA Blog
Bài bình luận gần đây