Kami
-
Vụ việc ếch chết tại miệng 'Tứ đại ngu" của ĐBQH (Đại biểu Quốc hội) Hoàng Hữu Phước hình như chưa có hồi chấm dứt. Báo chí nhà nước vẫn tiếp tục bình luận và công kích. Nhưng báo chí lề trái hình như người ta cũng bắt đầu cảm thấy ông Nghị Phước chỉ là một nạn nhân của cái thể chế chính trị đầy bất cập này ở Việt nam. Ở một chừng mực nhất định, cũng đã bắt đầu có những ý kiến đồng tình với ông Nghị Phước.
Tôi vốn là một người ngưỡng mộ tài năng, tri thức đặc biệt là sự khéo léo của ĐBQH Dương Trung Quốc, mà có người nói một cách dân dã là rất "quái". Cũng vì ông là một người sắc sảo, lịch duyệt và thông tuệ. Không "quái" thì tồn tại làm sao được, khi ĐBQH Dương Trung Quốc là một trong số các đại biểu Quốc hội không phải đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam. Song ông Dương Trung Quốc nổi tiếng vì những phát biểu thẳng thắn của mình trong các kỳ họp quốc hội điều mà đã làm cho ông luôn trở thành một trong những ngôi sao của nghị trường. Ngược lại, từ trước tôi cũng hầu như không hề có một chút thiện cảm với ĐBQH Hoàng Hữu Phước, kể từ khi tôi biết tên và tìm hiểu các bài viết trên trang blog cá nhân của ông ta Lý do không thích ông Nghị Phước có lẽ vì tôi cảm nhận ông Nghị này hình như rất thích khoe khoang kiến thức của bản thân và có những ý hoang tưởng trong suy nghĩ. Đặc biệt là ông ta rất sính nói chữ, thích dùng quá nhiều các từ Hán - Việt thay cho các từ tiếng Việt thông thường mà người ta đang sử dụng hàng ngày. Điều này cũng có thể giải thích được đối với những người chịu ảnh hưởng của văn hóa cũ thường hay mắc, vì đó là thói quen. Cũng như việc ông ta hay dùng kiến thức tiếng Anh chuyên ngành học của ông ta để lòe thiên hạ, vì theo ông ta thì do ông ta sử dụng tiếng Anh nhiều hơn tiếng Việt trong việc viết hay giao tiếp hàng ngày (!?). Mà mục đích ai cũng biết để cố tình tạo cho người đọc (nghe) có cảm giác rằng ông ta rất uyên bác. Có thói xấu này có lẽ vì ông Nghị Phước không biết rằng ông ta đang làm cái việc mà người Việt gọi là "Dốt nhưng thích nói chữ".
Hãy bỏ qua cái gọi là chuẩn mực văn hóa, điều mà ông Nghị Phước đã mắc lỗi, khi dùng các lời lẽ miệt thị, dùng các ngôn từ chợ búa đối với người đồng viên của mình là ĐBQH Dương Trung Quốc trong bài viết "Tứ đại ngu" trên blog cá nhân. Điều này là hoàn toàn sai, là thiếu văn hóa. Tuy nhiên bỏ qua những vết bẩn đó thì càng đọc kỹ những điều ông Nghị Phước phát biểu hay viết trên blog, đặc biệt là trong phong cách tranh luận, trả lời phỏng vấn báo chí cho thấy ông Nghị Phước có những điểm nổi trội mà lẽ ra các chính trị gia cần phải có. Đó là cái mà các cá nhân những người tham gia hoạt động chính trị kể cả trong và ngoài hệ thống chính trị hiện tại ở Việt nam rất ít người có được. Đó là ông Nghị Phước có điểm tích cực là đã dám công khai quan điểm cá nhân của mình trên blog cá nhân, biết xin lỗi khi biết mình sai, sẵn sàng chấp nhận mọi kỷ luật nếu vi phạm chứ không đổ lỗi cho cậu nhân viên đánh máy như bọn đảng viên. Nhưng kiên quyết không từ chức để bảo vệ chính kiến của cá nhân mình, nghĩa là dám làm, dám chịu trách nhiệm và có tư duy độc lập dẫu đúng hay sai nhưng dứt khoát không bị chi phối bởi cá nhân hay thế lục khác. Đó chính là lý do vì sao trong bài viết "Tư duy kẻ sĩ" tôi có nhắc bạn đọc rằng "...rồi sẽ thấy ở ông nghị "khùng" có nhiều mặt tích cực có ích cho xã hội hơn những mặt tiêu cực như chúng ta tưởng". Một quốc gia có một nền chính trị mạnh thì cần phải có rất nhiều các ĐBQH có tính cách như ĐBQH Hoàng Hữu Phước. Cử tri chỉ thực sự trông cậy và tin tưởng vào những dân biểu có phong cách sống và làm việc như ông Nghị Phước.
