You are here

Xem QH chất vấn: Thủ tướng sao thì Bộ trưởng như vậy!



Kami
-
Theo kế hoạch làm việc tại nghị trường Quốc hội đã thông báo, trong các ngày 12,13 và nửa ngày 14.12.2012 Quốc hội sẽ dành thời gian để chất vấn các vị Bộ trưởng , Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và toàn bộ chương trình làm việc sẽ được VTV truyền hình trực tiếp cho nhân dân theo dõi. Đây là cuộc chất vấn được dư luận xã hội và đông đảo người dân quan tâm theo dõi. Bởi vì sự làm ăn tắc trách, cẩu thả và vô trách nhiệm của nội các Nguyễn Tấn Dũng 1 và 2 đã gây ra thảm trạng làm cho nền kinh tế Việt nam xấu hơn bao giờ hết.

Trong hai ngày đầu của phiên chất vấn, dư luận xã hội và báo chí trong nước cho thấy hầu như không có một vị Bộ trưởng nào trả lời chất vấn đạt yêu cầu. Nếu như coi đây là một cuộc thi vấn đáp để sát hạch về mặt chuyên môn thì tất cả các "thí sinh" của cơ quan chính phủ chỉ đạt điểm dưới trung bình, vì họ không giải thích được các thắc mắc của các đại biểu Quốc hội nêu ra, là những vấn đề mà cử tri quan tâm. Hơn thế nữa một nhận xét chung cho 02 ngày chất vấn đầu tiên, là các vị Bộ trưởng đã trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội như những con rối hay các diễn viên hài kịch, rất thiếu sự tôn trọng và thiếu căn bản những yếu tố của một chính trị gia trong một diễn đàn chính trị mà người dân rất quan tâm.

Xin tổng kết mấy điểm chính được rút tỉa qua theo dõi việc trả lời chất vấn của các vị Bộ trưởng trên VTV hai ngày 12-13.11.2012 như sau:
 

1. Trí khôn của ta đây và việc thất thoát hơn 10 nghìn tỷ chưa đến mức phải kỷ luật:

Trong phiên họp Quốc hội ngày 12.11.20012, là ngày đầu tiên các đại biểu Quốc hội chất vấn các Bộ trưởng và Thủ tướng. Trong phần chất vấn bộ trưởng bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng, không khí cuối phiên chất vấn như “giãn ra” khi bộ trưởng nói “Câu hỏi của đại biểu Lê Như Tiến chất vấn rằng "Có bao nhiêu tập đoàn thuộc bộ Xây dựng giống tập đoàn Sông Đà?". Thì Bộ trưởng bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng thay vì trả lời thăng vào câu hỏi chất vấn, thì quay sang bài bây, bao biện loanh quanh rằng "Những cái đó tôi đã có đầy đủ nhưng để ở nhà. Chúng tôi rất muốn mời đại biểu sang để chúng tôi báo cáo”. Cả nghị trường cười, và để hội trường bớt xôn xao, chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đã phải nhắc “Cái này còn đến ngày mai (13.11), đề nghị Bộ trưởng trả lời”.

Cái vụ có đầy đủ nhưng để ở nhà của Bộ trưởng bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng, thì y như trí khôn của ông nông dân trong câu chuyện cổ tích Trí khôn của ta đây, không biết ông Bộ trưởng bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng có định trói đại biểu Quốc hội nào đó để đốt họ hay không? Và cũng ông bộ trưởng bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng, khi sai phạm của Tập đoàn Sông Đà, con số chính xác là 10.676 tỷ đồng và đã được Thanh tra Chính phủ kiến nghị từ tháng 2.2012, lại được Thủ tướng chỉ đạo xử lý trách nhiệm từ tháng 3 và đến tháng 11, nhưng Bộ trưởngTrịnh Đình Dũng nói một câu xanh rờn rằng "Chưa đến mức bị xử lý kỷ luật".

Thế là thế nào? Ngoài vỉa hè dân họ nói rằng, nếu là dân ăn trộm 2-3 con vịt của cá nhân thì bị án tù tổng cộng 13 năm, ông Điếu cày không nộp thuế thì 3 năm tù, Vậy quan tham là đảng viên làm thất thoát tài sản của nhà nước hơn 10 nghìn tỷ chưa đến mức phải kỷ luật, thế thì thất thoát bao nhiêu mới bị xử lý? Hay là phải 100 ngàn tỷ như Vinashin? Thử hỏi một vị Bộ trưởng vô trách nhiệm như thế có xứng đáng ăn tiền thuế của các cử tri đóng góp nuôi ông không?

