Đào Trung Đạo, RFA
Trong hai tuần lễ cuối tháng 11 và đầu tuần lễ tháng 12, 2012 có một sự kiện chính trị địa phương ở Quận Cam, tiểu bang California – vì là một sự kiện chính trị địa phương nên không mấy gây tiếng vang trên toàn nước Mỹ rộng lớn nhưng lại đã gây nên cuộc tranh luận với những ý kiến trái chiều giữa báo chí truyền thông và dư luận của cộng đồng Việt với báo chí dòng chính (đại diện là tờ Orange County Register) và nhất là với báo chí truyền thông luồng chính trong nước (đại diện là tờ Nhân Dân): đó là việc các đại biểu của Santa Ana và Garden Grove đã biểu quyết tán đồng Nghị quyết hạn chế quan chức chính quyền cộng sản Việt Nam đến địa phận lãnh thổ các thị xã này, một Nghị quyết phỏng theo mô hình của Nghị quyết tương tự đã được Hôi đồng thị xã Westminster biểu quyết vào năm 2004 tuy nay đã hết hạn nhưng phần chắc sẽ được tái biểu quyết trong những tuần lễ tới với một Tân Thị trưởng người Mỹ gốc Việt. Ba thành phố nêu trên thuộc Quận Cam vốn là những thành phố có con số cư dân Việt đông đảo nhất ở Mỹ.
Trước khi đưa ra những nhận định từ góc nhìn phân tích về những luồng ý kiến trái chiều ta hãy xét qua nội dung của Nghị quyết này. Điểm chính trong nghị quyết là: chính quyền thành phố phải được các phái đoàn quan chức cộng sản thông báo 14 ngày trước về các cuộc viếng thăm. Lý do thị xã cần được thông báo trước vì thị xã e ngại sự có mặt của đại diện chính quyền cọng sản VN trong lãnh thổ thị xã sẽ kích động công đồng Việt tỵ nạn, gây nên những cuộc biểu tình chống đối bạo động. Riêng thị xã Garden Grove còn đòi hỏi các phái đoàn cọng sản VN phải trả chi phí cho lực lượng cảnh sát giữ gìn an ninh trật tự khi đặt chân đến thị xã nếu họ không tuân thủ nghị quyết này. Một vài nguồn tin khi thông tin về Nghị quyết này đã lầm lẫn khi cho rằng việc thông cáo cho thị xã về các chuyến viếng thăm là bổn phận của Bộ Ngoại giao Mỹ. Nhưng quyết định về chi trả chi phí cho lực lương an ninh của Garden Grove cho thấy đó là bổn phận của các phái đoàn quan chức cọng sản muốn đến lãnh thổ của thị xã chứ không phải việc của Bộ Ngoại giao. Nội dung Nghị quyết chỉ đơn giản như vậy nhưng cách đưa tin của báo chí Mỹ rất khôn khéo bằng những tựa đề như tờ Los Angeles Times chạy tít “O.C. cities tell Vietnamese Communist officials: Stay away / Những thị xã thuộc Quận Cam bảo cho các quan chức cọng sản VN biết: Hãy tránh xa, còn tờ O.C. Register đưa tựa đề có tính chất tiêu cực: Santa Ana could discourage visits from Vietnamese officials/thị xã Santa Ana không khuyến khích những cuộc thăm viếng của các quan chức VN.
