Kami
-
Trong bài nói chuyện của ông Đại tá Trần Đăng Thanh, giảng viên thuộc Học viện Chính trị Bộ Quốc phòng giảng về Biển Đông cho các đối tượng lãnh đạo các cơ quan thuộc Đại học-Cao đẳng Hà Nội có nhắc đến vấn đề sổ hưu. Và ông Đại tá Trần Đăng Thanh đã cụ thể hóa vấn đề bảo vệ tổ quốc xã hội chủ nghĩa là bảo vệ quyền lợi của mỗi cá nhân và khuyên mọi người "chúng ta phải bảo vệ sổ hưu của chúng ta".
Chính vì cái tư tưởng thực dụng này mà ông Đại tá Trần Đăng Thanh đã bị cộng đông mạng, thông qua các bài viết và các ý kiến trên các mạng xã hội "ném đá" không tiếc tay. Vấn đề đặt ra là những suy nghĩ thực dụng kiểu ông Đại tá Thanh đưa ra như thế có phải chỉ là suy nghĩ đơn thuần của cá nhân ông Thanh, hay là tư tưởng của các nhà lãnh đạo cộng sản ở Việt nam hay nó là một hệ tư tưởng chính trị xã hội hiện đang tồn tại ở rất nhiều quốc gia vốn được mệnh danh là dân chủ? Câu trả lời là những điều ông Đại tá Thanh đang nói thực ra nó không có gì là mới lạ, mà thực chất nó chỉ là biểu hiện của Chủ nghĩa dân tuý (populism) đã được xem như là một hệ tư tưởng chính trị, hay một dạng luận điểm của tư tưởng chính trị xã hội. Theo từ điển Cambridge đã định nghĩa Chủ nghĩa dân túy là "những tư tưởng và hoạt động chính trị với mục đích đại diện cho nguyện vọng và nhu cầu của người dân bình thường nhằm đòi hỏi sự bình đẳng với giới thượng lưu và kêu gọi sự thay đổi hệ thống chính trị và xã hội theo xu hướng này". Còn từ Chủ nghĩa dân túy có nghĩa thứ chủ nghĩa làm cho dân say mê (túy).
Không phải chỉ trong thế kỷ XX, Chủ nghĩa dân túy được coi là một hiện tượng chính trị chủ yếu ảnh hưởng đến các quốc gia ở châu Mỹ La tinh, Chủ nghĩa dân tuý đã trở thành một lực lượng quan trọng trong lịch sử chính trị Mỹ Latin, nơi có nhiều nhà lãnh đạo có sức lôi cuốn đã xuất hiện từ đầu của thế kỷ 20. Có lẽ vì như vậy, nên người ta thường có cảm giác các chính quyền này mang màu sắc Chủ nghĩa Xã hội. Và từ những năm 1980 trở lại đây, phong trào chủ nghĩa dân túy đã đạt được mức độ thành công trong thế giới thứ nhất các quốc gia có nền dân chủ như Mỹ, Canada, Italy, Hà Lan... Mà trước đó, trong học thuyết Chủ nghĩa cộng sản của mình, những người cộng sản đã phác họa cho mọi người thấy một cái thiên đường cộng sản để mê hoăc quần chúng, đặc biệt là tầng lớp vô sản. Cái viễn cảnh ấy, theo họ nơi ở đó con người ta có quyền làm theo năng lực, hưởng theo nhu cầu. Nếu hiểu đặc điểm của chủ nghĩa dân túy là các chính sách mang tính chất "mị dân" của các đảng chính trị để tranh thủ sự ủng hộ bằng lá phiếu của thành phần ủng hộ là giới người nghèo, thì Chủ nghĩa cộng sản có thể được coi là siêu mị dân ở tính phi hiện thực. Cho dù cái thiên đường, viễn cảnh mà họ vẽ ra hoàn toàn là không thực tế, mà đến nay sau hơn 200 năm đã chứng minh được sự phi lý ấy. Nhưng nó vẫn được một số quốc gia các nhà lãnh đạo vẫn coi đó là đích đến, nhằm củng cố vị trí lãnh đạo độc tôn của họ. Họ đã cố tình không hiểu rằng trong thời đại hiện nay, mọi sự bưng bít về thông tin là vô ích. Khi mà sự hiểu biết của một bộ phận người dân đã khác trước, họ hiểu nhiều hơn, biết nhiều hơn, không những thế mọi thông tin đến với họ đã được cập nhật liên tục mọi lúc và ở mọi nơi.
