Lê Diễn Đức
Bích Phượng (thứ ba từ phải qua) với bạn hữu, đồng đội - Ảnh: OnTheNet
Tôi chỉ biết chị Đặng Bích Phượng (thường gọi hơn với bút danh hay nickname Phương Bích) qua những tấm hình chị tham gia các cuộc biểu tình yêu nước, bên cạnh những khuôn mặt nổi bật khác như tiến sĩ Nguyễn Xuân Diện, chị Bùi Thị Minh Hằng, blogger Người Buôn Gió, giáo sư Ngô Đức Thọ, hay cụ bà Lê Hiền Đức từ sau vụ cưỡng chế tước đoạt đất đai ở Văn Giang, v.v...
Nhìn chị Bích Phượng trên các tấm hình hay trong các videoclip cho tôi cảm tưởng về một người phụ nữ năng động, mạnh mẽ, cả quyết với nắm đấm giơ cao, miệng hô to "Đả dảo Trung Quốc xâm lược", "Hoàng Sa - Trường Sa - Việt Nam".
Thế nhưng vào Blog của chị đọc ta sẽ thấy một hình ảnh Bích Phượng hoàn toàn khác.
Văn là người. Đúng như thế. Những bài viết của Bích Phượng, thường không ở thể loại chính luận, mà là những mẩu chuyện về suy tư, cảm nhận cá nhân của chị, về những gì xảy ra với mình và những người xung quanh. Ở đây ta thấy ở Bích Phượng một người phụ nữ ưa kín đáo, ngại giao tiếp ồn ào, giàu tình cảm, đầy lòng nhân ái, yêu thương với những người cơ nhỡ, bất hạnh, chí tình chí nghĩa với bạn bè, đồng đội, một đứa con có hiếu, tận tụy chăm sóc cha già, một tâm hồn trong sáng, lương thiện, bộc lộ một cách rất dễ thương, thậm chí có lúc ngây thơ.
Trong năm 2012, có lần Bích Phượng đi biểu tình bị công an hốt lên xe bus cùng những anh chị em biểu tình viên khác đưa vào Trại phục hồi nhân phẩm Thanh Hà. Vì đã có kinh nghiệm về sự việc tương tự đã xảy ra, tôi ít lo lắng như hồi mùa hè năm 2011, biết thế nào công an cũng phải trả tự do cho mọi người, nên ngóng Bích Phượng về viết tường thuật, để vừa đọc và nắm bắt diễn biến, vừa cuời vì lối kể hài hước, dí dỏm, tếu táo của Bích Phượng trong hoàn cảnh nghiệt ngã.
Trong xã hội mà "ra đường là gặp kẻ phạm pháp" (cựu bộ trưởng Tư Pháp Nguyễn Đình Lộc), thiết nghĩ những người như Bích Phượng quả thật đáng quý, trước hết trên phương diện con người, nhân phẩm và đạo đức, chưa nói đến lòng yêu nước sâu sắc và nhận thức cao về trách nhiệm của một công dân trước tình trạng đất nước bị Trung Quốc xâm chiếm biển đảo, xua đuổi và bắt giữ ngư dân nghèo Việt Nam trên vùng biển Việt Nam.
- "Tại sao ngày xưa bố đi làm cách mạng?" - Bích Phượng hỏi bố. - "Vì phát xít Nhật tàn ác với dân mình quá!" - Bố cô trả lời. Bích Phượng lại hỏi: - "Vậy bây giờ nhà cầm quyền Trung Quốc cũng tàn ác với dân mình quá, bố bảo con nên làm gì?".
Bố chị, ông Đặng Hạ, một lão thành cách mạng, 67 tuổi đảng, đã "không biết trả lời như thế nào cho đúng với lương tâm mình" trong ngữ cảnh con gái tham gia biểu tình yêu nước bị chính quyền bắt giữ và liên tục sách nhiễu. Chắc chắn ông ý thức rõ hơn ai hết, con gái mình đã thực hiện quyền biểu tình được hiến pháp bảo hộ. Còn những Nghị định của Chính phủ, cơ quan hành pháp, đi ngược lại tinh thần của Bộ luật cao nhất của một nhà nước. Ngay trong các nghị định vi hiến này, người ta không thấy điều khoản nào cấm biểu tình yêu nước, thậm chí không có cả hai chữ "biểu tình", nhưng vì tham gia biểu tình là trái ý với chính sách nhượng bộ nhu nhược trước Trung Quốc của nhà cầm quyền, nên họ đã cố ý làm biến tướng ý nghĩa, quy chụp tuỳ tiện thành hành vi "gây rối trật tự công cộng".
Và cũng trên cơ sở quy chụp phi lý, tuỳ tiện, trong ngày 14/9, Phó Chủ tịch phường Dịch Vọng, Hà Nội, đã ký quyết định đưa Bích Phượng vào diện giáo dục tại phường, bằng giấy mời với nội dung "trân trọng mời tới dự công bố quyết định áp dụng biện pháp giáo dục tại phường".