2. Thống đốc Ngân hàng gọi Chủ tịch Quốc hội bằng anh, xưng em:

Phần chất vấn Thống đốc Ngân hàng Nguyễn Văn Bình chỉ đứng sau Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng về sự quan tâm của người dân, khi theo dõi các buổi chất vấn truyền hình trực tiếp. Vẫn cái lối loanh quanh, trí trá của một kẻ gian xảo nhưng ít học, xứng đáng với danh hiệu "Một trong 10 các Thống đốc dở nhất thế giới" mới được phong gần đây. Chẳng hạn, khi nói về “bộ ba bất khả thi”, thống đốc dẫn ra ba yếu tố là tăng trưởng, lạm phát và tỉ giá để cho rằng không thể đồng thời thực hiện ba mục tiêu này. Tuy nhiên, thật ra “bộ ba bất khả thi” đề cập tới ba mục tiêu là ổn định tỉ giá, tự do hóa dòng vốn và chính sách tiền tệ độc lập. Như vậy, thống đốc hoặc chưa hiểu chính xác về lý thuyết “bộ ba bất khả thi”, hoặc cố lấy sự thông cảm để né câu hỏi của đại biểu.
Hay những trả lời của Thống đốc Ngân hàng Nguyễn Văn Bình còn làm cho đại biểu Trần Du Lịch phải tỏ ra khá thất vọng, khi cho rằng người đứng đầu ngành ngân hàng đang trình bày các vấn đề được cử tri quan tâm theo logic của riêng mình, chứ không phải theo cuộc sống. Ông Trần Du Lịch nói "Tôi là người rất lạc quan, luôn nghĩ rằng chúng ta làm sao lấy lại niềm tin thị trường. Nhưng qua trình bày của Thống đốc, niềm tin, lạc quan của tôi giảm đi".

Và nghị trường lại được một phen cười ồ khi Thống đốc Ngân hàng Nguyễn Văn Bình nói "Người ta tìm ra bộ 3 bất khả thi giữa tăng trưởng, lạm phát và tỷ giá, ông đó được quốc tế cho giải thưởng Nobel. Vậy mà hiện nay chúng ta phải vừa làm sao kiềm chế được lạm phát mà vẫn phải tăng trưởng. Tôi đã có lần nói đùa với Chủ tịch Quốc hội là em chỉ cần nửa giải thưởng Nobel cũng được, nếu em làm được một trong hai".

Không biết Thống đốc Ngân hàng Nguyễn Văn Bình có biết ông đang sắm vai chính khác và trả lời ở một nơi cơ quan quyền lực cao nhất không, hay ông nhầm mình đang đứng trong bếp nhà Thủ tướng mà ông ăn nói như vậy?

Nói về quan hệ giữa ngân hàng với doanh nghiệp, thì ông Thống đốc Bình ngây ngô khi ví von rằng: “Trong các dịp lễ Tết, các doanh nghiệp mang quà đến cho các ngân hàng và khi làm ăn có hiệu quả thì các nhà ngân hàng lại mang quà đến cho các doanh nghiệp. Như vậy, tuy hai mà một”. Cả hội trường đã cười khi Thống đốc Bình phải đính chính trước “đây không phải là tham nhũng”.

Về vấn đề bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp về tài sản của người dân trong việc không để giá vàng trong nước cao hơn giá vàng thế giới, Thống đốc Ngân hàng Nguyễn Văn Bình trả lời văng mạng, khi cho rằng điều đó không ảnh hưởng gì đến kinh tế vĩ mô. Mà có lẽ do học bài chưa thuộc, nên Thống đốc Bình đã quên rằng trong Nghị quyết của QH năm 2011 yêu cầu phấn đấu không để giá vàng trong nước chênh lệnh với giá vàng thế giới. Trong phiên chất vấn của mình, Thống đốc Ngân hàng Nguyễn Văn Bình luôn kêu ca do nhiều khó khăn, đồng thời đưa ra nhiều khái niệm kinh tế lăng nhăng, khiến cho chả ai hiểu là gì. Không biết có phải là trò nhằm hù dọa các đại biểu chất vấn mình? Để tới mức Đại biểu Nguyễn Văn Tuyết (Bà Rịa - Vũng Tàu) đã phê bình thẳng thắn "Thống đốc trả lời khôn là tốt, nhưng cũng đừng nghĩ dân không biết gì"

Duy nhất một điều khi Thống đốc Bình khẳng định có tiêu cực lợi ích nhóm trong lĩnh vực ngân hàng là các đại biểu Quốc hội hài lòng.