Thật lạ lùng có những ĐBQH mà tôi hằng yêu mến và kính trọng như cựu ĐBQH Nguyễn Minh Thuyết lại cho rằng hành động của ông Nghị Phước chưa từng có trong tiền lệ trong sinh hoạt nghị trường ở Việt nam, đặc biệt là việc sử dụng blog cá nhân (để công kích ĐBQH khác). Trong khi về mặt pháp lý thì như Trưởng ban Công tác đại biểu của UB Thường vụ QH Nguyễn Thị Nương cho biết chưa có căn cứ để xem xét việc bãi nhiệm, miễn nhiệm tư cách ĐBQH của ông Hoàng Hữu Phước và chúng tôi (chứ không phải dân) sẽ rút kinh nghiệm trong việc lựa chọn ĐBQH. Lẽ ra các ĐBQH là đại biểu của dân cần phải có tinh thần tiên phong, làm những việc phá lệ mà quy định không cấm chứ không thể có ý thức bảo thủ như của cựu ĐBQH Nguyễn Minh Thuyết. Nói như vậy để thấy việc ĐBQH Hoàng Hữu Phước đột phá (lệ) để tạo tiền đề cho một phong cách làm việc mới của các ĐBQH là điều đáng hoan nghênh, cần phải có. Mặc dù chúng ta ai cũng đều biết rằng, hàng năm Quốc hội họp 2 kỳ với khoảng 50-60 phiên họp toàn thể, nhưng số ĐBQH ngậm miệng ăn tiền vì do “Trình độ hạn chế, sợ động chạm hoặc do thiếu dũng cảm" chiếm khoảng trên 70% của tổng số 500 ĐBQH . Vậy thử hỏi ai hơn ai trong việc thực hiện trách nhiệm một ĐBQH đối với cử tri?
Dư luận xã hội của chúng ta hiện nay cũng vậy, người ta bảo rằng "Đa phần người Việt Nam chúng ta đón nhận những ý kiến phản biện bằng sự suồng sã của con vẹt và thói hách dịch của kẻ bề trên. Nó là biểu hiện cho sự cùm trói tư duy, không chấp nhận bất cứ quan điểm nào khác chủ kiến của mình và chỉ gìn giữ những định kiến mà không cần liên hệ với giá trị hiện thời – tự coi tầm hiểu biết của mình là chân lý bất biến.". Và cộng thêm một cái xấu là thói bầy đàn, lấy thịt đè người. Hễ thấy họ chửi thì mình cũng phải chửi theo cảm tính, đúng sai không cần biết miễn là ủng hộ phong trào. Đó là thói xấu cần phải bỏ. Nhìn sự việc của ông Nghị Phước dưới góc độ tự do, dân chủ thì thấy nghịch lý của xã hội Việt nam hiện nay còn quá nặng nề. Ngoài cái suồng sã của con vẹt và thói hách dịch của kẻ bề trên của chúng ta thì nó còn bộc lộ sự mất dân chủ và sự tôn trọng quyền tự do ngôn luận của các thành viên trong cộng đồng. Mục đích tối thượng của sự tự do hay dân chủ cũng là vì quyền con người, ở đó con người được trân trọng cùng với quyền làm người của họ. Tự do ngôn luận hay tôn trọng các ý kiến khác biệt cũng là tôn trọng quyền con người. Nó đấy cũng chính là một bộ phận của tự do dân chủ mà chúng ta đã và đang hướng tới và đấu tranh cho mình. Nguyên tắc của dân chủ là thiểu số phục tùng đa số, nhưng ý kiến của thiểu số phải được tôn trọng. Nghĩa là điều kiện cần là tôn trọng số ít khác biệt (bằng cái tối thiểu là quyền con người) và ý kiến trái chiều (dù ít) cũng phải được lắng nghe một cách nghiêm túc thì lúc đó mới thực là dân chủ. Do đó những ý kiến của ông Nghị Phước có thể sai hay chưa đúng, nhưng nên hiểu trong tranh luận, ý kiến của một bên khi đưa ra đó chỉ là ý kiến chứ chưa phải là một điều khẳng định hay là một chân lý. Nếu thấy họ sai thì chúng ta phải phản biện. Và tranh luận và phản biện là phương pháp đưa chúng ta cùng nhau tìm tới chân lý.
