Kami
-
Chỉ còn hơn 2 năm nữa (năm 2015), Cộng đồng kinh tế Asean (Asean Economic Community - AEC) là một khối kinh tế khu vực của các quốc gia thành viên Assean sẽ được thành lập và chính thức đi vào hoạt động. Đây là việc thực hiện mục tiêu cuối cùng của hội nhập kinh tế trong "Tầm nhìn Assean 2020”, nhằm hình thành một khu vực kinh tế Assean ổn định, thịnh vượng và có khả năng cạnh tranh cao, trong đó hàng hóa, dịch vụ, đầu tư sẽ được chu chuyển tự do, và vốn được lưu chuyển tự do hơn, kinh tế phát triển đồng đều, đói nghèo và chênh lệch kinh tế - xã hội giữa các quốc gia thành viên của Assean được giảm bớt vào năm 2020.
Để giúp các bạn hiểu rõ thực chất vấn đề xã hội, kinh tế và chính trị của Indonexia trong việc tìm cơ hội hợp tác kinh doanh hay đầu tư ở quốc gia này xin chép lại những ghi nhận được trong chuyến du lịch Indonexia tháng 7.2012 vừa qua.
Cộng hòa Indonexia là một quốc gia có dân số đông nhất và tài nguyên thiên nhiên đa dạng, phong phú nhất trong số các quốc gia khu vực Assean, đồng thời là một quốc gia gồm nhiều các nhóm sắc tộc, ngôn ngữ và tôn giáo riêng biệt. Indonexia là nước đông dân thứ 4 của thế giới, chỉ đứng sau Trung quốc, Ấn độ và Hoa kỳ, với dân số khoảng 240 triệu người. Và đặc biệt Indonexia là quốc gia có dân số theo đạo Hồi đông nhất thế giới (86,1%). Với điều kiện địa lý là một quốc gia quần đảo, với khoảng 17.000 hòn đảo và bờ biển dài tới 54.716 km, tổng diện tích 1.904.569 km2. Điều này đã khiến cho Indonexia trở thành một quóc gia có tiềm năng lớn nhất trong khu vực Asean về du lịch, thương mại và đầu tư. Đáng tiếc trong thời gian dài, người Việt nam có sự hiểu biết và thông tin về quốc gia quần đảo này quá ít ỏi, mà phần lớn là các thông tin mặt trái như xung đột sắc tộc hay tôn giáo v.v... Sau chuyến du lịch Indonexia vừa rồi, có một chuyên gia kinh tế hỏi tôi rằng "Nếu theo anh phải lựa chọn một quốc gia trong khu vực Asean để nghiên cứu một cách kỹ càng nhằm giúp các nhà đầu tư để họ có thể thu được lợi nhuận cao và ổn định nhất thì anh sẽ chọn nước nào?". Tôi đã không ngần ngại trả lời anh ta rằng, đó là Indonexia, vì sự rộng lớn về diện tích, dân số đông và tài nguyên thiên nhiên dồi dào xếp vào hạng hàng đầu của khu vực Đông Nam Á.
Một thực tế phải thừa nhận là, những thông tin về kinh tế, xã hội, văn hóa của đất nước và con người Indonexia đối với người Việt nam nếu so với các nước láng giềng khác trong khu vực như Lào, Thái lan, Campu chia hay Singapore... thì còn ở mức quá khiêm tốn. Một phần cũng do đặc thù của vị trí địa lý, nhưng lý do lớn nhất vẫn là với sự đa dạng về ngôn ngữ, đặc biệt là một nền văn hóa đa sắc tộc của quốc gia này. Được biết, Indonesia có khoảng 300 nhóm sắc tộc, mỗi nhóm có văn hóa khác biệt và đã phát triển qua nhiều thế kỷ, với ảnh hưởng từ Ấn Độ, Ả Rập, Trung Quốc, Malaysia và Châu Âu, vì thế có lẽ để bỏ công sức để nghiên cứu hay tìm hiểu cũng khó mà hết được.
Chính trị của Indonexia có nhiều nét tương đồng với chính trị của Việt nam ở chỗ là hai quốc gia đều ở trong chế độ chính trị độc tài. Trước đây, trong thập kỷ 1960, nền kinh tế của Indoneia đã suy giảm nghiêm trọng vì sự bất ổn chính trị, do bởi một chính phủ trẻ, có xu hướng thân cộng và không có kinh nghiệm, cộng với đường lối phát triển kinh tế quốc gia yếu kém, dẫn tới tình trạng nghèo đói nghiêm trọng ở quốc gia này. Sau khi lật đổ chế độ Sukarno (năm 1965), chính quyền mới của Suharto với chính sách kinh tế "Trật tự Mới" khuyến khích đầu tư nước ngoài trực tiếp vào Indonesia, đây là một yếu tố chính dẫn tới ba thập kỷ tăng trưởng kinh tế ổn định sau đó. Với chính sách này, đã mang lại một sự tiến bộ vượt bậc cho chính sách kinh tế nhanh chóng làm giảm lạm phát, ổn định tiền tệ, tái cơ cấu nợ nước ngoài, và thu hút đầu tư cũng như viện trợ từ nước ngoài. Tuy vậy, chính quyền mới của Tổng thống Suharto vẫn bị hạn chế vì là một chính phủ độc tài quân sự, điều đó là một trở ngại lớn cho vấn đề phát triển kinh tế. Chỉ đến khi sau sự từ chức của Tổng thống Suharto vào năm 1998, chính trị Indonesia và các cơ cấu chính phủ đã hoàn chỉnh hơn sau những cải cách lớn toàn diện. Việc sửa đổi đã được tiến hành với Hiến pháp Indonesia năm 1945, có sự sắp xếp lại các nhánh hành pháp, lập pháp, và tư pháp. Tổng thống Indonesia là lãnh đạo quốc gia, tổng tư lệnh các Lực lượng Vũ trang Indonesia và đồng thời là người chịu trách nhiệm quản lý nhà nước, lập chính sách cùng quan hệ đối ngoại. Đỉnh cao là cuộc bầu cử tổng thống năm 2004 là cuộc bầu cử đầu tiên dân chúng được trực tiếp bầu ra tổng thống và phó tổng thống. Những điều đó đã tạo ra một bước ngoặt mang tính lịch sử cho quốc gia Indoneixa, đặc biệt là về mặt kinh tế.
