Kami
-
Trong cuộc đời mỗi người, ai cũng có những ký ức không thể phôi phai theo thời gian của những năm tháng trong quá khứ. Những ký ức ấy được in đậm trong tâm trí của mỗi người và khi nhắc đến những sự kiện này thì trong đầu mỗi người đều hiện lên những hình ảnh ngày xa xưa ấy trong ký ức như một cuốn phim lịch sử.
Tôi và những người khác thuộc thế hệ 6X, mà chúng tôi thường nói đùa là thế hệ của những người "thích" chiến tranh. Bởi những ai sống trên đất nước Việt nam thuộc thế hệ 6X cũng vậy, cuộc đời của chúng tôi từ nhỏ đến lớn, ai cũng đã từng trải qua ba cuộc chiến tranh của dân tộc Việt. Đó là các cuộc chiến tranh chống Mỹ, chống Tàu và chống Kh'mer đỏ... Khi ở trong quân ngũ sau này, những lúc nghĩ ngợi về cuộc đời, bản thân tôi luôn suy nghĩ đó có lẽ chiến tranh đã là định mệnh của cuộc đời mình. Nhiều khi tôi cũng như bao người khác chỉ thầm ước khi nào thì hết chiến tranh, thì khổ mấy cũng chịu được. Cho dù những năm tháng chiến đấu trên chiến trường K - Campuchia là cuộc chiến cuối cùng của cuộc đời (hy vọng là như thế), nhưng trong ký ức của tôi về cuộc chiến tranh chống Mỹ có lẽ là sâu đậm hơn cả. Cũng có lẽ đó là những ký ức của tuổi thơ. Bây giờ nhắc lại ký ức chiến tranh, cũng muốn để cho các cháu còn ít tuổi hay những người sống bên kia vĩ tuyến 17 biết rằng thế hệ những người như chúng tôi đã sống trong cuộc chiến tranh chống Mỹ ở miền Bắc Việt nam thế nào?
Các kỷ niệm trong chiến tranh thời ấy lúc này tôi còn nhớ như in trong tâm trí, đó là những ngày tránh bom Mỹ trong những căn hầm trú ẩn chữ A hay những ngày cùng bạn bè đầu đội mũ rơm, lưng đeo nệm bằng rơm để chống mảnh bom đạn ở nơi sơ tán, những hố tăng-xê tránh bom trên vỉa hè các phố ở Hà nội. Rồi những tiếng nổ đanh, đinh tai nhức óc của pháo cao xạ đại cao, những đám khói trắng như cụm hoa mây của đạn cao xạ 37 ly trên bầu trời, tiếng nổ liên hồi của súng liên thanh 12,7 ly hay những cột lửa, khói đen xì bốc cháy cuồn cuộn của kho xăng Đức giang bị trúng bom ngày ấy, hôm nay vẫn còn đây. Vậy mà khi ấy, người Hà nội vẫn hết sức bình thản, không hề tỏ ra sợ hãi. Kể cả khi pháo phòng không bắn máy bay Mỹ trên bầu trời Hà nội, lũ trẻ chúng tôi vẫn đầu đội mũ rơm ngửa cổ lên trời xem pháo cao xạ của bộ đội bắn máy bay Mỹ trong lúc mảnh đạn rơi rào rào trong sân chùa nơi chúng tôi đứng khi học sơ tán. Những cảnh tượng ngày ấy đối với chúng tôi là rất bình thường, đặc biệt là lúc đó bọn trẻ con chúng tôi cũng như người lớn là không hề biết sợ hãi. Người sợ máy bay Mỹ nhất có lẽ là những người cao tuổi như bà tôi. Còn nhớ ngày ấy, đài truyền thanh Hà nội hàng ngày thường thông báo tình hình hoạt động của máy bay Mỹ để nhân dân biết để liệu chui xuống hầm trú ẩn. Khi máy bay Mỹ cách Hà nội khoảng 900 km, 80 hay 50 km thì họ sẽ thông báo báo động "Đồng bào chú ý, đồng bào chú ý! Máy bay địch đang