Những người biết chữ nghĩa chút ít khi đọc "giấy mời" trên nhận thấy ngay cách hành văn bôi bác, nực cười, văn hoá cùn của kẻ có quyền, chức trong bộ máy cai trị tại Việt Nam.
Nhiều người phẫn nộ khi nhận được tin này. Nhà giáo PhạmToàn viết:
Mấy hôm nay, đọc tin về chị Phương Bích, tôi thấy máu mình sôi lên vì những hành động của cái gọi là "chính quyền và đoàn thể" phường Dịch Vọng:
- Cố tình vi phạm pháp luật (nhân danh "pháp luật" mơ hồ vô căn cứ và bất cập).
- Cố tình vi phạm quyền con người và quyền công dân (lặp lại vụ chị Bùi Thị Minh Hằng).
- Cố tình vi phạm nhân tính (chị Phương Bích đang phải chăm lo nuôi dưỡng cha già ốm yếu) để thực hiện kế hoạch hãm hại người yêu nước, cụ thể là định đưa chi Phương Bích đi "cải tạo" (trước là ở cơ sở, sau đó có thể suy thoái thành đi Thanh Hà chưa biết chừng).
Khổ thân ông Đặng Hạ, người cha già 90 tuổi của Bích Phượng, "lần đầu tiên mất ngủ vì cảm thấy hổ thẹn khi đã không giáo dục nổi con, khiến chính quyền phường phải đứng ra giáo dục thay".
Ông viết trong lá thư gửi Chủ tịch phường Dịch Vọng:
"Tôi đã dạy dỗ con cái mình cũng phải sống trong sạch và ngay thẳng, không được làm điều gì để cha mẹ, ông bà, tổ tiên phải tủi nhục. Và tôi nghĩ con gái tôi đã làm được điều đó. Ngay cả khi con gái tôi hai lần bị bắt, vì bị cho là gây rối trật tự công cộng, tôi vẫn không tin điều đó là có thực. Bởi với bản tính ưa sống khép kín của một phụ nữ ngoài 50 tuổi như con gái tôi, việc ra ngoài để gây rối trật tự công cộng thật là điều thật khó tin".
"Tôi vẫn tâm niệm một điều, nhà nước ta là một nhà nước pháp quyền. Mọi người sống trong xã hội này, bất kể là dân thường hay cán bộ nhà nước đều phải sống và làm việc theo hiến pháp. Tôi tin con gái tôi đi biểu tình chống Trung Quốc xâm lược là thật, nghĩa là thực hiện quyền biểu tình mà hiến pháp đã cho phép, chứ không phải đi gây rối rối trật tự công cộng như những kẻ côn đồ".
"Tôi đã đọc cái nghị định mà chính quyền lấy làm căn cứ để ra quyết định giáo dục con tôi, tôi thực sự không biết phải giáo dục con tôi về việc gì, nên mạo muội hỏi ông chủ tịch phường, xin được ông chỉ bảo cho thì tôi rất lấy làm cảm ơn".
Tôi tin rằng, nỗi đau đớn, xót xa của ông Đặng Hạ về việc đứa con gái tử tế và lương thiện của mình bị chính quyền cưỡng bức "giáo dục" (mà không biết họ giáo dục cái gì) thì ít, mà về sự phản bội thì nhiều hơn, về trái đắng của một người đã suốt đời đi theo đảng CSVN.
Tuy nhiên, ông không phải là người đầu tiên mà cũng không phải là người cuối cùng. Trước ông đã có nhiều vị lão thành cách mạng khác nhận ra sự trở mặt, phản bội của những kẻ cầm quyền hiện nay. Những người khảng khái, can đảm, thẳng thắn đó là cố trung tướng Trần Độ, thiếu tướng Nguyễn Trọng Vĩnh, luật gia Lê Hiếu Đằng, cụ bà Lê Hiền Đức, hay những người anh, cha chú, đồng đội của Bích Phượng: nhà văn Nguyên Ngọc, cựu nhà báo quân đội, đại tá Phạm Đình Trọng, người đã tự ra khỏi đảng, hay tiến sĩ Đỗ Xuân Thọ, người đã tuyên bố đốt thẻ đảng để bày tỏ sự thất vọng của mình.
Nhận được tin, cũng như nhà giáo Phạm Toàn, tôi rất phẫn nộ. Nhưng tôi nghĩ nhiều hơn về biện pháp cai trị lạc hậu, mọi rợ của một nhà nước khi con người đã qua thập niên thứ hai của thế kỷ 21.
Hành động của nhà cầm quyền với chị Bích Phượng làm tôi nhớ tới cuốn tiểu thuyết "Mảnh đất lắm người nhiều ma", tác phẩm xuất sắc của nhà văn Nguyễn Khắc Trường, xuất bản năm 1990, viết về xã hội nông thôn Việt Nam, nơi mà tác giả thấy toàn "cóc nhái nhảy lên làm người".
Lẽ ra tác giả phải viết thời buổi "cóc nhái nhảy lên làm quan chức" và lúc bấy giờ có lẽ tác giả chỉ hình dung hiện tượng này xảy ra ở nông thôn mà chưa biết bây giờ nó ở ngay giữa thủ đô Hà Nội.