Thủ đô Jakarta
Một trong những biểu hiện rõ nhất về sự thăng tiến của nền kinh tế Indonexia là sự bùng nổ về số lượng xe hơi cá nhân tiêu thụ. Là một quốc gia có nhiều nhà máy sản xuất xe hơi của các hãng ô tô nổi tiếng, song sản lượng xe hơi sản xuất trong nội địa của Indonexia không có khả năng đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của dân chúng. Mà nhà nước phải xúc tiến việc nhập khẩu xe hơi từ các nước khác, mọt trong những trở ngại là việc thiếu các bến bãi phục vụ cho việc nhập cảng xe hơi là mục tiêu hấp dẫn các nhà đầu tư. Do đặc điểm địa lý của Indonexia là một quần đảo, vì vậy việc giao thông ở đất nước này hầu hết là sử dụng phương tiện đường thủy, đây là một trong những điểm hạn chế khiến tỷ lệ chi phí vận chuyển trong giá thành hàng hóa và dịch vụ khá cao. Đây cũng chính là một tiềm năng vô tận, có khả năng thu hút các nhà đầu tư quan tâm đến việc đầu tư cơ sở hạ tầng vận tải biển cự ly ngắn, bao gồm phương tiện, bến cảng và các dịch vụ liên quan... Giao thông vận tải của Indonexia khá đa dạng về các loại hình vận tải, về giao thông đường bộ thì Indonexia hiện có khoảng 780 km đường cao tốc có thu phí, 36.500km đường quốc lộ loại đủ tiêu chuẩn và 320.000 km đường giao thông các loại, như tỉnh lộ, và đường liên huyện ở các địa phương. Về đường sắt của Indonexia có tổng chiều dài 4.675 km tập trung ở các đảo lớn. Vận tải đường thủy với 1.887 cảng và bến tàu, với đội tàu 7.300 chiếc. Về vận tải đường hàng không với 187 sân bay, trong đó 7 sân bay có đường băng dài hơn 3km, 60 sân bay có đường băng dài từ 1 - 3km và 120 sân bay có đường băng dài dưới 1 km.
Trên bản đồ đầu tư của khu vực Đông Nam Á (Asean), có hai địa chỉ đến mà các nhà đầu tư quốc tế quan tâm nhất hiện nay, đó là Indonexia và Myanmar. Và Indonexia còn được đánh giá có tiềm năng, sự ổn định và hiệu quả vốn đầu tư cao hơn cả Myanmar, bởi các thế mạnh khác, đặc biệt là dân số khoảng 240 triệu người, một thị trường đầy tiềm năng. Tuy vậy, nhiều người chưa tới Indonexia thường băn khoăn với câu hỏi về việc những nhà đầu tư sẽ hòa nhập với người dân Indonexia theo đạo Hồi sẽ có các khó khăn trở ngại nào không? Việc Indonesia là quốc gia có số dân theo Hồi giáo đông nhất thế giới; tuy nhiên trong Hiến pháp Indonesia không hề đề cập tới tôn giáo này. Do vậy điều này hoàn toàn không hề có trở ngại như nhiều người băn khoăn. Bằng chứng là nhiều công ty, tập đoàn nổi tiếng của người Trung quốc đã và đang gặt hái nhiều lợi nhuận khi đầu tư ở Indonexia. Đất nước Indonexia tươi đẹp, con người Indonexia thân thiện và mến khách.
Trong gần một thập kỷ gần đây, nhờ có sự cải cách chính trị sâu rộng, triệt để đã mang lại một bầu không khí dân chủ thực sự. Điều đó đã đưa đất nước Indnexia đã và đang chuyển mình mạnh mẽ trên mọi phương diện, đặc biệt là sự chuyển mình về kinh tế để thể hiện tầm vóc, nội lực và tiềm năng của họ. Ở đó cũng là bài học cải cách chính trị cho Việt nam, một quốc gia đang ngày càng tụt hậu so với các nước khác trên thế giới và khu vực vì thể chế chính trị độc đoán, độc đảng.
Ngày 19 tháng 10 năm 2012
© Kami
————————
* Đây là trang Blog cá nhân của Kami. Bài viết không thể hiện quan điểm của Đài Á châu Tự do RFA..
Bài bình luận gần đây