3. Viện phí cao thì người nghèo có lợi?

Đăng đàn nửa cuối phiên chất vấn tại QH chiều 13/11, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến chủ động giải trình toàn bộ vấn đề tăng giá viện phí. Không hổ danh một vị Bộ trưởng nữ của nội các Nguyễn Tán Dũng 2, đó là bà Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến. Khi nói về mức viện phí hiện nay quá thấp so với giá thực chi, thì bà Nguyễn Thị Kim Tiến đưa ra lý luận rằng "Viện phí thấp là vô hình trung làm khổ người dân". Mà theo bà Bộ trưởng việc tăng giá dịch vụ,  không ảnh hưởng đến người nghèo, mà "hoàn toàn ngược lại" (!?).

Người nghèo phải bỏ ra chi phí viện phí lớn hơn hiện tại phải trả, cũng như xoay quanh vấn đề dịch vụ y tế, khi bà Bộ trưởng Tiến cho hay những phản ánh về giá thuốc chênh lệch giữa các bệnh viện trong một địa phương, giữa các địa phương, giữa giá bệnh viện với thị trường thời gian qua với mức từ 10-15%, có nơi hơn thế là “một thực trạng”. Bà Bộ trưởng cho rằng, giá thuốc bị đẩy lên do có một quá trình lòng vòng, qua tầng nấc trung gian, hãng dược bắt tay thầy thuốc, cán bộ kê đơn thuốc biệt dược, không cần thiết để hưởng chênh hoa hồng. Vậy với chức trách người đứng đầu cơ quan nhà nước về quản lý y tế, biết các nguyên nhân sao bà Bộ trưởng không đề xuất giải pháp và tiến hành triển khai để khắc phục? Nếu không thì ai chắc gì khi đã tăng viện phí thì bà Bộ trưởng Tiến sẽ giải quyết hết các vấn nạn đó, để người bệnh không còn khổ?

Được biết, hôm qua ngoài hành lang Quốc hội, bà Bộ trưởng Tiến đã nói với nhiều phóng viên rằng, hiện nhiều lãnh đạo các bệnh viện lớn không muốn thực thi các biện pháp giảm tải vì đây lại là mảnh đất kiếm ăn của mỗi bênh viện. Không biết khi nói điều này, bà Bộ trưởng Tiến có nhầm vai của người hộ lý hay không?

Kết:

Nhìn chung, qua 02 ngày rưỡi trả lời chất vấn trước Quốc hội vừa qua, cho thấy có một nét chung của các vị Bộ trưởng là quanh co và lấp liếm, đùn đẩy trách nhiệm cho nhau. Hết chỗ đổ thừa thì biện bạch đổ lỗi do để quên tài liệu và nhiều nhất là đổ lỗi cho cơ chế. Xin hỏi các cơ chế đang ràng buộc đó là do ai gây nên, sao không chỉ mặt đặt tên cho dân biết? Và đặc biệt là thiếu tinh thần trách nhiệm trước các cử trị và thiếu bản lĩnh của một chính trị gia thực thụ trong việc phát biểu ý kiến và nhận lỗi..

Nếu các chính trị gia ở chức danh Bộ trưởng có tiêu chuẩn chất lượng như ở Việt nam, mà là ở các quốc gia, mà ở đó Quốc hội thực sự là của dân, do chính người dân lựa chọn thì chắc không thể tồn tại quá một năm. Họ sẽ bị người dân thu thập chữ ký để đuổi khỏi cơ quan quyền lực cao nhất này, vì đại biểu nhân dân không thể có những kẻ trí trá vô trách nhiệm như thế.

Khi bài báo này vừa viết xong, cũng là lúc anh bạn tôi một Tổng Biên tập của báo Z (học chủ tịch nước, không nói đích danh) một báo lớn đến chơi. Đưa bài báo cho anh bạn đọc. Đọc xong anh không nói gì về bài báo, mà anh nói với tôi "Cơ quan tôi đưa tôi vào danh sách nhận bằng khen của Thủ tướng, nhưng tôi kiên quyết từ chối ông ạ".

Và không ai bảo ai, cả hai anh em chúng tôi cùng đồng thanh "Cbn, tư cách như thế thì khen được ai!"

Ngày 14.11.2012
© Kami
 
————————
* Đây là trang Blog cá nhân của Kami. Bài viết không thể hiện quan điểm của Đài Á châu Tự do RFA.