Về động cơ thúc đẩy việc đưa ra nghị quyết này được các vị Chủ tịch Hội đồng thị xã tuyên bố hầu hết tương tự nhau: đó là việc làm thuận theo ý kiến của đại đa số cư dân Việt cư ngụ tại các thị xã này nhằm nói lên quan điểm chống lại chính quyền cọng sản VN chà đạp nhân quyền nhân dân trong nước, không thực hiện tiến trình đưa tới dân chủ, đàn áp bắt giam những tiếng nói dân chủ, không tôn trọng quyền tự do tôn giáo và quyền phát biểu ý kiến của người dân, kiểm soát gắt gao và bỏ tù những người truy cập Internet không theo qui định của Đảng, đặt bút ký kết vào những thỏa ước có điều khoản tôn trọng dân chủ nhân quyền nhưng bút chưa ráo mực lập tức không thực hiện những cam kết , chưa kể tới việc cưỡng chế đât đai của người dân một cách trái pháp luật và tệ nạn tham nhũng càng ngày càng trầm trọng. Cũng cần nhắc lại, trong khuôn khổ sinh hoạt dân chủ ở Mỹ, người dân địa phương có quyền phát biểu chính kiến nhằm nhắc nhở chính quyền Liên bang đặt nặng vấn đề dân chủ nhân quyền hơn nữa trong chính sách bang giao với chính quyền cọng sản VN. Chúng ta không khó nhận ra đó chỉ là là những lý do trên bề mặt, được tuyên bố công khai. Nhưng ngầm chứa phía dưới những lý do nêu trên có thể nói còn có những lý do sâu xa khác. Trong cuộc đấu tranh chính trị giữa người Việt quốc gia ở nước ngoài với chính quyền cọng sản trong nước, kinh nghiệm quá khứ đã cho họ bài học: không thể để người cọng sản tái diễn sách lược tuyên truyền như trong giai đoạn chiến tranh trước đây vì quả thực cọng sản đã thắng trên mặt trận thông tin báo chí ở Mỹ trong những năm cuối thập niên 60s bằng cách khai thác mâu thuẫn giữa các khuynh hướng chính trị đối nghịch với chính quyền của báo chí và giới sinh viên thời đó cũng như của những phong trào và những cá nhân phản chiến trước khi kết thúc cuộc xâm chiếm miền Nam bằng quân sự. Sách lược này một lần nữa lại được tái sử dụng trong Nghị quyết 36 được ban hành mấy năm gần đây.
Như thế xét về mặt tác dụng thì Nghị quyết hạn chế các cuộc thăm viếng của các quan chức cọng sản trước hết có nhằm ngăn chặn sách lược tuyên truyền của chính quyền cọng sản VN: không thể để cho người cọng sản có cơ hội “muốn nói gì thì nói”, trâng tráo cho rằng “chỉ có thông tin họ đưa ra là xác thực”, khơi dậy tình yêu quê hương đất nước như “chùm khế ngọt” v.v…để lừa mỵ những người nhẹ dạ. Có người còn giải thích mục tiêu của Nghị quyết cũng còn nhằm thiết lập những vùng có đông đảo người Việt quốc gia tỵ nạn thành những “free-communist-zones” “vùng không cọng sản.” Ở đây tưởng cũng cần làm rõ nghĩa cụm từ “người Việt quốc gia” chống cọng sản vì báo chí lề phải trong nước luôn luôn đánh đồng người Việt quốc gia tỵ nạn chống cộng với “những thành phần chống cộng cực đoan thuộc chế độ cũ.” Đây cũng là một thủ đoạn nhằm bôi xấu người Việt hải ngoại, cho rằng họ chống cọng sản để vực lại chế độ cũ ở Miền Nam! Trên thực tế, nếu có dịp tiếp cận với đông đảo người Việt tỵ nạn ta sẽ thấy đa số - nhất là giới trí thức và giới trẻ ở đây – không mấy người coi các chế độ Ngô Đình Diệm và Nguyễn Văn Thiệu là tốt đẹp (nếu có tốt đẹp thì chỉ là tốt đẹp hơn chế độ cọng sản hiện nay!) ngoài một bộ phận rất nhỏ những người được hưởng bổng lộc ân huệ của hai chế độ nêu trên ở Miền Nam trước đây.
