Kami
-
Mấy ngày này, cộng đồng internet có những phản ứng dữ dội sau khi nghe /xem bài nói chuyện của ông Đại tá-PGS-TS-NGƯT Trần Đăng Thanh, Học viện Chính trị Bộ Quốc phòng giảng về Biển Đông cho các đối tượng lãnh đạo các cơ quan thuộc Đại học-Cao đẳng Hà Nội. Sở dĩ ông Đại tá Trần Đăng Thanh bị phản ứng dữ dội từ các vị thức giả, cũng có lẽ vì sự chênh lệch về sự hiểu biết và kiến thức của ông ta so với họ có sự cách biệt đáng kể.
Điều đó đã khiến cho các vị đó nổi xung âu cũng là chuyện dễ hiểu, vì cán bộ tuyên huấn của đảng mà nói chuyện để cho vừa ý các vị thức giả kia thì chắc ông ta phải thuộc diện "phản động" (!?). Đó phải chăng là một đòi hỏi vô lý của chúng ta? Thú thực lúc đầu bản thân tôi đọc xong bài nói chuyện của Đại tá Trần Đăng Thanh, cá nhân tôi cũng bực tức và có suy nghĩ như mọi người về trình độ, nhân cách hay sự suy nghĩ lệch lạc, sai trái về lòng yêu đất nước, lòng tự hào dân tộc của ông ta. Nhưng nghĩ cho kỹ thì tôi thấy chúng ta cần bình tĩnh, phải suy nghĩ một cách nghiêm túc trên cơ sở đặt mình vào với tình hình thực tế trong nước, để thấy những cái mà chúng ta thu nhận được từ những thông tin trong bài nói chuyện đó. Điều đó có giá trị hơn là việc bới móc, chửi bới họ. Nhất là khi những điều ông Đại tá Thanh nói, được coi là những bí mật quốc gia, đã gây ngạc nhiên cho nhiều người, kể các nhà ngoại giao và giới phân tích bình luận chính trị quốc tế. Sau khi đọc kỹ bài nói chuyện của Đại tá Thanh (bỏ qua những chuyện vớ vẩn) và suy nghĩ, bản thân tôi rút ra một số điểm chính như sau:
1. Trình độ hạn chế và sự hiểu biết ít ỏi của đa phần các cán bộ tuyên huấn hiện nay
Thực ra, cần hiểu nội dung thông tin những điều ông Đai tá Trần Đăng Thanh nói trong bài nói chuyện trên là điều thường thấy trong các bài giảng hay các bài nói trong các buổi nói chuyện chính trị mang tính đại trà. Các đối tượng nghe cuộc nói chuyện này là các đối tượng cán bộ trung cấp, do đó các thông tin được chuyển tải, cũng như cách nói chuyện sẽ được phép thoải mái hơn. Trong nội dung các buổi nói chuyện thường bao gồm hai phần, nội dung chính và nội dung phụ mà giảng viên được phép thêm bớt mang tính minh họa. Những nội dung chính đã được quán triệt trong đề cương, đó là kim chỉ nam giảng viên cứ bám vào đấy mà nói, mà dẫn chứng. Còn nội dung phụ thì giảng viên được phép thêm thắt các vấn đề chả chết ai cho sinh động, như vấn đề đảo Thổ chu hay vấn đề quốc tế Bắc Triều tiên, Iran v.v... thì vô tư mà nói. Cũng như chất lượng của báo cáo viên như ông Đai tá Trần Đăng Thanh cũng thuộc dạng xoàng, số những đại tá làm công tác tuyên huấn như ông Thanh thì có hàng ngìn người. Có lẽ nhiều người có lẽ bị "chóang" với chuỗi học hàm, học vị và danh hiệu của ông Thanh nên cảm thấy quan trọng hóa. Nếu chúng ta xem bài phát biểu tại Hội nghị Việt kiều lần thứ 2 tại Sài Gòn tháng 10 vừa qua của thiếu tướng Nguyễn Thanh Tuấn sẽ thấy trình độ và chất lượng buổi nói chuyện này hoàn toàn khác.
