You are here

Nước mắt nghiệp chướng và "Nụ cười Hoàng Khương"

 
Lê Diễn Đức
 
 Hoàng Khương từng được trao giải nhà báo xuất sắc của TP HCM - Ảnh: BBC
 
Nếu bạn không tỏ thái độ phản đối khi một đồng nghiệp của bạn bị trấn áp bất công, vô nhân đạo, thì bạn không phải là một nhà báo tử tế.
 
Bằng cách này hay cách khác trong bối cảnh của mình, nhưng bạn phải làm một điều gì đó, ít nhất là lên tiếng nói công khai thể hiện tình đoàn kết, chia sẻ với đồng nghiệp và gia đình. Bởi vì nạn nhân tiếp theo có thể là chính bạn và theo luật nhân quả, lúc đó bạn sẽ cô đơn như một con thỏ con giữa bầy lang sói.
 
Tôi muốn nói như thế với tất cả các bạn của tôi, những người cầm bút trong và ngoài nước. Chỉ khi là một con người tốt mới có thể trở thành một nhà báo tốt. Nhà báo mà im lặng trước đồng nghiệp bị oan ức, lâm nạn nghề nghiệp chỉ vì lợi ích xã hội trong sáng, là đáng trách và xấu hổ.
 
Bản án 4 năm tù dành cho nhà báo Hoàng Khương trong ngày 7/9/2012 đã làm tôi, cũng như nhiều người khác phẫn nộ và càng thấy thương mến Hoàng Khương hơn, cho dù khi bắt đầu phiên toà tôi đã ý thức rằng, đối đầu với "thanh gươm và lá chắn" của chế độ, Hoàng Khương khó có thể tránh được đòn trả thù của bộ máy công an trị hà khắc nhất Đông Nam Á. Hơn thế, tham nhũng đã và đang là bản chất của bộ máy cai trị của Đảng Cộng sản Việt Nam hiện nay, là phương tiện sống còn để vinh thân phì gia của các quan chức, đặc biệt là giới khoác áo nhân danh pháp luật tiếp cận hàng ngày với đời sống sinh hoạt của quần chúng.
 
Trả lời BBC Việt ngữ cùng ngày, nhà báo Phạm Xuân Nguyên nói rằng, “các phóng viên, nhà báo làm về mảng tham nhũng luôn luôn là mảng nguy hiểm, vì càng dấn sâu vào sự tham nhũng đó, vì quyền lợi của họ, họ sẽ không từ một thủ đoạn nào".
 
Chinh vì lẽ đó, ít ai không nhìn thấy rất rõ những nghịch chướng, bất công, vô nhân đạo khi so sánh hai phán quyết của toà án với cùng mức 4 năm tù, một cho Hoàng Khương và một cho vụ án rất gần đây cũng liên đới tới công an.
 
Ở đây tôi không nhìn từ khía cạnh mức án 4 năm tù có hợp lý hay không theo quy định của Bộ Luật Hình Sự về tội đưa hối lộ, mà chỉ nói đến sự bất hợp lý, tư duy kém cỏi và cách giải quyết táng tận lương tâm, không một chút tình người của những người cầm cán cân công lý.
 
Một bên là bản án 4 năm tù cho Nguyễn Văn Ninh, trung tá công an Hà nội đã đánh chết người dã man ngay tại chốn công quyền và đến giờ chót trước toà và gia đình nạn nhân, y vẫn ngênh ngang, trắng trợn không nhận tội, thậm chí còn được toà nỗ lực bao che.
 
Một bên là nhà báo được giao trách nhiệm làm phóng sự, có sự chấp thuận của cơ quan chủ quản về biện pháp tác nghiệp "gài bẫy", nhằm mục đích chụp bắt ngay tại hiện trường hành vi nhận hối lộ (thường vô cùng khó khăn để bắt quả tang trong thực tế) của Huỳnh Minh Đức, thượng uý công an, được xem là nhân vật “tác oai tác quái” trong đường giây nhận hối lộ bao chạy hồ sơ, xử lý vi phạm giao thông. Và trước toà, Hoàng Khương đã có thái độ chân thành, biết mình có lỗi. Anh đã nói:
 
"Thưa hội đồng xét xử! Suốt những ngày bị tạm giam, bị cáo lúc nào cũng chỉ nghĩ về vụ án và luôn ray rứt tự hỏi: Liệu nếu không có hai bài báo này bị cáo có phải bước vào vòng lao lý ngày hôm nay không? Và chỉ vì sai sót về nghiệp vụ, với động cơ hoạt động trong sáng là phát hiện tiêu cực và đấu tranh chống tiêu cực, đúng với chủ trương của Đảng và Nhà nước mà phải chịu phạm pháp lý như ngày hôm nay hay không?
 