Câu hỏi đặt ra là: quan điểm của những người hậu thuẫn Nghị quyết của các thị xã Santa ana, Garden Grove, và sắp tới là Westminster có quá khích không? Những ý kiến phản bác quan điểm chính trị của Nghị quyết này được đưa ra như sau:
1. Nghị quyết là do các vị đại biểu hội đồng thị xã là những người chống cộng cực đoan biểu quyết chứ không phản ánh quan điểm chính trị của đại đa số người Việt tỵ nạn. Bài xã luận trên tờ Nhân Dân viết: “Hầu hết bà con trong cộng đồng có tinh thần dân tộc, hướng về đất nước, thường xuyên theo dõi những đổi thay, diễn biến tình hình kinh tế chính trị, văn hóa, xã hội trong nước, mong muốn Việt nam trở thành một nước giàu mạnh, hiện đại, độc lập và dân chủ…chính sách của Nhà nước ta đối với cộng đồng người Việt ở nước ngoài ngày càng cởi mở, hoàn thiện…” Căn cứ vào đâu người viết bài này trên báo Nhân Dân lại có thể bẻ lệch nghĩa câu “Hầu hết bà con trong cộng đồng có tinh thần dân tộc” theo hướng dẫn dắt một cách xảo trá đánh đồng “dân tộc” với Đảng khiến người đọc vội có thể hiểu rằng đa số bà con trong cộng đồng người Việt ngoài nước “có tinh thần dân tộc” (dĩ nhiên!) đồng nghĩa với hậu thuẫn cho những việc làm của chính quyền cọng sản hiện tại? Chỉ cần nhắc lại sự kiện có đến trên 150.000 chữ ký của người Việt tỵ nạn đề nghị tổng thống Obama có hành động đối với việc chính quyền cọng sản bỏ tù nhạc sĩ Việt Khang đủ cho thấy “ngoa ngôn” của báo Nhân Dân.
2. Bằng một lối viết khác ký giả David Whiting của tờ O.C. Register (một tờ báo có khuynh hướng cọng hòa bảo thủ ở Quận Cam. Theo thống kê trong nhiều thập niên qua cứ trong 10 bài của tờ báo này nói về cộng đồng Vệt tỵ nạn thì có đến 7 bài chỉ nhằm nêu những mặt tiêu cực) đặt câu hỏi “But when it comes to local resolutions that affect international relations, are politicians leading or following?” một câu văn mập mờ không những ngầm gợi ra tác hại của những nghị quyết địa phương đối với bang giao quốc tế [nghĩa là bang giao Mỹ-Việt], mập mờ ám chỉ dân cử địa phương không có cùng quan điểm với chính quyền Liên bang, mà còn nhằm miệt thị những chính trị gia (các dân cử địa phương), cho rằng họ không phải là người lãnh đạo mà chỉ theo đuôi quần chúng, điều này đồng nghĩa cho rằng họ là những kẻ mỵ dân. Như chúng ta đã biết tiểu bang California là tiểu bang Đảng Dân chủ có ảnh hưởng chính trị áp đảo, hầu như chỉ riêng Quận cam là Đảng Cộng hòa còn duy trì được phần nào ảnh hưởng trong những thập niên trước, nhưng qua những cuộc bầu cử mới đây các ứng viện Cọng hòa đã không chiếm được đa số những chức vụ quan trọng của Liên bang và Tiểu bang. Thế nên David Whiting tỏ ra cay cú, có ác ý nói xấu những chính trị gia địa phương của Miền Nam California. Nhưng điều quan trọng không dừng ở đó vì ký giả này từ sự miệt thị các dân cử địa phương để miệt thị các cộng đồng thiểu số ở Quận Cam trong đó có cộng đồng Việt. Dù ta có có chấp nhận giả thiết những dân cử địa phương vì muốn chiếm được số phiếu nhiều hơn đối thủ để đắc cử cho nên họ đã bày tỏ quan điểm chính trị chống cộng của cộng đồng Việt để đắc cử thì chính điều này cũng chỉ ra rằng số phiếu bầu của cử tri gốc Việt tỵ nạn chống cộng là một con số cần tranh thủ để đắc cử, nghĩa là có tính chất quyết định. Như vậy nếu nói Nghị quyết giới hạn hoạt động của các quan chức cọng sản đến Quận Cam chỉ là ý kiến của thiểu số các dân cử thì hoàn toàn trái logic, phủ nhận sự thực. Ngoài ra ký giả này còn đặt câu hỏi (một cách tưởng như ngớ ngẩn): Liệu việc không khuyến khích các chuyến thăm chính thức của Việt Nam có phải là cách làm ngoại giao khôn ngoan không? Đây là quan điểm tiêu biểu của một bộ phận người Mỹ muốn thúc đẩy việc giao thương với VN để trục lợi về kinh tế, không quan tâm đến dân chủ nhân quyền của dân chúng VN. Theo gót bộ phận này là một số người Việt tuy mang căn cước tỵ nạn nhưng đã xé bỏ căn cước để trở về VN để làm ăn hợp tác với chính quyền cọng sản.