Cũng cần thông cảm cho trình độ hiểu biết của các tuyên truyền viên như Đai tá Thanh, vì họ ít có điều kiện tiếp cận với luồng thông tin đa chiều trên mạng như chúng ta, các thông tin họ thu nhận được thường xuyên chỉ dựa vào các phương tiện truyền thông chính thống của đảng. Do vậy, về tư duy của họ sẽ bị hạn chế rất nhiều do giảng viên chính trị của đảng họ không có điều kiện cập nhật để nắm bắt và theo kịp các diễn biến tình hình chính trị trong nước và trên thế giới. Bởi chính họ là những cái loa phát ngôn chủ trương đường lối của đảng CSVN nên việc họ nói như đảng nói cũng là chuyện bình thường, chả lẽ họ lại bảo đảng nói sai (!?). Chính vì điều đó nên họ vẫn luôn nghĩ rằng thính giả sẽ vẫn đón nhận những thông tin "quý" mà họ đưa ra như cách đây 10 năm trước. Mà họ không biết rằng giờ đây đòi hỏi của người nghe đã khác trước cả về tư duy và lượng thông tin đã thay đổi nhiều. Một phần vì do ngày nay có nhiều kênh thông tin để người dân có thể tham khảo hơn hơn trước, trong khi có vẻ nguồn lượng người nói vẫn thế không có gì thay đổi dẫn tới tình trạng người nghe dễ nhàm chán. Tóm lại, bài nói chuyện của ông Đai tá Trần Đăng Thanh bị cộng đồng mạng phản ứng dữ dội cũng vì nhiều điều từ ông Đại tá Thanh nói ra đã để lộ cho mọi người thấy rằng mặt bằng kiến thức của các sĩ quan chính trị bây giờ rất kém, nếu so với các đối tượng là trí thức có điều kiện tìm hiểu và nắm bắt các thông tin đa chiều trên mạng internet.
Thật ra, mọi người trút hết tất cả những sự bực tức lên đầu ông Trần Đăng Thanh thì cũng có phần hơi oan cho ông ta quá. Mà cần phải hiểu, ông Thanh hay bạn, hay tôi hay những người tương lai nằm trong danh sách những người đã, đang và sẽ được nhận cái cuốn sổ lương hưu ấy, ở cương vị của Đai tá Thanh thì ai cũng như ai đều phải "nghiêm túc" thực hiện và cũng phải “đấu tranh trong lĩnh vực văn hóa tư tưởng”, nhằm bẻ gãy những “luận điệu xuyên tạc kích động” của “thế lực thù địch” mưu toan khơi động “diễn biến hòa bình”. như vậy cả mà thôi. Có trách thì phải trách người soạn bộ Đề cương tuyên truyền dùng để soạn giáo án, do những người ngồi ở cao hơn ở Tổng cục Chính trị. Có một điều là trong bài viết của nhà giáo Hà Văn Thịnh còn cho rằng ông Trần Đăng Thanh là người "chống lại Đảng và Nhà nước", trong khi chúng ta thường công kích rằng đảng CSVN và chính quyền của họ là những thế lực níu kéo sự phát triển theo quy luật (phản động) vậy sao chúng ta lại trút hết tất cả những sự bực tức lên đầu ông ta, một người đang chống cộng sản? Đây là một điều hết sức vô lý.
2. Là sự giải mã trong chính sách an ninh quốc phòng và đối ngoại của Việt nam...?
Trong các bài viết về đề tài này trên mạng, có những nhận xét cho rằng buổi nói chuyện nói trên với một số người nghe quan trọng như vậy chứng tỏ ông Trần Đăng Thanh là người có thẩm quyền nói tiếng nói của Đảng Cộng sản Việt Nam. Điều này có lẽ chưa đúng, vì buổi nói chuyện này dành cho các cán bộ hàng cán bộ trung cấp, thì các thông tin dạng "hàng chợ" đưa ra chẳng có gì đặc biệt hay mới mẻ cả. Việc cho rằng những điều mà ông Đại tá Thanh công khai là tiếng nói của Đảng Cộng sản Việt Nam thì hơi vội vã. Có mới hay không là do tự mỗi người chúng ta không nắm bắt kịp thời hoặc do thiếu giác quan chính trị mà thôi.