Nói như thế không có nghĩa là tôi cho rằng ông Nghị Phước đúng, mà như đã nói, ở một chừng mực nhất định vẫn thấy trong việc làm của ông ta tuy bị xã hội lên án nó có nhiều điểm tích cực hơn tiêu cực nhất là ở cương vị của một dân biểu. Nó là việc làm cần thiết phải có và đáng trân trọng. Nếu ai từng theo dõi các buổi chất vấn trong nghị trường ở các nước dân chủ thì thấy hành động của ông Nghị Phước còn quá ôn hòa và hiền lành. Ở các quốc gia đó, trong buổi họp quốc hội thì người chủ trì là Chủ tịch hay phó Chủ tịch Quốc hội ngồi điều khiển, với một Văn bản về quyền của ĐBQH trong tranh luận, trong đó chi tiết cụ thể từng vấn đề có thể nói, được phép và không được phép. Vậy mà chuyện dân biểu các phe công kích hay chỉ trích nhau, đôi khi "choảng" nhau, hay quá đà họ "choảng" cả Chủ tịch phiên họp cũng chỉ là chuyện bình thường. Với lý do làm việc và bảo vệ quyền lợi cho dân. Có người cho rằng như thế là làm xấu hình ảnh, nhưng nếu so sánh giữa cái được và cái mất của các hành động quá khích đó thì thấy nó đôi khi lại có lợi hơn có hại?
Cái đó còn hơn cái quốc hội của dân ở Việt nam nhà mình, cái người ta gọi là quốc hội bù nhìn, làm dân biểu thì họ gọi là nghị gật. Vậy mà một cái văn bản quy định giới hạn trong tranh luận của các ĐBQH - thành viên của cơ quan lập pháp vẫn không có. Điều đó cho thấy cái tư duy "gật, cái gì cũng gật" của các ĐBQH - đại biểu của cơ chế đảng cử vẫn là một tồn tại cố hữu bấy lâu nay đã trở thành thông lệ bất thành văn. Chuyện các đại biểu là người được đảng chọn lựa chứ không phải do dân bầu ra đâu thì ai cũng quá biết. Thực chất chuyện bầu bán cũng chỉ là vờ vịt cho vui để lừa thiên hạ. Vậy mà có nhiều người vẫn cứ chỉ trích, bảo việc làm của ông Nghị Phước làm cử tri thất vọng (!?). Nghĩ hay thật, đảng chọn họ mà đảng không thất vọng thì thôi chứ sao cứ vơ dân chúng tôi vào, dân chúng tôi đâu có quyền chọn ĐBQH?
Lai thêm chuyện bảo hành động của Nghị Phước là việc chưa từng có hay phá lệ nữa. Vẫn kiểu bầu cử lừa, bịp và coi thường nhân dân đang diễn ra mấy chục năm nay của đảng và chính quyền thì phải phá lệ là đúng chứ sao lại không? Vậy sao không khen mà lại chê?
Ngày 20 tháng 2 năm 2013
© Kami
————————
* Đây là trang Blog cá nhân của Kami. Bài viết không thể hiện quan điểm của Đài Á châu Tự do RFA.
Bài bình luận gần đây