3. Báo Nhân Dân viết: “Nhân dân Việt Nam và nhân dân Mỹ, trong đó có cộng đồng người Mỹ gốc Việt tại Santa Ana, mong muốn khép lại quá khứ chiến tranh đầy đau thương để xây dựng mối quan hệ hợp tác lâu dài giữa hai dân tộc.” Đây là ngôn ngữ luận điệu “Hòa hợp Hòa giải Dân tộc” trong Nghị quyết 36 từ lâu đã được lập đi lập lại đến mức xáo mòn. Phần David Whiting, nhân khi phỏng vấn một dân cử gốc Việt trẻ tuổi Dina Nguyễn hiện là quyền Thị trưởng của Garden Grove đã nhắc lời của tổng thống Abraham Lincoln để bảo vệ cho việc biểu quyết Nghị quyết gây tranh cãi này David Whiting tuy viết: “Instead of prosecuting the Confederacy for being responsible for the deaths of 625.000 Americans…Lincoln only asked the rebels for “the promise of a hasty return to their families, farms and stores where they can once again work in peace” (Thay vì xử tội những người trong Liên hiệp Miền Nam về trách nhiệm cho việc 625.000 người Mỹ tử vong…Lincoln chỉ yêu cầu những tay súng này “hứa là sẽ mau chóng trở về với gia đình họ, với ruộng đồng và tiệm buôn bán của họ là những nơi họ một lần nữa khởi đầu làm việc trong hòa bình yên ổn) nhưng ký giả này lại đưa ra một câu hỏi không thích đáng trong văn mạch rằng hành động của Lincoln có ngăn cản được những vi phạm nhân quyền không? Đáng tiếc hơn nữa David Whiting khi nói đến tinh thần hòa giải của Lincoln, theo đúng văn mạch, phải nhắc tới chính sách trả thù, truy bức những người cầm súng trong quân đội Miền Nam của Đảng Cọng sản VN sau 30 tháng Tư, 1975, một điểm quan trọng ký giả này cố tình bỏ sót! Nếu ngày nay người công sản muốn hòa hợp hòa giải dân tộc thì họ phải giải thích được sai lầm của họ trong quá khứ và nhận lỗi, một điều chắc chắn người cọng sản không bao giờ làm. Bằng không ở ngay điểm khởi đầu đã không thể có hòa hợp hòa giải dân tộc với cọng sản VN. Một điều cần nói rõ: cọng sản luôn luôn dùng thủ đoạn đánh tráo các khái niệm quê hương, đất nước dân tộc để đồng hóa với khái niệm Đảng cọng sản. Quan điểm chính trị của người Việt tỵ nạn ngoài nước trước sau như một là “không thể hòa hợp hòa giải với cọng sản” vì cọng sản không bao giờ thừa nhận lỗi lầm, chứ tinh thần hòa giải dân tộc đương nhiên mọi người vẫn có, vẫn nung nấu trong lòng, và đó cũng là điều mong đợi từ lâu. Lại nhớ đến sự kiện cựu Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết mấy năm trước đây khi đến Quận Cam có ý định rao giảng chủ trương “Hòa giải Dân tộc” theo Nghị quyết 36 đã được hàng ngàn người Việt tỵ nạn “dàn chào tận tình” bằng những biểu ngữ, những khẩu hiệu phản đối việc đàn áp nhân quyền, dân chủ của cọng sản đến mức ngay cả việc phải ra vào phòng họp bằng cửa hậu của vị Chủ tịch nước này cũng còn phải bảo vệ chặt chẽ bởi một lực lượng an ninh Mỹ khá hùng hậu.