Chủ nghĩa dân tuý thì tính hiện thực cao hơn rất nhiều, tuy nhiên về bản chất thì nó cũng mang tính mị dân, nhưng Chủ nghĩa dân tuý đã đánh trúng vào lòng tham và tính thực dụng của con người và trở nên có sức hấp dẫn ghê gớm. Vì thế, để trở thành đảng cầm quyền, trong các xã hội dân chủ, trong việc vận động tranh cử các đảng chính trị đã đưa ra các cương lĩnh tranh cử của mình các chương trình xã hội mang tính mị dân. Đó là yêu cầu thực phẩm, nhà ở, việc làm, các dịch vụ xã hội cơ bản, và thu nhập phân phối lại. Cụ thể là giáo dục miễn phí, trợ cấp cho các sản phẩm tiêu dùng về thực phẩm, nhà ở, dịch vụ y tế miễn phí hay phân phối các hỗ trợ vật chất ở mức độ cao nhất, cho dù các chính sách này về thực chất không hiệu quả. Nhưng đổi lại, điều này đã đủ để trở thành một cách "mua" phiếu bầu và tạo ra một mạng lưới chính trị rộng lớn các cử tri và những cái dạ dày hài lòng. Bởi vì những chính sách đó đã đánh trúng lòng tham của con người, thích của free thay cho các dịch vụ phải trả tiền. Đó là những lời hứa với cử tri khi họ nắm được quyền lực chính trị, trên cơ sở tính toán các điều kiện cần và đủ để có thể thực hiện tất cả những lời hứa này và họ thường thành công trong việc cung cấp nhiều dịch vụ rộng lớn và cơ bản
Ví dụ như Venezuela hay Thái lan hiện nay là những dẫn chứng cụ thể nhất trong việc các đảng chính trị sử dụng Chủ nghĩa dân túy trong các chính sách mị dân trong các chính sách kinh tế xã hội ở các kỳ tổng tuyển cử. Ở Thái lan, vào năm 2000, đảng Thai Rak Thai của cựu Thủ tướng Thakshin Shinawatra lần đầu tiên đã sử dụng chủ nghĩa dân túy và đã giành được chiến thắng tuyệt đối trong cuộc bầu cử trong năm đó. Và nhờ đó, họ đã thành lập chính phủ với duy nhất một đảng cầm quyền. Với chiến thắng này, chủ nghĩa dân túy đã thuyết phục không chỉ dân chúng tầng lớp nghèo mà kể cả hầu hết các chính đảng nhỏ đã tự nguyện sát nhập với đảng Thai Rak Thai. Để rồi đảng của cựu Thủ tướng Thakshin Shinawatra đã trở thành một trong hai đảng lớn trong chính trường Thái lan. Chính sách của đảng Thai Rak Thai bao gồm: Giáo dục miễn phí 15 năm, dịch vụ y tế trong các cơ sở y tế công lập với chi phí 30baht/lượt (tương đương khoảng 1$) khám hay nằm điều trị, xe lửa hạng 3, xe bus hạng bình dân trong nội đô Bang kok miễn phí, hàng năm chi cho mỗi tổ dân phố vay 1.000.000 baht để cho người nghèo vay lại với lãi suất ngân hàng 0% v.v...