Thưa hội đồng xét xử! Trong suốt những ngày bị tạm giam và trong quá trình điều tra cũng như tại phiên tòa hôm nay, bị cáo xác định mình có lỗi, hành vi là có. Nhưng theo bị cáo chưa đến mức phải chịu trách nhiệm hình sự và tội phạm pháp lý mà bị cáo phải nhận đến hôm nay là 248 ngày tạm giam, đối với bị cáo đã là quá nặng nề.
 
Bị cáo mong hội đồng xét xử xem xét lại sự đóng góp của bị cáo trong quá trình làm báo. Xem xét lại động cơ mục đích, xem xét lại việc làm sai, có công và có lỗi trong vụ án này. Thực tế trong suốt quá trình làm báo, dù ở cơ quan nào bị cáo cũng được tin tưởng giao mảng nội chính - một mảng nguy hiểm và phức tạp".
 
Theo Viện Khoa học Thanh Tra của Chính phủ thì, ngay cả Bộ Luật Hình Sự (BLHS) năm 1999 hiện hành (đã được sửa đổi, bổ sung năm 2009) cũng không định nghĩa thế nào là “hối lộ”.
 
Theo đó, các phạm trù “hối lộ” chỉ được hiểu thông qua khái niệm “nhận hối lộ” đã ghi nhận tại Điều 279 BLHS về tội nhận hối lộ. Nhận hối lộ là hành vi “lợi dụng chức vụ, quyền hạn, trực tiếp hoặc qua trung gian đã nhận hoặc sẽ nhận tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác dưới bất kỳ hình thức nào… để làm hoặc không làm một việc vì lợi ích hoặc theo yêu cầu của người đưa hối lộ”.
 
Cũng theo đó, hành vi thuộc nhóm “hối lộ” (tội nhận hối lộ, tội đưa hối lộ và tội làm môi giới hối lộ) ở Việt Nam là hành vi vi phạm pháp luật. Nhưng "nó có trở thành tội phạm hình sự hay không thì còn phụ thuộc vào tính chất và mức độ nguy hiểm của hành vi cụ thể".
 
Trong khi đó, điều 26 Nghị định số 73/2010/NĐ-CP ngày 12/7/2010 quy định: "Người nào có hành vi “đưa tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác cho người thi hành công vụ để trốn tránh việc xử lý vi phạm hành chính, nhưng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự” bị phạt tiền từ 500 ngàn đồng đến 2 triệu đồng. Ngoài ra, toàn bộ số tiền, tài sản hoặc vật chất dùng để hối lộ người thi hành công vụ sẽ bị tịch thu theo quy định".
 
Dưới góc độ chuyên môn, luật sư Vũ Thái Hà nói:
 
"Theo quy định tại Điều 289 Bộ luật Hình sự năm 1999 (được sửa đổi, bổ sung năm 2009) và các văn bản liên quan, tội đưa hối lộ là hành vi của người đưa tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác để người có chức vụ, quyền hạn làm hoặc không làm một việc vì lợi ích hoặc theo yêu cầu của người đưa hối lộ.
 
Người đưa hối lộ là người có lợi ích liên quan đến việc làm hay không làm của người có chức vụ, quyền hạn.
 
Lợi ích này có thể là lợi ích trực tiếp của người đưa hối lộ (được phân nhà, được đi học, đề bạt, bổ nhiệm, v.v…) hoặc là lợi ích của người thân quen, bạn bè hoặc cũng có thể là lợi ích của một tập thể mà người đưa hối lộ là đại diện".
 
Trên cơ sở các tư liệu trên, tôi nhìn nhận việc làm của nhà báo Hoàng Khương như sau:
 
Thứ nhất. Tính chất và mức độ nguy hiểm của hành vi.
 