Vì trong chiến tranh hay chính trị thường người ta có các vấn đề chiến lược và vấn đề chiến thuật. Về chiến lược thì những người cộng sản đồng nghĩa với độc tài, phi dân chủ chắc chắn sẽ không thể đồng hành với Hoa kỳ, một đất nước tượng trưng cho tự do, dân chủ và quyền con người. Ngược lại Trung quốc dù là kẻ thù truyền kiếp ngàn đời của dân tộc Việt nam, nhưng họ có chung lý tưởng, chung đường lối, kiểu cách cai trị giống nhau nên họ sẽ phải là bạn bè theo nguyên tắc "Ngưu tầm ngưu-Mã tầm mã". Nhưng những người cộng sản Việt nam hiện nay cũng đang ở tình trạng lúng túng, khó xử. Một mặt thì họ cũng hiểu bản chất thâm độc của anh bạn Trung hoa, nhưng đó cũng là chỗ dựa vững chắc cho đảng CSVN, những người cộng sản họ cũng biết nếu họ tự nguyện cúi đầu để làm một Trần Ích Tắc, một Lê Chiêu Thống thì kết cục của bọn họ sẽ ra sao, vì chắc chắn nhân dân Việt nam sẽ không thể chấp nhận. Nhưng nếu những người cộng sản coi quan hệ với Hoa kỳ là mối quan hệ mang tính chiến lược thì chính bản thân họ đã tự tuyên cho mình bản án tử hình.
Do vậy, những người cộng sản đã áp dụng chiến thuật ngoại giao của Việt nam theo chính sách ngoại giao con Dơi, theo lối "đi với Chuột thì bảo là Chuột, đi với Chim thì nhận là Chim". Đó là nguyên tắc của chính sách đối ngoại kiểu đu dây của chính quyền Việt nam, mà thực chất chỉ là biện pháp chiến thuật để tránh các mâu thuẫn và xung đột. Nghĩa là họ chơi trò dựa vào một bên để làm đối trọng với bên thứ ba, lặp đi lặp lại. Hiện trong số chúng ta, nhiều người tưởng chuyện người Mỹ dùng giải pháp thông qua con đường giáo dục, để dần dần thâm nhập và thu phục các thế hệ lãnh đạo Việt nam trong tương lai là giải pháp mà phía Việt nam đã chấp nhận. Cho dù điều này có thể thành công, nhưng sẽ mất đi nhiều thế hệ. Nó sẽ là chuyện của nhiều chục năm trước mắt chứ không phải chuyện của tương lai gần. Nếu hiểu được nguyên tắc này thì chúng ta sẽ thật bất ngờ khi các nhà ngoại giao hay các nhà bình luận phân tích chính trị quốc tế coi những điều ông Đai tá Trần Đăng Thanh công bố là những bí mật nhà nước (!?). Do đó không nên nghĩ rằng bài thuyết giảng của ông Phó Giáo sư Tiến sĩ, giảng viên Học Viện chính trị Bộ Quốc phòng Trần Đăng Thanh làm cho những nghi ngờ bấy lâu trong người dân được giải mã một cách trọn vẹn.
Việc họ dùng một cán bộ tuyên huấn là một ông Đại tá "trơn" với các danh hiêu, học hàm, học vị như Phó Giáo sư Tiến sĩ, giảng viên Học Viện chính trị Bộ Quốc phòng không có chức tước gì về mặt đảng và chính quyền cũng là một ý đồ có tính toán trước và cũng là chuyện ai muốn hiểu thế nào cũng được, không có gì là ghê gớm cả.
3. ... Hay chỉ là giải pháp chiến thuật, rút lửa đáy nồi ?