4. Sau hết cũng cần đề cập tới một điển hình Việt tỵ nạn làm loa phát thanh cho chính quyền cọng sản. Trong một bài báo trên BBC on-line về Nghị quyết hạn chế các quan chức cọng sản của Santa Ana và Garden Grove ký giả Nguyễn Hùng có đưa ra câu chuyện về Nguyễn Ngọc Thịnh để minh họa cho một quan điểm chính trị hai mặt của một người rời bỏ quê hương trong đợt di tản đầu tiên vào tháng Tư, 1975 và đã về sống ở Việt Nam từ 1990. Nguyễn Ngọc Thịnh được giới thiệu như người lập ra Đảng Dân chủ Hoa Kỳ ở Việt Nam (sic) và là một doanh gia đang hoạt động ở thành phố Hồ Chí Minh. Điều làm ai cũng ngạc nhiên là Nguyễn Ngọc Thịnh lại có thể “khơi khơi” lập ra một đảng phái chính trị ở VN mà không bị bỏ tù! Như thế “n”à thế “l”ào nhỉ? Ngoài ra vị doanh nhân tên Thịnh này còn đưa ra những tuyên bố theo kịch bản “phản biện trung thành” (chữ của nhà văn Phạm Thị Hoài) như ông ta “nhận thấy có những tiến bộ về tình hình nhân quyền ở VN cho dù còn ‘quá chậm’”. Cả gan hơn nữa Nguyễn Ngọc Thịnh còn lớn tiếng tuyên bố: “giới trẻ trong cộng đồng người Việt ở Hoa Kỳ cũng có cái nhìn như ông…” và việc phản đối các các quan chức cọng sản của cộng đồng người Việt là của một số nơi thôi chứ không phải là phần đông các nơi khác trên nước Mỹ. Điều này càng làm người đọc kinh ngạc hơn cả lời phát biểu vừa nêu trên về nhân quyền của doanh nhân Nguyễn Ngọc Thịnh. Kinh ngạc là vì một doanh nhân có cơ sở ở Saigon dĩ nhiên ông ta phải dành phần lớn thời giờ cho việc làm ăn chứ lẽ nào Nguyễn Ngọc Thịnh lại có thể có thì giờ và khả năng để tiếp cận đông đảo các thành phần giới trẻ ở Mỹ để đưa ra một nhận định như trên? Hơn nữa, Nguyễn Ngọc Thịnh còn tỏ ra nắm khá vững sinh hoạt của những cộng đồng Việt tỵ nạn trên khắp nước Mỹ khi cho rằng Santa Ana, Garden Grove, và Westminster chỉ là thiểu số thị xã đã đưa ra Nghị quyết ngăn cản quan chức cộng sản! Quả thực nếu ta có đặt câu hỏi này cho một người Việt hay Mỹ chuyên phối hợp sinh hoạt các công đồng ta trên khắp nước Mỹ thì – với tinh thần khách quan khoa học dựa trên chứng cớ thống kê – chưa chắc vị chuyên viên này dám tuyên bố “một cây xanh rờn” trâng tráo không biết xấu hổ như Nguyễn Ngọc Thịnh!
Bài bình luận gần đây