Tinh chất và hành vi của Hoàng Khương trong tác nghiệp hoàn toàn không gây nguy hiểm gì cho xã hội, mà ngược lại, có tác dụng tích cực ngặn chặn, răn đe và gây nguy hiểm (nếu có) thì chỉ cho những kẻ xấu, tham lam, lợi dụng chức vụ quyền hạn để làm tiền đối với dân chúng. Việc làm của Hoàng Khương, nếu thực hiện khảo sát dư luận chắc chắn sẽ nhận được sự ủng hộ cao, trong bất kỳ xã hội nào.
 
Khoản 4, điều 8, Bộ Luật Hình sự cũng quy định "Những hành vi tuy có dấu hiệu của tội phạm, nhưng tính chất nguy hiểm cho xã hội không đáng kể, thì không phải là tội phạm và được xử lý bằng các biện pháp khác".
 
Thứ hai - Lợi ích trực tiếp của người đưa hối lộ hoặc của một tập thể mà người đưa hối lộ là đại diện.
 
Là nhà báo làm công ăn lương, Hoàng Khương thực hiện công việc của toà soạn giao phó và ngay cả việc đưa tiền để "gài bẫy" cũng được lãnh đạo tờ Tuổi Trẻ, như họ đã nói “nhà báo Hoàng Khương đã tác nghiệp theo đúng yêu cầu của ban biên tập chứ không có động cơ, mục đích cá nhân”), lợi ích vật chất trực tiếp cho Hoàng Khương rõ ràng không có. Có chăng, thì chỉ là gián tiếp. Gần 50 bài báo của anh về tệ nạn nhận hối lộ trong ngành cảnh sát giao thông, được bạn đọc cả nước đón nhận với lòng quý mến, cảm phục và họ sẽ đến với anh nhiều hơn. Có thể nhờ chúng mà anh nổi tiếng hơn như là một nhà báo tranh đấu chống tham nhũng, được cái danh dù rất đáng tự hào nhưng thực chất "có tiếng mà không có miếng".
 
Tuy nhiên, rất có thể nhờ loạt bài phóng sự của anh về đề tài nóng của Việt Nam hôm nay đã làm cho tờ Tuổi Trẻ tiếng tăm hơn, báo bán chạy hơn, mang lợi nhuận nhiều hơn. Nhưng nếu như thế, cùng với sự chấp thuận biện pháp tác nghiệp của Hoàng Khương, lẽ ra lãnh đạo của Tuổi Trẻ mới chính là đối tuợng đúng và chịu trách nhiệm chính về cáo buộc tội "đưa hối lộ". Nhà báo Hoàng Khương chịu một phần trách nhiệm trong vai trò của người thừa hành.
 
Trong ánh sáng của các phân tích trên, chúng ta có thể đặt nghi vấn vì sao luật sư Phan Trung Hoài, người biện hộ cho Hoàng Khương, đã nhiều lần gửi kiến nghị hội đồng xét xử mời đại diện Ban biên tập báo Tuổi Trẻ tới tham dự phiên tòa với tư cách người có quyền và nghĩa vụ liên quan, nhưng không được chấp thuận.
 
Liêu sự có mặt của lãnh đạo báo Tuổi Trẻ sẽ làm cho quan toà bối rối không thể đưa ra phán quyết (ví dụ lãnh đạo Tuổi Trẻ đứng ra nhận việc đưa hối lộ ấy là do mình, của mình)? Hay là có sự thoả thuận ngầm nào của lãnh đạo báo Tuổi Trẻ với Công an và Toà án, nhằm gạt hết tội cho Hoàng Khương, rồi mọi thứ sẽ đâu vào đấy?
 
Câu trả lời thuộc về ban lãnh đạo tờ Tuổi Trẻ và phụ thuộc vào thái độ của họ có đấu tranh đấu đến cùng, hết mình vì tai ương nghiệp chướng của đồng nghiệp hay không trong tiến trình kháng án vào những ngày tới.
 
Bản án nặng nề và vô nhân đạo dành cho Hoàng Khương đã và đang tạo ra làn sóng bất bình và rung động tâm cảm mọi người trong cộng đồng Inernet.
 