Vì cóc nhái nhảy lên ghế quan nên mới có những câu nói ngớ ngẩn, từ trên xuống dưới, từ những cái đầu vô học, tâm thần, như "kỷ luật hết thì lấy ai làm việc" (chủ tịch quốc hội Nguyễn Sinh Hùng); đòi ra “Luật nhà văn”, “luật nhà thơ” (đại biểu quốc hội Nguyễn Minh Hồng); “Việt Nam chưa phải là siêu cường kinh tế để có thể đài thọ cho một sự ô danh (luật biểu tình)” (đại biểu quốc hội Hoàng Hữu Phước) dù được ghi trong Hiến pháp; hay phải có tàu cao tốc vì "Việt Nam ta cũng có chỉ số IQ cao" (đại biểu quốc hội Trần Tiến Cảnh) - đã từng làm cho dư luận nhiều phen cười sặc.
Vì cóc nhái lên làm nguời, làm quan, mà giữa lòng thủ đô Hà Nội văn hiến, trung tâm kinh tế, chính trị, văn hoá, ngoại giao của cả nước, khẩu hiệu, panô đỏ chói tràn ngập phố phường với nội dung kỳ quặc, viết sai chính tả, có thể đưa vào tuyển tập tiếu lâm Việt Nam: "Nhiệt liệt tham gia uống thuốc tẩy giun", "Chủ tịch Hồ Chí Minh là doanh nhân văn hoá thế giới", "Không mặc quần áo tại các tụ điểm sinh hoạt công cộng", "Làm tốt công tác Dân Số - Sinh Đẻ Có Kế Hoạch là góp phần giải quyết ùn tắc giao thông", v.v...
Vì cóc nhái lên làm nguời, làm quan, nên trong ngày hôm nay "quay mặt phía nào cũng phải ghìm cơn mửa - Cả một thời đểu cáng đã lên ngôi!” (Bùi Minh Quốc), vẫn tồn tại những hành vi tùy tiện, vi phạm nhân quyền và nhân phẩm con nguời trắng trợn của thời kỳ bán khai, hủ lậu như trò hề đấu tố, giáo dục tại phường.
Viết (trong bài đã dẫn) rằng, "phường Dịch Vọng là nơi có mấy trường Đại học. Nhưng xem ra những trí thức trẻ ở đó đã bị ru ngủ hoặc bị đe dọa không hành động hết để bảo vệ người lương thiện", nhà giáo Phạm Toàn có lẽ quên mất nơi này lắm người nhiều ma, thậm chí toàn ma.
Cách đây không lâu, xem videoclip cuộc đấu tố luật sư Lê Quốc Quân, cũng tại Hà Nội, ngẫm nghĩ tội nghiệp quá cho những đại diện mà nhà cầm quyền lựa chọn làm diễn viên trong vở hề. Họ chằng còn là những con người, mà là những cái xác vô hồn. Đúng hơn, họ là những con ma như nhà văn Nguyễn Khắc Trường đã mô tả:
"Đừng tưởng đất này đã hết ma. Ma còn đang đẻ sinh đôi sinh ba nữa cơ đấy! (...) Xưa nay người ta chỉ sợ người chết chứ ai sợ người sống? Có đúng không hở? Chỉ sợ ma chứ ai sợ người. Có phải không hở? (...) Nhìn chả thấy người đâu, toàn ma. Những thân người sống ngồi đấy mà cấm còn nhận ra ai nữa".
Một xã hội mà cóc nhái nhảy lên làm người, làm quan cai trị, còn xung quanh toàn ma, thì những chuyện "giáo dục" với chị Bích Phượng không có gì đáng ngạc nhiên. Nó cũng giống như truờng hợp của người bạn đồng đội của chị, chị Bùi Thị Minh Hằng, bị bọn lưu manh côn đồ, bọn ma đêm, liên tục hắt đồ dơ bẩn vào nhà, đến mức treo cả ảnh Hồ Chí Minh và các vị lãnh đạo, hy vọng làm bùa che chở cũng chẳng được buông tha, hình ảnh những vị đại diện của đảng và nhà nước CHXHCNVN vẫn bị chọc nát và tạt dơ bẩn đến thảm hại!
Người ta nói rằng, "ma quỷ chẳng bao giờ dám mặt đối mặt", vì thế chị Bích Phượng ơi, bằng tâm hồn luơng thiện và trong sáng, hãy nhìn thằng vào mặt họ, họ sẽ run sợ! Hãy lấy kiến thức, kinh nghiệm và sự giáo dục của gia đình, dạy cho bọn vô giáo dục biết thế nào là lòng yêu nước, trách nhiệm của công dân khi Tổ quốc bị xâm lăng và quyền tối thiểu của một con người.
Tục ngữ Bulgaria có câu "Lũ ma quỷ biết hết tất cả, nhưng không biết những người phụ nữ mài dao ở đâu". Tôi tin như thế, chị Bích Phượng ạ!
Ngày 16/9/2012
© 2012 Lê Diễn Đức - RFA Blog
Bài bình luận gần đây