cách Hà nội 90 km, đồng bào nhanh chóng xuống hầm trú ẩn". Khi máy bay cách Hà nội 50 km thì sẽ có còi báo động rúc lên. Khi ấy có nghĩa là máy bay Mỹ đang bay trên đầu mình rồi. Và đến khi hết máy bay thì đài báo an "Đồng bào chú ý, đồng bào chú ý! Máy bay địch đã bay xa". Khi ấy mọi người lục tục rời khỏi hầm trú ẩn, trở với những công việc thường nhật của mình. Còn nhớ những tháng năm bom đạin không liệt ấy, thì lũ chúng tôi mỗi ngày bị bà nội lôi xuống hầm không biết bao nhiêu lần. Lâu mãi thành quen, mỗi khi đài truyền thanh thông báo, là khi bà quát chúng tôi chạy xuống hầm. Bao giờ cũng thế, bà nội là người xuống hầm đầu tiên, bà sợ máy bay Mỹ lắm, mỗi khi xuống hầm trú ẩn bà tôi luôn miệng tụng kinh "Nam mô A-di đà Phật" và tay thì lần tràng hạt. Trong lúc lũ nhỏ chúng tôi thì ngồi cãi nhau chí chóe xem tiếng nổ là do loại pháo cao xạ gì bắn ra, điều mà lũ trẻ thường hóng hớt được từ người lớn. Nếu không thì lại ngồi lấy đất ướt dưới nền hầm để nghịch nặn đồ chơi.
Tết mũ rơm, hình ảnh thường thấy trong chiến tranh ở miền Bắc
Và rồi chiến tranh leo thang và lan rộng, ngày càng ác liệt. Chiều hôm đó, bố tôi ghé về nhà nói với bà nội tôi phải đưa anh em chúng tôi đi sơ tán khỏi Hà nội. Bố tôi nói sẽ đi theo trại trẻ sơ tán của cơ quan. Nhưng bà tôi lại muốn đưa anh em chúng tôi về quê. Và bố tôi chiều ý bà. Xẩm tối hôm đó, có xe comancar của cơ quan bố tôi đến đón để đưa bà nội và chúng tôi về quên. Chiếc xe dã chiến của quân đội, sơ màu cỏ úa, phủ bạt cắm đầy lá ngụy trang đưa chúng tôi về quê nội. Khác với mọi lần, lần này là chúng tôi về quê sơ tán và nghĩa là sẽ phải sống ở đó một thời gian dài, không biết ngày nào sẽ được trở lại Hà nội. Còn nhớ, cảm giác của tôi là sợ về sống ở quê, cứ nghĩ là sẽ khổ lắm, không điện, không nước máy sẽ sống thế nào nên không muốn về. Nhưng rồi đi sơ tán khỏi bom rơi, đạn lạc thì cứ phải đi. Xe ô tô đưa chúng tôi về quê, rời Hà nội đi qua cầu phao hướng lên phía Bắc thẳng tiến, trên xe lỉnh kỉnh đồ đạc, gạo muối. Chị gái tôi còn ôm theo con chó Nica để mang về quê nuôi, với lý do sợ nó ở lại rồi chạy rông rồi người ta sẽ bắt làm thịt. Xe chạy qua Gia lâm, trời tuy đã bắt đầu tối nhưng hai bên đường vẫn còn nhìn thấy toàn là cảnh hoang tàn, đổ nát của các công trình nhà máy, nhà dân do bị bom đánh trúng. Qua khu vực kho xăng Đức Giang bị bóm đánh trúng hôm nào, tất cả chỉ còn là những cột sắt, mảnh tôn rách nhuộm khói đen xì. Khi xe ra khỏi Gia lâm, đi về phía cầu Đuống trên đồng lúa còn lỗ chỗ những hố bom mới, đất đá còn đậm màu đất mới bị đào xới. Trên xe mọi người lúc này đã hết trò chuyện, hình như mọi người đều đã ngủ thiếp đi và tôi cũng thế. Tôi bất thần tỉnh giấc, mở mắt ra đã thấy mọi người đang chuyển đồ xuống khỏi xe chuyển vào nhà. Đâu đấy nghe tiếng người ta í ới "Cụ trưởng về, cụ trưởng đã về bác cả, bác út ơi".