Chính vì lý do này mà thành phần dân nghèo ở Thái lan đặc biệt là ở miền Bắc và Đông Bắc coi Thủ tướng Thakshin như ông thánh. Trong khi đó, đảng Dân chủ một đảng chính trị có tuổi lâu nhất trong chính trường Thái lan thì ngược lại, họ kiên quyết chống chủ nghĩa dân túy, và kết quả là từ năm 2000 đến nay, đảng Dân chủ liên tục được cử tri cho ngồi ở vị trí là đảng đối lập trong Quốc hội. Chỉ có một lần duy nhất, trong cuộc khủng hoảng chính trị kéo dài do sự sắp đặt của các tướng lĩnh quân đội nên đảng Dân chủ cùng với một số đảng khác thành lập chính phủ có nhiều đảng trong thời gian hơn 2 năm. Song đảng Dân chủ cũng phải chấp nhận kế thừa các chính sách kinh tế của chính phủ thân ông Thủ tướng ThackShin để lại và họ đã áp dụng chế độ dịch vụ y tế miễn phí 100% cho tất cả các loại bệnh.
Trước sự ủng hộ của dân chúng đối với Thủ tướng ThackShin, đảng chính trị Vì nước Thái của ông Thakshin cũng mang lại cho cá nhân ông và gia đình không ít điều phiền phức. Và đảng chính trị Thai Rak Thai (Vì nước Thái) của ông Thakshin cũng sau nhiều lần bị giải tán dưới các cái tên khác nhau, vì những lý do theo quyết định của Tòa án Hiến pháp mà được giới bình luận đánh giá rằng khó thuyết phục cử tri, lại thắng lớn trong cuộc bầu cử Quốc hội Tháng 7.2011. Lần này ngoài chính sách mỵ dân như cũ, chủ nghĩa dân túy đã được bà YinhLuck Shinawatra em gái của cựu Thủ tướng ThackShin đang sống lưu vong ở nước ngoài áp dụng một cách vượt bậc hơn nữa. Ngoài việc cam kết sẽ tăng mức lương tối thiểu từ 8.000 lên 15.000 baht/tháng, về chính sách nông nghiệp đảng của bà YinhLuck Shinawatra còn cam kết mua thóc của nông dân với giá 15.000 baht/tấn cao hơn giá bán thị trường từ 2-3.000 baht/tấn. Hay để lôi kéo sự ủng hộ của tầng lớp trung lưu họ đã miễn thuế tiêu thụ đặc biệt, cao nhất tới 100.000 baht/đầu xe ô tô mới cho các đối tượng sở hữu xe hơi lần đầu tiên. Nhờ chính sách này trong năm 2012, tổng lượng xe hơi tiêu thụ trong nội địa ở Thái lan đã đạt mức gần 1 triệu chiếc. Cho dù các chính sách mỵ dân kiểu này đã bị các chuyên gia kinh tế của Thái lan hay quốc tế phản đối kịch liệt, kể cả Ngân hàng Thế giới (World Bank) hay Qũy Tiền tệ Quốc tế (IMF) cũng phải khuyến cáo.
Tương tự ở Venezuela cũng vậy, ông Hugo Chavez cũng nhờ dùng chính sách mỵ dân mà ông ta giành được sự ủng hộ của đông đảo cử tri. Mặc dù những chính sách đó mà ông Hugo Chavez đưa ra đã đưa Venezuela trở thành một quốc gia tham nhũng nhất ở Mỹ Latinh. Mà theo bảng xếp hạng của Transparency International, Venezuela chiếm vị trí 166 trong số 176 quốc gia trên thế giới được phân tích. Và điều đó đã dẫn tới tình trạng, nếu trước đây đất nước này tiếp nhận những người nhập cư, thì bây giờ nó đã biến thành cổ máy tàn bạo trục xuất những người Venezuela có học vấn và kinh doanh ra khỏi lãnh thổ của mình. Theo một số số liệu thống kê, khoảng 500 nghin người vượt biên, trong đó 200 nghìn người định cư tại Hoa Kỳ. Họ ra đi cùng với những kiến thức của mình và, nếu được, với những đồng tiền của mình đến các quốc gia viễn cảnh hơn. Đồng thời nợ công của Venezuela tăng từ 35% GDP vào năm 1998 đến 71% vào vào năm 2012. Tuy nhiên vẫn có khoảng 55% người dân Venezuela đã bỏ phiếu cho cái cuộc sống buồn chán và tăm tối này tại các cuộc bầu cử vào ngày 7.10.2012 vừa qua.