Nên nhớ tình hình chính trị, kinh tế, xã hội ở Việt nam hiện nay đang diễn biến rất xấu và hết sức phức tạp trên tất cả mọi phương diện, đặc biệt là về vấn đề kinh tế. Cái quan trọng nhất cho thấy qua bài nói chuyện của ông Đại tá Thanh là Đảng CSVN và chính quyền của họ đang phải đối mặt với nhiều nguy cơ cận kề kiểu thù ngoài giặc trong, cộng với mâu thuẫn nội bộ trong ban lãnh đạo trầm trọng hơn bao giờ hết. Nếu để ý, gần đây trên báo chí của nhà nước có đăng bài viết nhân ngày kỷ niệm thành lập Quân đội Nhân dân Việt nam của Chủ tịch Trương Tấn Sang với tựa đề "Mãi mãi là sao sáng dẫn đường", sẽ thấy các cụm từ "sự “tồn vong” của chế độ, bất ổn chính trị, sự hỗn loạn ..." được Chủ tịch Trương Tấn Sang lặp đi lặp lại nhiều lần. Cộng với cái bảo vệ tổ quốc thời XHCN là bảo vệ cái sổ hưu như của ông Đại tá Trần Đăng Thanh nói. Điều đó cho thấy sự sống còn của đảng CSVN trong thời điểm này đã trở thành là vấn đề hàng đầu. Người Việt ta thường nói, khi thiếu cái gì thì người ta hay nói đến cái đó, trong trường hợp này lại càng chính xác. Điều này càng nguy hiểm hơn đối với đảng CSVN nếu xảy ra xung đột trên Biển Đông với Trung quốc trong thời gian này. Xem thêm "Tranh chấp Biển Đông: Tại sao ban lãnh đạo đảng CSVN im lặng?" để thấy việc cho rằng giữ lòng thù hận với Mỹ và cố xoa dịu những gì mà Trung Quốc đang làm, đã khiến nhiều người ngạc nhiên thì nó chỉ là một giải pháp tình thế, rút củi đáy nồi nhằm hạ nhiệt và giải tỏa sức ép của đảng CSVN. Bằng chứng là ngay sau đó tại hội nghị thượng đỉnh ASEAN - Ấn Độ ở New Delhi ngày 20/12/2012 vừa qua "Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng kêu gọi Ấn Độ can thiệp trong tranh chấp Biển Đông".
Từ những dẫn chứng trên cho thấy, bài nói chuyện của Đai tá Trần Đăng Thanh xảy ra trong thời điểm này và được tung lên mạng một cách "tình cờ" cũng như phát biểu của ông Nguyễn Thế Kỷ trong Hội nghị giao ban báo chí vừa rồi. Những sự kiện đó xảy ra vào thời điểm có các dấu hiệu cho thấy Trung quốc đang chuẩn bị dùng tàu Hải giám để kiểm tra các tàu thuyền chạy trên Biển Đông và triển khai kế hoạch cho lính giả ngư dân để tiến hành cướp một số hòn đảo của Việt nam trong khu vực quần đảo Trường sa là một việc làm hết sức không bình thường. Hình như đó là sự chủ định, nhằm tạo nhiễu thông tin và giảm áp lực của Trung quốc trên Biển Đông đang hết sức căng thẳng. Cũng có người sẽ hỏi tại sao những điều được ông Đai tá Trần Đăng Thanh công bố lại được coi là nhằm giảm áp lực từ phia Trung quốc, mà không phải là áp lực từ trong nước? Câu trả lời là, các áp lực từ trong nước đã được coi là có qua các trang báo mạng hay tình hình dân oan đã và đang làm cho hàng ngũ lãnh đạo ở Việt nam nhận thấy những cái đó là những nguy cơ tiềm ẩn, nhưng nó chưa có sức ép đáng kể, đủ mạnh như sức ép của Trung quốc trên Biển Đông.
Người ta thường nhắc đền một câu nói của cố Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu là "Đừng tin những gì cộng sản nói mà hãy xem những gì cộng sản làm" theo tôi trong trường hợp này vẫn đúng. Vì các lãnh đạo cao cấp Việt nam lúc này họ nghĩ gì, có các ý đồ riêng tư gì cụ thể thì cỡ ông Đai tá Thanh và chúng ta làm sao mà biết được.
4. Về vấn đề sổ hưu một vấn đề quan trọng, không hề đơn giản
Một vấn đề lớn khác, là chuyện ông Đại tá Trần Đăng Thanh khuyên mọi người "chúng ta phải bảo vệ sổ hưu của chúng ta" theo cá nhân tôi là cả một vấn đề lớn, nghiêm túc, sát thực tế và cũng cũng rất thật. Chính ra chúng ta cần phải cảm ơn ông Đại tá Trần Đăng Thanh, chứ đừng phê phán, nó không hề là điều "khủng khiếp" như có người nói. Xin hỏi bạn có bao nhiêu % người dám đánh đổi cả mức thu nhập cuối đời của mình khi nghỉ hưu ở tuổi già cho việc thay đổi chế độ hiện tại bằng chế độ mới? Ai hay chính đảng nào dám tuyên bố chấp nhận và sẽ thực hiện điều này?