Chả mấy chốc bà con họ hàng đã có nhiều người đến lắm. Mỗi người một chân một tay dọn dẹp, thu xếp đồ đạc. Nhà chúng tôi ở là nhà của ông nội ở quê, sát với nhà thờ họ. Nhà bỏ không, không có ai ở chỉ có bác cả anh bố tôi ở gần đó trông nom, quét tước. Đó là ngôi nhà cổ như cái chùa, cột gỗ lim, lợp ngói ta nền nhà lát gạch bát. Nhà có tường bao quanh, với cái cổng tựa như cổng đình, với những hoa trạm trổ rồng bay phượng múa. Hai bên trụ cổng là hai hàng câu đối chữ Nôm. Nhà rộng rãi, trước và sau nhà có cả vườn cây ăn quả, nhiều nhất là ổi, nhãn, khế và thích nhất là một bể nước mưa nước trong vắt và khi uống thì ngọt lịm. Chuyển về nhà mới, lúc đầu còn lạ lẫm. Sau quen dần, bạn bè toàn là lũ trẻ là anh em họ hàng. Có đứa theo vai về phải gọi chúng tôi là ông bà trẻ, vừa buồn cười vừa xấu hổ khi chúng nó có đứa lớn hơn chúng tôi mà cứ một điều ông trẻ, một điều bà trẻ.
Người Hà nội bình thản đọc báo trong lúc báo động
Còn bé, lại về quê đúng lúc nghỉ hè nên toàn được chơi chả phải học hành gì nên cũng sướng lắm. Hàng tuần, mẹ tôi lại đạp xe đạp về mang theo gạo, mỡ, mắm muối mua theo chế độ phân phối bàng tem phiếu về tiếp tế cho bà và anh em chúng tôi. Hồi ấy, cứ mỗi chiều thứ bảy tắm rửa xong là anh em chúng tôi lại rủ nhau ra đầu làng đón mẹ. Mỗi khi mẹ tôi xuất hiện, là anh em chúng tôi mừng quýnh và chẳng ai bảo ai, tất cả đều chạy ùa ra đón mẹ. Hình như lúc ấy, chúng tôi mừng một phần là được gặp mẹ, nhưng một phần mẹ về thì anh em đều có quà. Qùa khi đó là mấy cái bánh bích quy, mấy cái kẹo và thích nhất là mấy cuốn truyện tranh màu. Và mỗi khi mẹ tôi về thăm thì đều được ăn thịt cá mua bằng tem phiếu từ Hà nội, có lần mẹ tôi còn làm thịt bò tái chấm tương gừng cho mọi người ăn. Thời đó là thời bao cấp, nên miếng ăn quý lắm, nhưng mỗi lần về mẹ tôi đều mang mấy chai nước mắm để biếu các bác, các chú anh em họ đằng bố tôi. Nên họ quý trọng mẹ và thương chúng tôi như con. Chị cả tôi năm đó khoảng 15 tuổi, con gái Hà nội mà chịu khó lắm. Các bác trong họ dạy cho chị cách cất vó te hay bắt cua đồng để ra đồng kiếm tôm, kiếm cá. Chỉ hơn một tháng, mà chị kiếm cá tôm giỏi lắm, ăn không hết chị tôi còn biết phơi khô rồi bỏ trong hộp gửi về cho bố mẹ ở Hà nội. Người làng ai cũng khen chị là đảm đang.