Qua các dẫn chứng nêu trên để thấy được mặt lợi và mặt hại khi sử dụng Chủ nghĩa dân túy trong chính sách mị dân của các đảng phái chính trị, khi đích đến của sự cạnh tranh giữa các đảng phái là cuộc chạy đua để nắm giữ chiếc ghế quyền lực cơ quan Hành pháp thì họ sẵn sàng làm mọi thứ có lợi cho cử tri nhất. Cũng vì các chính quyền đều được thành lập dựa trên sự tín nhiệm của cử tri thông qua các cuộc bầu cử công bằng, dân chủ. Khi quyền lợi của các cử tri được đặt lên hàng đầu, đó cũng là bí quyết chiến thắng của các đảng chính trị khi mà sự cạnh tranh gắt gao của các đảng chính trị lên tới đỉnh điểm. Khi ấy chính sách mị dân sẽ có hiệu quả vô cùng lớn, những chuyện như thế nghĩ cho cùng thì hãy nghĩ đơn giản. Khi hiểu các đảng chính trị như các quản gia nắm ngân sách của đất nước và quyết định chi tiêu ngân sách cho hiệu quả nhất. Tài quản trị quốc gia của các chính đảng thể hiện ở đây. Khác với ở Việt nam, khi chính trị là trò chơi riêng của đảng CSVN mà quyền lợi và sự tồn vong của đảng CSVN là mục đích tối thượng thay vì quyền lợi của nhân dân. Khi chính trị không có sự cạnh tranh, thì cử tri không có quyền lựa chọn để quyết định đảng hay các cá nhân nào nắm quyền điều hành đất nước. Thì đảng cũng không cần đến chính sách mị dân, điều đó cho tháy những thiệt hại của người dân do chính sách độc đảng chính trị mang lại. Hay nói một cách khác, khi quyền lực của nhân dân được Hiến pháp ghi nhận, song đã bị đảng CSVN đánh cắp mất của họ. Thành ra từ vị thế nhân dân là người làm chủ quyền lực, thì họ bị biến thành con dân để đảng và các đòng chí dẫn dắt, điều này người dân trong nước có rất ít người biết đến.
Việc vận dụng Chủ nghĩa dân túy cũng không hề đơn giản, nó đòi hỏi những kỹ năng phân tích tính toán của các chuyên gia quản trị kinh tế của các đảng chính trị khi đưa ra các chính sách xã hội. Ngoài sự hấp dẫn đối với cử tri thì nó còn phải hài hòa với ngân sách quốc gia và các vấn đề khác đối với một đảng cầm quyền. Nhưng dù sao cũng thấy được Chủ nghĩa dân túy có một ý nghĩa mang tính quyết định đối với các đảng chính trị trong các cuộc chạy đua vào chiếc ghế quyền lực. Đồng thời chứng tỏ vai trò quan trọng của các kinh tế gia trong việc hoạch định các chính sách kinh tế xã hội của các đảng chính trị trong cương lĩnh vận động tranh cử. Và Chủ nghĩa dân túy khó có thể áp dụng trong một quốc gia độc tài về chính trị, khi không có sự cạnh tranh về chính trị giữa các đảng phái. Và hiển nhiên ở những quốc gia đó thì người thiệt hại nhiều nhất sẽ là nhân dân.
Hy vọng rằng bài viết này sẽ mang lại nhiều điều bổ ích không chỉ cho các chính trị gia, mà cho cả những ai quan tâm về vấn đề chính trị. Trong trường hợp nếu có cải cách chính trị ở Việt nam xảy ra, thì đây là một trong những giải pháp thực tế cho các chính đảng mới được phép hoạt động. Các anh không thể đọ với đảng CSVN về tài chính, nhất là về ảnh hưởng chính trị của họ, nhưng hy vọng với các chính sách "mị dân" sẽ là khâu đột phá trong việc thu hút sự ủng hộ của cử tri.
Ngày 06 tháng 1 năm 2013
© Kami
————————
* Đây là trang Blog cá nhân của Kami. Bài viết không thể hiện quan điểm của Đài Á châu Tự do RFA.
Bài bình luận gần đây