Một đồng nghiệp (Thuy Cuc) của Hoàng Khương đang làm việc ở Tuổi Trẻ, ôm con gái nhỏ (tên An) thao thức và chua chát viết trong bài "Làm báo để làm gì?": 
 
"Dứt khoát mình không hướng bé An vào nghề báo hoặc nghề nào gần gần nghề báo, có dính dấp đến những chữ như “công bằng”, “công lý”, hoặc… tương tự. Cho dù cha mẹ bé An đều là những người yêu nghề và theo nghề báo, và cũng đã – ở một mức nào đó - có thể tự hào làm đúng thiên chức xây dựng xã hội công bằng, minh bạch và dân chủ. Chiều nay, sau khi Hoàng Khương bị tuyên án 4 năm tù - dù mọi chứng cứ, lập luận tại tòa đều cho thấy hành vi của Hoàng Khương hoàn toàn nhằm để tác nghiệp, thực hiện bài điều tra, cha của Hoàng Khương đã vừa khóc vừa nói tại sân tòa “Không, không, nhà tui, gia đình tui sẽ không bao giờ cho ai đi theo nghề báo nữa”.
 

Nước mắt của người cha già của Hoàng Khương sau phiên toà- Ảnh: PL TPHCM

 
Lời tâm tình của Thuy Cuc cũng chính là những giọt nước mắt cộng hưởng từ nỗi đau của người cha già của Hoàng Khương, chảy ra từ con tim, từ sâu thẳm của đáy lòng trong nỗi thất vọng, bất lực của người cầm bút có lương tri, là những "giọt nước mắt lề phải" như nhà báo Đoan Trang đã nói tới.
 
Sau vụ cưỡng chế tuớc đoạt đất đai tại Văn Giang, từ thái độ từ khiếp sợ đến cam chịu nhục nhã của hai phóng viên Đài Tiếng nói Việt Nam, sau khi bị công an đánh đập thô bạo, nhà báo Võ Văn Tạo đã chẳng viết "Nhà báo Việt Nam khổ hơn... chó" - đó sao?
 
Nhưng bên cạnh những giọt nứơc mắt, nỗi cay đắng, xót xa, tủi nhục của thân phận người làm báo lề đảng, vẫn sáng lên nụ cười.
 
Vâng, tôi gọi là "Nụ cười Hoàng Khương"!
 
Anh cười với khuôn mặt điềm tĩnh nhìn đồng nghiệp tại phòng xử án và với hai tay bị còng trước khi bị đưa lên xe bít bùng của công an trở về nhà tù, bên cạnh những khuôn mặt hung tợn của đám công an.
 

 

 Nụ cười Hoàng Khương trong phòng xử án và sau phiên toà ngày 7/9/2012 - Ảnh: PL TPHCM
 
Nụ cười Hoang Khương! Vâng, các bạn hãy nhìn kỹ Hoàng Khương trên tấm hình. Khuôn mặt anh hiền lành với nụ cười thân thiện, nhân ái làm sao!
 
Tôi tin rằng, "Nụ cuời Hoàng Khương" là niềm hy vọng và sứ mệnh mà Khương muốn chuyển tải tới chúng ta.
 
Rằng, trong cái xã hội mà cái Ác đang hoành hành, đè nát cái Thiện bằng đủ thứ chủ nghĩa mà trước hết là chủ nghĩa tất cả vì tiền, sẽ vẫn còn những người cầm bút dũng cảm, đại diện cho một xã hội bị bịt miệng, dám gióng lên tiếng nói chống lại cái Ác, bằng các bài viết của mình.
 
Một bạn tên "Mai le" viết comment dưới status tôi đưa tin về Hoàng Khương trên Facebook:
 
"Trong khi nhiều "nhà báo" chỉ đưa được toàn tin cướp-giết-hiếp thì vẫn còn rất nhiều nhà báo với lương tâm và lòng yêu nghề, đang ngày đêm bất chấp nguy hiểm góp phần làm cho xã hội và cuộc sống đẹp hơn, lành mạnh hơn. Nhưng họ đang bị đối xử như thế này... Rất ấn tượng với nụ cười điềm tĩnh của anh Hoàng Khương".
 
"Nụ cười Hoàng Khương" thêm một lần nữa nhắc chúng ta về lời nói của Edmund Burke (1729-1797), nhà lý thuyết học chính trị, triết gia người Ireland:
 
"Cái Ác sẽ đủ giành chiến thắng, khi những người tốt không làm gì cả".
 
Ngày 7 tháng 9 năm 2012
 
© 2012 Lê Diễn Đức - RFA Blog