Với chúng tôi. về quên sơ tán cũng là bỏ lại chiến tranh, bỏ lại bom đạn với những chộn rộn của cuộc sống ở thành phố. Về đây, nhà quê yên ả, yên bình không khí trong lành, không có tiếng bom rơi đạn nổ, chỉ thi thoảng mới có tiếng máy bay bay qua. Giờ nghĩ lại đó là những năm tháng được coi là tuyệt vời nhất của tuổi thơ, nếu không muốn nói là tuyệt vời nhất của cuộc đời từ bé đến nay. Trong chiến tranh bom rơi đạn lạc như thế, cuộc sống tuy còn thiếu thốn, gian khổ mà vẫn thấy hạnh phúc hơn bay giờ. Cũng có lẽ do khi ấy còn nhỏ, vô lo vô nghĩ chưa hiểu hết được nỗi gian truân của cuộc đời con người mà sau này mĩnh đã từng trải. Đó là những gì ghi nhận được trong cuộc sơ tán lần thứ nhất, lúc đó tôi chừng 6-7 tuổi. Những ngày tháng sơ tán về quê nhanh chóng đi qua, sau khi người Mỹ ngừng các cuộc không kích trên lãnh thổ miền Bắc. Khi đó chúng tôi lại được trở về Hà nội để bắt đầu một năm học mới. Tưởng tình hình chiến tranh sẽ dịu bớt phần căng thẳng, nhưng không phải như thế. Còn cuộc sơ tán khỏi Hà nội những ngày cuối tháng 12.1972 mới là cuộc chạy bom Mỹ lần cuối cùng.
Những ngày cuối tháng 12.1972, trời rét đậm. Không khí chiến tranh một lần nữa lại được hâm nóng lại, tình hình hết sức khẩn trương. Lúc này phía chính quyền thông báo phía Mỹ sẽ dùng B. 52 ném bom hủy diệt thành phố Hà nội, Hải phòng và yêu cầu toàn bộ nhân dân phải sơ tán triệt để khỏi Hà nội trong phạm vi 24 giờ đồng hồ. Khi đó tôi đã bát đầu lớn và cũng đã cảm nhận được tình hình rất căng thẳng và khẩn trương. Chúng tôi rời khỏi Hà nội trong chuyến xe lúc nhập nhoạng tối ngày 18.12. 1972, ngày khởi đầu của cuộc không kích 12 ngày đêm ác liệt. Lần này, tôi cùng đứa em gái 7 tuổi đi theo đoàn của cơ quan bên mẹ tôi bằng xe tải. Trước khi đi, chỉ nghe mẹ tôi dặn dò đôi điều là phải vâng lời người lớn và hứa mẹ sẽ lên thăm hai đứa. Trước khi anh em tôi lên xe ô tô, đứa em gái tôi tỏ ra sợ hãi mắt nó mở to và trừng trừng nhìn tôi ý chừng muốn hỏi anh có bảo vệ được em không? Tôi bảo nó anh cũng không biết người ta đưa anh em mình đi về đâu, sống với ai. nhưng em đừng sợ. Rồi xe chạy, ngoài trời rét buốt khi xe chạy gió thổi mạnh làm cho càng rét hơn. Lũ trẻ chúng tôi ngồi trên xe mà nước mắt, nước mũi giàn dụa, môi thâm tím vì rét. Xe chạy theo hướng Sơn tây, ra khỏi ô Cầu giấy thì đường tắc, do người đi sơ tán đông quá. Người xe lũ lượt, chạy ra khỏi thành phố, không khí chiến tranh hình như đã đến cận kề lắm rồi. Lúc này thì bất kể phương tiện gì sử dụng được cũng được huy động để đưa người ra khỏi thành phố, như ô tô, xe bò, xe ngựa hay xe đạp, xích lô. Trên xe chúng tôi hơn ba chục đứa trẻ ngồi im lặng có lẽ vì sợ, dưới đường tiếng người gọi nhau ý ới. Thành phố tối mịt, đèn đường cũng bị tắt hết mọi hoạt động chỉ nhìn thấy qua ánh đèn pha ô tô. Xe ra khỏi Hà nội khoảng hơn hai chục cây số, khoảng thị trấn Phùng thì thấy hai bên đường người đông nghịt. Nghe thấy họ bảo chính quyền đưa người ra khỏi thành phố xong sẽ đổ xuống đây để mọi người tìm cách đi tiếp. Nghe thấy họ bảo nhau thế, cô em gái tôi mắt ngơ ngác, tay nắm chặt tay tôi. Chắc lúc đó nó hình dung chúng tôi cũng sẽ bị đổ xuống đây như mọi người. Hình như nó đang sợ lắm, đoán thế tôi thầm thì bảo nó "Mình sẽ đi tiếp, đây là xe của cơ quan mẹ, đừng lo". Rồi khi xe của chúng tôi ra khỏi thị trấn phùng Phùng thì chạy nhanh do lúc này đường đã thoáng.