Bỏ qua phạm trù đạo đức, chúng ta cần nhìn nhận vấn đề này một cách nghiêm túc, nó không chỉ đơn giản là chuyện một vài triệu bạc của một người trong một thời điểm nào đó. Mà cần phải coi đó chính là cái vấn đề quan trọng nhất, của một số đông trong một thời gian dài của những người ở tuổi già, mà phần lớn các cán bộ lão thành cách mạng, các cựu chiến binh hay các thành phần khác đang hưởng chế độ nghỉ hưu quan tâm nhất. Cá nhân tôi cho rằng, những điều ông Đại tá Trần Đăng Thanh nói như thế là rất thực tế, văn minh chả thua gì các nước dân chủ trong quá trình đưa ra các chính sách kinh tế xã hội khi vận động tranh cử. Con người ta không phải là ông thánh, nên bất cứ cái gì thì cũng phải có thực mới vực được đạo, phải bảo vệ quyền lợi cá nhân và con cái của ngườii dân đầu tiên thì họ mới theo, mới ủng hộ. Đây là vấn đề mà các đảng chính trị đối lập phải suy nghĩ nghiêm túc, không giải quyết được vấn đề này thì không thể có sưc thuyết phục quần chúng trong việc tập hợp lực lượng.
Kết:
Nói cho cùng, những người làm công tác tuyên truyền viên như ông Đại tá Trần Đăng Thanh thì thời nào cũng thế, cũng như những người làm nghề trình dược viên hay bán hàng đa cấp vì nó là một cái nghề. Nghề các bộ tuyên huấn cũng vậy, tùy đối tượng mà họ có các cách tiếp cận khác nhau và khả năng thuyết phục thì tùy khả năng của mỗi người. Với mặt bằng dân trí như hiện tại ở trong nước, dù cho chúng ta có phản ứng bất kể như thế nào thì những điều ông Đại tá Trần Đăng Thanh nói ra thì hiện nay ước chừng có khoảng trên 60% dan chúng vẫn tin tưởng vào những điều mà ông ta nói, đặc biệt là tầng lớp cán bộ hưu trí và giới trẻ. Điều này là sự thách thức đối với phong trào dân chủ. Điều quan trọng nhất là chúng ta phát hiện ra sự lúng túng trong chính sách đối ngoại và lo lắng trước các nguy cơ bất ổn của các nhà lãnh đạo Việt nam.
Đồng thời, cần phải tuyên truyền cho đông đảo các tầng lớp nhân dân hiểu rõ quan điểm của những người cộng sản hết sức coi trọng công tác chính trị. Với họ thì quản lý con người thì phải quản lý được về mặt tư tưởng mới là thành công, ngược lại chỉ quản lý được con người mà không quản lý được về mặt tư tưởng thì hoàn toàn là thất bại. Do nhận thức được tầm quan trọng của công tác giáo dục chính trị tư tưởng như vậy, nên hầu hết các thông tin nhạy cảm xuất hiện trên các kênh thông tin của nhà nước đều bị bóp méo theo hướng có lợi cho đảng. Từ đó dẫn tới tình trạng làm cho người đọc hiểu và nhận thức sai, lệch lạc các vấn đề quan trọng trong việc bảo vệ chủ quyền của đất nước.
Sống với cộng sản giả hiệu đã khó, mà hiểu được những gì cộng sản đang nói và làm mới là điều càng khó hơn. Nhất là từ bao năm qua chính sách tuyên truyền của họ, với cách nói một đường làm một nẻo như họ thường làm đã làm chúng ta khó mà suy đoán. Nhưng như thế không có nghĩa là cần phải quan trọng các thông tin như những điều mà ông Đại tá Thanh nói, vì thực ra đối với người dân trong nước nó là những vấn đề hết sức bình thường.
© Kami
————————
* Đây là trang Blog cá nhân của Kami. Bài viết không thể hiện quan điểm của Đài Á châu Tự do RFA.
Bài bình luận
Kơ đồng ý..
Trich : "...Nhưng như thế
Định mệnh DT và Sổ hưu cho 3 triệu ĐV.
Ông sai ngay từ khi đặt vấn đề ông ạ!
Cách đáng giá công bình
Doanh nghiệp
SAI GON