Dòng người sơ tán tại cửa ô Hà nội cuối năm 1972
Khoảng gần nửa đêm, xe ô tô đưa chúng tôi đến một ngôi trường học. Các cô chú phụ trách bảo chúng tôi mang đồ đạc xuống, và họ đưa cả mấy chục đứa trẻ chúng tôi vào một lớp học. Lúc này trời thì tối mịt, ngoài trời không khí lại rét căm căm. Rét lắm. Chưa bao giờ chúng tôi biết rét như thế, sau này lớn nghe họ bảo rét mà đói thì càng rét. Khi ấy hai mẩu bánh mỳ kẹp một ít đường trắng, khẩu phần bữa tối mà họ chia cho anh em tôi trên xe chưa ăn bấy giờ đã cứng ngắc. Tôi lấy bánh mỳ trong cái túi xách ra chia cho em gái một miếng bảo nó cố ăn cho đỡ rét. Con bé chắc sợ và lo lắng lắm, đôi mắt nó rưng rưng, có lẽ nó đang sợ vì chưa bao giờ hai anh em chúng tôi bơ vơ như vậy. Vào lớp học, giường ngủ của chúng tôi là những băng ghế ghỗ ghép lại, rồi rải chiếu lên. Các cô chú phụ trách chia chỗ ngủ xong cho bọn trẻ và yêu cầu tất cả đi ngủ. Xong xuôi và họ đi ra ngoài, lúc này tất cả đềm im lìm, lũ trẻ chúng tôi đứa nào cũng mệt do đói và rét đều lăn ra ngủ, khi ấy chỉ có ngọn đèn dầu ma dút bằng cái chai, với ngọn bấc bằng sợi vải ở góc tường là bập bùng trước gió.
Hai anh em có mang theo một cái chăn chiên và một cái màn, vì tối nên không mắc màn được nên màn cũng được dùng thay cho chăn. Trẻ con ăn dễ, ngủ lại càng dễ. Tôi ngủ thiếp đi lúc nào cũng không biết. Khi tỉnh dậy, mở mắt ra đã thấy trời sáng, hôm ấy trời rét nên trời đầy mây nặng màu chì. Chúng tôi kéo nhau ra giếng đánh răng rửa mặt. Từ đây chúng tôi nhìn thấy núi Ba vì đứng sừng sững trước mặt. Họ bảo từ đây vào đến chân núi khoảng mười cây số, hôm nào sẽ cho vào đó chơi. Bữa ăn đầu tiên ở trại sơ tán là cơm, cà muối xổi và cá rô rán chấm magi. Mỗi đứa một đĩa cơm nóng được chia sẵn, thức ăn múc bỏ lên trên. Cơm nóng ăn với cá rô rán ngon lắm, hình như tôi chưa được ăn một đĩa cơm nào ngon như thế, chỉ tiếc cơm hơi ít nên vèo một cái tôi đã ăn hết. Lọ muối vừng lạc mẹ ra cho mang theo chưa kịp dùng. Cô em gái thấy thế sẻ cho tôi thêm một nửa đĩa cơm của nó, tôi chỉ lấy cơm và cà để ăn với muối vừng, còn con cá rô thì cho nó ăn một mình. Sao bữa cơm đầu tiên ở trại sơ tán ngày ấy nó lại ngon đến thế, có lẽ vì nó là bữa cơm tập thể đầu tiên trong đời của toi công với cái suy nghĩ rằng tôi đã là người lớn. Hương vị của bữa cơm tập thể ấy theo tôi suốt cả cuộc đời, sau này đi đâu ăn cơm có cá rô, tôi thường bảo họ rán cá và chấm với magi. Chúng tôi ở nơi sơ tán nhưng hàng ngày vẫn nghe tin ở Hà nội chiến tranh đang xảy ra rất ác liệt. Tin bom Mỹ rải thảm ở Khâm thiên, bom ném sập sảnh chính ở ga Hà nội, đài phát thanh Mễ trì. Vậy mà thấm thoắt đã hết tháng 12 năm 1972, cũng là lúc chúng tôi nhận được tin sẽ quay trở lại Hà nội vì phía Mỹ tuyên bố chấm dứt ném bom Hà nội. Được trở về với gia đình, trong lòng chúng tôi đứa nào đứa ấy cũng vui phơi phới. Còn nhớ, cả ngày hôm ấy, ở trường học họ mở bài hát "Việt nam trên đường chúng ta đi" của nhạc sỹ Huy Du, lời của bài hát như ngấm vào máu thịt và đã làm cho một cậu bé 11 tuổi đầu như tôi đã cảm giác mình sẽ có một tương lai mới.
Như trên đã nói, những ký ức ngày xưa hôm nay được viết lại để giúp cho các cháu còn ít tuổi, hay những người sống bên kia vĩ tuyến 17 thời đó biết rằng, thế hệ những người như chúng tôi đã sống trong cuộc chiến tranh chống Mỹ ở miền Bắc Việt nam thế nào. Trong cuộc chiến đó, không chỉ riêng đồng bào miền Nam phải chịu hậu quả ác nghiệt của cuộc chiến tranh, dẫn tới cảnh đầu rơi máu chảy và gia đình ly tán. Mà cả chúng tôi nói riêng, khi đó chỉ là những đứa bé. Lẽ ra ở tuổi của chúng tôi là tuổi ăn, tuổi học, tuổi chơi mà chúng tôi cũng phải bị ly tán với gia đình, xa cha xa mẹ để sống một cuộc sống tự lập. Và cả dân tộc này nói chung, hầu như gia đình nào cũng có người đổ máu hay ngã xuống cho cuộc chiến tương tàn huynh đệ này. Chứ đâu phải chỉ có một phía ohari chịu đựnh những thảm họa đó.
Chiến tranh là như thế, ai là kẻ chiến thắng, hay ai là người chiến bại thì nhân dân như chúng ta bao giờ cũng là người mất mát nhiều nhất. Ở các chế độ độc tài thì việc xảy ra các cuộc chiến tranh hầu như nằm ngoài sự quyết định và định đoạt của người dân. Bởi chiến tranh cho dù sự dụng xương máu của nhân dân, nhưng chỉ phục vụ cho quyền lợi và tham vọng của một số ít ngưới nắm quyền lực. Do vậy, chỉ có Hòa bình là cái hạnh phúc nhất của con người.
Ngày 18 tháng 12 năm 2012
© Kami
————————
* Đây là trang Blog cá nhân của Kami. Bài viết không thể hiện quan điểm của Đài Á châu Tự do RFA.
Bài bình luận
qua khu han thu
QUA KHU VE DEM
Ai gay ra ???